Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-06-2020] Tôi đắc Đại Pháp năm 1993 và có thể tham gia hai buổi giảng Pháp của Sư phụ.

Sư phụ đặc biệt giảng về vấn đề tâm tật đố:

“Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi không nghĩ rằng mình có tâm tật đố. Sau khi tu luyện, tôi nhận ra mình có chấp trước này. Nhưng tôi cảm thấy xấu hổ và không muốn thừa nhận nó. Sau đó, tôi có thể đối mặt và dần dần buông bỏ.

Lần đầu tiên tôi nhận ra mình có chấp trước này là vào năm 1996. Một ngày, bạn của một đồng nghiệp của tôi tới mượn băng ghi âm các bài giảng của Sư phụ. Cô ấy muốn mang băng ghi âm về nhà nhưng tôi đã nói: “Chồng của chị không hiểu về Đại Pháp. Tôi muốn chị nghe bài giảng ở nhà tôi hơn.”

Sau khi cô ấy rời đi, tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng. Tôi nhận ra những lời tôi nói chỉ là một cái cớ. Điều tôi thực sự nghĩ là: “Mình đã phải bỏ ra rất nhiều để có được những băng thâu âm này và mình không muốn cô ấy có được chúng mà không phải bỏ ra gì; chỉ khi cô ấy cho mình thứ gì đó mình mới cảm thấy tốt hơn.” Những suy nghĩ đó khiến tôi sợ hãi. Tại sao tôi lại có tư tưởng bất hảo như vậy?

Tôi biết hướng nội. Chạng vạng tối ngày hôm đó, khi tôi đang đi xe đạp tới điểm luyện công, tôi liên tục nghĩ: chấp trước phía sau sự việc này là gì? Tâm tranh đấu? Không phải. Tâm hiển thị? Không phải? Tâm tham? Không phải. Tâm tật đó? Đúng vậy! Khi phát hiện ra tâm tật đố của mình, tôi có cảm giác nhẹ nhõm. Tôi biết mình đã tìm đúng tâm chấp trước.

Tối hôm đó, khi đang luyện bài công pháp thứ hai và ôm bánh xe qua đầu, tôi cảm thấy một lớp vỏ dày lăn từ trên đỉnh đầu của tôi xuống. Sau đó tôi nhìn thấy hình ảnh của mình với một chiếc đầu hói. Tôi biết rằng một lớp vỏ chấp trước đã được lấy ra khỏi cơ thể của tôi từ trường không gian khác.

Sau khi luyện công xong, tôi chia sẻ trải nghiệm của mình với các học viên khác, nhưng tôi chỉ đề cập rằng “Tôi nhận thấy bản thân mình có tâm không tốt.” Tôi không đề cập đó là tâm tật đố vì tôi nghĩ tâm tật đố rất đáng xấu hổ và nó có nghĩa là tâm tính của tôi kém. Mãi cho đến hai tháng sau tôi mới lần đầu tiên thừa nhận cảm giác “tật đố.” Trong kỳ nghỉ tôi trở về nhà, và chia sẻ điều đó với mẹ của tôi, cũng là một học viên.

Kể từ đó, tôi bắt đầu cảnh giác với tâm tật đố. Và trong một thời gian dài, tôi đã không còn cảm thấy mình lại có chấp trước tật đó nào đó nổi lên rõ ràng nữa.

Hôm nay tôi viết về vấn đề này là do một tình huống đã xảy ra hơn 10 ngày trước. Nó là sự việc nhỏ nhưng lại phản ánh một vấn đề lớn: Rằng tôi đã không thực sự vứt bỏ tâm tật đố.

Tôi nhìn tấm hình trên máy tính của một bạn đồng tu đang ngồi đả tọa với tư thế rất ngay thẳng. Tôi đã dành gần 20 năm và chịu đựng rất nhiều để có thể ngồi tư thế song bàn trong khi đả tọa, vì thế bức ảnh ấy đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi. Sau đó vào buổi sáng khi ngồi đả tọa, tôi nhớ lại bức ảnh đó và nghĩ: “Học viên ấy chỉ có thể giữ được tư thế đó khi bắt đầu ngồi đả tọa nhưng sẽ không thể khi cô ấy ngồi lâu hơn.”

Thật may mắn, tôi ngay lập tức giữ chặt suy nghĩ đó và nghĩ về nó: Tại sao mình lại nghĩ như vậy? Điều đó không phải mình không muốn thấy người khác làm tốt sao? Có phải chỉ khi người khác có điểm thiếu sót mình mới cảm thấy thoải mái? Không phải mình lại có tâm tật đố sao? Tôi cảm thấy thật xấu hổ.

Những tình huống mô tả tâm tật đố

Tình huống thứ nhất: Tôi là một học sinh giỏi ở trường tiểu học. Một vài bạn cùng lớp luôn chép bài về nhà của tôi vì thế họ luôn được 100 điểm và được khen ngợi. Mặc dù tôi để họ chép bài của mình nhưng trong tâm tôi không hề vui vẻ. Đó không phải vì họ đang gian lận mà vì họ được khen ngợi mà không hề học tập chăm chỉ như tôi. Bây giờ, tôi nhận ra rằng tôi đã có tâm tật đố mạnh mẽ từ khi tôi còn nhỏ.

Tình huống thứ hai: Đó là vào những năm 70. Vào lúc đó, hành khách sẽ lên xe buýt trước, sau đó người soát vé yêu cầu từng người mua vé. Nhưng người soát vé thường xuyên không nhận ra rằng một vài người vừa mới lên xe và không trả tiền vé và nhiều người trong số họ có cách để không phải mua vé. Vào lúc đó, tôi luôn có ý muốn mạnh mẽ để người soát vé biết ai đã không mua vé, không phải vì hành vi của họ không tốt mà vì tôi nghĩ họ đang lợi dụng chúng tôi. Không phải đây cũng là tâm tật đố sao? Và nó rất mạnh mẽ.

Hơn nữa, tôi hiếm khi khen ngợi những người nổi trội ở phương diện nào đó, đặc biệt khi họ khoe khoang. Tôi thậm chí còn không muốn nhìn họ. Ở đó có tâm tranh đấu nhưng quan trọng hơn, ở đó còn có tâm tật đố.

Ngoài ra, tôi cũng nhận ra rằng tôi luôn chỉ ra vấn đề ở người khác. Tôi có thể dễ dàng nhìn thấy những điểm yếu của người khác, ngay cả khi tôi đi ngang qua các biển hiệu quảng cáo, tôi thường nhận xét về cách diễn đạt của họ. Các học viên khác thường nói họ đề cao rất nhiều sau khi nói chuyện với tôi, nhưng họ cũng nói tôi thường thể hiện ra thái độ ra lệnh. Bây giờ, tôi nhận ra rằng mặc dù những điều tôi nói thường thường đúng, nhưng vấn đề chính là thái độ của tôi lại luôn luôn tập trung vào những điểm yếu của người khác.

Khi tôi lùi lại một bước và nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, tôi nhận ra rằng khi tôi chỉ ra vấn đề của những người khác, suy nghĩ thực sự của tôi là dùng sai lầm của người khác để chứng tỏ sự đúng đắn của mình. Đây là Thiện và Nhẫn sao?

Tôi không nói rằng chúng ta không thể chỉ ra những vấn đề của người khác. Khi tôi đang đánh máy bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện này, tôi hiểu trạng thái tâm lý mà một học viên Đại Pháp nên có: nhìn ra vấn đề của bản thân mình thông qua vấn đề của người khác và chỉ ra vấn đề của họ với xuất phát điểm thực sự vị tha, đồng thời lặng lẽ sửa chữa bất cứ điểm yếu nào.

Tôi cảm thấy lần này tôi đã gỡ bỏ từng tầng từng tầng tâm chấp trước. Tôi hy vọng tôi có thể bước đi vững chắc hơn nữa trên con đường tu luyện tương lai của mình, liên tục đồng hóa với nguyên lý vũ trụ Chân-Thiện-Nhẫn và dần dần phản bổn quy chân.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào chưa đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/11/406891.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/14/186348.html

Đăng ngày 03-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share