Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 19-06-2020] Con xin kính chào Sư phụ, xin chào các bạn đồng tu!

Tôi tham gia hạng mục Đài Phát thanh Hy vọng từ năm 2015 và được giao nhiệm vụ làm chủ biên tin tức của nhóm phát thanh, phục vụ các thính giả Trung Quốc Đại Lục. Ngoài việc biên soạn tin tức, tôi cũng biên tập tin tức và đào tạo các biên tập viên.

Thể hội tu luyện trong khi làm công tác biên tập

Bởi vì chúng tôi không được đào tạo chuyên ngành báo chí nên vẫn còn khoảng cách so với dân chuyên nghiệp. Một số biên tập viên có nền tảng tốt nên bắt nhịp công việc dễ dàng trong khi một số lại gặp khó khăn. Có một khoảng thời gian biên tập tin tức, mỗi khi thấy biên tập viên không nắm bắt được các điểm chính của bài tin đó, tôi thường tập trung vào khía cạnh kỹ thuật, và nhấn mạnh nhiều lần vào việc làm thế nào để viết một bài tin tốt hơn. Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng, nhưng tôi nghĩ rằng việc cải thiện kỹ năng viết vẫn là cần thiết đối với các biên tập viên. Tôi hiếm khi hướng nội để tìm ra điều bản thân cần làm để đề cao tâm tính.

Một số bài viết dễ biên tập và chỉ cần chỉnh sửa một chút, nhưng cũng có những bài cần chỉnh sửa khá nhiều. Đôi khi tôi thấy tự mình viết lại còn dễ hơn biên tập những bài đó. Có vài lần các biên tập viên có ý kiến về những chỉnh sửa của tôi. Nhưng do lịch phát thanh khá dày đặc, nên tôi cũng không có thời gian suy xét kỹ lưỡng, liền sửa theo cách nghĩ của mình. Cho đến khi chúng tôi có một cuộc họp các biên tập viên, một đồng tu không phải là biên tập viên tình cờ bước vào và nói với tôi rằng “Anh cứ bảo lưu ý kiến của mình đi”. Tôi cảm thấy rất buồn. Tuy nhiên, sau đó tôi nhận ra rằng nếu cảm thấy buồn như vậy thì tôi cần hướng nội tìm, tại sao tôi lại nghe được câu nói đó.

Tôi hướng nội trong vài ngày và nhận ra tôi có tâm coi bản thân là trung tâm khi biên tập bài. Tôi luôn cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm hơn và có trình độ cao hơn. Tôi tự tin rằng mình hiểu biết, có khả năng đánh giá và sắc sảo hơn. Do đó tôi không nghiêm túc nhìn nhận suy nghĩ và nỗ lực của các biên tập viên khác.

Sư phụ giảng:

“Những việc chư vị làm ấy bản thân [chúng] không phải tu luyện. Chư vị mở công ty cũng vậy, hạng mục Đại Pháp của chư vị cũng vậy, chư vị làm gì đó cũng vậy, bản thân những cái đó không phải tu luyện; nhưng thái độ chư vị làm việc, đối đãi vấn đề này và giải quyết vấn đề kia như thế nào, dùng tiêu chuẩn đệ tử Đại Pháp người tu luyện mà đối đãi chúng và xử lý chúng cho tốt, thì đó là tu luyện!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019”)

Tôi nhận ra rằng bản thân đã quá tập trung vào kỹ năng viết bài của các biên tập viên mà không chú ý rằng đó là lúc tôi cần đề cao tâm tính.

Có một học viên chia sẻ nhận thức về “tuyển trạch” sau khi đọc một bài viết trên Minh Huệ Net. Anh ấy nói rằng ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh ấy luôn cân nhắc giữa “vị tư” và “vị tha” để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Nhận thức của anh ấy khiến tôi phải nhìn lại bản thân, tôi nhận ra rằng mỗi khi đưa ra quyết định, tôi không hề đo lường nó dựa trên sự vị tha.

Tôi tiếp tục hướng nội. Khi biên tập bài, tôi chấp trước vào làm các việc mà không dùng tiêu chuẩn của một học viên để xử lý vấn đề. Đối với mỗi bài viết của các học viên, họ đã nỗ lực hết sức để có thể thức tỉnh chúng sinh. Tuy nhiên, tôi chỉ nhìn vào khía cạnh kỹ thuật mà chọn, chỉnh sửa rất nhiều, thậm chí bỏ đi không dùng, tự mình viết lại, không lưu tâm đến quan điểm của các học viên khác cũng như nghĩ đến đến công sức và nỗ lực của họ. Đôi lúc đối với tôi việc viết lại một bản tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nỗ lực của các đồng tu khi ấy sẽ hoàn toàn là vô ích. Đây thực chất cũng là một loại biểu hiện của vị tư, bất thiện.

Sư phụ giảng:

“Tâm thái của họ là như thế nào? Là ‘khoan dung’, là khoan dung rộng lớn phi thường, có thể dung [hoà] các sinh mệnh khác, có thể thật sự suy nghĩ như đang ở địa vị của sinh mệnh khác. Đây là điều mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa đạt đến được trong quá trình tu luyện, nhưng chư vị đang nhận thức dần dần, đang đạt đến. Khi một vị Thần [khác] đề xuất một cách làm nào đó, họ đều không vội vã phủ định, cũng không vội vã biểu đạt bản thân, cho rằng cách làm bản thân mình mới tốt; họ xem xem phương pháp của vị Thần kia đề xuất có kết quả cuối cùng ra sao. Các con đường đều khác nhau, con đường của mỗi người đều khác nhau, [Pháp] Lý chứng ngộ trong Pháp của các sinh mệnh đều là khác nhau, tuy nhiên kết quả rất có thể là tương đồng. Do đó họ xem xem kết quả của [vị] khác, kết quả của vị kia [nếu] cũng đạt được, thật sự có thể đạt được điều cần đạt, thì mọi người đều đồng ý; Thần đều suy nghĩ như thế cả; ngoài ra, nếu chỗ nào chưa hoàn thiện, thì còn im lặng bổ xung giúp vị kia một cách vô điều kiện, giúp vị ấy viên mãn hơn nữa. Họ đều xử lý vấn đề như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia 2002 ở Mỹ quốc, Giảng Pháp tại các nơi II)

Tôi hiểu rằng Sư phụ an bài cho các học viên cùng nhau làm việc để tạo ra một kênh truyền thông làm thức tỉnh chúng sinh. Mỗi học viên đều cùng chia sẻ và gánh vác trách nhiệm. Khi tôi biên tập, mặc dù nếu bài đó không đúng với quan điểm cá nhân của tôi, tôi cũng không nên vội vã bác bỏ nó. Thay vào đó tôi nên cố gắng hiểu cách nghĩ của đồng tu và giữ lại những nội dung tốt của bài viết, đồng thời bổ sung và hoàn thiện những nội dung chưa hoàn hảo. Đây là tiêu chuẩn vô tư vô ngã mà một người tu luyện cần có, và là một cách tốt nhất để tận dụng khả năng của từng đồng tu để trở thành một chỉnh thể theo yêu cầu của Sư phụ đối với chúng ta.

Khi tôi nhận ra các chấp trước của mình, tôi có thể cảm nhận rõ ràng Sư phụ đang gia trì và tịnh hóa cho tôi. Khi tôi thực sự bỏ được vị tư, tôi thấy một số bài viết mà tôi định viết lại toàn bộ trước đây có thể là một bài viết tốt nếu tôi biên tập cẩn thận, với một chút hướng dẫn và chỉnh sửa.

Tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi dã đánh giá thấp các đồng tu đã tận tụy làm cùng mình trong một thời gian dài, và tôi muốn nhân cơ hội này để nói rằng tôi rất hối hận vì điều đó. Tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn trong thời gian tới. Tôi rất biết ơn sự từ bi của các đồng tu đó.

Thể hội tu luyện trong khi làm công tác điều phối

Tôi cũng bắt đầu đảm nhận vai trò điều phối viên cho một số hoạt động trong 6 tháng cuối năm ngoái. Công việc này đòi hỏi phải tiếp xúc và xử lý công việc với nhiều người, đây là điểm yếu nhất của tôi.

Sư phụ giảng:

“Với sinh mệnh trên tầng cao hơn mà xét, rằng sự phát triển của xã hội nhân loại, chẳng qua chỉ là sự phát triển chiểu theo quy luật phát triển đặc định mà thôi; do đó [về việc] người ta trong đời làm gì, họ có thể không an bài cho chư vị chiểu theo bản sự của chư vị. Trong Phật giáo giảng ‘nghiệp lực luân báo’: họ chiểu theo nghiệp lực của chư vị mà an bài cho chư vị; bản sự của chư vị có lớn đến mấy, [nhưng] chư vị không có đức, thì có thể cả đời chư vị chẳng có gì. Chư vị thấy rằng vị kia làm gì cũng không nên, [nhưng] đức của vị ấy lớn, [thì] vị ấy làm đại quan, phát đại tài. Người thường không nhìn thấy điểm này, họ cứ cho rằng bản thân họ cần phải làm chính những gì bản thân cần làm” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ chính vì đây là điểm yếu của mình, nên chắc chắn sẽ có rất nhiều phương diện để tôi tu bản thân. Vì vậy, Sư phụ đã an bài cho tôi đề cao trong môi trường tu luyện với vai trò là một điều phối viên. Dần dần, quả thực tôi đã tìm ra nhiều tâm chấp trước chưa bỏ được của mình.

Tôi mắc hai lỗi liên tiếp trong một thời gian ngắn khi làm nhiệm vụ biên tập tin tức, vốn là công việc mà tôi làm khá tốt. Các chủ biên khác đã chỉ ra điều này. Tôi nghĩ rằng bản thân hẳn là có một số chấp trước. Khi tôi hướng nội, tôi nhớ đã nói bóng gió với gia đình rằng tôi có khả năng trong việc biên tập. Đôi khi, trong môi trường thoải mái ở gia đình, tôi thường bộc lộ những suy nghĩ và các chấp trước thực sự, như tâm tật đố, hiển thị, những tâm mà tôi không dễ dàng thể hiện ra ngoài. Lý do tôi cảm thấy hài lòng với bản thân là tôi vẫn còn chấp trước vào tự ngã và những thiếu sót trong tu luyện của tôi. Trên thực tế, khả năng của chúng ta đều do Sư phụ ban cho.

Một lần trong buổi họp các biên tập viên, chúng tôi thảo luận một vấn đề cụ thể, và ý kiến của tôi không được chấp thuận. Một số người nói với tôi rằng tôi không nên ôm giữ ý kiến của mình, nếu không uy tín của tôi có thể bị ảnh hưởng. Không biết tại sao điều này khiến tôi buồn trong suốt nửa ngày. Sau đó, khi nhớ lại, tôi tự hỏi tại sao tôi lại cảm thấy buồn. Khi hướng nội, tôi nhận ra rằng tôi có chấp trước vào việc mình giỏi hơn người khác. Để tôi phụ trách việc điều phối có nghĩa là tôi làm mọi việc đều phải đúng và không mắc lỗi sao? Mắc lỗi một chút liền cảm thấy mất mặt, mất uy tín. Tôi chợt phát hiện ra đây là tâm “cầu danh” đang tác quái. Khi tôi hướng nội và loại bỏ chấp trước này, suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Tôi cảm thấy rất bình thường khi mọi người thảo luận về các vấn đề và học hỏi lẫn nhau để cùng đề cao.

Chú ý đến sự tiếp nhận của khán giả

Đối tượng thính giả của chúng tôi là những người ở Trung Quốc Đại lục nhưng văn phòng chúng tôi lại không có trụ sở ở Trung Quốc. Do đó chúng tôi cần thu hẹp khoảng cách với thính giả. Chúng tôi không chỉ cần phát sóng sự thật mà họ cần nghe mà còn tính đến sự tiếp nhận của họ, do rất nhiều người trong số họ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tẩy não. Với những tin bài có cùng nội dung, chúng tôi thường đưa tin từ một góc nhìn khác với những kênh truyền thông nước ngoài khác. Ngoài kỹ năng biên tập cơ bản, các biên tập viên còn cần phải chỉnh sửa sao cho phù hợp với thính giả. Do thiếu những hướng dẫn chuyên nghiệp, chúng tôi thường phải tìm hiểu cách tốt nhất để tiếp cận với thính giả. Đây chính là con đường mà chúng tôi phải đi.

Trong quá trình biên tập và điều phối, tôi nhận thấy bản thân thường có tâm tranh đấu và tìm ra lý do biện hộ mỗi khi gặp vấn đề. Tôi hiểu rằng tranh đấu thực sự là để cố gắng che đậy lỗi lầm và nó sẽ cản trở sự đề cao của tôi. Rất nhiều chấp trước sẽ bị ẩn giấu, không thể dễ dàng xác định và loại bỏ. Do đó tôi cố gắng hết sức để kiềm chế tâm tranh đấu. Nếu tôi mắc lỗi, bất kể có lý do chính đáng nào thì đó cũng là lỗi và tôi thừa nhận công khai trong các cuộc họp với các biên tập viên khác hoặc vào các dịp nào đó. Tôi cũng tiếp nhận những lời chỉ trích một cách cởi mở bất kể lời chỉ trích đó đến từ ai, người có thâm niên hay ít kinh nghiệm hơn tôi.

Dần dần tôi cảm thấy rằng thật tốt khi có ai đó chỉ ra cho tôi điểm còn chưa hoàn thiện của mình. Đó là điều tốt cho tất cả mọi người. Với những học viên chỉ ra vấn đề họ chắc hẳn đã trải qua quá trình suy xét, họ có những quan điểm nhất định, kỳ thực đối với mỗi cá nhân mà nói đó đều là quá trình tiến bộ và đề cao. Đối với tôi mà nói, khi có ai đó chỉ ra vấn đề, nhất định trong công việc của tôi có chỗ cần cải thiện, về tâm tính cũng nhất định có chấp trước cần xả bỏ. Đây là cơ hội đề cao của tôi. Đối với hạng mục mà nói, khẳng định có những chỗ cần hoàn thiện, chúng tôi cần làm tốt hơn để lực độ cứu chúng sinh lớn hơn. Đây quả là hảo sự, nhất cử tam đắc.

Tôi cũng hiểu rằng, việc tôi làm điều phối cũng là cơ hội để mọi người cùng nhau phối hợp để cứu độ được nhiều chúng sinh hơn nữa. Nếu tôi chỉ làm tốt việc của bản thân, lực lượng sẽ vẫn hạn chế. Nếu chúng tôi làm như một chỉnh thể, lực lượng sẽ lớn mạnh nhất. Sư phụ luôn yêu cầu chúng ta đề cao như một chỉnh thể. Điểm quan trọng nhất của việc điều phối là để mọi người phát huy tốt nhất sở trường của họ chứ không chỉ là thỏa mãn với việc bản thân luôn dẫn đầu, để người khác ở lại phía sau.

Bổ sung cho nhau

Thời gian đầu của chương trình nghệ thuật Shen Yun, có một nghệ sĩ múa với kỹ năng điêu luyện mà mọi người đều rất yêu thích. Sau đó cô ấy không làm nghệ sĩ múa nữa mà chuyển sang làm biên đạo và dạy múa. Sau đó, khán giả bình luận rằng mỗi nghệ sĩ múa Shen Yun đều đạt tới trình độ của nghệ sĩ múa chính. Shen Yun là mô hình mẫu để các hạng mục khác học tập theo. Tôi nghĩ rằng chương trình của chúng tôi cũng cần phải giống Shen Yun, và mọi người đều có thể đạt đến trình độ của chủ biên giỏi, như thế chúng tôi mới có thể hoàn thành sứ mệnh tốt hơn và cứu độ chúng sinh như một chỉnh thể.

Một học viên chia sẻ thể ngộ về một bài viết trên Minh Huệ Net rằng người điều phối cần đặt mình thấp hơn những người khác và làm việc một cách thực chất như một “hòn đá kê chân” thầm lặng không ai biết đến. Tôi nghĩ rằng đây là một nhận thức dựa trên Pháp, bản thân tôi nên làm được như vậy. Vì vậy, tôi đã cố gắng làm việc theo ý tưởng này. Tôi cố gắng tạo điều kiện để các biên tập viên và chủ biên có nhiều cơ hội rèn luyện công tác biên tập. Tôi thường đặt mình vào vị trí của người hỗ trợ, đưa ra ý kiến để mọi người tham khảo, và đôi khi đóng vai trò như một người gác cổng. Tôi cảm thấy rất nhiều biên tập viên có năng lực và có thể làm tốt hơn tôi. Tôi cũng nhất trí với các chủ biên rằng việc chủ trì các cuộc họp thứ Bảy hàng tuần sẽ được thực hiện luân phiên bởi các chủ biên. Nhờ đó, mọi người có thể học hỏi lẫn nhau và bổ sung cho nhau. Mọi người đều thể hiện khả năng và cá tính khác nhau và đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng.

Sư phụ giảng:

“Gần đây mỗi từng hạng mục của đệ tử Đại Pháp, có nhiều [cái] vẫn luôn làm rất tốt, đang tăng nỗ lực gấp bội; cũng có rất nhiều [cái] rơi vào trạng thái làm bề mặt qua loa lấy lệ, vì áp lực không lớn nữa. Nhưng chư vị phải biết chư vị là đang cứu chúng sinh, hết thảy những gì chư vị làm đều có tác dụng cứu chúng sinh, do đó không được phóng túng, hằng bao nhiêu sinh mệnh đang chờ chư vị cứu độ” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Tôi hiểu được rằng, Sự phụ đã giảng cho chúng ta, hạng mục muốn làm được tốt, chúng ta cần phải nỗ lực gấp bội. Từ hình thế của năm nay, có thể thấy thời gian đã không đợi người nữa rồi. Rất nhiều sinh mệnh đang đợi chúng ta cứu độ. Sau này nhất định cần phải học Pháp thật tốt, nhất tư nhất niệm đều dùng Pháp để đo lường, đề cao trong Pháp và cùng nhau cứu nhiều người hơn nữa, để không phụ với danh hiệu “đệ tử Đại Pháp” mà Sư phụ trao cho chúng ta.

Con xin cảm tạ Sư phụ, cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của hạng mục Đài Phát thanh Hy vọng năm 2020)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/19/在媒体的环境中修好自己-407863.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/1/185706.html

Đăng ngày 09-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share