Bài viết của Chung Minh

[MINH HUỆ 08-05-2020] Lớp học Khổng Tử cuối cùng ở Thụy Điển tại thị trấn Falkenberg ở phía Nam Thụy Điển đã đóng cửa vào tháng 4 năm 2020. Theo tờ The Times of London, Thụy Điển là quốc gia Châu Âu đầu tiên đóng cửa tất cả viện và lớp học Khổng Tử. Ngoài ra, nhiều thành phố Thụy Điển, trong đó có thành phố lớn thứ hai Gothenburg, đã chấm dứt thỏa thuận thành phố kết nghĩa với các thành phố của Trung Quốc.

Nếu xét đến thực tế rằng Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập ở Châu Âu là tại Đại học Stockholm vào năm 2005 thì động thái vừa qua nhằm tách khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một bước tiến quan trọng.

Một tổ chức tuyên truyền bí mật, chứ không phải quan tâm đến giáo dục

Mặc dù đa số người Trung Quốc đều chưa từng nghe nói đến Viện Khổng Tử, nhưng những viện này lại là “một bộ phận quan trọng để Trung Quốc thiết lập kênh tuyên truyền ở nước ngoài”, theo lời của ông Lý Trường Xuân, cựu trưởng Ban Tuyên giáo ĐCSTQ.

Các Viện Khổng Tử được điều hành bởi Ban Hán ngữ Quốc tế, hay còn gọi là “Hán Ban”, một văn phòng trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Theo trang web chính thức của Hán Ban, từ năm 2004 đến nay, tổ chức này đã thành lập tổng cộng 541 viện Khổng Tử và 1.170 lớp học Khổng Tử tại 158 quốc gia và khu vực. Đây là công cụ chính để chính quyền cộng sản Trung Quốc phát huy “quyền lực mềm” và ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới.

Các viện và lớp học này hoạt động trong phạm vi trường hay trường đại học đang vận hành, còn Hán Ban cung cấp giáo viên, tài liệu giáo dục và quan trọng nhất là tài trợ hoạt động. Nhìn bề ngoài, mục tiêu là để thúc đẩy Hán ngữ và tăng cường giao lưu văn hóa. Nhưng thực tế, mục đích thực sự của nó là tạo cơ hội để Bắc Kinh xuất khẩu tư tưởng cộng sản và tẩy não học sinh, sinh viên địa phương. Có tin cho hay, một số câu nói của Chủ tịch Mao đã được đưa vào một số sách giáo khoa.

Chính quyền Trung Quốc kiểm soát gần như mọi phương diện của Viện Khổng Tử, theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do (RFA). Hợp đồng mà trường chủ nhà ký kết có nêu rõ phải tuân thủ luật của cả Trung Quốc và nước sở tại, trong đó quy định không được tiết lộ hợp đồng cho công chúng, và hợp đồng sẽ chấm dứt nếu trường chủ nhà làm việc mà chính quyền Trung Quốc không thích.

Toàn bộ giáo viên do Hán Ban tuyển dụng đều phải ký hợp đồng đồng ý không tham gia các hoạt động Pháp Luân Công. Hán Ban cũng yêu cầu trường chủ nhà phải tránh các chủ đề liên quan đến Tây Tạng, Đài Loan, Thảm sát Thiên An Môn và Pháp Luân Công trong lớp học của họ.

Trong những năm gần đây, Viện Khổng Tử đã liên kết với các cơ quan tình báo Trung Quốc để họ tuyển dụng và theo dõi sinh viên Trung Quốc nước ngoài.

Tháng 10 năm 2019, Bỉ từ chối gia hạn visa cho Tống Tân Ninh, người đứng đầu viện Khổng Tử ở Brussels, theo báo cáo của Reuters. Tống bị cáo buộc làm gián điệp cho cơ quan tình báo Trung Quốc và bị cấm nhập cảnh vào Bỉ, cũng như 25 quốc gia châu Âu khác thuộc khối Schengen.

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trên toàn thế giới

Bằng cơ sở riêng của mình, Hán Ban hiện điều hành 187 viện Khổng Tử ở Châu Âu và 81 viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ. Trong Châu Âu, Anh là nước có nhiều viện Khổng Tử nhất với 30 viện, theo sau là Đức 19 , Pháp 18, Ý 12, và Tây Ban Nha 8. Bỉ, với dân số 10 triệu người cũng có đến 6 viện Khổng Tử. Các quốc gia có mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc thường có nhiều viện và lớp học Khổng Tử hơn, do đó nhận được nhiều tài trợ hơn.

Tại Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc đã cung cấp hơn 158 triệu Đô la cho hơn 100 viện Khổng Tử kể từ năm 2006, theo báo cáo có tiêu đề “Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ” (tên gốc: China’s Impact on the U.S Education System”) ngày 22 tháng 2 năm 2019 của một tiểu ban Thượng viện. Báo cáo nêu: “Khi Trung Quốc đã mở thêm hơn 100 viện Khổng Tử nữa ở Hoa Kỳ trong 15 năm qua, Bộ Giáo dục vẫn không nói gì.”

Viện Khổng Tử là kênh chính mà Trung Quốc dùng để thâm nhập và truyền bá tư tưởng cộng sản đến phần còn lại thế giới trong hai thập kỷ qua. Nhiều nước phương Tây bị thu hút trước nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và 1,4 tỷ người tiêu dùng tiềm năng mà sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước ảnh hưởng này. Các công ty đa quốc gia liên tục đặt văn phòng và đầu tư vào Trung Quốc. Các tập đoàn tài chính Phố Wall, vì lợi nhuận mà đã khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Họ cũng vận động hành lang các nhà hoạch định chính sách ra các nghị quyết có lợi cho Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý bằng những khoản Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài của Trung Quốc đầy hứa hẹn và hàng nghìn tỷ Đô la thương mại. Ý là quốc gia Châu Âu đầu tiên ký thỏa thuận với Trung Quốc về BRI. Bỉ, với dân số bằng một nửa Bắc Kinh, đã trở thành đối tác thân thiết với Trung Quốc trong BRI. Theo Cơ quan Ngoại thương Bỉ (BFTA), riêng trong năm 2019 Bỉ đã có khối lượng giao dịch với Trung Quốc là 26,6 tỷ USD.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris vào ngày 26 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng tôi, với tư cách là người Châu Âu, muốn đóng vai trò tích cực [trong BRI].” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tự gọi mình là một “người ủng hộ Mao” trong một cuộc phỏng vấn với một cơ quan truyền thông địa phương của Pháp. Cả Đức và Pháp đều cho dùng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng 5G của họ, bất chấp quan ngại về an ninh và mối quan hệ của Huawei với quân đội Trung Quốc.

Tương tự, hầu hết các nước phương Tây đều coi nhẹ hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Tây Ban Nha là quốc gia EU đầu tiên có một Ngoại trưởng tới Bắc Kinh sau Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Năm 2009, một thẩm phán trên băng ghế của Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha ra một bức thư thẩm tra yêu cầu chính quyền Trung Quốc để truy tố cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân về cuộc bức hại Pháp Luân Công; bức thư sau đó bị rút lại dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc.

Lựa chọn khôn ngoan trước mối đe dọa của Trung Cộng

Khi mối quan hệ với Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trở nên xấu đi do đại dịch COVID-19 đang diễn ra, nhiều chính phủ phương Tây đã dần nhận ra mối nguy hại mà chính quyền cộng sản Trung Quốc gây ra cho thế giới. Viện Khổng Tử và các lớp học trên khắp thế giới đang bị đóng cửa. New South Wales, Úc, đã đóng cửa tất cả các lớp học Khổng Tử ở nước này trong năm 2019. Cho đến nay, 26 viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ đã bị đóng cửa. Báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ đề cập trên đây đang kêu gọi thực hiện các kiểm soát nghiêm ngặt đối với những trường có đặt viện này.

Trong cuốn sách Ma quỷ đang thống trị thế giới của chúng ta (Specter of Communism Is Ruling Our World) của Thời báo The Epoch Times, các tác giả đã chỉ ra:

“Rất nhiều chính phủ, công ty lớn và doanh nhân có thể thu được lợi ích nhất thời trên bề mặt từ ĐCSTQ khi đánh đổi các nguyên tắc đạo đức của mình. Song rốt cuộc, cái được chẳng bõ cho cái mất. Thứ lợi ích bề mặt kiếm được bằng những thủ đoạn xấu xa đều là thuốc độc. Chỉ có không tham lợi trước mắt thì mới có được tương lai sáng lạn.”

“Trung Cộng không phải là một chính đảng hay chính quyền theo nghĩa thông thường, nó không đại diện cho nhân dân Trung Quốc, mà đại diện cho tà linh cộng sản ở nhân gian. Giao du với Trung Cộng chính là hợp tác với ma quỷ, hữu hảo với Trung Cộng chính là đang nuông chiều ma quỷ và trợ giúp cái ác làm điều xấu, đẩy nhân loại đến đường cùng. Ngược lại, chống trả lại Trung Cộng chính là một trận chiến giữa chính và tà, đây không phải là tranh giành lợi ích quốc gia đơn thuần, mà hơn hết là vì tương lai của nhân loại.”

Liệu thế giới sẽ chống lại bóng ma cộng sản ra sao?


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/8/404957.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.o?rg/html/articles/2020/5/25/185210.html

Đăng ngày 29-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share