Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 11-5-2009] Tôn Sư trọng Đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người thầy là người truyền thụ các luân lý đạo đức, tri thức và quan niệm về giá trị, dạy người ta cách đối nhân xử thế, và là những mẫu mực về đạo đức. Trong sách “Lễ ký – Học ký” có nói : “Thầy nghiêm thì Đạo được tôn kính. Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học”. Duy hộ sự tôn nghiêm của đạo làm Thầy, chẳng những yêu cầu lời nói và hành động của người học trò phải thể hiện được sự tôn kính và lễ phép với Thầy, mà trọng yếu là trong lòng học trò phải kính trọng Thầy, nghiêm khắc làm theo những yêu cầu của Thầy. Những thí dụ về việc cổ nhân tôn kính người Thầy có rất nhiều, dưới đây trình bày vài câu chuyện.

Doãn Hỷ bái sư

Doãn Hỷ là một viên quan lớn hiền tài thời Tây Chu. Từ nhỏ đã thích đọc sách cổ, tinh thông lịch pháp, giỏi thiên văn, biết nhìn vào quá khứ để đoán nhận tương lai. Một ngày, ông ngẩng đầu xem thiên tượng, thấy ở trời Đông mây tía thành quầng, biết rằng Thánh nhân đang đi về phía Tây, thế là xin được nhận chức quan Lệnh ở Hàm Cốc. Ông dặn dò các quan binh giữ cửa thành rằng: “Trong vòng mấy ngày nữa sẽ có một vị đại Thánh nhân đi qua cửa này, nếu như gặp người nào có tướng mạo phi phàm thoát tục thì cần phải lập tức bẩm báo cho ta”. Đồng thời phái người vẩy nước quét dọn con đường, thắp hương 2 bên đường để nghênh đón Thánh nhân. Vài ngày sau, Doãn Hỷ được báo tin có một ông lão dáng như Tiên Đạo, ngồi trên chiếc xe do một con trâu xanh kéo muốn ra khỏi cửa quan. Ông liền chạy tới đón tiếp, cách xe trâu kéo mấy trượng đã quỳ lạy nói: “Quan lệnh Doãn Hỷ xin khấu kiến Thánh nhân!”.

Ông lão nói: “Tôi chỉ là một người tầm thường, ông thi lễ quá như thế, không biết có điều gì muốn dạy bảo?”.

Doãn Hỷ nói: “Con sớm từ lâu đã xem biết thiên tượng, ở đây đợi đã nhiều ngày, chân thành mong được Thánh nhân chỉ giáo cho”.

Ông lão nói: “Làm sao ông biết được?”.

Doãn Hỷ nói: “Con biết thiên văn, hiểu biết sơ sài về Dịch lý. Mùa Đông năm ngoái, sao Thiên Thánh vượt qua sao Mão. Đầu tháng nay, gió nhẹ thổi tới, thấy có mây tía từ phía Đông kéo đến, biết có Thánh nhân đang đi về Tây. Mây tía dăng dăng, dài đến 3 vạn dặm, biết vị đại Thánh chí tôn sắp xuất hiện tuyệt nhiên không phải là một vị Thần thông thường. Mây tía ấy được tinh tượng có hình con trâu xanh dẫn dắt, nên Thánh nhân chắc chắn là cưỡi xe trâu mà tới. Hôm nay gặp Thánh nhân dung mạo phi phàm, những mong được chỉ bảo về Đạo lý tu hành. Doãn Hỷ vô cùng biết ơn”.

Ông lão thấy Doãn Hỷ có tâm cầu Đạo chí thành, tâm tính nhân từ, bèn cười đáp: “Ông đã biết lão phu, lão phu cũng biết ông, ông cũng là cần phải được đắc độ”.

Doãn Hỷ vô cùng vui mừng, khấu đầu hỏi: “Xin được hỏi tên họ của đại Thánh nhân?”.

Ông lão nói: “Ta tên họ mịt mù, không thể nói rõ hết được, nay mang họ Lý, tự là Bá Dương, thường gọi là Lão Tử”.

Doãn Hỷ nghe nói là Lão Tử, liền dâng hương khấu đầu, cung kính bái lạy ông làm Thầy.

Lão Tử lấy những quan niệm của mình về Đạo đức, về vũ trụ, nhân sinh và xã hội viết lại thành bộ sách 5000 chữ, là “Đạo đức kinh” truyền thụ cho Doãn Hỷ. Doãn Hỷ dựa theo những lời dạy bảo của Lão Tử kiên định tu hành, hoằng dương học thuyết Đạo gia để quản lý việc nước, cứu nhân độ thế. Sau này ông tu thành Đại Đạo, được gọi là Doãn Chân Nhân.

Các học trò của Khổng Tử

Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc thời cổ đại. Lúc sinh thời ông có rất nhiều học trò, tương truyền rằng đệ tử có 3000, hiền tài trong số ấy được 72 người. Lời nói và việc làm của ông đối với các đệ tử là rất gương mẫu. Tính cách theo đuổi chân lý, lý tưởng, một nhân cách hoàn mỹ; sự trung thành với nước, quan tâm đến trăm họ, đức tính thiện lương chính trực, khiêm nhường lễ phép của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến các học trò và hậu thế. Các đệ tử của ông trong lòng đều tôn kính ông hết mực, lấy lễ phép đối với cha để đối đãi với Khổng Tử, xem ý chí của ông như ý chí của bản thân mình, lấy thực tiễn và việc truyền bá đạo nghĩa, lấy việc hành nghĩa làm giá trị tối cao của cuộc đời. Như Nhan Hồi: “Sống thanh bần vui với Đạo“, tu thân và tuân thủ lễ nghi một cách nghiêm khắc, thầy nói làm sao thì mình làm thế ấy. Mật Tử Tiện “đánh đàn Cầm mà cai trị thật giỏi“, thi hành biện pháp chính trị dùng đạo lý và lễ nhạc, giúp nhân dân no ấm, Đức hạnh tự nhiên bắt rễ sâu vào lòng dân chúng. Tử Hạ chỉnh lý lại thư tịch, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, cảm hóa hướng thiện dân chúng.

Các học trò của Khổng Tử đi theo ông không nề hà cực khổ, chu du khắp các nước để khuếch trương Đạo nghĩa. Khi gặp kẻ phỉ báng Khổng Tử, họ đứng ra biện hộ giúp thầy, bảo vệ nhân cách cao thượng của thầy. Như Tử Cống nghiêm nghị phê bình ngược lại kẻ công kích là “Không biết tự lượng”. Tử Lộ đi theo bảo vệ thầy rất nghiêm mật. Lòng sùng kính của họ đối với thầy đúng như lời Tằng Tham nói: “Đức lớn của thầy giáo thuần khiết như được gột tẩy bằng nước sông, lại giống như ánh mặt trời chiếu rọi ngày thu, cũng thánh khiết rộng lớn vô biên như trời đất”. Tằng Tham kế thừa và hoằng dương học thuyết Khổng Tử, kiên định phổ biến nền chính trị nhân từ, nói: “Người có học phải kiên định và nghị lực, bởi vì trách nhiệm trọng đại mà lộ trình thì xa xôi. Lấy làm việc nhân đức coi như trách nhiệm của bản thân, không phải là rất trọng đại sao? Duy hộ chính nghĩa cho đến tận cùng, không phải là rất xa xôi sao?”

Đường Thái Tông dạy con kính trọng thầy

Đường Thái Tông là một vị minh quân hiếm gặp trong lịch sử Trung Quốc. Ông vô cùng coi trọng việc giáo dục con cái, lựa chọn cho con những vị thầy giáo đức cao vọng trọng, học vấn uyên bác, như Lý Cương, Trương Huyền Tố, Ngụy Chinh, Vương Khuê. Ông còn nhiều lần dạy bảo con cái nhất định cần phải tôn trọng thầy. Có lần, Lý Cương vì bị tật ở chân, đi lại khó khăn. Lúc ấy trong Hoàng cung chế độ nghiêm khắc, quan lại đều giữ mình rất cẩn thận. Đường Thái Tông biết chuyện, liền đặc biệt cho phép Lý Cương ngồi kiệu vào cung dạy học, còn ra lệnh cho hoàng tử nghênh đón thầy giáo. Lần khác, Đường Thái Tông nghe được có người phản ánh hoàng tử thứ 4 là Lý Thái không tôn kính thầy giáo Vương Khuê, ông bèn phê bình Lý Thái ngay trước mặt Vương Khuê, nói: “Sau này mỗi lần gặp mặt thầy giáo, cũng giống như nhìn thấy ta, cần phải tôn kính, không được có nửa điểm buông lơi”. Từ đó về sau, Lý Thái gặp Vương Khuê luôn luôn kính cẩn nghênh tiếp, nghe giảng cũng rất nghiêm túc. Bởi vì Đường Thái Tông gia giáo rất nghiêm, các vị hoàng tử đối với thầy giáo đều rất tôn kính.

Đường Thái Tông từng hạ chiếu nói: “Trẫm tìm tòi đối chiếu trong lịch sử, thì các bậc minh Vương thánh Đế đều có những người thầy giỏi! Vua Hoàng Đế học Thái Điên, vua Chuyên Húc học Lục Đồ, vua Nghiêu học Doãn Thọ, vua Thuấn học Vụ Thành Chiêu, vua Vũ học Tây Vương Quốc, vua Thang học Uy Tử Bá, vua Văn Vương học Tử Kỳ, Chu Vũ Vương học Quắc Thúc. Người mà không học, thì không rõ đạo lý từ xưa. Không có ai thiếu điều đó mà có thể cai trị đất nước được thái bình”. Một mặt ông nhấn mạnh vấn đề tôn kính thầy giáo và xem trọng giáo dục, thường hạ chiếu thư quy định rằng phải trọng đãi các thầy giáo, còn dạy bảo các hoàng tử gặp thầy cũng như gặp cha. Mặt khác ông khuyến khích các thầy giáo đối với lỗi lầm của các hoàng tử thì cần phải hết sức can ngăn giáo dục. Hoàng tử thứ 9 là Lý Trì được lập làm Thái tử, Đường Thái Tông càng yêu cầu nghiêm khắc hơn. Lý Trì mỗi lần nghe cha và thầy giáo dạy bảo, đều luôn đứng nghiêm kính cẩn, sau đó cảm ơn lời dạy dỗ, bày tỏ nhất định sẽ “Khắc ghi trong tâm”, “Vĩnh viễn không quên”.

Cổ ngữ nói: “Một ngày làm thầy, cả đời là cha”. Tinh thần tôn sư trọng đạo của người xưa được đời sau truyền tụng thành giai thoại, được nhân dân học tập và kính ngưỡng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/5/13/200767.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/4/9/115996.html
Đăng ngày 14-4-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share