Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 27-04-2011] Tục ngữ xưa viết rằng: “Trời ban phúc cho người thiện, trời mang đến tai họa cho kẻ ác.” Đạo trời không sai lệch và không có tư tình, người người đều phải tuân theo. Không cần ai hỏi nhưng sẽ có hồi đáp thỏa đáng, không cần ai mời nhưng tự nhiên sẽ đến, tuyên dương cái thiện trừng phạt cái ác, báo ứng một ứng một. Vậy nên, con người phải tận tâm tận lực ức chế cái ác, tuyên dương cái thiện, thuận ứng với thượng thiên, chứ không thể mang theo một chút tâm vô đạo đức nào.

“Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” là một bài văn khuyến thiện được lưu truyền rộng rãi vào những năm giữa thời Minh và Thanh. Nó tập hợp những chuẩn tắc làm người của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo khuyến thiện con người. Trong bài văn viết rằng: “Tố sự tu tuần thiên lý”, “quảng hành âm chất, thượng cách thương khung”, “dục quảng phúc điền, tu bằng tâm địa”, “bách phúc biền trân, thiên tường vân tập, khải bất túng âm chất trung đắc lai giả tai!” Ý tứ là làm việc phải theo thiên lý mà hành; tích nhiều âm đức thì mới có thể khiến cho sinh mệnh quay về trời; muốn bản thân có nhiều phúc vận thì phải tu cái tâm này; trăm loại phúc phận và cát tường tề tựu chẳng phải đều từ âm đức mà đến sao!”

“Âm chất” chính là việc Thần linh đề thăng và khẳng định đối với con người trong lúc con người không hề hay biết. “Âm chất” bị người ta diễn giải thành ý tứ “âm đức” (điều phúc đức không ai biết). Chữ “chất” bao gồm chữ “trắc” ở bên trên có hình tượng một người hai chân trèo lên trên cao, và chữ “mã” ở bên dưới có thể hiểu là nhanh chóng đề cao. Bởi vì “chất” liên quan tới độ cao nên cũng mang ý nghĩa đánh giá cao thấp. Người Trung Quốc từ xưa vẫn giảng phải làm việc thiện và tích âm đức. Bởi vì ở không gian khác đều có Thần linh chuyên quản về sinh tử và phúc họa của con người, mọi lúc đều đang quan sát con người hành thiện hành ác, từ đó ban cho con người báo ứng tương xứng. Chữ “cách” trong từ “thượng cách” có thể hiểu là “đạt đến”.

Tương truyền rằng Văn Xương Đế Quân là vị Thần chưởng quản phúc lộc tại nhân gian, vậy nên ông có thể quyết định việc tìm cầu công danh của văn nhân. Ông đã từng nói: “Trong khoa cử mùa xuân và mùa thu, ta thường quyết định xem ai rớt ai đậu. Người nào vốn dĩ nên tham dự kỳ thi nhưng lại bị gạch tên chính là do anh ta khiếm khuyết đức hạnh, còn người nào vốn không được chấp nhận dự thi nhưng lại được bổ sung tên vào sau thì chính là do anh ta biết giữ vững danh tiết của bản thân. Tại trường thi đâu đâu cũng có Thần. Từng chữ từng chữ trên giấy thi đẹp đẽ như châu ngọc nhưng đột nhiên ánh đèn bị tắt, giấy rơi xuống đất làm hỏng mất bài thi; hay một bài văn tuyệt đẹp nhưng vô duyên vô cớ bị vết mực làm vấy bẩn; kỳ thực lúc đó chính là ta đang chủ trì trường thi, làm sao có thể nói ông Trời không có mắt đây?”

Bên dưới là một vài mẩu chuyện liên quan đến việc khoa cử và công danh có thể giúp chúng ta nhìn thấy được sự triển hiện của thiên lý thiện ác hữu báo là như thế nào.

1. Thủ tiết sẽ có phúc

Vào những năm Vạn Lịch thời Minh, ở phủ Trường Sa tỉnh Hồ Nam có một người tên là Lục Đức Tú. Lúc tròn 16 tuổi, anh ta thấy được vẻ thanh tĩnh của khu vườn nhà họ Cố ở ngoài thành nên bèn đến thuê trọ để đọc sách. Đúng lúc nhũ mẫu Vương thị dẫn theo kế nữ đến trông vườn, kế nữ Vương thị vừa tròn 16 tuổi là một cô gái dịu dàng lanh lợi. Cô ta trông thấy Lục Đức Tú thiếu niên tuấn tú thì ân cần bưng trà rót nước mời anh ta. Lục Đức Tú cảm thấy trong tâm vô cùng bất an nên đã xin phép lui ra sau. Kế nữ Vương thị cho rằng Lục Đức Tú có tình ý với mình nên vào một đêm nọ, cô ta rón rén đi đến trước cửa phòng của Lục Đức Tú và nói: “Tướng công xin mở cửa, nô tỳ đã đến.”

Lục Đức Tú nói: “Ta và cô là cô nam quả nữ, đêm khuya gặp nhau ắt sẽ bị người xung quanh đàm luận, vậy nên ta sẽ không mở cửa.”

Cô gái nói: “Bất quá ta và chàng chỉ có hai người biết thôi, không có ai khác biết chuyện này!”

Lục Đức Tú nói: “Cô có thể lừa được người khác nhưng không qua được ông Trời. Cô quay về đi.”

Cô gái chỉ còn biết quay trở về phòng. Sáng hôm sau, Lục Đức Tú từ biệt Vương thị, rồi lặng lẽ rời đi.

Bạn học của Lục Đức Tú là Phan Tái An nhìn thấy phòng đọc sách bỏ trống nên cũng đến để đọc sách. Anh ta cùng với cô gái liếc mắt đưa mày, hai người vui vẻ với nhau. Kỳ thi mùa thu năm đó, phụ thân của Phan Tái An mộng thấy có vô số người đưa tin tiến vào cổng nói: “Phan Tái An là vị cử nhân thứ hai.” Ngay lúc đang vui mừng thì có một người đến báo rằng: “Phan Tái An đã làm ra việc trái lương tâm, vị trí cử nhân chuyển sang cho Lục tú tài.” Người báo tin dần dần rút lui. Trong mộng phụ thân Phan Tái An hỏi: “Là Lục tú tài nào vậy?” Người kia nói: “Là Lục Đức Tú bạn học của con trai ông.”

Sau khi công bố kết quả, quả nhiên Lục Đức Tú là vị cử nhân thứ hai. Phụ thân của Phan Tái An hỏi con trai mình: “Con đã làm ra sự tình gì vậy?”

Phan Tái An chỉ còn biết nói hết sự thật, hai cha con cảm thán khôn nguôi. Lục Đức Tú đỗ đầu khoa cử vào năm 17 tuổi, về sau lại đỗ tiến sĩ, được người người ngưỡng mộ.

Lục Đức Tú chỉ bởi thủ tiết giới dâm mà công danh vẻ vang. Phan Tái An chỉ vì không biết giữ đức, tham thú hoan lạc mà lạc mất đường công danh. Câu chuyện này giúp chúng ta biết tự soi xét lại bản thân mình.

2. Giữ gìn ngay chính, gia tộc sẽ hưng thịnh

Vào năm Kỷ Hợi Thuận Trị thời nhà Thanh, không lâu sau khi Từ Lập Trai ở Côn Sơn đỗ trạng nguyên thì trong vùng có một câu chuyện lưu truyền như sau.

Câu chuyện kể rằng có người đến miếu Thành Hoàng thắp hương, tá túc ở trong miếu, nửa đêm nhìn thấy Thành Hoàng uy nghiêm ngồi trên cao. Thành Hoàng cho gọi anh ta đến trước mặt và nói: “Ngươi có biết nguyên nhân Từ Lập Trai đỗ trạng nguyên không? Gia đình họ Từ mấy đời không phát sinh những chuyện tà dâm, tích được âm đức nên đã cảm động thượng thiên. Lần này đỗ trạng nguyên mới chỉ là một sự bắt đầu của phúc báo. Việc công danh tuy là ảo diệu khó đoán nhưng nhân quả báo ứng thì vô cùng rõ ràng. Những người u mê làm vạn điều ác trên thế gian kia có thể tỉnh ngộ ra!”

Thành Hoàng nói xong thì đi mất. Người kia ghi chép lại câu chuyện của Thành Hoàng rồi cho lưu truyền rộng rãi. Về sau, hai người em trai của Từ Lập Trai là Từ Kiến Long và Từ Ngạn Hòa lần lượt đỗ trạng nguyên vào năm Canh Tuất và năm Qúy Xú. Ba anh em cùng một nhà đều đỗ trạng nguyên. Con cháu của họ cũng tiếp nối sự nghiệp công danh.

Tục ngữ nói: “Tổ tiên tích đức, con cháu được hưởng; tổ tiên làm việc ác con cháu phải gánh tai họa.” Chính vì vậy, cần phải giáo dục con cháu hiểu rõ nhân quả báo ứng, giữ vững đạo đức và lương tri, đó mới là nền tảng hưng thịnh cho gia tộc.

3. Khẩu nghiệp hại người

Thời nhà Thanh, ở vùng Nghi Hưng tỉnh Giang Tô có một vị thư sinh tên là Phan Thư Thăng. Vào một ngày mùa thu năm Giáp Tý Khang Hy, anh ta nằm mộng nhìn thấy mình đến điện Quan Đế đúng ngay lúc đang phát giấy thi. Anh ta chỉ nghe thấy tiếng gọi tên người thứ nhất lên điện. Người này tiến lên điện đường nhưng lập tức bị đạp ngay xuống dưới. Người thứ hai chính là bản thân Phan Thư Thăng. Người thứ ba và người thứ tư đều chưa đến. Lúc này, Phan Thư Thăng lại nhìn thấy trên tường treo một tấm bảng vàng. Tên đầu tiên trên tấm bảng có hai chữ “Vi Tiếp” và anh không thấy được họ của người này. Một lúc sau, một người có vẻ mặt hồng hào bước đến, ông ta gỡ bỏ mũ miện xuống và đội nó lên đầu Phan Thư Thăng. Sau khi Phan Thư Thăng tỉnh mộng thì cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Mãi cho đến lúc công bố kết quả, quả nhiên Phan Thư Thăng được vinh danh đứng đầu bảng.

Phan Thư Thăng đến đâu cũng hỏi thăm về người có tên là “Vi Tiếp”. Không lâu sau anh ta mới biết người đó là Phó Lộc Dã của huyện Lâu. Anh ta đến nơi tìm gặp mới biết là Phó Lộc Dã nổi tiếng về tài văn chương. Lúc khảo thí, quan chủ khảo quả nhiên đã định lấy anh ta đầu tiên. Bài văn của anh ta cho hai lượt thi đầu được đánh giá rất cao, nhưng thật không may là bài viết cho lượt thứ ba biến đâu mất nên quan chủ khảo chỉ còn biết loại anh ta ra khỏi bảng vàng. Vốn dĩ Phó Lộc Dã là người có khẩu tài nhưng anh ta thường hay khoác lác những lời hoa mỹ không chân thực, lại còn thích tuyên dương sở đoản của người khác nên mới bị báo ứng. Sau khi công bố kết quả, bởi vì quan chủ khảo đặc biệt thích bài văn của anh ta nên mới có ý đặc biệt mời anh ta đến gặp mặt. Nhưng Phó Lộc Dã cảm thấy không vui và vô cùng khổ não, không lâu sau thì mắc phải bạo bệnh mà qua đời.

Có thể thấy rằng, lời nói ra miệng không phải là một việc nhỏ, có thể tích đức cũng có thể mất đức, ít nhiều sẽ tạo nghiệp. Lời nói không chân thực thì lời nói và hành vi không đồng nhất, lừa dối người khác. Tuyên dương sở đoản của người khác nhất định sẽ khiến người khác thêm thống khổ, hại người tự tôn mình lên cao. Chính vì vậy, đối nhân xử thế phải luôn luôn xem lời nào nên nói lời nào không nên nói. Nói nhiều thực sự là không cần thiết. Biết khoan dung mới không tạo nghiệp và miễn gặp ác báo.

4. Khuyến thiện cảm động Thần linh

Vào thời Thanh ở huyện Gia Hưng có một vị thư sinh tham gia khoa cử nhưng bị rớt khỏi bảng vàng. Nhưng anh ta là một người khoan dung, thường hay tuyên dương điều thiện và áp chế điều ác. Phàm là nghe thấy bạn học chung hay bạn bè người thân đàm luận về những việc không chính đáng, không giữ phẩm hạnh thì anh ta sẽ nghiêm khắc ngăn cản và dùng đạo lý để khuyên can. Anh ta còn viết một bài văn “giới cấm khẩu nghiệt” để khuyên răn người khác. Anh ta thường hay khuyên người ta xem nhiều sách dạy điều thiện và đừng tạo ác nghiệp. Có một năm, anh ta lại tham gia khoa cử, đêm trước ngày công bố kết quả, anh ta mộng thấy người cha quá cố nói với mình: “Con ở một đời trước, thời niên thiếu thi đỗ tiến sĩ. Vì con ỷ mình có tài nên đã mạo phạm người khác, thượng thiên mới trừng phạt con. Đời này con không đỗ khoa cử, nghèo khó đến cuối đời. Nhưng bởi vì con viết bài “giới cấm khẩu nghiệt”, lại khuyên răn người khác xem sách dạy điều thiện, Văn Xương Đế Quân cho rằng việc con khuyên người hướng thiện tích được âm đức vô cùng lớn nên ông ấy đã đặc biệt tâu với Thượng đế ban công danh cho con, hi vọng con sẽ tu đức nhiều hơn nữa để báo đáp Thần linh.”

Thư sinh sau khi nghe xong vô cùng kinh ngạc. Quả nhiên anh ta đã được lên bảng vàng, sau khi làm quan thì anh ta càng thận trọng hơn, dốc sức hành thiện, về sau làm quan đến chức ngự sử. Tâm từ bi khuyên người cải tà quy chính cũng đủ để cảm động trời đất, tích phúc đức tránh được tai họa, đắc được thiện báo.

“Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi” kỳ thực là một câu nói không sai chút nào. Bởi vì không thể vi phạm thiên lý, Thần minh mọi nơi mọi lúc đều đang quan sát việc thiện việc ác. Vậy nên mới nói, trong tâm chứa đựng thiên lý thiện ác hữu báo thì sẽ thành tựu phẩm hạnh, phân rõ thiện ác, như vậy mới có thể đắc được phúc báo lâu dài.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/4/27/239527.html

Đăng ngày 31-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share