Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-10-2019] Vài tháng trước tôi có hai giấc mơ gần nhau với nội dung tương tự. Trong giấc mơ thứ nhất, tôi là một giáo viên đang chuẩn bị giờ thí nghiệm cho học sinh. Nhưng khi tự mình thử nghiệm trước giờ học thì không được thuận lợi. Khi bước lên bục giảng, tôi thấp thỏm bất an vì đã không chuẩn bị tốt. Giấc mơ thứ hai, tôi đang dạy giờ học lý luận. Khi nhìn vào giáo án, tôi không biết rõ mình phải nói gì bởi trước đó đã không chuẩn bị tốt. Cho nên một lần nữa tôi lại thấy khá lo lắng.

Trong hiện thực, tôi là một giảng viên đại học đã về hưu, cho nên căn bản tình huống lên bục giảng mà không chuẩn bị tốt là không thể xảy ra. Vậy những giấc mơ này hẳn là có điểm hóa cho tôi. Vì chúng xảy ra rất gần nhau, tôi ý thức rằng đối với tôi điều đó nhất định là nghiêm trọng và khẩn cấp.

Trong những giấc mơ, tôi thấy bản thân không thể giảng bài tốt bởi tôi đã không chuẩn bị tốt. Về cơ bản, tôi đã không nắm chắc những gì tôi cần nói mà chỉ hiểu một cách hời hợt. Nó không phải là thứ của bản thân tôi.

Tôi lập tức ý thức kiểm tra lại tu luyện của bản thân. Tôi đang đồng hóa với Đại Pháp hay chẳng qua là phù hợp với Đại Pháp trên bề mặt? Nếu chỉ đơn giản là tôi đang dùng Đại Pháp để ước thúc chính mình, nhưng trong nội tâm vẫn cố thủ ôm lấy những thứ của người thường, thì đó không phải là chân tu, không phải là đồng hóa với Đại Pháp. Chỉ có hướng nội vô điều kiện, buông bỏ những chấp trước ẩn sâu trong tâm, hoàn toàn cải biến bản thân theo Đại Pháp, tôi mới có thể không ngừng đạt tới những tiêu chuẩn của Pháp tại các tầng thứ khác nhau. Như thế mới là thật sự đồng hóa với Đại Pháp.

Thế nào là phù hợp với Đại Pháp, thế nào là đồng hóa với Đại Pháp? Trên con đường tu luyện, đây là điều mà tôi luôn suy nghĩ. Hai giấc mơ một lần nữa lại khiến tôi phải suy ngẫm. Một buổi sáng khi đang ngồi đả tọa luyện công, tôi cảm thấy đầy những vi lạp bao quanh, rồi đột nhiên thân thể tôi hòa tan vào chúng, không còn sự phân biệt giữa tôi và các lạp tử khác. Tôi trở thành một phần trong đó. Lúc đó hai chữ “đồng hóa” xuất hiện trong đầu tôi, những giọt nước mắt cảm ân của tôi đã chảy xuống mặt.

Ba tháng trước tôi đã mời một đồng tu về sống cùng một khoảng thời gian. Bà ấy là một người họ hàng lớn tuổi của tôi. Bà ấy có vấn đề sức khỏe trong một thời gian lâu, nên tôi muốn giúp đỡ và hy vọng trường năng lượng của hai chúng tôi sẽ giúp bà có đột phá.

Sống cùng nhau có nghĩa là tâm tính của hai người sẽ bị phơi bày. Tâm tính của tôi thật sự đã hiển lộ! Mỗi khi bà ấy không nhìn nhận về giả tướng trên thân thể dựa trên Pháp (theo nhận thức của tôi), mà thay vào đó muốn dùng phương thức người thường để đối đãi, như dinh dưỡng, thể dục, tắm nắng, v.v, tôi thấy vô cùng phản đối. Tôi cố gắng chia sẻ với bà dựa trên Pháp, nhưng đối phương hoàn toàn không chấp nhận. Đôi lúc thậm chí tôi cảm thấy bà ấy cố tình hiểu sai ý định của tôi. Mỗi lần chia sẻ giống như một lần đối đầu, đều là cưỡng chế dừng lại, cả hai kết thúc không vui vẻ. Việc chia sẻ không đạt hiệu quả, tôi chán nản và bất lực. Giữa chúng tôi đã hình thành gián cách.

Tôi biết rõ rằng trạng thái của mình là không đúng đắn. Tôi hướng nội tìm hết lần này lần khác, và nhìn thấy nhiều vấn đề. Mỗi khi chia sẻ với bà ấy, tôi luôn dùng thái độ áp đặt, bất thiện, không nhẫn. Tôi tự cho là đúng, chỉ muốn cải biến bà ấy. Có khi cảm thấy là mình vì tốt cho đối phương, nhưng bà ấy lại không nghe. Sau đó tôi cảm thấy tức tối với bà, không muốn nói gì nữa. Tôi trở nên lạnh lùng, bực bội và chỉ muốn tranh đấu, chứng thực bản thân. Chẳng phải tất cả những cảm xúc và hành vi đó là sự “thù hận” thường thấy trong văn hóa đảng sao?

Bà ấy cũng đang học Pháp, và xử lý sự việc dựa trên nhận thức của bà. Hẳn bà ấy cũng rất đau khổ khi không thể đột phá về vấn đề sức khỏe. Hiểu được điều này, tôi nên cảm thông hơn và quan tâm hơn tới bà ấy. Sao tôi chỉ muốn bà ấy chấp nhận nhận thức của tôi? Tôi nhận ra khi tôi nhìn bà với tâm thái oán trách, thực tế tôi chẳng làm được gì ngoài việc làm tổn thương bà ấy. Tôi đã khóc và tự nhủ: “Tôi phải chấp nhận và tôn trọng lựa chọn của bà ấy. Tôi phải bao dung, thấu hiểu và tha thứ.” Tôi đã khóc và nói với bà ấy: “Đây là vấn đề của tôi. Xin lỗi bà.”

Nhưng ngộ được không có nghĩa là có thể làm được tốt. Sau đó, cứ vài ngày chúng tôi lại có một cuộc đối đầu kiểu như vậy. Tôi biết tôi nên hành xử dựa trên Pháp, cũng muốn đối xử tử tế và bao dung với bà. Tuy nhiên mỗi lần khi đến một hạn điểm nào đó thì tôi sẽ lại bộc phát. Tôi vô cùng sốt ruột vì bản thân không nhịn được, một quan này mãi không vượt qua. Tôi thật sự muốn làm tốt, nhưng lời nói và hành động của bà ấy như xung kích vào giới hạn mà tôi có thể chịu đựng, trong lòng tôi thầm nghĩ nên làm gì đây, cảm thấy lực bất tòng tâm.

Tôi khẩn cầu Sư phụ chỉ giúp. Sau đó tôi nhớ Sư phụ đã giảng:

Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)

Tôi lấy sách Chuyển Pháp Luân ra và đọc thật kỹ đoạn Pháp này:

Là người luyện công chúng ta sẽ đột nhiên gặp mâu thuẫn. Xử lý thế nào? Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân. (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)

Tôi chợt cảm thấy sáng tỏ thông suốt. Tôi đã biết tại sao tôi lại liên tục bộc phát và không thể kiềm chế cơn nóng giận của bản thân. Tôi cũng biết từ nay nên làm thế nào. Tôi cuối cùng cũng có thể vượt quan và bước sang bước tiếp theo.

Khi chúng ta cứ nhìn vào vấn đề của người khác mà lại muốn bao dung cho đối phương, thì dung lượng trong tâm chúng ta bị hạn chế. Mỗi khi mâu thuẫn vượt quá giới hạn đó, chúng ta sẽ bộc phát. Cũng giống như khi chúng ta cứ đổ thêm nước vào cái vạc nhỏ, cuối cùng nước cũng vượt quá thể tích của vạc mà tràn ra ngoài. Điều chúng ta cần làm là thay thế nó bằng vật chứa lớn hơn.

Lại nhìn vào “giới hạn” nhẫn chịu của bản thân, nó thật sự là gì? Trên con đường tu luyện, tôi cảm thấy bất cứ làm việc gì, tôi đều có một “giới hạn.” Nhiều khi cũng không thể làm việc với tâm thuần tịnh, bởi tôi có sự hạn chế. Khi chưa đến giới hạn, tôi có thể làm tốt, nhưng khi chạm đến giới hạn, tôi không có chính niệm và không làm được tốt. Thuận theo việc tu luyện không ngừng đột phá, không ngừng đề cao, “đường giới hạn” này sẽ lùi dần về phía sau.

“Đường giới hạn” này đang cố gắng bảo vệ điều gì? Điều gì đang sợ bị đụng chạm? Dần dần nó phơi bày ra, tôi nhìn thấy đó là “cái tôi” mạnh mẽ, hay “tự kỷ”. Những quan niệm của tôi đang bảo vệ nó. Những chấp trước của tôi khiến nó tăng cường và bành trướng. Cái “tự kỷ” này là chướng ngại lớn nhất khiến tôi không hoàn toàn tín Sư tín Pháp, và không thể đồng hóa với Đại Pháp. Nó không phải chân ngã. Điều tôi muốn là “vị tha”, không phải “vị tư.” Tôi vẫn nhớ khi tôi xuất niệm này, tôi đã học Pháp. Và tôi cảm nhận rõ ràng một phần sâu trong sinh mệnh của bản thân đã bị đào lên.

Tôi nhắc nhở bản thân không được chú ý vào những gì đồng tu làm, thay vào đó, dùng tâm từ bi, tâm thái tường hòa, hướng nội vô điều kiện, tu luyện bản thân, đồng hóa với Đại Pháp từng chút một, và trở thành sinh mệnh vị tha. Tôi cảm nhận rằng khi trường năng lượng của tôi trở nên tường hoà, con người và sự việc trong môi trường đó cũng theo đó mà biến hóa.

Cải biến bản thân không chỉ dừng ở lời nói, mà phải phát ra từ nội tâm. Tôi thật sự không muốn những thứ bất hảo đó, và Sư phụ đã giúp tôi trừ bỏ chúng đi. Khi chúng ta nhận thức ra nhiều bao nhiêu, Sư phụ sẽ giúp chúng ta trừ bỏ bấy nhiêu. Đây chính là:

… tu tại tự kỷ, công tại sư phụ… (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)

Sau đó, chúng ta sẽ phát hiện tấm lòng rộng mở, có thể nhẫn chịu hơn nữa, có thể đối đãi với những khổ nạn tưởng chừng không thể vượt qua với tâm thái tường hòa.

Khi tôi không còn nhìn vào vấn đề của người khác, tu luyện tốt bản thân, tâm tính của tôi đã tăng lên, những nan giải trước đây đã không còn là vấn đề.

Sư phụ đã giảng:

Hễ tâm tính chư vị đề cao, thì thân thể chư vị sẽ phát sinh biến đổi to lớn; (Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân)

Thật sự là như thế. Cơn đau răng mà tôi phải chịu trong nhiều tháng đã đột nhiên biến mất.

Trải nghiệm vừa qua đối với tôi là rất trọng yếu, tôi dường như đã thay đổi thành con người mới. Mọi thứ đều đến từ Pháp, và từng chút đề cao của chúng ta đều có sự chăm sóc và gánh chịu của Sư phụ. Tôi không thể diễn tả được lòng cảm kích và biết ơn đối với Sư phụ. Con xin cảm tạ Sư phụ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/3/394115.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/8/180653.html

Đăng ngày 10-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share