Bài viết của Tiêu Ngọc

[MINH HUỆ 08-11-2011] Văn hóa truyền thống Trung Quốc dạy con người trọng đức hành thiện, rất nhiều người trong việc đối nhân xử thế đều lấy đức hạnh làm gốc. Điều này bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng lịch sử, cũng bao gồm những người không được đông đảo mọi người biến đến. Từ những câu chuyện của họ, chúng ta có thể thấy quan niệm làm người của họ. Đường Lâm thời Đường chính là một trường hợp làm người chính trực khoan hậu như thế.

Đường Lâm là người Trường An, Kinh Triệu (Tây An, Thiểm Tây ngày nay). Ông là cháu nội của quan Nội sử triều Bắc Chu Đường Cẩn. Thời kỳ đầu đời Đường, Đường Lâm đã từng làm các chức như Huyện thừa huyện Vạn Tuyền, Thị ngự sử, Đại lý khanh, Ngự sử đại phu, Thượng thư Bộ Lại…

Khi Đường Lâm làm Huyện thừa huyện Vạn Tuyền, trong huyện có mấy chục tù phạm. Do tội lỗi của họ đều khá nhẹ, hơn nữa đến mùa xuân mùa màng bận rộn, nên Đường Lâm kiến nghị với Huyện lệnh huyện Vạn Tuyền để tù phạm về nhà trợ giúp gia đình cày cấy, giải quyết nỗi khổ nhọc của người nhà phạm nhân vì phải lao động cực nhọc. Bởi vì việc này xưa nay chưa từng có tiền lệ tương tự nên Huyện lệnh một mực từ chối với lý do là: nếu cày cấy xong mà phạm nhân không trở lại hoặc chậm trở lại, pháp luật nhiều thì không thể quy phục được dân chúng. Lúc này Đường Lâm nói rằng: “Nếu ngài lo lắng xảy ra vấn đề, hạ quan xin gánh chịu tất cả trách nhiệm”.

Sau đó, Huyện lệnh do sức khỏe không tốt nên không thể chủ trì việc công được, Đường Lâm bèn để những phạm nhân phạm tội nhẹ được về nhà cày cấy, đồng thời ước hẹn với họ rằng, trước khi huyện lệnh quay trở lại, bọn họ phải trở về nhà giam. Những tù nhân thấy Đường Lâm khoan dung mà lại quan tâm đến nỗi khổ của bách tính như vậy thì đều được cảm hóa bởi ân đức của ông, đến thời gian như đã hẹn, tất cả các tù nhân đều quay trở lại. Cũng chính vì thế mà Đường Lâm đã nổi tiếng khắp huyện Vạn Tuyền.

Đường Lâm chấp pháp trung chính, không a dua, không né tránh tầng lớp quyền quý. Khi ông làm Thị ngự sử, đại phu Vy Đĩnh ở trên triều đình đã làm trái quy định, đã ghé tai thầm thì với Đạo Tông. Đường Lâm nói với Đạo Tông rằng: “Bệ hạ đã làm nhiễu loạn trật tự triều đình rồi”.

Đạo Tông không để ý đến chuyện này và nói: “Nói chuyện ngắn gọn với đại phu Vy Đĩnh không đến nỗi nghiêm khắc như vậy chứ?”

Đường Lâm nghiêm chính, và cũng không để dư địa trả lời rằng: “Đại phu cũng làm nhiễu loạn trật tự triều đình, đây là việc nhất định không thể được”.

Vy Đĩnh thấy Đường Lâm chính trực, nghiêm túc thì trong tâm kính trọng, các đại thần khác cũng đều kinh sợ, trên triều đình bỗng trở nên nghiêm trang.

Trong thời gian Đường Lâm làm sử giả, được phái đến Lĩnh Nam thẩm lý Thứ sử Giao Châu Lý Đạo Ngạn và hơn 3.000 người bị oan uổng giam cầm. Trong thời gian đó ông cũng nhiều lần được bổ nhiệm làm Hoàng môn Thị lang. Do ông phụng công chấp pháp nên được gia phong làm Ngân thanh quang lộc đại phu.

Trong cuộc sống cá nhân, Đường Lâm cũng là tấm gương của người làm quan đương thời. Ông tiết kiệm, ít ham dục, không xây dựng phủ đệ trạch viện, ăn mặc đơn giản chất phác, khoan dung đại lượng với người, chưa bao giờ phơi bày lỗi lầm mà người khác sơ suất mắc phải.

Một lần Đường Lâm muốn đi viếng đám tang một người bạn, ông lệnh cho đứa hầu nhỏ về nhà lấy tang phục. Rất lâu sau, đứa nhỏ mới đem một gói đồ mà bà chủ gửi đến, mở ra xem thì đó lại là bộ y phục màu sắc khác, khiên đứa nhỏ sợ quá không dám vào nhà. Sau khi biết chuyện, Đường Lâm sai người tìm đứa nhỏ lại và nói rằng: “Hôm nay thời tiết không thuận, không hợp với việc bi thương khóc lóc. Vừa rồi ta sai cháu đi lấy áo trắng thì không cần phải đi nữa”.

Lại một lần khác, Đường Lâm sai người hầu sắc thuốc, kết quả người hầu làm sai, đã làm hỏng ấm thuốc. Đường Lâm cố ý tỏ như không biết sự việc, nói với người hầu rằng: “Hôm nay thời tiết u ám, không thích hợp uống thuốc, hãy đem thuốc đổ đi”.

Ông không truy cứu lỗi lầm của người dưới, phẩm hạnh khoan dung nhân từ của ông được những người làm quan ca tụng và noi theo.

Khi Đường Cao Tông lên ngôi, Đường Lâm đảm nhiệm chức Thị lang Bộ Lại, sau đó thăng làm Đại lý khanh. Một lần, Đường Cao Tông hỏi về một số việc như số lượng phạm nhân đang bị giam trong nhà tù… Đường Lâm trả lời rành rọt từng câu hỏi chính xác không có sai lệch nào. Đường Cao Tông vui vẻ nói: “Trước kia khi trẫm còn là Thái tử, khanh đã phụng sự trẫm. Ngày nay trẫm kế thừa ngôi vị Hoàng đế, khanh lại ở bên trẫm. Để báo đáp và khen thưởng công lao trước đây của khanh, trẫm đã để khanh đảm đương chức quan này. Điều quan trọng trong trị sửa quốc gia là ở hình pháp: dùng pháp luật quá hà khắc thì sẽ coi thường mạng người; dùng pháp luật quá nương nhẹ thì sẽ dung túng tội phạm. Khanh có thể giữ được cân bằng, nắm được trung dung, rất hợp với tâm ý của trẫm”.

Đường Cao Tông cũng đã từng đích thân thẩm vấn tử tù. Những tử tù mà các quan Đại lý khanh khác thẩm lý phán quyết đều lớn tiếng kêu oan, duy chỉ có những tử tù mà Đường Lâm thẩm lý xét xử là không có người nào kêu oan cả. Đường Cao Tông cảm thấy rất kinh ngạc, tra hỏi là nguyên nhân gì. Các tử tù đều trả lời: “Chúng thảo dân thực sự đã phạm tội, Đường đại nhân phán quyết không những không oan, mà cũng không dùng nhục hình, cho đó chúng thảo dân từ bỏ ý nghĩ lật lại bản án”.

Hoàng đế cảm thán rất lâu rồi nói: “Người đảm nhiệm chức pháp quan thì nên làm như vậy”.

Năm Vĩnh Trưng thứ nhất (năm 650), Đường Lâm thăng làm Ngự sử đại phu. Năm sau, sự việc Thứ sử Hoa Châu là Tiêu Linh Chi nhận hối lộ bị cáo giác, Hoàng đế lệnh các đại thần thảo luận trị tội. Đại đa số đại thần đều cho rằng nên xử tử hình Tiêu Linh Chi. Nhưng Đường Lâm lại dâng tấu rằng: “Tội nên nhẹ mà công nên nặng”.

Thế là Tiêu Linh Chi được miễn tội chết. Năm Hiển Khánh thứ 4 (niên hiệu của Đường Cao Tông), Đường Lâm do bị liên lụy đến vụ án nên bị giáng chức làm Thứ sử Triều Châu. Ông mất khi đang tại nhiệm, hưởng dương 60 tuổi.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/11/8/文史漫談-正直寬厚-德行為本-248813.html

Đăng ngày 24-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share