Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-02-2020] Năm lên 10 tuổi, tôi đã xúc động khi nhìn thấy ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”, vì vậy tôi đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Mặc dù còn trẻ nhưng tôi đã cảm thấy phiền chán trước sự giả tạo, không thẳng thắn, mưu mô và sự phân cấp xã hội trong nhân thế, trong lòng luôn khao khát một sự cao đẹp vĩnh cửu. Khi nghe được ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”, tôi nhận ra đây chính là lời giải cho tất cả các câu hỏi của tôi và tâm tôi đột nhiên rộng mở.

Nhưng nhiều năm sau, chính suy nghĩ đó lại thực sự ngăn cản tôi vứt bỏ tâm sắc dục, truy cầu thoải mái và tâm tật đố.

Tôi có tâm sợ hãi rất mạnh mẽ và không vứt bỏ nó được. Tôi sợ cảnh sát và các nhân viên từ trung tâm cộng đồng sẽ đến gõ cửa nhà mình. Tôi sợ gia đình không hiểu tôi. Tôi sợ điều này, sợ điều kia.

Tôi sợ mình không bắt kịp tiến trình Chính Pháp. Tôi không biết nhiều Pháp lý nhưng tôi kiên định đức tin của mình vào Đại Pháp. Tôi ngưỡng mộ những học viên mỗi ngày đều giảng chân tướng cho mọi người.

Bất cứ khi nào đọc được các bài viết trên Tuần báo Minh Huệ về các học viên đi tới các làng quê để phân phát tài liệu về Đại Pháp và khuyên mọi người thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cùng các tổ chức liên đới của nó, tôi lại nói với mẹ rằng: “Sẽ thật tuyệt vời nếu con có thể chứng thực Pháp như các học viên ấy.”

Chính nhờ tâm nguyện ấy của tôi mà Sư phụ đã an bài cho mẹ con tôi gặp các học viên ở địa phương – những người đã đến các làng quê để giảng chân tướng. Chúng tôi tham gia cùng họ. Tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân khi nghe họ chia sẻ về những trải nghiệm trong quá trình chứng thực Pháp suốt những năm qua. Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian sống cuộc sống người thường. Tôi phải nhanh chóng làm tốt ba việc và theo kịp Chính Pháp.

Tôi học các bài giảng Pháp rất nhiều và có thể ngộ tốt hơn về các Pháp lý, tôi cũng bắt đầu làm ba việc để chứng thực Pháp. Tôi làm việc bán thời gian, gửi con nhỏ ở nhà trẻ, con lớn ở trường học và đón các con khi đến giờ tan học. Chồng tôi bận rộn với công việc và không thể giúp tôi. Tôi đã nghĩ: “Mình chỉ bước trên con đường Sư phụ đã an bài cho mình. Mình phải làm ba việc thật tốt và không gì có thể ngăn cản mình chứng thực Pháp.” Mỗi ngày tôi đều bận rộn và không có chút thời gian rảnh nào. Nhưng tôi hạnh phúc và cảm thấy mãn nguyện.

Mỗi ngày tôi làm ba việc. Đôi khi tâm truy cầu thoải mái của tôi nổi lên. Tôi muốn đi du lịch cùng các con nhưng tôi đã ngay lập tức gạt bỏ suy nghĩ ấy. Tôi bước ra chứng thực Pháp khá muộn, vì thế tôi phải theo kịp. Sao tôi có thể nghỉ ngơi được?

Mặc dù không buông lơi nhưng tôi cũng không thể tinh tấn như trước đây, tôi làm nhiều việc vì tôi phải làm chứ không phải vì tôi sẵn lòng làm. Tôi hướng nội sâu hơn. Tại sao tôi lại tinh tấn và quyết tâm tu luyện trong môi trường khắc nghiệt trong khi lại không thể tinh tấn trong môi trường thoải mái? Gốc rễ chính là chấp trước mà tôi mang theo khi tôi vừa mới bắt đầu tu luyện.

Nguyên nhân gốc rễ là gì? Lý do tôi bắt đầu tu luyện là vì “Chân-Thiện-Nhẫn” là điều gì đó mà tôi tìm kiếm và là điều giúp tôi sống một cuộc sống thoải mái dễ chịu. Vì thế khi mọi thứ trở nên khó khăn và tôi cảm thấy không thoải mái, theo bản năng, tôi bài xích thống khổ và chủ động tuân theo Pháp lý để có thể tự giải thoát bản thân mình khỏi những khó khăn đó. Khi hoàn cảnh trở nên thoải mái dễ chịu và tôi có một cuộc sống tốt, tôi liền không có tâm muốn tinh tấn. Tôi đã lợi dụng Đại Pháp để có cuộc sống tốt đẹp. Đây chính là nhân tâm dơ bẩn. Sao tôi có thể đạt đến cảnh giới của Thần với tâm dơ bẩn như thế được?

Nhận ra chấp trước căn bản của mình, tôi cảnh giác loại bỏ bất kỳ tư tưởng bất chính nào liên quan đến tâm chấp trước này và cố gắng tìm lại chân ngã của mình. Tôi tự nhủ rằng tôi xuống thế gian này để hoàn thành thệ nguyện và chứng thực Pháp, không phải để sống cuộc sống tốt đẹp nơi xã hội người thường.

Khi tìm ra chấp trước căn bản của mình và minh bạch được mục đích của tu luyện, những tư tưởng xấu trong tâm trí tôi mất đi mảnh đất màu mỡ; tâm truy cầu thoải mái, tâm sắc dục và tâm tật đố không còn bám chắc nữa. Việc tu luyện của tôi trở nên dễ dàng hơn.

Một vài học viên bị mất phương hướng sau khi vi-rút corona bùng phát. Một số học viên lâu năm làm tốt việc giảng chân tướng lại chọn ở nhà và không tiếp tục ra ngoài để giảng chân tướng cho mọi người. Điều gì đang ngăn cản chúng ta bước ra? Vi-rút corona sao? Không phải. Gia đình sao? Cũng không phải. Nếu tâm chúng ta kiên định thì không gì có thể ngăn cản chúng ta làm những gì chúng ta nên làm. Vậy điều gì đang ngăn cản chúng ta tinh tấn? Đó chính là nhân tâm.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện là cực kỳ gian khổ, là nghiêm túc phi thường; chư vị hơi không chú ý là có thể [bị] rớt xuống ngay, huỷ [hoại] chỉ trong một sớm; do vậy tâm nhất định phải chính.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Đó có phải bởi vì chúng ta đã để cho chấp trước truy cầu thoải mái phóng đại quá lớn khi hoàn cảnh trở nên nới lỏng và chúng ta không ý thức được nó? Hay là do những chủng chấp trước bất chính khác gây ra? Tôi đã có thể ngộ sâu hơn về hai tiết mục biểu diễn của Shen Yun năm nay.

Tôi tin rằng đó chính là điểm hóa của Sư phụ về việc chúng ta nên làm như thế nào khi dịch bệnh bùng phát. Chúng ta phải vứt bỏ chấp trước vào danh, lợi, tình và có chính tín bất động vào Đại Pháp. Chúng ta không bao giờ được để chấp trước mong cầu thoải mái can nhiễu chúng ta. Điều gì đang ngăn cản chúng ta tinh tấn? Không phải chúng ta cần đào sâu hơn sao?

Xin đừng để bản thân bị lạc trong những giả tướng do nhân tâm của chúng ta gây ra. Hãy đào sâu những tâm ấy và loại bỏ chúng đi. Hãy làm ba việc thật tốt.

Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ bằng một trích đoạn Pháp của Sư phụ:

“Đương nhiên thời kỳ cuối cùng mà tôi giảng ấy, kỳ thực mọi người cũng thấy rồi, biến hóa của Thiên tượng và biến hóa nơi thế gian này là cùng dạng. Ví như nói cuộc bức hại của tà ác đối với đệ tử Đại Pháp, đã là đến lúc cùng đồ mạt lộ rồi, tà ác đã là tự mình còn khó bảo đảm, chẳng qua là bộ máy bức hại đệ tử Đại Pháp kia vẫn đang vận chuyển mà thôi. Tuy nhiên, như tôi vừa nói, đã đến cuối cùng, [thì] chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa những gì chúng ta cần làm, bởi vì càng đến cuối thì càng then chốt hơn. Ban đầu hoàn cảnh gian nan thế, hoàn cảnh tà ác thế, mà chư vị đều đã vượt qua, [nên] không lý do nào không làm tốt hơn vào lúc cuối cùng. Bức hại thời đầu, các kênh thông tin toàn thế giới khắp nơi đều truyền tải những bài vu khống của kênh thông tin Trung Cộng, con người toàn thế giới rất khó phân biệt rốt cuộc [đây] là chuyện gì. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, các đệ tử Đại Pháp ở xã hội quốc tế giảng chân tướng đã cải biến nhận thức con người toàn thế giới, [chư vị] đã vượt qua rồi. Cuối cùng bản thân chư vị phải trân quý hết thảy những gì đã làm này, không thể phóng túng tự thân, tuyệt đối không thể buông lỏng chính mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/27/-401749.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/3/183487.html

Đăng ngày 28-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share