Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Đức

[MINH HUỆ 21-11-2019] Pháp hội Trung Quốc lần thứ 16 trên website Minh Huệ từ ngày 4 tháng 11 đến ngày 11 tháng 11 gồm có 39 bài chia sẻ. Nhiều bài viết đã được dịch sang các ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Slovenia, El Salvador, Croatia, Bosnia.. Nhiều học viên Châu Âu đã xúc động sâu sắc và cảm thấy được khích lệ, trở nên kiên định hơn trong tu luyện cá nhân của họ.

Một số bình luận của đọc giả như: “Tôi đã mong đợi những bài viết này mấy tuần nay và cuối cùng chúng cũng được xuất bản.” Người khác nói: “Tôi đánh giá rất cao những học viên ở Trung Quốc. Qua những chia sẻ của họ, tôi được khích lệ rất nhiều trong tu luyện.” và “Tôi rất xúc động bởi sự kiên định của những học viên đang trải qua sự bức hại khắc nghiệt và tà ác như vậy. Tôi đã nhìn thấy những thiếu sót của bản thân trong tín Sư tín Pháp.”

Xã hội người thường là môi trường tu luyện của chúng ta

Roswitha, một học viên Áo làm nghề PR (quan hệ công chúng), nói rằng bài chia sẻ “Hành xử như đệ tử Đại Pháp ở bất kỳ đâu” đã khiến cô chấn động, là động lực để cô thay đổi hành xử của bản thân.

Trong bài viết, tác giả đã nhắc tới lời trách của một học viên mới: “Một học viên ở nhóm tôi rất nhiều năm, nhưng cô ấy chưa bao giờ nhắc đến Đại Pháp với tôi. Tôi ước gì cô ấy đã làm thế. Có thể ban đầu tôi sẽ không tiếp nhận. Nhưng cô ấy có thể cứ luôn nói về Đại Pháp chứ nhỉ?”

Roswitha nói rằng lời trách đã khiến cô chấn động rất lâu và nhắc nhở cô rằng còn nhiều người đang chờ được cứu. Cô nghĩ về những người thân thích mà cô chưa giảng chân tướng cho họ và nhiều người cô đã gặp.

Roswitha nói: “Ngày hôm nay, sau khi tôi luyện công ở công viên, một phụ nữ đã đến và chúng tôi nói chuyện về tu luyện khí công. Tôi muốn đưa cho bà một tờ rơi, nhưng bà từ chối, nói rằng tất cả các môn thực hành tu luyện về cơ bản đều như nhau. Sau đó tôi nói với bà rằng Pháp Luân Công vẫn đang bị bức hại ở Trung Quốc, và bà nên cầm tờ rơi để tìm hiểu thêm. Đôi mắt bà mở to khi tôi nói vậy. Nếu tôi không đọc bài chia sẻ này, tôi sẽ không động viên bà tìm hiểu về Pháp Luân Công.”

Roswitha luôn cảm thấy những yêu cầu dành cho học viên tại Trung Quốc khác với các học viên hải ngoại. Nhưng khi hướng nội tìm, cô nhận ra rằng những yêu cầu là như nhau với mọi học viên. Môi trường tự do và những chấp trước vào cuộc sống thoải mái là cám dỗ với các học viên hải ngoại, kết quả là họ trở nên thư giãn, nhiều người đã buông lỏng tu luyện.

Milena, một học viên người Đức, là chủ một cửa hàng, cũng nói rằng bài viết khiến cô xúc động sâu sắc. Trong bài viết, người học viên đã chia sẻ: “Tôi bị giam trong trại vì đức tin của mình. Điều kiện ở đó rất tồi tệ, và chúng tôi ngủ lèn như cá hộp với đầu người nọ chạm vào chân người kia. Người phụ nữ cạnh tôi bị béo phì, và chị ấy thường đè lên tôi khi chúng tôi ngủ. Để tránh quấy nhiễu giấc ngủ của chị ấy, tôi lựa chọn nằm im.”

Milena cảm động bởi sự thiện lương thể hiện qua hành động của người học viên Trung Quốc. Đối ngược lại, cuộc sống ở Đức tốt hơn, và Milena nói rằng thực sự cô ấy chẳng có gì phải than phiền. Một ngày, cô đang phát tờ rơi quảng bá Shen Yun thì trời đổ mưa to. Nhớ đến bài viết và cách mà học viên người Trung Quốc hành xử, cô nghĩ rằng cơn mưa chỉ là một can nhiễu nhỏ và tiếp tục công việc của mình.

Một đoạn khác trong bài viết nói về việc vệ sinh bồn cầu: “Khi bồn cầu bị tắc, tôi sẽ âm thầm đào thứ bẩn lên để bồn cầu thông trở lại. Biểu hiện tự nhiên của sự từ bi của một học viên thể hiện rất rõ ràng trong bối cảnh phức tạp đó.”

Milena nhớ lại sau khi cô chia tay với chồng và chuyển ra ngoài, chồng cô bị ốm nặng và không thể kiểm soát vấn đề vệ sinh cá nhân. Cô đã quay lại để chăm sóc anh ấy. “Quyết định này cũng giống như quyết định của người học viên Trung Quốc. Tôi biết việc này bẩn thỉu và kinh tởm. Nhưng sự thiện lương dưỡng thành sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi chịu đựng.”

Cô giải thích: “Một học viên thể hiện những đặc điểm của Chân-Thiện-Nhẫn. Mọi người dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa một người tu luyện và người thường.”

Nhiều người nghĩ rằng cô sẽ đòi hỏi khoản bồi thường lớn từ người chồng giàu có, nhưng cô đã không làm thế. Cô làm việc chăm chỉ để nuôi sống bản thân. Nhiều năm sau, khi cô chuyển về chăm sóc cho anh, các bạn bè và người thân đều nghĩ cô thật đáng cười. Milena nói: “Tôi làm việc này vì tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Một học viên sẽ cư xử như một học viên trong mọi hoàn cảnh.”

Trừ bỏ tâm sợ hãi, nhìn thấy mặt tích cực

Mariken, là quản lý thiết lập đối tác quan hệ chiến lược cho một công ty phần mềm lớn, và là một bà mẹ hai con, đã nói về trải nghiệm của cô sau khi đọc bài chia sẻ “Trân quý cơ duyên tu luyện sau hồi chuông cảnh tỉnh.”

Hai tuần trước, con trai 4 tuổi của cô bị một vết cắt sâu ở đầu gối. Cô vệ sinh vết thương và dán băng lên đó. Khi vết thương bị mở miệng, cô bắt đầu nghi ngờ về cách làm của bản thân, rằng có lẽ không nên coi cậu bé như một người tu luyện. Cô đã đưa con trai đến bệnh viện và chờ hơn một giờ để gặp bác sĩ.

Bác sĩ đã kiểm tra vết thương và nói rằng mọi thứ đều ổn. “Tôi nhận ra tâm tôi chứa đầy sợ hãi!” cô nhớ lại.

Trong bài viết, người học viên đã hoàn toàn tín Sư tín Pháp sau một tai nạn suýt mất mạng. Trải nghiệm này nhắc nhở Mariken phải bỏ đi tâm sợ hãi. Cô cũng học được cách xử lý tốt hơn trong mối quan hệ với chồng.

“Học viên này chia sẻ về việc bị chồng xúc phạm. Tôi hiểu được các Pháp lý, nhưng thật khó khi áp dụng trong đời thực, đặc biệt là khi đối xử với người bạn đời. Nếu là một người lạ hoặc người nào khác không gần gũi thì sẽ dễ dàng hơn.”

Cô còn nói thêm: “Điều khiến chúng ta buồn giận là những quan niệm người thường của chính chúng ta.”

Anna là quản lý một trung tâm thông tin lữ hành tại miền nam nước Đức. Cô nhớ rất nhiều chi tiết trong bài chia sẻ “Thành công trong việc phối hợp giải cứu đồng tu.”

“Bài viết nói về một nhóm các học viên lái xe tới các khu làng xa xôi để giảng chân tướng. Tôi có thể hình dung được nỗi sợ chó, những con đường gập ghềnh và cảnh sát tuần tra. Nhưng họ không bỏ cuộc. Giống như một học viên đã nói trong bài chia sẻ: ‘Chúng tôi nhận ra rằng, chỉ cần chúng tôi bước ra để làm những việc cần làm, chấp trước sợ hãi sẽ giảm đi, và chính niệm sẽ được gia cường.’”

Những câu chuyện khác trong bài viết cũng truyền cảm hứng cho cô. “Một học viên bị bắt khi đang giảng chân tướng trực diện. Những học viên khác đã hướng nội tìm. Họ không tìm kiếm những thiếu sót của người học viên bị bắt. Thay vào đó, họ rà soát lại tu luyện của bản thân và ngay lập tức phối hợp cùng nhau để giải cứu học viên đó.”

“Họ luôn nhìn vào những điểm tích cực cho dù trong tình huống xấu nhất. Ví dụ, một người chồng không tu luyện đã chuyển từ trạng thái bị động sang tích cực giải cứu người vợ bị bắt giam.”

“Người viết bài chia sẻ đã nhìn thấy các học viên khác từ bỏ chấp trước trong toàn bộ quá trình. Điều đó nhắc nhở tôi rằng tu luyện là quá trình từ bỏ những dục vọng, quan niệm, sự sợ hãi và truy cầu của người thường.”

Truyền cảm hứng từ các học viên tại Trung Quốc

Một giáo viên nghỉ hưu sống ở miền bắc nước Đức rất quan tâm về các học viên ở Trung Quốc. Bài viết “Con đường tu tâm cứu người của một doanh nhân” đã làm bà rất xúc động.

“Những việc mà người học viên làm để chứng thực Pháp đã khiến tôi xúc động. Trước kia tôi thường coi tất cả thương nhân là lừa đảo. Tác giả đã viết: ‘Tôi cũng nhận ra rằng trở thành một học viên trong khi vận hành doanh nghiệp của mình là con đường tu luyện mà Sư phụ đã an bài cho mình, cũng là lưu lại một con đường tu luyện để tương lai tham chiếu.’”

Bà nói: “Anh ấy nhắc nhở tôi rằng các học viên chúng ta đóng vai chính trong xã hội và hành vi của chúng ta nên có vai trò chuẩn mẫu. Đây là sự khích lệ lớn với tôi, và tôi đã nhận ra trách nhiệm của mình.”

“Những bài viết này đã thu hẹp khoảng cách giữa các học viên ở Trung Quốc và học viên ở hải ngoại. Những mô tả chi tiết về cuộc sống thường nhật của họ giúp chúng tôi hình dung về cuộc sống của họ. Tất cả chúng tôi có cùng quá trình tu luyện, nhưng họ kiên định và chính niệm hơn.”

“Tôi rất biết ơn vì được đọc rất nhiều bài chia sẻ hay. Tôi đã đọc tất cả các bài viết được xuất bản.”

Tìm những thiếu sót trong tu luyện

Manu, một học viên người Thụy Sỹ, sau khi đọc bài chia sẻ “Ba trải nghiệm kỳ diệu”, đã nói anh nhận ra rằng những kỳ tích sẽ xảy đến với những học viên kiên định bất động tín tâm vào Sư phụ và Đại Pháp. “Học viên đó đã vượt qua nhiều trở ngại, và những trải nghiệm của cô ấy đã khích lệ các học viên mới thêm chính niệm và kiên trì.”

Anh nói thêm rằng anh thường cảm thấy sợ mỗi khi có vấn đề mới đột ngột phát sinh, và anh nhận ra đó là vì tín tâm vào Đại Pháp của anh không đủ vững chắc. “Tôi lên kế hoạch bắt đầu học thuộc Pháp, để từng câu từng chữ đi vào trong tâm tôi,” Manu nói.

Simone, một học viên Thụy Sỹ khác, khi đọc bài viết tới câu “Đó là lúc tôi trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp,” cô đột nhiên cảm thấy màn hình trở nên sáng hơn.

Simone nói: “Tôi cảm thấy như đã ở đó và trải nghiệm thời khắc Phật tính của một người xuất ra, khi một sinh mệnh bắt đầu tu luyện Phật Pháp. Điều đó thật đẹp, thuần tịnh và thần thánh khó tả.”

Ina, một nhà thiết kế kiến trúc đến từ Đức đã được truyền cảm hứng từ bài chia sẻ về một học viên nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe trong khi giảng thanh chân tướng. Cô ấy phát hiện ra rằng cô luôn nói một cách hăng hái nhưng lại không quan tâm tới đối phương nói gì. Cô cảm thấy cô cần cải thiện hiệu quả giảng chân tướng của bản thân bằng việc lắng nghe nhiều hơn, để đối phương được nói và đặt câu hỏi.

Cô nói rằng đây chỉ là một chi tiết nhỏ trong bài viết, nhưng đã khích lệ nhiều học viên trên thế giới. Nhận thức của cô là các học viên không cần phải viết những điều to tát, ngộ ra nhiều điều nhỏ bé cũng có thể giúp đỡ các học viên khác.

Sadrina là một nhân viên bán hàng. Bài chia sẻ “Giảng chân tướng trong doanh nghiệp gia đình của chúng tôi” đã khiến cô cảm động rơi lệ. Trong bài chia sẻ viết: “Mẹ tôi đã hướng dẫn tôi làm ba việc và đưa tôi ra ngoài để phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Bà rất cẩn thận khi đề cập đến vấn đề an toàn và nhắc nhở tôi không nói về Đại Pháp trong phòng khám, vì vậy tôi không bao giờ nói với bất kỳ bệnh nhân nào của chúng tôi về Đại Pháp.”

Sadrina có thể hiểu được nỗi đau trong tâm của người viết và những khó khăn ngăn trở các học viên giảng chân tướng ở Trung Quốc. Một mặt, họ biết những người họ gặp đều có tiền duyên, nhưng mặt khác, cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn. Trái lại, cô nhận ra việc giảng chân tướng ở Đức dễ dàng hơn nhiều và thực sự cô không có lý do gì để than phiền.

Sadrina cũng được khích lệ khi học viên này đã giảng chân tướng thành công cho vợ chồng vị phó viện kiểm sát và thuyết phục vợ ông thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có thể nói rằng môi trường ở Trung Quốc đã có chuyển biến lớn và tiến trình Chính Pháp đang tiến rất nhanh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/21/396079.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/26/180860.html

Đăng ngày 29-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share