Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-06-2020] Gần đây, tôi nhận ra tính tự cao tự đại và ngoan cố dường như là biểu hiện của một loạt chấp trước. Khi một người tự cao tự đại thấy các chấp trước của mình, anh ta có thể không muốn thanh trừ chúng, bởi vì anh ta có thể đã bị các quan niệm của mình chặn cứng lại rồi. Chỉ khi một người buông bỏ các quan niệm của bản thân và tâm tự cao tự đại, người đó mới có thể có thể thực sự tu luyện.

Mỗi học viên có những thể ngộ khác nhau về Pháp, và tất cả chúng ta đều đang tu luyện tại các tầng thứ khác nhau. Chúng ta bày tỏ sự tôn kính đối với Sư phụ theo các cách khác nhau. Nhưng vì tu luyện cùng một Pháp, nên yêu cầu của Pháp đối với chúng ta là như nhau.

Sự hình thành và phát triển của tâm tự cao tự đại

Sư phụ giảng:

“Mang theo chấp trước mà học Pháp thì không phải chân tu. Nhưng có thể trong tu luyện dần dần nhận thức ra chấp trước căn bản của mình, vứt bỏ nó, từ đó đạt đến tiêu chuẩn người tu luyện. Vậy chấp trước căn bản ấy là gì? Tại thế gian người ta hình thành rất nhiều quan niệm, đến mức bị quan niệm chi phối, truy cầu những điều [mình] theo đuổi.” (“Tiến đến viên mãn”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Trong suốt cuộc đời mình, mỗi người đều đã trải qua nhiều điều, là cơ sở cho người đó hình thành các suy nghĩ và quan niệm của bản thân, và dựa trên những quan niệm đó họ có thể phán xét mọi thứ, kể cả những người xung quanh. Nếu họ tự cho những quan niệm này là đúng, anh ta có thể trở nên ngoan cố và phát triển tâm tự cao tự đại. Và rồi tâm tự cao tự đại sẽ bảo vệ những quan niệm của người đó khỏi bị thay đổi hay nghi ngờ.

Chẳng hạn, khi bị chỉ trích, một người bị dẫn dắt bởi tâm tự cao tự đại sẽ bắt đầu tranh luận để bảo vệ bản thân. Là một học viên, tại thời điểm đó, anh ta nên nhớ lại bài thơ của Sư phụ:

Nếu gặp phải biện giải mạnh mẽ thì đừng tranh lời

Hướng nội tìm nguyên nhân, ấy là tu luyện

Càng muốn giải thích thì tâm càng nặng

Mà lòng khoáng đãng không chấp thì lại nảy ý kiến sáng suốt“

(“Biện giải ít đi thôi”, Hồng Ngâm III)

Tâm tự cao tự đại bảo vệ tất cả các chủng chấp trước khác, để rồi kiểm soát suy nghĩ cũng như hành vi của một người. Nó chi phối lối tư duy của người đó và quyết định việc chấp nhận hay từ chối một khái niệm hay hiểu biết mới. Kết quả là người đó có thể chỉ đang đo lường mọi thứ dựa trên các quan niệm người thường của anh ấy. Nếu không nhận thức rõ ràng điều này, anh ta sẽ không thể thực tu.

Sự nguy hiểm của tâm tự cao tự đại

Khi bị chỉ trích, nhiều học viên nói “Lời của bạn không chạm được tới tôi.” Họ sử dụng các quan niệm người thường để bảo vệ các chủng chấp trước và lợi ích cá nhân của họ. Họ không muốn tu luyện bản thân, và chỉ tu luyện một cách thụ động. Họ có thể sẽ không thay đổi cho đến khi lời của những người khác chạm vào tâm họ. Nhưng Sư phụ đã giảng cho chúng ta rằng không ai có thể ép buộc người khác tu luyện.

Mỗi người đều mang theo các chủng quan niệm hậu thiên; chúng dẫn dắt suy nghĩ và khiến người đó tin rằng anh ta đúng khi nói đến bất cứ điều gì. Tâm tự cao tự đại là lý do khiến một học viên không thể nhận ra các chấp trước, và không thể đắc Pháp dẫu đang đọc Pháp.

Sư phụ giảng:

“Tôi có một số sách, băng tiếng, băng hình; qua đó chư vị sẽ nhận thấy rằng, chư vị xem qua, nghe qua một lượt; qua một thời gian xem lại, nghe lại, đảm bảo nó [lại] có tác dụng chỉ đạo đối với chư vị. Chư vị không ngừng đề cao bản thân, [thì nó] không ngừng có tác dụng chỉ đạo đối với chư vị; đây chính là Pháp. Vậy luyện công chẳng tăng công có hai nguyên nhân [nói] trên: không biết Pháp tại cao tầng thì chẳng có cách nào tu; không hướng nội mà tu, không tu tâm tính [thì] chẳng thể tăng công. Đó chính là hai nguyên nhân.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Thể ngộ của tôi là Pháp mà chúng ta đọc hàng ngày là biểu hiện của Đại Pháp ở tầng người thường. Nếu chúng ta liên tục đề cao tâm tính, Sư phụ sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn và điểm hóa, giúp chúng ta thấy những nội hàm thâm sâu hơn của Pháp ở các tầng thứ cao hơn. Chúng ta giác ngộ trong khi tu luyện, và sự giác ngộ giúp chúng ta tu luyện. Khi chúng ta đạt đến một tầng thứ nhất định, Sư phụ sẽ chỉ cho chúng ta Pháp tại tầng thứ đó, cho phép chúng ta tiến đến tầng thứ tiếp theo.

Nếu chúng ta không đề cao, Sư phụ sẽ không cho chúng ta thấy Pháp ở tầng thứ cao hơn và chúng ta sẽ không thể ngộ Pháp ở tầng thứ cao hơn đó. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không thể đắc Pháp dẫu đang đọc Pháp, và những gì chúng ta ngộ ra chỉ là những nguyên lý ở tầng người thường.

Một số học viên không muốn nói về ngộ. Ngộ là rất quan trọng trong toàn bộ quá trình tu luyện. Sư phụ dạy Pháp cho chúng ta. Nếu không ngộ, chúng ta sẽ không thể đắc Pháp. Một đồng tu từng nói Sư phụ chưa bao giờ cho cô ấy bất kỳ điểm hóa nào. Tôi cho rằng nói như vậy là không kính Sư kính Pháp. Nếu không giác ngộ đề cao, làm sao một người có thể nói Sư phụ không điểm hóa cho họ?

Sau khi nói điều đó, học viên này đã có một giấc mơ đêm hôm đó; trong mơ Sư phụ đang lái một chiếc xe máy. Cô gắng hết sức chạy theo Sư phụ với hành lý của mình, nhưng không kịp.

Tâm tự cao tự đại và ngoan cố sẽ phong bế người tu luyện tại mỗi tầng thứ. Một người có thể loại bỏ một số chấp trước ở bề mặt, nhưng nhiều chấp trước bị ẩn sâu, và các quan niệm hậu thiên vẫn đang bọc người đó vào trong.

Một số học viên cố gắng quy chính bản thân bằng các quan niệm của riêng họ. Bởi vì tự cao tự đại, họ cho rằng sự cải chính của họ đã đáp ứng yêu cầu của Pháp, và do đó nghĩ rằng họ đã làm đủ tốt. Đây chính là lý do tại sao họ không thể nỗ lực tinh tấn.

Có lần tôi cùng con trai làm việc gì đó. Tôi chỉ ra rằng cách làm của cháu là không đúng. Cháu không chịu nghe, và cuối cùng nổi khùng lên và bỏ cuộc. Lúc đầu, tôi đã hành xử không tốt. Tôi tưởng rằng cách tiếp cận của mình là đúng, và việc dạy con trai mình đúng kỹ thuật thì không có gì sai. Ở tầng thứ người thường tôi đã đúng, nhưng từ quan điểm của một người tu luyện, tôi đã sai.

Tôi đã xin lỗi cháu. Nhưng cháu lại chỉ trích tôi: “Cách làm của cha tất nhiên là đúng rồi. Từ khi còn rất nhỏ, con đã phải lắng nghe cha về mọi thứ, bởi vì cha điều gì cũng đúng. Cha không bao giờ sai cả”. Chàng thanh niên khoảng 20 tuổi đã khóc rất nhiều.

Cháu từ chối lời xin lỗi của tôi, và từ chối trả lời các cuộc gọi của tôi. Tôi đã gửi cho cháu nhiều tin nhắn, nhưng cháu luôn mỉa mai: “Quả là không đúng khi một người cha phải xin lỗi con trai mình. Cha luôn đúng mà. Làm sao cha có thể mắc sai lầm được?” Tôi liên tục xin lỗi suốt hai ngày liền, nhưng cháu vẫn luôn mỉa mai. Tôi càng xin lỗi, tôi càng cảm thấy mình đã sai. Tôi nhận ra rằng những người ở các tầng thứ khác nhau sẽ có những hiểu biết khác nhau về các sự việc, và họ chỉ có thể chấp nhận những điều tại tầng của họ. Tôi sẽ làm tổn thương người khác nếu cố gắng áp đặt những hiểu biết của bản thân lên họ. Tôi nhận ra rằng mình đã sai. Tôi thực sự đã sai. Giúp người khác đạt được những gì họ muốn là thể hiện của tâm từ bi. Chúng ta nên cân nhắc đến người khác khi làm bất kỳ điều gì.

Tâm tật đố, xảo trá, che giấu những suy nghĩ thực, tâm hiển thị, thiếu kiên nhẫn và tranh đấu là những chấp trước mà tâm tự cao tự đại đang cố gắng bảo vệ.

Tu bỏ tâm tự cao tự đại

Nhiều học viên nhận ra các quan niệm của họ, nhưng không biết làm thế nào để loại bỏ chúng, bởi vì những quan niệm này là vô hình, và được bảo vệ bởi tâm tự cao tự đại. Khi chúng ta cố gắng tu chính bản thân trong Pháp, và tu bỏ tâm tự cao tự đại, tất cả các chủng chấp trước và quan niệm hậu thiên sẽ bị phơi bày, và theo đó sẽ dễ dàng thanh trừ chúng. Vậy để phóng hạ các chủng chấp trước, đầu tiên chúng ta phải thoát khỏi sự kiềm hãm của tâm tự cao tự đại.

Chỉ khi chúng ta nhận ra sự hình thành và phát triển của tâm tự cao tự đại và thanh trừ nó, chúng ta mới có thể được thanh lọc trong Đại Pháp, đồng hóa với Pháp và đề cao bản thân trong Pháp. Chỉ có như vậy chúng ta mới không đánh mất cơ duyên tu luyện trân quý này.

Sư phụ cải biến chúng ta ở tầng thứ vi quan và cơ bản nhất; Ngài muốn chúng ta đạt đến viên mãn. Nhưng có thể thực tu hay không, có thể thực sự trở về với tự kỷ chân chính hay không, hoàn toàn dựa vào chính bản thân chúng ta.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/19/407786.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/28/185677.html

Đăng ngày 29-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share