Bài viết của Chương Hoa

[MINH HUỆ 07-05-2020] Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khẳng định không che giấu bất kỳ thông tin nào về sự bùng phát của virus corona. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng xác thực hơn xuất hiện đã vô hiệu hóa tuyên bố của ĐCSTQ. Sau đây là một số bằng chứng như vậy.

Tài liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia ban hành ngày 3 tháng 1

Ngày 3 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành một tài liệu mật:

(1) Tất cả các chính quyền khu vực và ủy ban y tế đều phải quản lý các mẫu virus corona gây bệnh viêm phổi Vũ Hán theo quy định về “Vi sinh vật có khả năng lây bệnh cao (Loại 2)”; (2) Tất cả các tổ chức liên quan không được cung cấp hay công bố kết quả xét nghiệm cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào khác khi chưa được cho phép; (3) Tất cả các cơ sở y tế phải lập tức dừng mọi xét nghiệm virus đang tiến hành; (4) Tất cả các cơ sở y tế phải tiêu hủy toàn bộ mẫu bệnh phẩm; (5) Các bác sỹ tuyến đầu ở Vũ Hán không được tiết lộ bất kỳ thông tin gì về bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Cùng thời gian đó, tám bác sỹ, trong đó có bác sỹ Lý Văn Lượng (sau đó đã qua đời vì virus corona) bị cảnh sát khiển trách vì đã chia sẻ sự lo ngại của họ về các triệu chứng nhiễm virus với các đồng nghiệp trên mạng xã hội.

Rõ ràng là, đến ngày 3 tháng 1, chính quyền ĐCSTQ đã được thông báo về nguy cơ lây nhiễm cao của virus corona, nhưng thay vì cảnh báo cho người dân Trung Quốc và thế giới, họ lại bưng bít thông tin then chốt này và ra sức che đậy sự bùng phát.

Sự lây truyền từ người sang người đã được biết vào cuối năm 2019

Nature-Microbiology (Vi trùng học tự nhiên), một tạp chí trực tuyến, đã đăng bài báo của Lưu Mãn Thanh, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm Sinh học Mầm bệnh của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Vũ Hán. Trong bài báo, Lưu tuyên bố rằng ông và nhóm của mình đã phân tích lại 640 miếng gạc lấy dịch họng thu thập từ các bệnh nhân ở Vũ Hán mắc chứng giống bệnh cúm từ ngày 6 tháng 10 năm 2019 đến ngày 21 tháng 1 năm 2020, phát hiện 9 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 RNA, cho thấy SARS-CoV-2 đã bắt đầu giai đoạn lây nhiễm cộng đồng ở Vũ Hán vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

New News (Tin mới) tại Đài Loan có được hai tài liệu nội bộ gửi các quan chức cao cấp của chính quyền ĐCSTQ, tiết lộ rằng cuối tháng 12 năm 2019, một số công ty gen đã phát hiện “các chủng virus corona giống như SARS” và đã báo cáo cho các cơ quan liên quan ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và Ủy ban Y tế Quốc gia.

Tuy nhiên, ngày 1 tháng 1, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc đã điện báo cho các công ty gen đó để chấm dứt xét nghiệm thêm, tiêu hủy tất cả các mẫu virus và cấm đăng tải các bài báo và dữ liệu liên quan.

Hai ngày sau, ngày 3 tháng 1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra chỉ dẫn tương tự như chi tiết ở đầu bài viết này.

Ngày 28 tháng 2 năm 2020, South China Morning Post của Hồng Kông đưa tin rằng một nhóm do Trung tâm Y tế Công cộng Thượng Hải và Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Phục Đán dẫn dắt, đứng đầu là ông Trương Vĩnh Chấn, đã phân lập và hoàn thành trình tự bộ gen của virus corona chủng mới vào ngày 5 tháng 1 và công bố kết quả điều tra của họ vào ngày 11 tháng 1.

Tuy vậy, ngày 12 tháng 1, Trung tâm Y tế Công cộng Thượng Hải bị Ủy ban Y tế Thành phố Thượng Hải yêu cầu đóng cửa mà không có lời giải thích.

Tiêu Huy, một nhà báo điều tra của báo Tài Tân (Caixin) tiết lộ trong các ghi chú rằng Bệnh viện Nam Trung ở Vũ Hán đã liên tục báo cáo các ca nghi nhiễm cho Ủy ban Y tế Công cộng Vũ Hán trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, nhưng thay vì nghiêm túc xem xét các báo cáo của họ, bệnh viện đã bị chỉ trích vì “không có ý thức về chính trị”, và yêu cầu phải “chú ý đến tác động chính trị và cách nói” khi các chuyên gia của WHO tới bệnh viện.

Mãi tới ngày 20 tháng 1, chính quyền ĐCSTQ mới công khai thừa nhận việc lây truyền từ người sang người.

Bưng bít có chủ ý

Ngày 15 tháng 4, Associated Press đưa tin, căn cứ vào các tài liệu nội bộ của chính quyền cộng sản Trung Quốc, Mã Hiểu Vỹ, Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc họp video mật với các quan chức y tế tỉnh vào ngày 14 tháng 1.

Một biên bản cuộc họp tiết lộ rằng “các cụm ca nhiễm” đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị, nói rằng “tình hình hiện tại của bệnh truyền nhiễm này rất phức tạp và nghiêm trọng, đã đặt ra thách thức lớn nhất kể từ dịch SARS năm 2003.”

Trong biên bản này, Mã Hiểu Vỹ đặc biệt yêu cầu các quan chức y tế địa phương “ưu tiên” ổn định chính trị và xã hội, nhất là để phục vụ “hai phiên họp” sắp tới (các cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp kiểu con dấu cao su của Trung Quốc).

Theo một số tài liệu mật của ĐCSTQ mà Thời báo The Epoch Times có được, ngày 19 tháng 4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức một buổi tập huấn qua video trên toàn quốc về cách ứng phó và kiểm soát dịch bệnh vào ngày 15 tháng 1, được phát lại cho các quan chức trong ngành y tế địa phương ở cấp tỉnh và quận huyện.

Chẳng hạn, Ủy ban Y tế Nội Mông đã ban hành một “Thông báo khẩn” cho các sở y tế khu vực trực thuộc, yêu cầu truyền lại các hướng dẫn của cấp trên. Tài liệu này được đóng dấu “Công văn hỏa tốc” và “Lưu hành nội bộ và không được truyền trên internet”. Sau đó, có ít nhất 7 thông báo nữa về dịch bệnh được đưa ra trong hai ngày 19 và 20 tháng 1, toàn bộ đều được đóng dấu “Mật”.

Ngày 18 tháng 1, bí thư Ủy ban Y tế Nội Mông đã đưa ra một báo cáo công tác hơn 10.000 từ, trong đó không hề đề cập về virus corona Vũ Hán; mà chỉ thấy báo cáo ca ngợi ĐCSTQ và “những thành tựu” của ủy ban y tế.

Trong sáu ngày từ 14 đến 19 tháng 1, được coi là then chốt trong việc kiểm soát virus, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vẫn im hơi lặng tiếng, mãi đến ngày 20 tháng 1, mới có bình luận công khai về tình trạng lây nhiễm virus. Đến lúc đó, rất nhiều người đã bị nhiễm bệnh, chủ yếu ở Vũ Hán.

Mãi đến ngày 25 tháng 1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc mới đưa ra thông báo về việc “tăng cường phòng ngừa và kiểm soát cộng đồng”. Đến lúc đó, hai tháng đã trôi qua kể từ khi việc lây nhiễm được biết vào đầu tháng 12.

Phản ứng chậm trễ ở Vũ Hán

Tình trạng nhiễm virus corona ở Vũ Hán được biết đến từ ngày 1 tháng 12 hay thậm chí sớm hơn và các ca lây truyền từ người sang người trở nên nổi cộm vào giữa tháng 12. Tổng cộng có 47 ca như vậy đã được báo cáo tính đến ngày 1 tháng 1, bao gồm cả các ca nhiễm của 7 chuyên gia y tế. Đến ngày 22 tháng 1, số bệnh nhân đã tăng lên 425, và thêm 8 chuyên gia y tế nữa bị nhiễm bệnh, cho thấy đây đã là một hiểm họa sức khỏe hết sức nghiêm trọng.

Tuy vậy, trong bản tin vào ngày 11 tháng 1, Ủy ban Y tế Vũ Hán vẫn tuyên bố họ đã “không thấy nhân viên y tế nào bị nhiễm, không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người”.

Theo các quy định quan liêu của ĐCSTQ, các ủy ban y tế cấp thành phố và quận không được tiết lộ thông tin về dịch bệnh cho các cơ quan truyền thông khi chưa có sự cho phép của ủy ban y tế tỉnh, mà ngay cả cơ quan này có thể cũng cần xin phép chính quyền cấp trên.

Do đó, mãi đến ngày 24 tháng 1, một ngày sau khi Vũ Hán bị phong tỏa và sau khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình công khai tuyên bố vấn đề này, tỉnh Hồ Bắc mới thực hiện các biện pháp ứng phó với thứ dịch bệnh hoành hành khắp nơi này. Họ đã phản ứng chậm một tháng, nên đến lúc ấy, virus đã lây sang các nơi khác ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Phản ứng chậm trễ tương tự cũng xảy ra ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Đông, Chiết Giang và các khu vực khác.

WHO tiếp tay cho việc bưng bít của ĐCSTQ

Trong 10 năm qua, ĐCSTQ đã ráo riết vận động để đưa các nhân vật thân ĐCSTQ được bầu vào các vị trí hàng đầu của các cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc để họ hành động có lợi cho ĐCSTQ trong các vấn đề quốc tế.

“Họ đã kiểm soát 5 trong số 15 người người đứng đầu này, bằng cách lợi dụng những người được ủy nhiệm, những người ủy nhiệm giống kiểu thuộc địa, như Tedros [Adhanom Ghebreyesus] tại WHO”, ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Ông cho biết: “Thiệt hại gây ra do ĐCSTQ khống chế tổ chức y tế chủ chốt này là ‘cực lớn’. Họ đã bưng bít [thông tin] về việc lây truyền từ người sang người, họ từ chối gọi đó là đại dịch. Về cơ bản, họ không khuyến khích các lệnh cấm nhập cảnh.”

Dưới đây là phần tóm lược về cách WHOphản ứng trước sự bùng phát của virus corona, dưới sự lãnh đạo của Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Ngày 31 tháng 12 – Đài Loan cảnh báo WHOrằng bệnh viêm phổi bất thường đã xảy ra ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho thấy khả năng lây truyền từ người sang người. WHOđã không phản hồi.

Ngày 21 tháng 1 – Khi các ca nhiễm ở Trung Quốc vượt quá tầm kiểm soát , WHOlại hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vụ dịch ở Vũ Hán, nói rằng không có “bằng chứng rõ ràng nào” cho thấy có “sự lây truyền từ người sang người liên tục” và rằng không cần thiết áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với Trung Quốc.

26 tháng 1 – Thị trưởng Vũ Hán tiết lộ hơn 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi thành phố bị phong tỏa vào ngày 23 tháng 1. Trong những người rời khỏi thành phố, hơn 20.000 người đã bay sang Bangkok, 7.078 đã bay tới Hồng Kông và 6.145 tới Macao.

Ngày 28 tháng 1 – Tổng Giám đốc WHOTedros Adhanom Ghebreyesus bay sang Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình, rồi đưa ra nhận định rằng “Các động thái của Trung Quốc đạt đến tốc độ và quy mô hiếm thấy trên thế giới“, rằng “điều đó cho thấy hiệu quả và lợi thế của chế độ ở Trung Quốc” và rằng “kinh nghiệm của Trung Quốc rất đáng để các nước khác học hỏi”.

Ngày 30 tháng 1 – Virus corona đã lan sang 18 quốc gia bên ngoài Trung Quốc, với tổng số khoảng 98 ca nhiễm. WHOđã tuyên bố đợt bùng phát này là “tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp đáng quan ngại đối với cộng đồng quốc tế” nhưng vẫn từ chối khuyến cáo hạn chế đi lại hay thương mại, chủ yếu là vì lo ngại cho lợi ích kinh tế của Trung Quốc.

Ông Tedros nói: “Hãy để tôi nói rõ: Tuyên bố này không phải là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Trung Quốc. Ngược lại, WHOvẫn tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc.”

Ngày 26 tháng 2 – Khi các ca nhiễm bùng nổ ở Hàn Quốc, Iran và Ý, ông Tedros vẫn nói “không có bằng chứng nào về việc lây nhiễm virus trong cộng đồng”.

Ngày 2 tháng 3 – khi virus corona đã lây lan tới ít nhất 65 quốc gia, ông Tedros vẫn tuyên bố rằng đây chưa phải là “đại dịch”.

Mãi đến ngày 11 tháng 3, ông Tedros mới tuyên bố dịch bệnh này là “đại dịch toàn cầu” khi đứng trước bằng chứng không thể chối cãi.

Tuyên bố chậm trễ của ông đã dẫn đến việc một số quốc gia thành viên mất đi thời cơ quý báu, then chốt để phòng ngừa và phải chịu tổn thất nặng nề.

Bưng bít “tin đồn” về việc lây nhiễm

Sau khi lệnh phong tỏa ở Vũ Hán được dỡ bỏ vào ngày 8 tháng 4, đại dịch xem như đã kết thúc ở Trung Quốc.

Nhưng chỉ vài ngày sau đó, các ca nhiễm virus corona đã bùng phát theo cụm ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, theo một “Cảnh báo” của Đội Tác chiến Virus Corona Tỉnh Hắc Long Giang đưa ra vào ngày 13 tháng 4.

Cư dân địa phương cũng tiết lộ rằng hàng nghìn người xếp hàng bên ngoài các khoa cấp cứu của bệnh viện. Một số bệnh viện đã phải đóng cửa do nhiều bác sỹ và y tá cũng bị nhiễm bệnh. Cáp Nhĩ Tân hiện đang bị phong tỏa lần thứ hai.

Cũng giống như các nhà chức trách Vũ Hán đã báo cáo sai sự thật về số ca nhiễm ở địa phương của họ, chính quyền ở Cáp Nhĩ Tân cũng làm điều tương tự. Theo một tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của quận Đạo Ngoại ở Cáp Nhĩ Tân đã báo cáo 34 ca dương tính vào ngày 10 tháng 4, nhưng chỉ có hai ca xuất hiện trong tổng số ca được báo cáo chính thức.

Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Tỉnh Hắc Long Giang đã đưa ra một thông báo nội bộ vào ngày 20 tháng 4, yêu cầu các công chức phải “giữ bí mật công tác” và không được thảo luận về tình hình dịch bệnh địa phương trên Internet hay mạng xã hội. Những người vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo tội “loan tin đồn”.

Trong khi đó, chính sách bưng bít tương tự vẫn tiếp tục diễn ra ở Vũ Hán. Trong những tuần gần đây, bác sỹ Dư Hướng Đông, một bác sỹ tuyến đầu ở Hồ Bắc, đã bị xử phạt và giáng chức từ vị trí phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Vũ Hán vì bày tỏ quan điểm cá nhân về việc đeo khẩu trang, quản lý hộ gia đình, phong tỏa thành phố, sàng lọc nhập viện, phát hiện chụp CT và dùng thuốc thảo dược Trung Quốc chưa được kiểm chứng. Ông đã bị buộc tội “bôi nhọ chính sách phòng chống dịch bệnh quốc gia”.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/7/404896.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/19/185087.html

Đăng ngày 25-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share