Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-04-2020] Tôi năm nay 50 tuổi, là giáo viên mỹ thuật. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997. Sau 22 năm tu luyện thì tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, thân thể tôi đã được tịnh hóa, và tôi có tiêu chuẩn đạo đức cao hơn. Cuộc sống của tôi thật vui vẻ và mãn nguyện.

Tôi đã bị bức hại trong trại giam và trại lao động cưỡng bức từ năm 2000 đến 2004 bởi tôi đã không từ bỏ tín ngưỡng của mình. Tôi bị đánh, bức thực, và buộc phải lao động cưỡng bức không lương. Trong suốt giai đoạn gian nan này, Sư phụ Lý đã hiển lộ cho tôi các cảnh tượng mỹ hảo ở các không gian khác, gia trì tín tâm của tôi vào Đại Pháp thêm vững vàng.

Tôi dạy ôn thi đại học cho các sinh viên mỹ thuật kể từ năm 2005. Pháp Luân Đại Pháp đã cấp trí huệ cho tôi để làm công việc này. Tôi nhận thấy nếu ai muốn trí tuệ được khai phóng thì người đó phải câu thông được với đặc tính của vũ trụ là Chân-Thiện-Nhẫn, và chỉ khi đó người đó mới có thể đột phá và có được những thành tích vượt bậc. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn các sinh viên về kỹ năng và kỹ thuật, tôi còn dạy họ trở thành người tốt và truyền cảm hứng quay trở về những điều tốt đẹp cho họ.

Nơi mà tôi sống, hầu hết mọi người đều gặp khó khăn về tài chính nên không thể cho con cái học thêm. Bởi vậy, tôi đã dạy các em miễn phí. Nhiều người không hiểu vì sao tôi làm như vậy. Họ nói rằng với kỹ năng của tôi thì tôi đã có thể làm giầu và sống rất thoải mái. Nhưng với tôi, quan trọng không phải là tiền mà là giúp đỡ các sinh viên được tốt nhất, giúp họ trở thành người tốt trước rồi mới thành họa sĩ giỏi.

Vì tôi không thu tiền dạy học, nên tôi có đặt ra nhiều yêu cầu với các sinh viên của mình trên lớp. Tôi yêu cầu các em tập trung học và chăm chỉ hoàn thành bài tập, dù lớn hay nhỏ. Tôi cũng khuyến khích các em học cách suy nghĩ độc lập, luôn hòa ái, kiên nhẫn, và học hỏi lẫn nhau.

Nhiều sinh viên tôi dạy đã không chỉ đạt kết quả lý thuyết vượt bậc mà còn có tác phẩm hay, họ còn được trang bị lối tư duy mà không trường học nào ở Trung Quốc dạy cả, và họ có thể chịu đựng được khó khăn.

Sư phụ dạy chúng ta:

“Nếu nhân loại có thể lấy đạo đức làm cơ sở để đề cao phẩm hạnh và quan niệm của con người, như thế thì văn minh của xã hội nhân loại mới có thể lâu dài, và Thần tích cũng sẽ xuất hiện trở lại nơi xã hội nhân loại”. (Luận Ngữ, Chuyển Pháp Luân)

Một sinh viên kia đã vượt qua kỳ thi đầu vào tại một trường mỹ thuật sau khi cậu ta chỉ tham gia lớp học phác họa trong 17 ngày.

Một sinh viên khác vốn thường hay nghỉ học và đánh nhau với các sinh viên khác thì đã cải biến hoàn toàn sau khi chiểu theo các nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp. Cậu ấy trở nên rất ân cần và thường giúp bố mẹ làm việc nhà. Cậu ấy học hành chăm chỉ, thường đến tận khuya. Điểm thi học kỳ đạt kết quả tốt và cách hành xử tử tế của cậu đã khiến giáo viên không còn muốn đuổi học cậu ấy nữa.

Ngoài điểm số, khả năng thẩm mĩ của cậu cũng được nâng lên. Sau kỳ thi đầu vào, cậu ấy đã được nhận vào khoa thiết kế của trường mỹ thuật. Đây là tin chấn động đối với mọi người xung quanh cậu ấy.

Quay về truyền thống theo chỉ dẫn của Đại Pháp

Một sinh viên của tôi muốn tham gia cuộc thi mỹ thuật quốc tế. Cô ấy thích chơi đàn cổ cầm (một nhạc cụ truyền thống Trung Quốc). Tôi bảo cô ấy vẽ một bức tranh về thiếu nữ thời xưa đang chơi cổ cầm. Nhân dịp này, tôi dạy cô ấy về văn hóa truyền thống Trung Hoa và cách mà các cổ nhân bày tỏ cảm xúc nội tâm. Cô ấy học rất nhanh và tác phẩm của cô đã được trao giải cao nhất!

Sư phụ đã dạy chúng ta:

“…tại nhiều địa phương trên thế giới còn lưu lại rất nhiều những tích cổ văn minh, [tuổi của chúng] vượt xa rất nhiều lịch sử nền văn minh nhân loại chúng ta. Những tích cổ ấy, đứng về góc độ công nghệ mà xét, thì có trình độ công nghệ rất cao; còn về góc độ nghệ thuật mà xét, thì cũng khá cao siêu; con người hiện đại [dường như] chỉ là mô phỏng lại nghệ thuật của người xưa, [vốn] có giá trị thưởng thức rất sâu sắc. Nhưng chúng đã được lưu lại từ trên mười vạn năm, mấy chục vạn năm, vài trăm vạn năm, thậm chí trên vài trăm triệu năm về trước”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Pháp đã truyền cảm hứng cho tôi hướng dẫn cô ấy về truyền thống cổ xưa, và tác phẩm của cô ấy đã được cộng đồng mỹ thuật quốc tế đón nhận nồng nhiệt.

Một cô gái khác cũng muốn tham dự một cuộc thi mỹ thuật quốc gia. Tôi nhớ đến lời giảng của Sư phụ:

“…có rất nhiều bức bích hoạ đá trong các động đá tại Pháp, Nam Phi, và dãy núi Alps; chúng được khắc hết sức chân thực và sống động. Những hình người được khắc trông vô cùng tinh tế và đẹp, và được tô với chất liệu màu là một thứ khoáng chất”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

“Trong xã hội nhân loại quá khứ cũng từng xuất hiện nhiều lần văn hoá nửa-Thần nửa-nhân, để nhân loại đề cao nhận thức chân chính về sinh mệnh và vũ trụ”. (Luận Ngữ, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra quay về với truyền thống là cách tốt nhất để hướng dẫn cho các sinh viên của mình. Tôi đã thảo luận với cô ấy cách học hỏi từ các cổ nhân, cách vẽ với một tâm thái tĩnh lặng, và cách dùng các kỹ thuật truyền thống để tạo ra các tác phẩm với chủ đề tích cực. Cô ấy đã được giải cao nhất của quốc gia.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/5/403405.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/4/185366.html

Đăng ngày 22-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share