Bài của Trí Chân

[MINH HUỆ 18-1-2009] Phạm Trọng Yêm, một chính trị gia và cũng là văn học gia nổi tiếng thời Bắc Tống trong tác phẩm “Nhạc Dương Lâu ký” đã viết ra mấy câu thơ nổi tiếng lưu truyền muôn thuở : “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi” (Không cảm thấy hài lòng bởi lợi ích vật chất, cũng không cảm thấy buồn phiền cho số phận không may), “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc” (Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ). Câu nói có ngụ ý sâu sắc, được các sỹ đại phu chính trực thời cổ đại xem như nguyên tắc xây dựng sự nghiệp, và cũng là cảnh giới tư tưởng mà phần lớn mọi người đều tôn kính.

Phạm Trọng Yêm từ nhỏ đã học tập rất siêng năng, mỗi ngày đều đọc sách đến tận đêm khuya. Ông học các sách kinh điển của nhà Nho như “Thi Kinh”, “Thượng Thư”, “Lễ ký”, “Xuân Thu”, nuôi chí “Đại trượng phu gánh vác trách nhiệm làm lợi nước ích dân”, “Không làm tướng giỏi cũng làm lương y”. Sau này lại chịu ảnh hưởng của dòng tư tưởng Phật gia, kính trọng tin tưởng Thần Phật và Phật Pháp. Ông có tinh thần Tế thế an bang, làm quan thanh liêm chính trực, yêu dân như con, lấy cơ sở lý niệm của nhà Nho “Người nhân từ thì luôn thương người, làm lợi cho thiên hạ” và cảnh giới “Phật tính thì hướng thiện, có lòng từ bi đối với chúng sinh”, xem việc cứu vớt nhân dân trong cảnh khổ làm trách nhiệm của bản thân, yêu quý sinh mệnh, quan tâm đến tương lai của đất nước. Trong thơ ông viết: “Trường đới Nghiêu Thuấn chủ, tận tác hi hoàng dân. Canh điền dữ tạc tỉnh, hy hy thiên vạn xuân”. Ông hy vọng dân chúng có cuộc sống thịnh vượng như thời Nghiêu Thuấn, thiên hạ thanh bình và hạnh phúc.

“Không cảm thấy hài lòng bởi lợi ích vật chất, cũng không cảm thấy buồn phiền cho số phận không may”

Phạm Trọng Yêm làm quan hơn 10 năm, cuộc sống giản dị hết mực, cho dù làm Tể tướng cũng không xây dinh thự cho mình. Có người muốn xây tặng ông một ngôi nhà mới, ông bảo: “Điều mà con người theo đuổi chính là Đạo Nghĩa. Một người nếu trong lòng có Đạo nghĩa thì dù ở đâu trong lòng cũng vui vẻ. Chuyện xây dinh thự các vị không nên nhắc lại nữa”. Phạm Trọng Yêm cũng không mua sắm ruộng đất và bất động sản gì cho con cháu cả, lại dùng tiền của dành dụm để xây dựng trường học, mua ruộng mà cho người ta, lưu lại tấm gương đạo đức cao thượng cho đời sau. Cả đời ông vì chính trực và hay nói thẳng mà mấy lần bị giáng chức, nhưng ông không vì những điều như thế mà đau buồn, quyết lòng không bao giờ thay đổi chí hướng ban đầu. Năm Thiên Thánh thứ 7, Phạm Trọng Yêm vừa mới vào kinh thành nhậm chức Bí các giáo lý, vì dâng sớ phản đối Hoàng Thái hậu phô trương lãng phí nên bị Hoàng Thái hậu giáng chức đuổi ra khỏi kinh thành. Năm Minh Đạo thứ 2, ông nhậm chức Hữu ti gián, bởi vì kiên trì đòi lại công bằng cho người khác mà bị Hoàng đế giáng chức xuống làm quan ở Mục Châu. Năm Cảnh Hữu thứ 2, ông được thăng chức Lễ bộ viên ngoại. Tể tướng lúc ấy là Lữ Di đề phòng việc ông hay can ngăn và nói lời chính trực, có thể làm ảnh hưởng đến sự chuyên quyền của ông ta, bèn tâu xin Hoàng đế đưa Phạm Trọng Yêm đi làm quan Tri phủ Khai Phong. Ông ta còn sai người tới bảo Phạm Trọng Yêm: “Không làm quan giám thị, không nên nhiều lời bàn luận việc nước”. Nhưng Phạm Trọng Yêm trong lòng vẫn quan tâm tới triều đình, không sợ uy quyền, vẫn làm việc vì dân, đúng như những gì ông viết trong bản sớ dâng vua: “Kiên định một tấm lòng, 3 lần bị giáng chức nhưng không hề hối hận”.

“Ở nơi giang hồ xa xôi thì lo cho vua”

Phạm Trọng Yêm nhậm chức ở xa nhưng vẫn lo lắng cho việc quốc gia đại sự. Ông dâng bản tấu hàng vạn chữ là “Thượng chấp chính thư”, đề nghị các biện pháp như “tuyển chọn quan chức có phẩm chất tốt, trừ bệnh lười biếng và kiêu căng, bỏ những kẻ tham nhũng lộng quyền, cẩn thận trong việc tuyển cử giáo dục, đề cử những người tài đức, bảo vệ những quan lại chính trực, bài trừ những kẻ nịnh thần”. Giữ chức quyền cao quý ở nơi triều đình thì lo cho dân chúng. Thời ông nhậm chức Hữu ti gián tại triều đình, có lần phía Đông kinh thành và khu vực sông Trường Giang – Hoài Hà gặp trận đại hạn hán, rồi nạn châu chấu hoành hành. Phạm Trọng Yêm lập tức dâng sớ xin Hoàng đế Nhân Tông phái người đến cứu trợ nhưng Vua không chịu nghe. Ông bèn hỏi Hoàng đế: “Nếu trong cung đói ăn nửa ngày, bệ hạ phải làm sao đây?”. Nhân Tông cảm thấy xấu hổ, bèn phái Phạm Trọng Yêm tới đó cứu trợ thiên tai. Phạm Trọng Yêm ở chỗ cứu trợ, bèn tấu xin miễn giảm thuế cho dân. Ông còn mang cỏ Ô Vị – là thứ cỏ mà nạn dân ăn để cầm hơi – về kinh thành cho hoàng thân quốc thích và toàn thể triều đình để khuyên bảo họ chớ có quên sự đói khổ của nhân dân, để ngăn chặn tận gốc thói xa xỉ hoang phí.

“Tiến cũng lo mà thoái cũng lo”

Thời Phạm Trọng Yêm nhậm chức Tể tướng, khuyên can cho nhà vua, chọn người hiền tài, trừng trị bọn tham quan, một lòng vì dân. Mỗi lần bị giáng chức làm quan địa phương nào, ông cũng đều làm thật tốt, tạo phúc cho nhân dân nơi ấy. Ví như lúc ông đến Thái Châu, Hải Lăng làm quan Diêm thương giám, nhìn thấy con đê biển ở địa phương bởi vì nhiều năm không được tu sửa mà sụp vỡ, nước biển tràn ngập ruộng vườn, hàng vạn nạn dân lang thang không nhà cửa. Ông lập tức dâng thư lên triều đình xin sửa đê. Triều đình chuẩn tấu, điều ông làm Huyện lệnh huyện Hưng Hóa phụ trách việc sửa đê. Phạm Trọng Yêm đem người tới bờ biển Đông xây dựng thành công con đê chắn sóng, bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Người dân bị nạn lưu vong trở về nhà. Mọi người vô cùng cảm kích công ơn của quan huyện, đặt tên con đê chắn sóng là “Đê Phạm Công”. Nhiều nạn dân huyện Hưng Hóa sau sự kiện này đổi họ theo họ Phạm của Phạm Trọng Yêm.

Tuân theo nguyên tắc “Không lừa dối”

Tân khoa Trạng Nguyên người Đặng Châu, tên là Cổ Ảm đến bái chào Phạm Trọng Yêm, thỉnh giáo ông đạo lý trị nước và xây dựng sự nghiệp. Phạm Trọng Yêm nói với ông: “Quân bất ưu bất hiển, duy bất khi nhị tự, khả chung thân hành chi.” (Tạm dịch: Chỉ có “không lừa dối” là đạo lý nên theo đuổi suốt đời). Cổ Ảm sau này làm quan tới chức Ngự sử Trung thừa, cả đời làm quan thanh liêm chính trực, gặp chuyện đều dám nói thẳng. Không lừa dối, tức là cương trực, không thiên lệch, quang minh lỗi lạc. Không lừa dối tức là không dối vua, không dối dân, không lừa gạt lương tâm của chính bản thân mình. Hai chữ “không dối” là điều mà Phạm Trọng Yêm cả đời làm quan, làm người, xử sự, tề gia … luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Ông đối xử với người ta khoan dung nhân hậu, lấy việc giúp đỡ người khác làm vui, lúc ấy có rất nhiều người tài đức đều là nhờ ông chỉ đạo và đề bạt mà trưởng thành lên. Tới địa phương nào, ông đều vỗ về dân chúng, thực hành nền chính trị nhân từ, phong tục địa phương bởi được ông cảm hóa cũng có sự thay đổi, mọi người ai cũng tôn sùng danh dự và tiết tháo, còn xấu hổ khi nói chuyện về tiền tài và chuyện được mất. Mỗi người đều biết liêm sỷ, không dám làm điều xằng bậy.

Lo cho nước lo cho dân, phẩm cách và tư tưởng “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” của Phạm Trọng Yêm đã ảnh hưởng đến đông đảo nhân dân. Những người có chí hướng và các chính nhân quân tử đều hiểu thấu và tôn sùng nguyên tắc ấy. Nhưng ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đi ngược lại quy luật của vũ trụ, phản lý tính, phản chính thống, phản đạo đức, coi mạng người như cỏ rác, vì vậy đang bị lịch sử đào thải. Những người tỉnh giác giảng rõ chân tướng cho mọi người, giúp mọi người nhận ra rõ ràng bản chất tà ác của ĐCSTQ, từ đó hoàn toàn thoát khỏi sự trói buộc của nó. Giúp người ta lựa chọn quang minh và chính nghĩa, ấy chính là thể hiện lòng từ bi và ý thức trách nhiệm đối với người khác.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/1/18/193704.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2009/2/14/104801.html
Đăng ngày 16-3-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share