Bài viết của Dương Xuân

[MINH HUỆ 29-09-2011]

“Dao vọng Trung Nguyên,
Hoang yên ngoại,
Hứa đa thành quách;
Tưởng đương niên,
Hoa già liễu hộ,
Phượng thuyền long các.
Vạn Tuế sơn tiền châu thúy nhiễu,
Bồng Hồ điện lý sênh ca tác.
Đáo nhi kim,
Thiết kỵ mãn giao kỳ,
Phong trần ác.

Binh an tại,
Cao phong ngạc;
Dân an tại,
Điền câu hác.
Thán giang sơn như cố,
Thiên thôn liêu lạc.
Hà nhật thỉnh anh đề nhuệ lữ?
Nhất tiên trực chỉ thanh hà lạc.
Khước quy lai
Tái tục Hán Dương du,
Kỵ hoàng hạc.”

Dịch nghĩa:

“Xa ngắm Trung Nguyên,
Bên ngoài lớp khói hoang vu,
Rất nhiều thành quách.
Nhớ lại năm xưa,
Hoa che liễu rủ,
(Chốn) lầu phượng gác rồng.
Trước núi Vạn Tuế, giăng màu biếc, màu ngọc,
Trong điện Bồng Hồ, vang tiếng sênh, tiếng hát.
Tới hôm nay,
Quân thiết kỵ tràn đầy khắp nội,
Gió bụi mịt mù.

Dân ở đâu?
Lấp ngòi hang.
Quân ở đâu?
(Đem thân) làm trơn giáo mác.
Than thở nước non vẫn nguyên vẻ cũ,
Nghìn làng xơ xác.
Bao giờ mới nhận được cờ lệnh chỉ huy quân tinh nhuệ,
Vung roi vượt sông quét sạch Hà, Lạc!
Lại quay về,
Tiếp tục cuộc rong chơi ở Hán Dương,
Cưỡi chim hạc vàng.”

Đó là bài từ “Mãn Giang Hồng – Đăng Hoàng Hạc lâu hữu cảm” của Nhạc Phi – anh hùng dân tộc, danh tướng kháng Kim thời Nam Tống, bài Tống từ lưu truyền thiên cổ, người người ca ngợi này thể hiện tình cảm quyến luyến của ông đối với Hán Dương. Dân chúng Vũ Hán từ thời Nam Tống cho đến các thời đại về sau vẫn luôn có sự kính trọng và hoài niệm đối với Nhạc Phi.

2007-4-10-yuefei--ss.jpg

Tượng ở Nhạc Phi miếu

Nhạc Phi (1103-1141 CN) là nhà quân sự Nam Tống, anh hùng dân tộc. Tự là Bằng Cử, người Thang Âm – Tương Châu (nay thuộc Hà Nam). Thuở thiếu thời siêng năng hiếu học, và đã luyện thành một thân võ nghệ. Lúc 19 tuổi gia nhập quân đội. Không lâu sau vì có tang cha, ông thoái ngũ hồi hương thủ hiếu. Năm 1126 quân Kim ồ ạt xâm nhập Trung Nguyên, Nhạc Phi lại lần nữa đầu quân, bắt đầu cuộc đời trên lưng ngựa kháng chiến chống quân Kim, bảo gia vệ quốc của ông. Ông hoài bão tấm lòng sắt son “Tinh trung báo quốc”, lấy việc thu phục Trung Nguyên, quét sạch “Nỗi nhục Tĩnh Khang” làm chí hướng; quân đội Nhạc gia do ông thống suất huấn luyện kỹ càng, quân kỷ nghiêm minh, “Dù chết đói cũng không cướp bóc, chết rét cũng không dỡ nhà”, ngăn chặn quân Kim xâm nhập; rất được bách tính yêu mến tôn trọng; trong cuộc đời trên lưng ngựa, Nhạc Phi đích thân tham dự chỉ huy 126 trận đánh, chưa một lần thua trận, là thường thắng tướng quân danh bất hư truyền, quân Kim cũng phải e sợ quân Nhạc gia, đã phải thốt lên rằng “bạt đổ núi dễ, đánh đổ quân Nhạc gia khó”.

2011-9-25-minghui-yuefei-01--ss.jpg

Bức hoạ Nhạc mẫu thích chữ trong sảnh Di Hoà Viên

Cuộc đời Nhạc Phi có thời gian 7 năm (từ 1134-1141) đóng quân ở Vũ Hán, Vũ Hán là trụ sở và căn cứ Bắc phạt của quân Nhạc gia. Từ Ngạc Châu (nay là Vũ Xương), Nhạc Phi đã xuất phát tiến hành 4 lần Bắc phạt, bởi vậy đã kết lại một đoạn lịch sử uyên nguyên thâm hậu với Vũ Hán. Theo khảo chứng, phủ soái năm đó được đặt ở Tư Môn Khẩu – Lão Thành ở Vũ Xương, giáo trường được đặt ở bên Sa Hồ ở Tiểu Đông Môn, doanh trại trung quân đặt ở bên Sái Hồ ở Đại Đông Môn, đội ngựa được đặt ở Mã Đề Doanh, huấn luyện thủy quân và cơ sở của nó lại đặt ở Nhạc Gia Chủy bên ngoài Lão Thành. Chính tại Vũ Hán, ông đã đạt đến đỉnh cao huy hoàng trong cuộc đời – ở đây ông kiến công lập nghiệp, nhờ sau đại thắng Tương-Đặng, chỉ mới 32 tuổi ông đã được phong hầu (Vũ Xương Quận khai quốc hầu). Năm Thuần Hy thứ 5 (tức năm 1178), Nhạc Phi được truy phong là Vũ Mục, đến thời Ninh Tông được truy phong là Ngạc Vương. Danh hiệu cao nhất của Nhạc Phi là “Tống Nhạc Ngạc Vương”. Hơn 870 năm qua, ở Vũ Xương, Hán Dương đã lưu lại rất nhiều di chỉ và truyền thuyết về Nhạc Phi. Như các địa danh Nhạc Phi Đình, Nhạc Tùng, Nhạc Mai và Nhạc Gia Chủy, phố Nhạc Phi, cũng như rất nhiều các truyền thuyết và câu chuyện dân gian có liên quan đến Nhạc Phi.

Theo sử chép: Tháng 3 năm 1136, Nhạc mẫu Diêu thị bị bệnh mất ở trong quân Ngạc Châu. Nhạc Phi không đợi báo, giải quan (từ chức) mà đi, đỡ áo quan đến Lư Sơn, tấu xin thủ hiếu suốt đời, [triều đình] hạ chiếu không cho. Triều đình nhà Tống hạ chiếu quay lại, Nhạc Phi “chuyển hiếu thành trung”, vào tháng 6 đến đóng quân ở Tương Dương. Tháng 8, ông lại lần nữa xuất sư [dẫn quân] lên Bắc, sai bộ tướng thâm nhập vào vùng đất Ngụy Tề, thu phục huyện Lư Thị ở Quắc Châu, Thương Châu cũng như huyện Trường Thủy ở Tây Kinh. Tháng 9, vì quân cô không được cứu viện, ông lui quân về Ngạc Châu. Lần Bắc phạt này, Nhạc Phi tráng chi chưa được báo đáp, đã viết bài từ tuyệt tác thiên cổ “Mãn Giang Hồng”. Tháng 11, ông đóng quân ở Giang Châu, quân Ngụy Tề thua chạy, ông lại trở về Ngạc Châu. Địa điểm linh đường Nhạc mẫu ở Vũ Xương năm đó được mệnh danh là Trung Hiếu Môn.

Nhạc Phi làm quan thanh liêm chính trực, ông thường nói: “Quan văn không thích tiền, quan võ không sợ chết, thì thiên hạ thái bình rồi.”

Mặc dù Nhạc Phi xuất thân từ quân ngũ, nhưng ông yêu thích đọc “Tả truyện” và sách [binh pháp] Tôn-Ngô, trong khoảng thời gian rảnh khi chiến đấu, ông lại cùng những người thân thiết ngâm vịnh, ông có 14 bài thơ, 3 bài từ được đời đời lưu truyền, trong đó câu “Nộ phát xung quan bằng lan xứ” (Giận tóc bung khăn, đứng tựa lan can) trong “Mãn Giang Hồng” hàm chứa đầy tình cảm yêu nước và chí hướng báo quốc.

Nhạc Phi còn rất yêu thích thư pháp, tiểu khải của ông học Nhan Chân Khanh, thể thái tinh diệu; còn hành thư lại học Tô Thức, bút pháp bay bổng. Bia thiếp truyền đời do Nhạc Phi viết có mấy loại, trong đó nhất là “Tiền hậu xuất sư biểu” là nổi tiếng nhất, bút lực cứng cáp, bố cục kết cấu đều được mọi người tán thưởng. Từ đó trong dòng sông dài văn minh lịch sử Trung Hoa năm nghìn năm đã viết nên một đoạn lịch sử bi tráng “Tinh trung báo quốc”.

Di tích về Nhạc Phi chủ yếu phân bố khắp ba thị trấn ở Vũ Hán ngày nay gồm có:

2011-9-25-minghui-yuefei-02--ss.jpg

Đình Nhạc Phi

Đình Nhạc Vũ Mục di tượng: gọi tắt là Đình Nhạc Phi, được lập ở trước tượng đồng Nhạc Phi ở công viên Hoàng Hạc Lâu. Đình này được xây dựng vào thời gian kháng chiến năm 1937, năm 1981 được trùng tu. Ngôi đình toạ ở Bắc hướng về Nam, kết cấu gỗ đá, [kiểu] toàn tiêm (mái nhọn chụm đều) hình lục giác, lợp bởi ngói biếc, cổ phác đoan trang. Mái hiên có biển ngạch “Nhạc Vũ Mục di tượng đình”, trên cột đá có khắc câu đối.

Tấm bia đá Nhạc Vũ Mục di tượng (truyền thuyết rằng nguyên vốn là di vật của Ngạc Trung Liệt Miếu ở ngoài Đại Đông Môn ở Vũ Xương) đặt ở trong đình, ở trên có khắc “Nhạc Vũ Mục Vương di tượng” và tuyển chọn những lời khen của Trương Dực Tiên. Xung quanh đình hiện nay xây dựng nhà đá tưởng niệm “Tinh trung báo quốc”, có khắc đá dòng chữ “Hoàn ngã sơn hà”, tượng Nhạc Phi đúc bằng đồng và phù điêu cỡ lớn bằng đá sa thạch, cùng hoà thành một thể, cùng tôn nhau lên.

2011-9-25-minghui-yuefei-03--ss.jpg

Tượng đồng Nhạc Phi

2011-9-25-minghui-yuefei-04--ss.jpg

“Hoàn ngã sơn hà”

Tượng đồng Nhạc Phi cao 8 mét (trong đó phần đế cao 2m), nặng đến 16 tấn, là đúc bằng đồng thau. Nhạc Phi dựa vào yên ngựa ghì cương, thần thái anh vũ, chính khí lẫm liệt, mục quang như bó đuốc, dường như đang nhìn từ xa về sơn hà tươi đẹp của cố quốc. Một khối phù điêu bằng đá xanh dài 25,6m, đã tái hiện cảnh tượng lịch sử quân Nhạc gia rong ruổi nơi sa trường, đánh bại Kim Ngột Thuật. Trên phù điêu có khắc bút tích bài “Mãn Giang Hồng – Đăng Hoàng Hạc Lâu hữu cảm” của quân Nhạc gia. Toàn bộ bức điêu khắc tạo hình có lực, đường nét uyển chuyển, lực chấn động mạnh mẽ sống động như muốn xông ra.

Năm 1937 sau sự biến Lư Câu Kiều, khi đoàn thể quần chúng kháng Nhật ở Vũ Hán thanh lý đống đổ nát của Nhạc Vương miếu, từ trong ngói vụn phát hiện bức Nhạc Vũ Mục di tượng được điêu khắc vào tháng 4 năm thứ 10 Minh Vạn lịch (tức năm 1582) và tấm bia đá xanh khắc tuyển chọn những lời thơ khen ngợi của một người ở Thái Hoà – Vân Nam (nay là Đại Lý) là Trương Dực Tiên, thế là quần chúng cử ra Hồ Chí thuộc Tân Hợi Thủ nghĩa Đồng chí Hội phụ trách gây quỹ, cách vị trí hiện nay 8m về phía Đông xây dựng đình Nhạc Vũ Mục di tượng, dựng bia ở trong đình. Đình nổi tiếng nhờ tấm bia này.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/9/29/247171.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/10/20/128873.html

Đăng ngày 19-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share