Do một học viên biên soạn và ghi lại theo lời kể của nhân vật

(Phần 1)

[MINH HUỆ 27-03-2019] Tác giả của câu chuyện mang đầy mầu sắc huyền thoại này là ông Phùng mà mọi người thường gọi ông một cách kính trọng là “Bác Phùng”. Bác Phùng sinh năm 1941 ở thành phố Đại Liên và chuyển tới sinh sống ở tỉnh chúng tôi trong quãng thời gian khi Trung Quốc đang trong phong trào “Tam Tuyến”. Bác Phùng làm nghề lái xe trong một nhà máy thép và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng Ba năm 1996.

Đòi công lý cho Pháp Luân Công: Lần thứ nhất

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc bức hại tàn khốc nhằm vào Pháp Luân Công. Bác Phùng đã bị sốc nặng trong một thời gian dài vì không hiểu nổi tại sao chính quyền lại có thể đi đàn áp một pháp môn tu luyện tốt đến vậy. Cuối cùng, bác Phùng được biết rằng vào khoảng đầu tháng Mười, nhiều học viên ở khắp nơi sẽ dồn dập đi Bắc Kinh để đòi sự công bằng cho Pháp Luân Đại Pháp, bác tự hỏi: “Tại sao mình lại không đi nhỉ?” Sau khi cân nhắc, bác đã lên tàu đi Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 10 năm 1999.

Ngay khi vừa đặt chân tới Bắc Kinh, bác Phùng đã được các học viên ở Bắc Kinh nhận ra và tiếp đón. Họ giúp bác ăn nghỉ ở một vùng thuộc ngoại thành Bắc Kinh. Các học viên ở Bắc Kinh đã phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và nguy hiểm khi tìm kiếm các học viên ở các vùng khác tới Bắc Kinh và họ đã cố gắng hết sức có thể để giúp đỡ các học viên. Việc tìm và tập hợp được các đồng tu để học Pháp và chia sẻ kinh nghiệm với nhau là vô cùng quan trọng. Chủ đề chính để chia sẻ trong khoảng thời gian đó là “Tại sao chúng ta lại tới Bắc Kinh?”. Khoảng một tuần học Pháp và chia sẻ chuyên sâu với các học viên ở khắp nơi đó là quãng thời gian không bao giờ quên đối với bác Phùng.

“Tôi đã được thụ ích rất nhiều từ những buổi chia sẻ đó.” Bác Phùng kể “Tôi đã minh bạch được một cách rõ ràng rằng chúng tôi có ba mục tiêu khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện: Thứ nhất, yêu cầu chính quyền khôi phục lại danh dự cho Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp). Thứ hai, yêu cầu chính quyền trả tự do cho các học viên đã bị bắt. Thứ ba, trả lại môi trường tu luyện bình thường cho các học viên.”

Sau đó, bác Phùng đã tới Văn phòng Kháng cáo Quốc gia để trình bày những yêu cầu của mình. Nhưng ngay khi bác vừa đến đường Phủ Hữu, ngay bên ngoài cổng của Văn phòng Kháng cáo, nhiều cảnh sát đứng ở hai bên đường trước cổng đã ùa đến đã ngăn bác lại. Cảnh sát bắt và giam giữ tất cả những người đến đây thỉnh nguyện cho Đại Pháp.

Bác Phùng đã bị giam giữ ở Bắc Kinh 14 ngày trước khi bị trả lại về tỉnh nơi bác sinh sống cùng với 22 học viên khác. Bác bị giam giữ ở một đồn cảnh sát địa phương. Vào ngày 5 tháng 11, bác đã phải nhận một “Quyết định xử phạt vì vi phạm quản lý an ninh công cộng”, cảnh báo bác đã “gây nguy hiểm cho quản lý trật tự xã hội” và giam giữ bác một tuần.

Đòi công lý cho Pháp Luân Công: Lần thứ hai

Một tháng sau, bác Phùng lại đi Bắc Kinh để đòi công lý cho Pháp Luân Công

Nhận thấy rằng Văn phòng Kháng cáo Quốc gia sẽ không tiếp nhận bắt kỳ đơn kháng cáo nào nữa, thậm chí còn bắt giữ những học viên đến kháng cáo, lần này đi Bắc Kinh, bác Phùng không đến Văn phòng Kháng cáo nữa mà đến thẳng Quảng trường Thiên An Môn, ngồi xuống một chỗ trong thế song bàn và luyện bài tĩnh công để cho mọi người biết rằng mình là một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp.

Quả nhiên, hành động của bác Phùng đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhiều người qua lại và nhiều người đã tụ tập lại xung quanh bác Phùng bàn tán. Sau đó, cảnh sát đã nhanh chóng xuất hiện bắt và đưa bác về đồn cảnh sát địa phương nơi bác cư trú. Bác Phùng bị giam giữ 15 ngày và sau đó được thả ra vào dịp Tết Nguyên đán.

Việc hai lần đến Bắc Kinh kháng cáo đã khiến bác Phùng trở thành đối tượng trọng điểm cần sự giám sát đặc biệt của cảnh sát địa phương. Quãng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán được coi là quãng thời gian nhạy cảm nên các nhân viên cảnh sát, các nhân viên ở khu dân cư và cán bộ nơi bác làm việc hàng ngày đều tới nhà cảnh báo bác không được đi Bắc Kinh nữa, Họ cũng không cho phép bác rời khỏi nhà hay liên hệ với các học viên khác. Họ cũng đe dọa người nhà của bác.

Đòi công bằng cho Đại Pháp: Lý do bác Phùng đi Bắc Kinh

Bác Phùng đã quyết định phải đi Bắc Kinh để đòi được quyền tu luyện Pháp Luân Công. Mọi người hỏi rốt cuộc vì lẽ gì mà bác lại quyết tâm đến thế, bác trả lời rằng lý do duy nhất đó là bác phải “Bước ra và nói sự thật.”

Bác Phùng nói rằng các đệ tử Đại Pháp đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nay khi Đại Pháp bị vu khống, bị bôi nhọ mà các học viên lại không dám vì Đại Pháp mà bước ra nói lời công đạo, vậy thì Thiên lý ở đâu? Làm sao dám đối mặt với lương tâm mình đây? Hơn nữa, nếu các học viên còn không dám đứng ra nói sự thật, vậy thì ai dám? Làm thế nào để người người dân biết được sự thật?

Bác Phùng tin rằng các học viên cần phải “Bước ra và nói sự thật” để thế nhân biết được chân tướng sự thật và để cho thế giới thấy rằng Pháp Luân Công ở Trung Quốc vẫn tồn tại và phát triển. Vì vậy việc phải bước ra lúc này là vô cùng cấp bách và trọng đại. Nhưng để tới được Bắc Kinh lúc này bằng xe lửa là điều không thể bởi tất cả đã bị kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, vì thế bác Phùng quyết định sẽ đi bộ tới Bắc Kinh.

Đi bộ đến Bắc Kinh mà không cần tiền

Để không bị các nhân viên an ninh phát giác, bác Phùng đã phải giữ bí mật tuyệt đối việc mình sắp làm, kể cả với vợ và con bác. Để tới được Bắc Kinh từ nơi mình đang ở, bác sẽ phải đi bộ xuyên qua năm tỉnh với tổng thời gian dự kiến là hơn hai tháng. Lộ phí đi đường là vô cùng thiết yếu để chuyến đi được thành công, nhưng trong túi bác Phùng chỉ vỏn vẹn có 54 nhân dân tệ. Thực tế là trong suốt cuộc hành trình của mình, bác Phùng đã dùng phần lớn số tiền ít ỏi này để mua pin (bởi dọc theo đường sắt mà bác đi phải đi qua, nhiều đường hầm tầu hỏa tối, nếu không có đèn pin thì không thể đi được). Đang vừa phải giấu người nhà việc mình sắp làm, vừa bị an ninh giám sát nghiêm ngặt mà lại cố xoay sở tiền lộ phí thì nguy cơ kế hoạch của mình sẽ bị bại lộ, vì thế bác Phùng đã đi đến một kế hoạch mạo hiểm: Đi bộ đến Bắc Kinh mà không cần tiền.

Tất cả những thứ mà bác Phùng mang theo đó là: Một cuốn Chuyển Pháp Luân, vài bộ quần áo lót, một tấm thảm bông mỏng, vài cái bánh màn thầu. Chín ngày sau Tết Nguyên đán vào khoảng bốn giờ sáng, bác Phùng dậy sớm lặng lẽ rời nhà nhằm hướng Bắc Kinh lên đường.

Khó khăn và khổ nạn trên hành trình đằng đẵng.

Vấn đề lương thực

“Dân dĩ thực vi thiên”, con người cần phải ăn thì mới sống được, vậy bác Phùng phải giải quyết vấn đề này thế nào khi trong túi không có tiền? Bác nói rằng để giải quyết vấn đề này, bác đã phải nhặt nhạnh những đồ ăn mà hành khách vứt đi dọc theo đường tàu và ở những ga tàu. Nhặt được cái gì thì ăn cái đấy, nhưng tất nhiên bác cũng cố lựa những thứ đồ ăn tương đối sạch sẽ được để ở trong túi.

Bác Phùng cũng gặp nhiều người đi tìm thức ăn, hầu hết họ đều là nông dân. Bác nhớ lại: “Một hôm tôi đến gần một ga xe lửa trong thành phố và tìm kiếm đồ ăn cùng với một nhóm nông dân. Một nhân viên đường sắt tiến tới và đuổi chúng tôi đi chỗ khác. Sau đó, khi nhìn thấy tôi đang mặc bộ quần áo công sở, anh ta hỏi ‘Tại sao ông lại làm việc này? Ông không biết bẩn à? Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho ông!’ Mặt tôi nóng bừng. Nhưng vì lý do an toàn, tôi không thể giải thích, nhưng cho dù có giải thích đi chăng nữa thì liệu anh ta có hiểu được không?”

Một cách nữa là đi xin ăn của người dân địa phương dọc theo đường đi, nhưng cách này còn khó khăn hơn với bác. Một người có lòng tự trọng, một công nhân kỹ thuật bậc thầy; gần 60 tuổi đời, từ khi sinh ra đến nay chưa một lần phải mở miệng xin ăn, chưa từng phải cầu xin sự bố thí của người đời, một việc mà có nằm mơ bác cũng không bao giờ nghĩ đến. Nhưng vì để sống sót tới được Bắc Kinh để đòi công lý cho đức tin của mình, bác không còn lựa chọn nào khác.

Nhưng ngay cả trong những tình huống khó khăn như thế, bác vẫn nghiêm khắc tuân theo lời Sư phụ dạy trong bài Pháp “Nguyên tắc của đệ tử xuất gia” (Tinh tấn yếu chỉ), khi đói chỉ xin đồ ăn, không xin tiền xin vật. Chỉ duy nhất có một lần, chủ nhà không còn cơm canh mà cứ khăng khăng cho bác hai tệ. Bác đã dùng số tiền này mua một hộp bánh và cho một cháu bé ở nông thôn.

Đó là vào khoảng thượng tuần tháng Giêng và trời thì rất lạnh. Hầu như bác đều phải ăn những thứ đồ ăn nhặt được đã lạnh cứng, thậm chí có thứ đã quá hạn sử dụng và uống nước lã. Trước đây bác đã từng có vấn đề về đường ruột và đã bị viêm gan 10 năm. Đến ngày thứ ba, bác cảm thấy dạ dày mình không ổn và buồn nôn, đầy hơi và theo đó là một cơn đau mạnh. Vài ngày sau, bác bắt đầu bị tiêu chảy và tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Cứ mỗi giờ thậm chí chưa đến một giờ, bác phải đi ngoài một lần và nó đều là nước. Một lần bác nhìn kỹ và kinh hãi khi phát hiện ra rằng nó toàn là máu. Kể từ lần đó về sau, bác sợ không dám nhìn nữa. Bác tự nói và động viên chính mình: “Đây chỉ là khảo nghiệm thôi mà, đừng lo. Tiếp tục tiến về phía trước, quyết không lùi bước cho tới khi đến được Bắc Kinh”. Bệnh tiêu chảy đó kéo dài hơn một tháng và cuối cùng cũng đã hết. Đây là khổ nạn đầu tiên mà bác Phùng trải qua.

Đối mặt và chịu đựng khổ nạn

Thực ra, “thức ăn” không phải là vấn đề khó nhất mà bác Phùng phải đối mặt. Từng thời từng khắc mỗi ngày, bác đều phải đối mặt với vấn đề là làm sao để giữ mình kiên trì tiếp tục tiến về phía trước, không được dừng lại, không được nản chí. Đi dọc theo đường xe lửa là con đường ngắn nhất và giữ cho bác không bị lạc đường. Phần lớn thời gian bác đều đi ở đường bê tông tà-vẹt giữa hai đường ray. Con đường bê tông tà-vẹt đó rất cứng và khoảng cách giữa hai tà-vẹt đó không đủ để có thể đi bộ được một cách bình thường. Vì thế, nó thậm chí còn mệt hơn là khi đi bộ trên bề mặt phẳng. Hơn nữa, bác còn phải đi băng qua vô số những đường hầm và cầu cạn đường sắt.

Một tháng liên tục bị tiêu chảy và đại tiện ra máu đã khiến cho sức khỏe của bác Phùng trở nên rất yếu, mềm nhũn, cả người như vô lực. Đứng lên đầu váng mắt hoa, bước đi xiêu vẹo đổ trái ngã phải, cảm tưởng như chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể thổi bác lên và quay vòng tròn.

Một điều đáng ngại nhất đó là những cơn đau và sưng ở bắp chân và bàn chân. Bác nhớ lại: “Những cơn đau đó rất thường xuyên và khó chịu. Bởi vì tôi đi bộ từ sáng sớm đến tối muộn và không có ngày nghỉ, vì thế cơ thể không có thời gian để hồi phục và ban đêm cũng không có được giấc ngủ ngon.” Mỗi buổi sáng khi bắt đầu bước đi, bác cảm giác như đôi chân mình nặng như chì, bác phải dùng hết sức để bước từng bước. Bác mô tả lại những cơn đau khi bước đi trên những thanh tà-vẹt đường tàu “Cảm giác như thể chân không mang giày, bàn chân cũng không có thịt. Mỗi bước đi như giống như xương bàn chân gõ trực tiếp lên những khối sắt đường tàu cứng nhắc gây nên những cơn đau thấu ruột thấu gan. Một lần tôi vô tình đá vào cạnh của một thanh tà-vẹt và khiến cho đầu móng chân ngón cái rơi ra và máu chảy ròng ròng.”

Vào những lúc khó khăn như thế, bác vừa đi vừa đọc Hồng Ngâm và Luận Ngữ. Thỉnh thoảng bác ngồi xuống đọc Chuyển Pháp Luân và luyện tĩnh công, sau đó đứng dậy và tiếp tục tiến về phía trước.

Tất cả những tuyến đường sắt chính đều là những đường tàu song song, lượng tàu chạy rất lớn, từ nam chí bắc qua lại không ngừng, vì thế bác vừa phải tiến về phía trước vừa phải chú ý hết mức để giữ an toàn. Thông thường, các đoàn tàu tiến về phía trước sẽ đi ở đường ray bên trái vì thế bác sẽ đi ở đường ray bên phải. Bằng cách này, những chuyến tàu tiến đến từ phía sau thì sẽ nằm ở một đường ray khác và những chuyến tàu tiến đến từ phía trước sẽ ở trên cùng một đường ray với bác nhưng chúng sẽ dễ dàng được phát hiện. Nói là vậy nhưng trong những tình huống đặc biệt thì điều gì cũng có thể xảy ra và bác đã hai lần rơi vào tình huống vô cùng nguy hiểm.

Được Sư phụ bảo vệ: Gặp tình huống nguy hiểm

Lần đầu tiên đó là khi bác ở tỉnh Hồ Nam. Lúc đó là vào khoảng chiều muộn của một ngày trời đầy mây âm u. Bác đang ở một vùng đồi núi sau khi vừa vượt qua mấy đường hầm tàu hỏa. Sau khi đã đi bộ cả ngày trời, bác cảm thấy mệt mỏi đến mức không muốn nhấc chân. Sau đó, bác đã vấp phải một thanh gỗ ngang và ngã mạnh xuống giữa hai đường ray tàu hỏa và không dậy nổi.

Ngay sau đó, bác nghe thấy tiếng còi tàu hỏa hú vang, bác ngóc đầu dậy và nhìn thấy ánh đèn pha sáng chói của một đoàn tàu hỏa vừa chui ra khỏi hầm và đang lao nhanh về phía mình. Đoàn tàu chỉ cách bác vài trăm mét. Đột nhiên rơi vào tình huống nguy cấp, bác quýnh lên, chân tay mềm nhũn không đứng dậy nổi, thậm chí là không thể lăn người được sang bên cạnh. Trọng lượng của ba lô quần áo trên lưng cũng khiến cho bác không cử động được. Không kịp nữa rồi, ngay trước thời khắc chuyến tàu lao vào mình, từ đáy lòng mình bác lấy hết sức bình sinh và hét lên: “Sư phụ, cứu con!” Đột nhiên, bác cảm thấy có một luồng lực vô hình nhấc bổng bác lên không trung, bay lên và nhẹ nhàng hạ xuống đường ray bên trái vừa kịp lúc đoàn tàu lao vút qua. Tất cả diễn ra trong tích tắc và giống như một giấc mơ vậy.

Phải mất một lúc lâu sau, bác mới hoàn hồn và nhận thức được chuyện gì đã xảy ra. Nghĩ lại khoảnh khắc kinh hoàng đó, trong lòng bác dâng lên một niềm cảm kích vô hạn với Sư phụ vì đã cứu mạng mình. Bác nói bác sẽ không bao giờ quên cái cảm giác khi cả cơ thể mình nổi bồng bềnh trong không khí đó.

Tình huống thứ hai xảy ra sau đó khoảng một tuần khi bác ở trong tỉnh Hồ Bắc. Đó cũng là vào một buổi chiều trời đầy mây. Bác muốn băng qua đường ray bên trái để đi ra ngoài phía bên trái của đường tàu. Bác mô tả lại tình huống đó như sau: “Tôi đã quan sát phía sau một cách cẩn thận và thấy không có chuyến tàu nào đi tới cả. Sau đó, tôi nhanh chóng bước qua vài đường ray để vượt sang phía bên kia, ngay khi tôi vừa bước qua đường ray cuối cùng và đặt được chân sang bên kia thì bỗng một đoàn tàu tốc hành như từ trên trời rơi xuống lao vụt tới và sượt qua ở phía bên phải tôi. Luồng gió nóng cực mạnh phả ra từ đoàn tàu như muốn cuốn tôi theo. Thật vô cùng nguy hiểm, tôi đã thoát chết trong gang tấc. Chuyến tàu đó cũng hú còi và có đèn pha sáng nhưng không hiểu sao mà tôi lại không phát hiện ra nó từ trước.”

Bác Phùng đã đi qua khoảng 100 đường hầm và đặc biệt có hai đường hầm rất dài khoảng hơn 3 dặm (khoảng gần 6km). Với những đường hầm dài như thế này, cảnh sát thường đứng gác ở cửa hầm không cho người đi bộ đi qua, vì thế bác đã phải tìm đường đi khác. Mỗi lần như thế, bác phải mất một ngày rưỡi mới qua được một hầm. Đường núi rất khó đi và thậm chí trong vài chục dặm còn không có đường đi hay có người sinh sống.

Trong thời gian này, bác còn phải đề phòng lực lượng cảnh sát đang cố ngăn chặn mọi người tới Bắc Kinh để đòi công bằng cho Đại Pháp. Càng gần tới Bắc Kinh cảnh sát càng nhiều. Để tránh bị lộ, bác đã phải đi đường vòng.

Khi đến thành phố Hứa Xương ở tỉnh Hà Nam, bác đã đi bộ trên đường cao tốc và có nhiều cơ hội quá giang được xe để tiết kiệm thời gian đi bộ. Nhiều tài xế xe tải đồng ý cho bác đi nhờ xe miễn phí nhưng bác đã từ chối. Bác cho rằng nghiệp lực của mình có thể được loại bỏ bằng cách chịu đựng những khổ nạn, vì thế bác quyết định sẽ đi bộ.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/27/384399.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/17/184068.html

Đăng ngày 11-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share