Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Tân Cương, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-07-2020] Khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đã trở thành một tỉnh công an kể từ khi Trần Toàn Quốc nhậm chức bí thư tỉnh ủy. Theo chỉ thị của ông ta, người dân Tân Cương đã bị giám sát chặt chẽ, nhiều dân tộc thiểu số bị đưa vào trại tập trung, và nhiều học viên Pháp Luân Công bị bức hại tàn bạo vì đức tin của họ.

Tỉnh công an

Khi Trần Toàn Quốc nhậm chức ở Tân Cương vào năm 2016, ông đã triển khai cái gọi là hệ thống “quản lý mạng lưới”, theo đó tỉnh được chia thành nhiều phân khu (lưới hoặc ô) đến tận cấp đường phố, trong đó, mỗi phân khu do một xã khu [tương đương ủy ban phường/xã] quản lý. Mục đích là để giám sát xã hội một cách trực tiếp và chặt chẽ.

Ở Trung Quốc, xã khu là cấp thấp nhất trong bộ máy hành chính của chính quyền. Tuy nhiên, ở Tân Cương, họ lại được cấp quyền lực rộng, thường là không hạn chế. Mỗi xã khu có 20-30 nhân viên phụ trách quản lý 5.000-10.000 cư dân.

Nhân viên xã khu đại bộ phận là người vừa mới tốt nghiệp đại học và đang thất nghiệp. Những người này nói chung không có nhận thức hay hiểu biết gì về quy định pháp luật. Họ chỉ tuân theo mệnh lệnh của ĐCSTQ. Tuy nhiên, họ kiểm soát hầu hết mọi mặt của cuộc sống người dân, từ việc đăng ký kết hôn đến việc đi học, từ giấy phép kinh doanh đến an ninh công cộng, từ phòng cháy chữa cháy đến bảo vệ môi trường.

Lấy thí dụ, để đưa người vào trại tạm giam thì không cần cơ quan công quyền nào phê duyệt. Một xã khu chỉ cần viết một biên bản, lấy chữ ký của chủ tịch xã khu, thì công an được điều đến bắt người.

Các xã khu cũng có quyền quyết định ai được mãn hạn tù. Nếu họ từ chối ký giấy tờ chấp nhận một tù nhân mới được thả, thì người đó phải tiếp tục ở tù.

Vì các xã khu có thể bỏ qua mọi thủ tục pháp lý, họ đã để công an tống hàng triệu người vào các trại tạm giam chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Với sự hiện diện ngày càng rộng của xã khu và lực lượng công an được mở rộng, Tân Cương đã trở thành một tỉnh công an.

Ngay cả trước đại dịch COVID-19, hàng trăm trạm kiểm tra an ninh đã được thiết lập giữa tất cả các thành phố và thị trấn ở Tân Cương để theo dõi và kiểm soát việc di chuyển của người dân, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công và những người bất đồng chính kiến, những người bị chính quyền coi là “nhân tố bất ổn”.

Nếu bất kỳ ai trong những người này đi qua một trạm kiểm tra an ninh, một cảnh báo sẽ được kích hoạt và người đó sẽ bị bắt. Trong các thành phố, Sở Công an thiết lập hàng ngàn bốt công an trên mọi con phố, cứ 500 mét lại có một bốt. Mục tiêu là công an có thể có mặt trong vòng một phút ở bất kỳ đâu trong thành phố.

Dưới chế độ khủng bố như vậy, nhiều cư dân Tân Cương giàu có đã quyết định chuyển đi nơi khác. Theo thống kê của chính quyền, hơn 500.000 người gốc Hán đã chuyển đi khỏi Tân Cương trong 18 năm qua. Khi chính quyền nhận ra tỷ lệ người Hán và người Duy Ngô Nhĩ đã có sự thay đổi lớn, các biện pháp hạn chế đã được áp dụng để ngăn người dân rời khỏi Tân Cương. Chính phủ cũng tích cực tuyển dụng người gốc Hán từ các tỉnh khác vào các vị trí chính quyền ở Tân Cương.

Bức hại các học viên Pháp Luân Công

Các học viên Pháp Luân Công ở Tân Cương đã phải đối mặt với cuộc bức hại tăng cường sau khi Trần Toàn Quốc nhậm chức. Nhiều học viên đã bị bắt và giam giữ. Trong những năm gần đây, các xã khu đã tham gia tích cực hơn vào cuộc bức hại. Ví dụ, các học viên Pháp Luân Công phải báo cáo với xã khu của họ mỗi tuần một lần; phải tham gia lễ chào cờ của ĐCSTQ và cái gọi là “buổi học tập” mỗi tuần một lần; phải gửi “báo cáo tư tưởng” mỗi tuần một lần cho xã khu.

Nhân viên bổ sung được điều đến các xã khu được biết là có các học viên Pháp Luân Công. Họ kiểm tra và khám xét đột xuất nhà của các học viên; đến nơi làm việc của các học viên để sách nhiễu họ; ngăn cản các học viên rời khỏi khu dân cư của họ. Được biết, họ còn đe dọa các học viên sẽ bắt giữ và/hoặc nhập thông tin nhận diện của họ trên mạng của công an để nhận dạng khuôn mặt và sự di chuyển của họ luôn được theo dõi bằng hàng nghìn camera giám sát lắp đặt xung quanh khu vực. Ở chừng mực nào đó, các xã khu còn tệ hơn công an vì họ còn chẳng buồn quan tâm đến nhân quyền cơ bản.

Cách đây một tháng, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Ô Lỗ Mộc Tề, một cơ quan ngoài vòng pháp luật chuyên trách bức hại Pháp Luân Công, đã in một lượng lớn tài liệu tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công. Họ đã lên kế hoạch phát động một chiến dịch quy mô lớn ở tất cả các xã khu để cưỡng chế các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình.

Kế hoạch này đã bị hủy bỏ sau khi Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành lệnh trừng phạt vào ngày 9 tháng 7 đối với Trần Toàn Quốc vì “có liên quan đến việc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương”.

Ca nghi nhiễm đầu tiên do virus corona được báo cáo vào ngày 10 tháng 7. Số ca nhiễm của làn sóng thứ hai tăng lên 17 vào ngày 17 tháng 7. Vài giờ sau, ba thành phố, bao gồm Ô Lỗ Mộc Tề, Thổ Lỗ Phiên và Khách Thập, đã bị phong tỏa.

Văn hóa truyền thống Trung Hoa tin rằng ác giả ác báo. Làn sóng virus corona thứ hai ở Tân Cương có thể là lời cảnh báo đối với Trần Toàn Quốc và các quan chức khác của ĐCSTQ về cuộc bức hại người dân tộc thiểu số và các học viên Pháp Luân Công.

Chúng tôi đang kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại và chúng tôi hy vọng người dân Tân Cương có thể tự do thực hành tín ngưỡng của họ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/20/409247.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/2/186160.html

Đăng ngày 13-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share