Bài viết của Tân Khí Danh

[MINH HUỆ 26-03-2011] Đường Thái Tông kiến lập vương triều nhà Đường, thực thi nền chính trị nhân đức, đã để lại rất nhiều câu chuyện vua sáng tôi hiền. Dưới đây là hai câu chuyện được tuyển dịch từ sách “Đại Đường tân ngữ” của Lưu Tú đời Đường.

Đường Thái Tông lập bia cho Ngụy Trưng

Ngụy Trưng trình bày những phương pháp mà các bậc quân vương từ xưa tới nay dùng trị sửa quốc gia, đạt được thiên hạ thái bình. Đường Thái Tông cho rằng những lời Ngụy Trưng nói rất đúng.

Phong Đức Di đứng bên phản đối rằng: “Sau thời Tam Đại Hạ, Thương, Chu, con người dần giảo hoạt bạc bẽo dối trá, do đó triều Tần trị quốc chuyên dùng hình pháp, triều Hán sử dụng lẫn cả nhân nghĩa và hình pháp, đều là muốn khiến phong thái dân chúng thuần chính, nhưng đều chưa thực hiện được. Ngụy Trưng là một thư sinh, nếu nhẹ dạ nghe theo lời ông ta, e rằng sẽ khiến quốc gia suy bại và loạn lạc.”

Ngụy Trưng chất vấn Phong Đức Di rằng: “Thời Ngũ Đế, Tam Vương trị quốc, không thay đổi người dân trong nước mà thực hiện giáo hóa. Chỉ vì đích thân thực hiện Đạo vô vi nhi trị, là thành tựu đế nghiệp. Đích thân thực hiện Đạo nhân nghĩa, là thành tựu vương nghiệp, đó đều là sự trị sửa và giáo hóa của quốc quân đương thời. Chúng ta khảo sát những ghi chép trong các điển tích cổ đại thì có thể thấy rõ. Thời cổ đại, Hoàng Đế đánh Xi Vưu, sau khi thắng trận bèn dốc sức giáo hóa khiến thiên hạ thái bình. Cửu Lê làm loạn, Chuyên Húc bèn xuất quân chinh phạt, sau khi chiến thắng cũng không bỏ lỡ giáo hóa. Hạ Kiệt dâm loạn bạo ngược, Thương Thang đánh đuổi ông ta đi. Thương Trụ Vương vô Đạo, Chu Võ Vương liền hảo phạt ông ta. Những điều nói trên đều đạt được thiên hạ thái bình. Nếu nói: con người càng ngày càng giảo hoạt, bạc bẽo, lừa dối, hoàn toàn không thể nào làm được thuần chính chất phác chân thực nữa, vậy thì đến ngày hôm nay, trong xã hội hiện nay, con người ai ai cũng đều biến thành yêu ma quỷ quái cả rồi, thế thì đương nhiên cũng không cần giáo hóa thêm nữa.”

Phong Đức Di không tìm ra lời nào để phản bác Ngụy Trưng nữa.

Khi Ngụy Trưng qua đời, Đường Thái Tông đích thân viết văn bia cho ông, đồng thời đích thân viết chữ lên bia. Sau này, vì có người nói xấu Ngụy Trưng, Đường Thái Tông hạ lệnh hủy tấm bia đó.

Đến khi Đường Thái Tông chinh phạt Liêu Đông, khi chưa giành được thắng lợi thì bản thân rất hối hận, ông than rằng: “Lúc đó nếu Ngụy Trưng còn sống thì ông ta ắt sẽ không để ta đi chinh phạt Liêu Đông.” Sau khi vượt qua sông Liêu Thủy, Đường Thái Tông lệnh dùng ngựa truyền lệnh, dùng lễ ‘thiếu lao’ (có lợn và dê) để cúng tế Ngụy Trưng, và lập lại bia cho ông.

Tình bạn giữa Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối

Đỗ Như Hối khi còn trẻ rất thông minh trí tuệ, thần thái hơn người. Đường Huyền Tông phong ông làm Tần Vương Phủ Binh Tào. Không lâu sau lại điều làm Trưởng sứ Thiểm Châu.

Phòng Huyền Linh nói với Thái Tông rằng: “Đỗ Như Hối thông minh trí tuệ, thông hiểu lẽ sự, là nhân tài phò tá đế vương. Nếu đại vương chỉ muốn giữ địa vị phiên vương thì không cần dùng đến ông ta. Nếu đại vương muốn trị sửa thiên hạ, thành tựu đế nghiệp, thì không có người này là không được.”

Thế là Đường Thái Tông liền mời Đỗ Như Hối giúp Tần Phủ, phong ông làm Nam tước huyện Kiến Bình, ủy nhiệm ông là Học sỹ Văn học quán. Thái Tông còn lệnh cho người viết lời khen Đỗ Như Hối rằng: “Kiến Bình văn nhã, hưu hữu liệt quang. Hoài trung lý nghĩa, thân lập danh dương” (Kiến Bình văn nhã, may có hào quang. Trong lòng đạo nghĩa, lập thân nổi danh).

Năm Trinh Quán thứ nhất, Đỗ Như Hối đảm nhiệm chức Hữu bộc xạ, Phòng Huyền Linh đảm nhiệm chức Tả bộc xạ (Tả, Hữu bộc xạ đều tương đương với tể tướng sau này – ND). Đường Thái Tông nói với hai người rằng: “Các khanh là bộc xạ, nên tai nghe xa, mắt nhìn rộng, tìm kiếm xét thăm những người hiền minh có trí tuệ. Gần đây nghe nói các khanh lắng nghe và tiếp nhận cáo trạng tố tụng, mỗi ngày đọc những cáo trạng này đã khiến các khanh không còn thời gian nhàn rỗi, sao có thể tìm kiếm hiền tài cho trẫm được?” Thế là hai người càng chuyên cần chính sự và tiến cử hiền tài.

Từ đó, việc tổ chức, lập kế hoạch các cơ cấu trong triều đều do hai người đặt ra. Pháp luật, chính lệnh do họ đặt ra đều chú ý khoan dung, hòa hoãn và bình hòa, dùng người không cầu toàn trách bị, cũng không dùng sở trường của bản thân để đánh giá người khác. Người do Đỗ Như Hối và Phòng Huyền Linh tiến cử, dường như đều tốt hơn chính bản thân họ.

Đường Thái Tông mỗi lần thương nghị quốc sự với Phòng Huyền Linh thì Phòng Huyền Linh đều nói: “Không có Đỗ Như Hối thì không thể mưu tính lập kế hoạch tốt sự việc này.” Đến khi Đỗ Như Hối đến, kết quả thảo luận với nhau, cuối cùng thường là chọn dùng kế sách của Phòng Huyền Linh.

Hai người Phòng, Đỗ quyết đoán đại sự, luôn bàn bạc thảo luận với nhau. Đến ngày nay, nói về những tể tướng giỏi, mọi người đều ca ngợi hai người Phòng, Đỗ.

Sau này Đỗ Như Hối qua đời, Đường Thái Tông nói với Ngu Thế Nam rằng: “Tình nghĩa quân thần của trẫm với Đỗ Như Hải rất sâu nặng, ông ta không may qua đời, trẫm rất đau lòng. Khanh biết tâm ý của trẫm, vậy khanh hãy thay trẫm soạn văn bia cho ông ấy đi.”

Sau này Đường Thái Tông có lần thưởng thức loại trái dưa mới thơm ngon, nhớ tới Đỗ Như Hối, lập tức vô cùng bi thương, ăn được một nửa liền không ăn nữa. Ông sai người lấy nửa trái dưa đặt lên bàn thờ Đỗ Như Hối.

Có lần Đường Thái Tông đem đai vàng bạc bàn thưởng cho Phòng Huyền Linh, và nói với Huyền Linh rằng: “Đỗ Như Hối và khanh đồng tâm hiệp lực phò tá trẫm, ngày nay trẫm ban thưởng đai vàng bạc cho khanh, chỉ ban cho một mình khanh. Đỗ Như Hối, trẫm không được gặp lại nữa rồi,” nói rồi lệ chảy ướt đẫm mặt.

Vì đai vàng bạc trừ tà, là thứ mà quỷ Thần sợ, do đó Đường Huyền Tông liền sai người lấy ra một cái đai vàng, rồi bảo Phòng Huyền Linh đem đai vàng đến tặng nhà Đỗ Như Hối.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/3/26/文史漫談-唐太宗給魏徵立碑-238122.html

Đăng ngày 08-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share