Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 14-3-2011] Người hành thiện đắc phúc báo, người hành ác nhận lấy tai họa. Từ xưa đến nay có vô số sự thật đã được kiểm chứng khiến con người phải nhìn nhận với một thái độ đúng đắn. Thuận theo thiên lý hướng thiện sẽ xếp đặt vận mệnh tốt cho bản thân; sửa đổi sai sót thành tâm hướng thiện cũng sẽ khiến cho vận mệnh chuyển biến thành tốt. Ví như Bùi Độ thời Đường xem tướng khi còn trẻ nói rằng ông ta sẽ chết vì đói, chỉ bởi làm việc thiện mà về sau vào triều làm Tể tướng. Đậu Vũ Quân thời Tống trong mệnh vốn không có con cháu nối dõi, nhưng vì quyên tặng tiền bạc mà về sau có năm người con đề tên lên bảng vàng. Viên Liễu Phàm thời Minh vì tu thân hành thiện mà đã kéo dài thọ mệnh, đắc nhiều phúc báo. Dưới đây xin viết ra vài mẩu chuyện xảy ra vào những năm thời nhà Thanh được sử sách ghi chép lại.

(1)

Ở vùng Dương Diên (huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô) có một vị thư sinh cùng với những bạn học chung tham gia khoa cử tuyển mộ nhân tài ưu tú cho triều đình. Trong một năm đầu học thi, vị thư sinh này liên tiếp đứng đầu về các môn học thuộc thể loại kinh điển, cổ điển v.v. Nên trong lòng nghĩ rằng mình đã nắm chắc thành công trong tay. Mỗi ngày vị ấy đều vui vẻ làm thơ đàm luận với các bạn học khác ở lữ quán. Khi đó ở nơi lữ quán có một vị thầy tướng số, mọi người tiếp xúc cảm thấy rất tốt.

Một hôm, thư sinh hỏi thầy tướng số về bản thân mình có thể trúng tuyển kỳ thi hay không. Thầy tướng số lưỡng lự một lúc rồi nói: “Từ sớm tôi đã muốn nói chuyện thẳng thắn với cậu nhưng lại không dám nói!”

Thư sinh hỏi: “Không sao, ông cứ nói đi!”

Ông ấy mới nói rằng: “Căn bản là cậu không có hy vọng nào để được tuyển chọn. Trên mặt cậu đã hiện rõ màu sắc u ám, ba ngày sau vào canh ba sẽ có nỗi lo về tính mệnh. Tốt nhất cậu nên nhanh chóng về nhà đi.”

Thư sinh nói: “Tôi không thể tránh được sao?”

Thầy tướng số nói: “Thời gian quá cấp bách, tôi không nói được gì!”

Thư sinh cảm thấy thất vọng chùn xuống, lập tức muốn thu xếp hành lý quay về nhà nhưng các bạn học xung quanh cậu ta lại chỉ trích thầy tướng số nói ba hoa và ngăn cản không cho cậu ta về nhà. Vì vậy thư sinh đã quyết định ở lại, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bất an.

Kỳ thi sắp đến, vào buổi tối ngày hôm đó, những người bạn cùng tham dự kỳ thi đều đã ngủ, chỉ còn vị thư sinh kia ra ngoài đi tản bộ. Từ xa cậu ấy nghe thấy có tiếng khóc, lần theo âm thanh đó cậu đi đến trước cửa một ngôi nhà cũ nát, nhìn thấy một phụ nữ tay ôm hai đứa con nhỏ đang khóc nức nở. Sau khi hỏi chuyện mới biết chồng cô ấy thiếu một người có quyền thế 52 lượng bạc chưa hoàn trả nên bị đòi nợ, anh ta tính mang vợ con đem bán lấy tiền trả nợ. Người phụ nữ không nỡ bỏ con cái nên khóc thương vô cùng đau khổ. Thư sinh nghe chuyện lập tức quay lại lữ quán lấy 72 lượng bạc đưa cho người phụ nữ và nói: “Ta có ngần này ngân lượng giúp nhà cô trả nợ. Số ngân lượng dư ra cô có thể dùng để mưu sinh qua cơn hoạn nạn và nhớ từ đây về sau đừng mượn tiền thiếu nợ nữa!”

Người phụ nữ cảm động không thôi rồi hỏi chi tiết về danh tính và nơi ở của thư sinh. Sau khi thư sinh quay về lữ quán, nghĩ đến lời nói của thầy tướng số nên không thể chợp mắt, nghe tiếng kẻng gõ báo canh ba thì trong lòng cảm thấy đã tới lúc rồi. Đúng lúc thư sinh đang lo lắng thì nghe thấy có tiếng người gọi cửa. Thư sinh đi ra mở cửa thì mới biết là người phụ nữ kia và chồng cô, hai người tìm đến để nói lời cảm ơn. Thư sinh an ủi họ một lúc rồi tiễn họ ra về. Ngay lúc đó nghe thấy một tiếng nổ lớn ở phía sau, nhìn lại thì thấy căn phòng trọ đã đổ sập, một bên tường đè lên chiếc giường nơi thư sinh nằm, giường và ghế ngồi đều nát vụn.

Ngày hôm sau gặp mặt thầy tướng số, người ta đều nói rằng ông ta đoán không trúng. Thầy tướng số không biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm trước nên mới hỏi vị thư sinh: “Đêm hôm qua nhất định là cậu đã làm việc gì đó, sắc mặt của cậu đầy âm đức, hơn nữa là đức rất lớn. Bây giờ cậu sẽ không chết nữa, hơn nữa còn được trúng tuyển kỳ thi, tiếp theo sẽ đỗ tiến sĩ. Nếu như lấy lời của tôi để nói rõ thì hôm qua cậu sớm đã bị tường sập đè chết rồi!”

Thư sinh vô cùng thán phục. Quả nhiên cậu ấy đã trúng tuyển kỳ thi, về sau vào làm ở Viện hàn lâm. Cứu người là cứu mình, giúp người là giúp mình, quả báo ngoài mong đợi sẽ theo đó mà đến!

(2)

Có một người hay đọc sách tên là Vương Sinh, thường ngày hay toan tính gian trá dối gạt người khác nên những việc anh ta làm đều đi ngược với thiên lý. Lúc anh ta tham gia khoa cử mùa thu, bởi vì bài văn anh ta viết rất đẹp đẽ nên viên quan coi thi muốn tiến cử anh ta vào danh sách những người xuất sắc nhất. Lúc điền tên vào danh sách khoa bảng thì đột nhiên không thấy bài thi của anh ta đâu nữa. Sau khi điền tên xong xuôi thì mới thấy cuộn giấy thi của anh ta rơi ra khỏi ống tay áo của vị quan coi thi. Vị quan coi thi vô cùng hối hận, lấy làm tiếc cho Vương Sinh. Ông ta đã gặp mặt Vương Sinh nói rằng sau này nếu có cơ hội nhất định sẽ lại tiến cử anh ta.

Không lâu sau đó, vị quan coi thi được bổ nhiệm làm sử bộ, khi đó Vương Sinh đã vào đại học. Đến khi anh ta tham gia khoa cử lần nữa, đúng lúc vị quan coi thi nhậm chức quan tuyển chọn bài thi. Ông ta nhìn thấy Vương Sinh thì vô cùng cao hứng và muốn tuyển chọn cho anh ta một vị trí thích hợp, nhưng đến kì hạn tuyển định thì phụ thân của vị quan coi thi qua đời nên ông ta đành phải từ chức. Ba năm sau, vị quan coi thi chịu tang cha xong, ông quay lại nhậm chức quan tuyển chọn bài thi. Lúc này Vương Sinh cũng lấy thân phận là một học sinh có nhiều bằng cấp đi ứng thí. Vị quan coi thi đặc biệt sắp xếp cho anh ta một chức quan và chỉ còn chờ đến ngày nhậm chức là xong, nhưng chưa qua được mấy hôm thì Vương Sinh phải quay về nhà chịu tang mẫu thân. Vị quan coi thi vô cùng thương xót cho vận mệnh trớ trêu của Vương Sinh nên đã tiến cử anh ta đến tuần phủ làm gia sư nhưng cũng không thành vì tuần phủ vừa bị bãi chức.

Một đời Vương Sinh gặp phải những việc kỳ quái, toàn là bị ăn bánh vẽ nên trong tâm phẫn nộ bất bình mà sinh bệnh, nằm liệt giường ba năm. Một hôm anh ta nhớ lại những việc mình đã làm trong đời liền đột nhiên ăn năn hối hận và nói: “Những việc mà ta gặp đều không phải ngẫu nhiên. Một đời vô dụng, đều là vì ta đã làm quá nhiều điều ác, tích ác nghiệp mà nên! Từ đây về sau ta phải bỏ ác hướng thiện, tâm tình đoan chính.” Bệnh tình của anh ta cũng khỏi từ đó, về sau anh ta làm việc thiện cho đến cuối đời. Bình thường giảng đạo lý nhân quả báo ứng cho người khác, khuyên giải người khác hướng thiện mới có thể tâm nghĩ việc thành. Tuyệt đối không thể làm những việc trái với thiên lý, vứt bỏ nhân tâm. Về sau mấy thế hệ gia đình của Vương Sinh phú quý vinh hiển, người ta đều nói đó là phúc báo do anh ta làm việc thiện.

(3)

Tiền Quảng Sinh là một thương nhân bán trà, thường ngày hay bớt xén của người khác, tích góp được năm sáu nghìn lượng bạc. Anh ta sinh ra với tướng mạo to cao nên mọi người hay gọi anh là “đại phú hào”. Một hôm có một thầy tướng số đến vùng đất này, người ta bảo rằng thầy đoán tướng như thần nên rất nhiều người đều đến xem. Tiền Quảng Sinh cũng đến xem.

Tiền Quảng Sinh nhìn thấy một người quen là Triệu Mỗ cũng đang xem tướng, thầy tướng số nhíu mày nói: “Tiên sinh dáng đầu khoan hậu, sơn căn cao rộng, ngay thẳng, vốn là có tướng phúc thọ. Nhưng có khí đen thù hận xâm nhập vào giữa trán, không biết là tiên sinh đã làm nên việc xấu gì? Chỉ nội trong một tháng, tiên sinh khó tránh khỏi đoản mệnh.” Người đó nghe vậy liền tức giận bỏ đi. Tiền Quảng Sinh cho rằng bản thân tướng mạo tốt nên cũng đến thỉnh giáo, thầy tướng số nhìn kỹ càng rồi nói: “Tiên sinh thân thể đôn hậu, một đời tích lũy tài phú dư giả. Chỉ là không được lâu, lại thêm thần sắc yếu nhược. Quẻ nói rằng: ‘Thần sắc yếu nhược, dù có sống lâu thì cũng suy nhược’, lại thêm ‘Thần sắc khẩn trương, thọ mệnh chỉ đến ba mươi lăm tuổi’. Tôi xin hỏi tiên sinh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”

Tiền Quảng Sinh trả lời: “Năm nay ta vừa tròn ba mươi lăm tuổi.”

Thầy tướng số lại nói: “Tôi xin nói thẳng, thọ mệnh của tiên sinh chỉ còn vỏn vẹn nội trong một trăm ngày. Tiên sinh còn việc gì chưa làm thì hãy sắp xếp xử lý cho sớm.”

Tiền Quảng Sinh trả tiền cho thầy tướng số, trở về nhà vô cùng phiền não, anh ta nghĩ rằng: “Trước đó xem cho Triệu Mỗ thì nói anh ta thọ mệnh chỉ nội trong một tháng, xem cho ta thì nói không quá một trăm ngày. Để ta xem lời bói toán có ứng nghiệm với Triệu Mỗ hay không.”

Triệu Mỗ vốn là thư sử huyện Giang Đô. Năm đó hạn hán lớn, anh ta nhận lệnh đi phân phát lúa gạo cứu tế, anh ta đã đặt điều hư cấu và bớt xén lúa gạo dư đến 50 tạ, kết quả là bị quan địa phương xử tội chết. Quả nhiên là trong một tháng anh ta đã mất mạng. Tiền Quảng Sinh nhìn thấy Triệu Mỗ đã bị báo ứng nên lại càng thêm lo lắng. Một hôm, anh ta đột nhiên mơ thấy người nô bộc quá cố nói với mình: “Bởi vì tôi lúc bình sinh trung trực nên bây giờ đang làm sai dịch cho Thành Hoàng, chuyên bắt giữ phạm nhân giao cho âm phủ. Tôi nhìn thấy trong tên bốn phạm nhân ghi trên bảng có tên của chủ nhân nên tôi đến báo cho chủ nhân biết. Trước hết tôi sẽ đến Đan Dương để bắt người, bắt người xong thì sẽ cùng đi một lượt, chủ nhân hãy mau chóng xử lý việc nhà. Ba ngày sau tôi sẽ đến, một khi tôi đến thì không còn thời gian nữa.” Tiền Quảng Sinh tỉnh giấc thì nhớ đến con cái còn nhỏ, thế gian vẫn còn nhiều việc chưa làm xong nên cũng không biết xử lý thế nào, chỉ còn biết đau buồn khóc thương. Người hàng xóm kế bên đến hỏi nguyên do rồi nói: “Sống chết chuyện lớn như vậy không cách nào thay đổi, cậu khóc lóc khổ não thì có ích lợi gì? Tôi nghe nói Cự Bột thiền sư là một cao tăng đắc đạo, cậu nhanh chóng đến cầu thiền sư chỉ điểm cho xem có thể có đường sống hay không.”

Tiền Quảng Sinh lập tức đi tìm Cự Bột thiền sư thuật lại những lời thầy tướng số và người nô bộc đã nói, rồi khóc lóc xin cầu cứu.

Thiền sư nói: “Sống chết của con người có định số, làm sao có thể tránh khỏi? Nhưng nếu cậu thành kính với Thần Phật, hướng thiện thì phúc thọ tất nhiên tròn đầy, thường ngày cậu phải gột rửa tội lỗi trở nên nhân từ thì có thể cải biến tình thế.”

Sau khi Tiền Quảng Sinh trở về thì dốc sức làm việc thiện, mỗi ngày anh ta đều tụng niệm kinh Phật và nói với người nhà rằng: “Ta đã tận mắt thấy Triệu Mỗ bớt xén lúa gạo dư ra 50 tạ mà chết thảm thương. Mấy năm nay mùa màng thất thu, ta nguyện lấy tiền mua lúa gạo cứu đói, giúp đỡ người dân.” Anh ta đã cho người mang tặng ba nghìn lượng bạc để mua lúa gạo cứu đói. Về sau Tiền Quảng Sinh quả nhiên không gặp phải tai họa. Con cái cũng làm theo chí hướng của anh ta, giữ lấy nhân từ trong tâm, kính Phật hướng thiện, không chỉ kinh doanh trà phát đạt mà còn mở thêm mấy cửa càng bán lẻ, trở thành doanh nghiệp phân phối trà cỡ lớn.

Tiền Quảng Sinh sống thọ đến hơn trăm tuổi, tràn đầy sinh khí. Tiệc mừng thọ Tiền Quảng Sinh sống hơn trăm tuổi, nào là thương nhân, dân chúng trong ngoài thành phố hơn nghìn người, các quan chức và nhân sĩ lớn nhỏ ở khắp thành phố và phủ huyện tự mình đến chúc mừng; ông được người ta gọi là người phúc thọ vẹn toàn. Tiền Quảng Sinh nói với con cháu: “Thọ mệnh của ta vốn chỉ có ba mươi lăm năm thôi, nhưng ta đã gặp thiền sư chỉ giáo nên sống đến bây giờ hơn trăm tuổi, lại có con cháu đầy đàn, tài vật và lúa gạo dư giả. Ta cảm ân thiên địa thần minh đã bảo hộ. Các con nhất định phải tuân theo thiên lý, giữ gìn lương tâm và thiện tính, không được làm ngược với đạo trời!”

Nhân quả tuần hoàn, thiện ác hữu báo là chân lý tồn tại khách quan. Nhân loại đều hy vọng có tương lai tốt đẹp. Thời Minh có một người tên là Vương Hoa. Khi còn trẻ, anh ta dạy học ở một nhà giàu có. Bởi vì anh ta có nhân phẩm tốt đẹp, học vấn tốt nên được phú hộ khen ngợi. Phú hộ không có con, nhìn thấy Vương Hoa tài năng và khiêm nhường nên trong tâm bèn tính kế. Một hôm ông ta phái tiểu thiếp đến phòng của Vương Hoa, trước đó đưa cho cô ta một tờ giấy trên đó viết: “Mong cầu có người nối dõi.” Tiểu thiếp tuổi trẻ, dung mạo diễm lệ đi vào trong phòng của Vương Hoa, lấy ra mảnh giấy của phú hộ, cười duyên dáng rồi nói: “Ý chàng thế nào?” Vương Hoa nghĩ ngợi rồi lập tức cầm bút lên viết: “Ta sợ hãi thần minh trên trời.” Về sau, Vương Hoa làm quan đến chức sử bộ thượng thư, công danh xán lạn. Dương Minh tiên sinh, mẹ ông mang thai mười bốn tháng mới sinh ra ông. Tổ mẫu mơ thấy vị thần ban tặng đứa trẻ từ trên mây xuống nên đặt tên nó là Vân. Đứa trẻ năm tuổi vẫn không biết nói, được cao nhân chỉ điểm cho đổi tên thành “Thủ Nhân” (ý tứ là giữ vững nhân đức, nhân nghĩa) thì nó mới chịu mở miệng nói. Người có mệnh tốt ắt thuận theo thiên lý mà làm, người có mệnh không tốt thì không thể lại phá hoại thiên lý. Cảnh giới do tâm tạo nên, cảnh giới tùy tâm mà chuyển, chiêu mời phúc báo hay tai họa hoàn toàn ở việc vận dụng nhân tâm như thế nào. Hướng thiện, làm việc thiện không chỉ khiến bản thân tránh xa tai họa, gặp nạn hóa lành; mà còn tích phúc và tạo phúc cho đời sau. Trong tâm có thiên lý, tiền trình sẽ quang minh sáng rỡ.

(Tài liệu: “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Liệt Truyện”, ”Tọa Hoa Chí Quả”)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/3/14/237567.html

Đăng ngày 06-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share