Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 25-03-2020] Ngày 22 tháng 3, một nhà hàng nằm trên dãy phố mua sắm Thái Nguyên ở trung tâm thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã treo biểu ngữ chống Mỹ và chống Nhật, theo một bài báo của UPI ngày 24 tháng 3. Biểu ngữ có nội dung: “Nhiệt liệt chúc mừng tình hình dịch bệnh của Mỹ quốc. Chúc dịch bệnh của Nhật Bản dương buồm thuận gió, tồn tại dài lâu.”

Cảnh sát địa phương đã mở cuộc điều tra về vấn đề này, và bài báo của UPI có trích dẫn một tờ báo Trung Quốc rằng: “COVID-19 là thảm họa và là kẻ thù chung của nhân loại, bất kể là chủng tộc, khu vực địa lý, hay quốc gia. Chúng ta phải đồng lòng chung sức mà chống lại kẻ thù chung ấy và đừng vui mừng khi chứng kiến người khác lâm vào ​​thảm họa.”

Biểu ngữ này có thể đã bị gỡ xuống, nhưng tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc gắn liền với sự việc đó đã phản ánh tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi tự xưng là kẻ chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch và đả kích các quốc gia khác vì “sự thất bại” của họ trong việc xử lý khủng hoảng.

Tuyên truyền tẩy não của ĐCSTQ rằng ĐCSTQ là siêu việt, còn các quốc gia khác là xấu (hoặc chống Trung Quốc), không chỉ khiến người dân bên trong Trung Quốc lầm tưởng, mà còn vươn các xúc tu của nó tới người Trung Quốc sống tại hải ngoại, trong đó, nhiều người không để tâm tìm hiểu văn hóa và hệ giá trị của phương Tây. Họ bám chặt với cộng đồng người Hoa, chỉ đọc truyền thông Trung Quốc và bịt tai với truyền thông tự do ở phương Tây. Những người này dễ trở thành nạn nhân nhất trước thông tin sai lệch ồ ạt của đội quân internet của ĐCSTQ trên mạng xã hội.

Trong trường hợp đại dịch virus corona, ĐCSTQ đang lợi dụng lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc, và dùng tình cảm đó để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người khỏi sự yếu kém của ĐCSTQ trong việc kiểm soát dịch bệnh sang việc các quốc gia khác “phân biệt đối xử” với người Trung Quốc khi các quốc gia đó “xử lý sai” đại dịch.

Các nhóm “tự vệ” người Mỹ gốc Hoa

Mấy tuần trước, video về một số người Trung Quốc bị tấn công ở New York đã bắt đầu lan truyền trên WeChat, một mạng xã hội Trung Quốc có trên 1 tỷ người dùng tích cực mỗi tháng. Trong khi một số người dùng WeChat nghi vấn tính xác thực của video, thì hầu hết các tin nhắn và bài đăng, bình luận ngay sau đó đã lên án Hoa Kỳ vì “chống Trung Quốc” và “phân biệt đối xử người Mỹ gốc Hoa”.

Sợ bị tấn công vì sắc tộc, nhiều người Trung Quốc ở Mỹ đã thành lập các nhóm “tự vệ” và mua súng để tự bảo vệ mình.

Một nhóm WeChat ở California có tên là ”Đội tự cứu hộ vũ trang người Trung Quốc tại Irvine” đã đăng tuyên bố sau đây cho các thành viên của mình: “Chúng tôi sở hữu nhiều loại súng và đồ bảo hộ. Nếu nhà của bất kỳ thành viên nào trong nhóm bị xâm chiếm, các tình nguyện viên của chúng tôi sẽ mang súng đến nhà người đó và bảo vệ họ trước những kẻ xâm nhập.”

Hành động của họ nhanh chóng bị cảnh sát địa phương cảnh báo. Sau đó, ngày 18 tháng 3, họ đã ra một thông điệp khác trên nhóm WeChat: “Cảnh sát Irvine đã cảnh báo chúng tôi rằng bất kỳ nhóm nào có ý nói họ có quyền hành pháp đều là giả danh cảnh sát và việc đó là bất hợp pháp.”

Ngày 26 tháng 3, cô Karie Davies, người phát ngôn của cảnh sát Irvine, phát biểu với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of Ameria) rằng mặc dù công dân Mỹ sở hữu súng là hợp pháp, nhưng các nhóm này và hành động của họ “kích động sự sợ hãi tột độ trong cộng đồng người Hoa.” Cô cho biết họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc người Trung Quốc bị tấn công ở cộng đồng người Hoa. Cô đề nghị nếu những người Trung Quốc này có thể thành lập các nhóm tình nguyện để giúp đỡ người cao tuổi mua thực phẩm thì sẽ được hoan nghênh.

Người Trung Quốc ở nước ngoài trốn về Trung Quốc để được an toàn, nhưng lại bị cáo buộc đầu độc quê hương của mình

Trong khi những người Hoa kiều kể trên chọn cách mua súng để tự bảo vệ mình, thì người Hoa kiều khác đã vội vã trở về Trung Quốc mong tìm “nơi trú ẩn an toàn” khi các ca nhiễm mới đang gia tăng tại các quốc gia mà họ đang cư ngụ, và ĐCSTQ tuyên bố “chiến thắng” trong cuộc chiến chống lại virus.

Một số người Trung Quốc quyết định quay về Trung Quốc sau khi thấy một tin nhắn khác trên WeChat xuất hiện trong các nhóm ở Nhật Bản, Pháp, Nội Mông và Hoa Kỳ.

Tin nhắn này có cùng nội dung, chỉ khác tên quốc gia, kể về tình hình khủng khiếp ở “mỗi quốc gia” rằng “vô số người bị từ chối điều trị tại bệnh viện và phải chết tại nhà.” Những người gửi tin nhắn này nói “họ” vừa mua vé về Trung Quốc để “dồn lực làm việc lớn”.

Dù không rõ những “việc lớn lao” mà “tác giả” của các tin nhắn này ám chỉ điều gì, nhưng có vẻ như những tin nhắn này cùng xuất hiện theo kiểu cộng hưởng nhắm vào người Trung Quốc sống ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay khi họ đáp xuống Trung Quốc, hầu hết mọi người bị đưa thẳng tới khách sạn và bị cưỡng chế cách ly 14 ngày. Nhiều người trong số họ choáng váng vì điều kiện sinh hoạt tồi tệ ở các khách sạn cách ly.

Tệ hơn nữa, ĐCSTQ còn cổ động người dân ở Trung Quốc bài xích người Trung Quốc từ nước ngoài về. Một số người ở Trung Quốc bắt đầu đổ lỗi cho những người này đã gây rắc rối cho đất nước và rủa họ: “Lúc xây dựng tổ quốc thì không thấy các vị đâu, giờ mang virus lây lan từ nước ngoài về thì các vị là nhanh nhất.”

Kích động nhóm này chống lại nhóm kia

Thủ đoạn kích động nhóm này chống lại nhóm kia của ĐCSTQ không có gì là mới. Chính quyền cộng sản thường dùng thủ đoạn này để duy trì quyền lực và đạt được các mục tiêu chính trị của nó.

Theo một tài liệu do WikiLeaks xuất bản, một binh sỹ Trung Quốc tham gia vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989 đã tiết lộ rằng, ngay trước khi họ được phái tới Quảng trường Thiên An Môn, trong quân đội đã loan tin rằng 100 binh sỹ đã bị các sinh viên sát hại.

Đội quân nhanh chóng đếm đầu người, và họ phát hiện họ thực sự đã thiếu khoảng 100 binh sỹ.

Các binh sỹ phát điên. Khi được phát lệnh bắn, những người lính này đã xả súng máy vào đám đông; hơn 1.000 người đã thiệt mạng.

Sau đó, 100 binh sỹ “đã bị giết chết” đó lại xuất hiện trở lại. Người lính đặc biệt này đã sốc. Ông nói ông thấy xấu hổ vì bị lừa dối mà đã nổ súng vào dân thường không vũ trang.

12 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, ĐCSTQ đã dàn dựng vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23 tháng 1 năm 2001 để kích động thù hận đối với các học viên của môn tu luyện Pháp Luân Công.

Tin tức về” vụ tự thiêu” không ngừng được phát sóng trên truyền hình. Nhiều người Trung Quốc đã tin điều này và từ đó trở nên thù địch đối với Pháp Luân Công.

Dù ĐCSTQ đã thành công trong việc kích động nhóm này chống lại nhóm khác trong một số sự vụ, nhưng nó thường phải tự dập lửa khi ngày càng nhiều người nhận ra sự tàn bạo và coi thường sinh mạng con người của nó. Để duy trì sự ổn định và quyền lực, ĐCSTQ còn dùng một thủ đoạn nữa, đó là điều hướng sự chú ý sang các quốc gia khác.

Điều hướng sự chú ý

Năm 2012, khi ĐCSTQ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị chưa từng có, một làn sóng phản đối Nhật Bản bất ngờ nổ ra trên khắp Trung Quốc do tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Một người chứng kiến ​​các cuộc biểu tình ban đầu ở Bắc Kinh kể lại rằng những cuộc biểu tình này rõ ràng là được các nhà chức trách dàn xếp và cảnh sát thực ra còn chỉ đạo những người biểu tình phải đi đâu và hô khẩu hiệu nào trong cuộc tuần hành.

Chiêu trò của ĐCSTQ nhằm chuyển hướng sự chú ý ra khỏi cuộc khủng hoảng trong nước đã phản tác dụng khi có những báo cáo về các cuộc biểu tình này đã kích động các cuộc kháng nghị ở một số thành phố trở nên bạo lực và trở thành cuộc khủng hoảng mới trong nước.

Khi đại dịch virus corona hoành hành trên khắp thế giới, ĐCSTQ phải đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi truy cứu trách nhiệm của nó vì đã gây ra cuộc khủng hoảng. Để chuyển hướng sự chú ý, ĐCSTQ bắt đầu lan truyền tin đồn để giá họa cho các quốc gia khác.

Ông Massimo Introvigne, nhà xã hội học người Ý tiết lộ rằng các nhà ngoại giao và đặc vụ Trung Quốc được mật lệnh phải thuyết phục mọi người tin rằng virus corona có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc, theo bài báo có tựa đề “Giải tội lại cho virus: Tuyên truyền của ĐCSTQ đang viết lại lịch sử như thế nào” (tên gốc De-Sinicizing the Virus: How CCP Propaganda Is Rewriting History) đăng trong Bitter Winter ngày 9 tháng 3 năm 2020.

Bài báo của ông Introvigne lấy cảm hứng từ một email mà ông nhận được từ người đồng nghiệp Trung Quốc hỏi ông có an toàn trước “virus Ý” không. Sau đó, ông phát hiện bạn bè người Nhật của ông cũng nhận được những email tương tự hỏi họ có bị “virus Nhật Bản” ảnh hưởng không.

Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã có bài đăng trên Twitter vào ngày 12 tháng 3, tuyên bố Quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus đến Vũ Hán. Bình luận của Triệu đã bị chính phủ Hoa Kỳ chỉ trích ngay sau đó.

Bài viết liên quan:

Chủng loại ôn dịch khác của Trung Cộng: Đặc vụ và “đội quân 50 xu” thâm nhập vào các quốc gia trên thế giới gây nhiễu loạn

Tin nghe theo Trung Cộng kích động, người Hoa hồi hương tránh ôn dịch phải nuốt trái đắng

Bài viết liên quan bằng tiếng Trung:

https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/24/402869.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/25/402912.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/20/184112.html

Đăng ngày 24-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share