Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-11-2019]

Kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu:

Năm 2017, con trai tôi bị bắt chỉ vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đến năm 2019 thì được thả. Trong khoảng thời gian một năm chín tháng, tôi và các đồng tu ở địa phương đã phối hợp với nhau như một chỉnh thể, cùng nhau đề cao trong nỗ lực giải cứu con trai tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhân cơ hội này để cứu những chúng sinh có liên quan đến trường hợp của con trai tôi.

Tôi năm nay 73 tuổi và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Trong hơn hai thập kỷ, tôi đã trải qua nhiều thử thách và khổ nạn không ngừng nghỉ. Nếu không có sự bảo vệ của Sư tôn và sự gia trì của Đại Pháp, thật khó có thể tưởng tượng tôi đã ra sao trong hai thập kỷ qua.

Cả nhà tôi đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Đại Pháp, gia đình tôi vẫn luôn là mục tiêu bức hại. Cha mẹ tôi đều qua đời sau một thời gian không ngừng bị sách nhiễu và đe dọa. Còn tôi thì bị sa thải trái phép khỏi một cơ quan hành chính công và hai lần bị đưa vào trại lao động. Chồng tôi thì bị giám sát nhiều năm và bị tạm giam bảy tháng. Con trai tôi bị kết án 11 năm tù chỉ vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Con dâu của tôi thì sống trong sợ hãi và cô đơn với các con của nó hàng năm trời. Dưới áp lực đó mà nó đành phải ly hôn với con trai tôi. Trong vòng 20 năm qua, gia đình tôi đã ly tán chỉ vì ĐCSTQ. Tuy vậy, dù trong bất kỳ tình huống nào, tôi cũng không từ bỏ đức tin của mình.

Vượt lên từ khổ nạn

Con trai tôi sống sót sau chín năm giam cầm và trở về nhà cùng nhiều chấn thương nghiêm trọng trên thân vào cuối năm 2012. Trước khi cuộc sống của chúng tôi trở lại bình thường thì tai ương nối tiếp tai ương giáng xuống gia đình đau khổ của chúng tôi.

Chồng tôi, dưới áp lực to lớn của cuộc đàn áp, đã đột ngột qua đời vào năm 2017, sau năm năm bị liệt. Năm ngày sau khi chồng tôi mất, trong lúc chúng tôi còn chưa kịp nguôi ngoai thì bảy công an mặc thường phục đã đột nhập vào nhà tôi. Hai người trong họ đã đưa con trai tôi đi mà không giải thích lời nào. Điều này xảy ra quá bất ngờ. Tôi rơi vào trạng thái trống rỗng trong tâm, tim đập thình thịch, và hai tay run rẩy. Sau đó, một ý niệm bỗng nảy sinh trong đầu: “Mình là đệ tử Đại Pháp. Mình không thể ngã gục. Mình phải đứng lên!”

Lúc đó, năm công an còn lại đi vào phòng con trai tôi. Không chút suy nghĩ, tôi đi theo họ, hỏi: “Các anh đang làm gì vậy? Tại sao các anh bắt con trai tôi? Tại sao các anh không cho tôi xem lệnh bắt?”

Một người trong họ nói:”Chúng tôi bắt con trai bà vì anh ta đã viết thư cho lãnh đạo chính quyền trung ương”.

Tôi hỏi: “Không lẽ viết thư là phạm pháp?” Tôi liền giảng chân tướng cho họ về cuộc bức hại học viên Pháp Luân Đại Pháp. Công an không lục tung ngôi nhà. Họ chỉ tịch thu máy tính để bàn và máy tính xách tay, nhưng họ không cho tôi xem lệnh bắt và giấy khám nhà, hay đưa ra danh sách đồ vật bị tịch thu, theo quy định luật pháp.

Sau đó, tôi vội vã đạp xe đạp lên chính quyền quận. Các học viên địa phương đang đợi tôi ở đó. Sau khi tôi giải thích tình hình, chúng tôi đã vào phòng công an và yêu cầu trả tự do cho con trai tôi. Nhưng trực ban không cho chúng tôi vào trong. Không còn lựa chọn nào khác, tôi đến nhà của đội trưởng Đội An ninh Nội địa, nhưng không ai mở cửa cho chúng tôi. Chúng tôi rời đi lúc 10 giờ đêm.

5 giờ sáng hôm sau, tôi lại đến nhà vị đội trưởng đó. Ông ấy mở cửa cho tôi vào. Tôi giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp cho ông ấy gần một tiếng đồng hồ. Tôi nhấn mạnh vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là quyền của công dân. Tôi cũng giải thích tình hình hiện tại cho ông ấy.

Tôi nói ông ấy đã thay đổi rất nhiều và nhiều học viên địa phương đều có ấn tượng tốt về ông, và ông không nên tham gia vào việc bắt con trai tôi. Ông ấy trả lời: “Nếu không bắt con trai bà, thì tôi không thể ngồi ở vị trí này.”

Tôi nói: “Bức hại Pháp Luân Đại Pháp chẳng qua là một cuộc vận động chính trị. Không sớm thì muộn, nó cũng phải chấm dứt. Vậy sau đó, ông sẽ làm gì? Ông muốn có tương lai hay ông muốn vị trí này?”

Ông ấy nhỏ nhẹ trả lời: “Tôi muốn có tương lai!” Sau đó ông tiếp tục: “Tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình.” Khi tôi rời đi, ông ấy đã gọi người đưa tôi về nhà.

Sau đó, tôi đã chia sẻ với một số phụ đạo viên về chuyến đi của tôi đến nhà vị đội trưởng. Họ rất vui khi biết có tiến triển này. Sau đó, chúng tôi cùng bàn cách giải cứu con trai tôi. Chúng tôi đều đồng ý nỗ lực giải cứu học viên chính là quá trình cứu chúng sinh trong lực lượng hành pháp. Chúng tôi muốn biến xú sự này thành hảo sự. Chúng tôi lập một nhóm giải cứu nhỏ và quyết định không công khai việc vị đội trưởng Đội An ninh Nội địa có tham gia bắt giữ ở giai đoạn này.

Sai lầm và bài học

Sau khi từ biệt các đồng tu, tôi đã đến trại tạm giam huyện. Tôi được biết viện kiển sát đã phê chuẩn lệnh bắt con trai tôi. Người ở trại tạm giam bảo tôi: “Vụ này lớn đấy. Chính quyền tỉnh cũng tham gia vào. Khó mà xoay chuyển được, con trai bà sẽ bị kết án nặng đấy.”

Vài ngày sau, tôi được biết không chỉ con trai tôi bị kết án nặng mà tài sản của gia đình tôi cũng bị tịch thu. Một nguồn tin nội bộ của phòng cảnh sát cho chúng tôi biết một số chuyên viên mạng trên thành phố đã được lệnh đến thu thập chứng cứ.

Các đồng tu, mỗi người một ý kiến. Nhiều người tin đội trưởng Đội An ninh Nội địa gạt chúng tôi. Họ nói phải phơi bày hành động của ông ấy, nếu không thực hiện kịp thời thì chính là dung túng kẻ phạm tội và để ông ta tiếp tục phạm lỗi. Hầu hết các đồng tu đều thống nhất rằng chúng tôi nên nộp đơn kiện vị đội trưởng kia, và nếu thành công, con trai tôi sẽ được thả.

Thời điểm đó cũng có nhiều bài chia sẻ trải nghiệm trên Minh Huệ Net về việc nộp đơn kiện. Một số đồng tu đã dùng cách thức phơi bày hành vi bức hại của cán bộ hành pháp để giúp họ biết chân tướng Pháp Luân Đại Pháp và ngăn họ không tiếp tục bức hại học viên. Tuy nhiên, khi đọc các bài chia sẻ này, tôi lại không chú ý đến tâm thái của người học viên trong quá trình làm đơn kiện. Tôi không thực sự suy nghĩ nghiêm túc về việc này hay dựa trên Pháp. Tôi chỉ nhanh chóng viết đơn khiếu nại và gửi đến viện kiểm sát huyện.

Viện trưởng viện kiểm sát đã nhận đơn của tôi và đọc lá đơn. Ông ấy nói: “Nếu đây là sự thật thì chúng tôi cần điều tra. Hãy đợi đến khi việc này kết thúc.” Vừa thấy việc này khả thi, tôi đã tiếp cận viện phó viện kiểm sát – là người phụ trách vụ việc này. Tôi giảng chân tướng cho ông ấy về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi vừa đề cập đến việc nộp đơn kiện, ông ấy liền tránh mặt tôi.

Sau nhiều lần cố gắng tiếp cận không được, tôi lại đi gặp viện trưởng. Tuy nhiên, ông ấy cũng đã thay đổi thái độ. Điều này khiến tôi bực và nói: “Nếu ông không tiếp nhận vụ việc này thì tôi sẽ kiện cả ông.” Ông ấy giận điên lên khi nghe tôi nói vậy, ông ấy nói: “Bà muốn làm gì thì làm! Tôi không quan tâm.” Ngoài ra, vị đội trưởng Đội An ninh Nội địa cũng biết chuyện tôi đang kiện ông ấy. Một hôm, ông ấy gặp tôi và quát ầm lên: “Tốt thôi, bà kiện tôi thì cứ kiện đi. Từ giờ chúng ta là kẻ thù. Không còn gì để nói nữa.”

Kể từ đó, tôi không được bước vào phòng công an hay viện kiểm sát nữa, việc giảng chân tướng cho họ cũng gặp nhiều trở ngại.

Trong lúc thất vọng, tôi hướng nội và nhận ra nhiều chấp trước, bao gồm tâm ích kỷ. Tâm ích kỷ của tôi ẩn giấu bên trong việc “Kiện người khác để con trai tôi được tự do”. Điều này không phù hợp với tiêu chuẩn của một học viên. Thật ra, ý nghĩ này thật ngây thơ và ngốc nghếch. Tâm tranh đấu của tôi, lẫn với oán hận, đã đẩy người khác sang phía đối diện. Tôi cũng tìm thấy tâm thiếu kiên nhẫn và chấp trước vào kết quả mong muốn. Tôi còn có cảm giác bực bội khi thấy người khác cư xử không đúng mực. Vậy lòng từ bi của một học viên ở đâu?

Trên thực tế, các bài viết tôi đọc trên Minh Huệ Net đã nhiều lần nhấn mạnh rằng quá trình đi kiện phải được tiến hành bằng tâm thuần tịnh và tâm từ bi. Chỉ khi đó nó mới có hiệu quả tốt. Nhưng từ bi không phải dễ mà làm được. Đó là một biểu hiện của trạng thái tu luyện. Sau đó, tôi đã chia sẻ thể ngộ của mình với các đồng tu và một số người đã đồng ý với tôi.

Một bài học nữa là, lần đầu khi tôi đến viện kiểm sát, tôi đã gặp viện phó Trương trong phòng bảo vệ. Tôi nói với ông ấy về Pháp Luân Đại Pháp, và ông đã lắng nghe. Tôi nhờ ông giúp tôi chuyển một số tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp cho người đứng đầu viện kiểm sát. Ông rất vui khi giúp tôi. Mỗi lần tôi đến đó, ông ấy đều chào đón tôi và giúp tôi gửi tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp.

Sau khi chuyển một bộ tài liệu giúp tôi, ông ấy lại từ chối nói chuyện với tôi. Tiêu đề ban đầu của bài viết trong tài liệu này là: “Diễn giải của Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao không phải là luật pháp”. Nhưng sau đó, chúng tôi đã đổi thành: “Thực thi theo diễn giải của Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao là phạm pháp”.

Tôi nhận ra đệ tử Đại Pháp chọn từ ngữ thế nào là rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cứu độ chúng sinh. Cần phải coi trọng và cân nhắc thấu đáo. Diễn giải của Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao là tôn chỉ của họ. Họ có thể cân nhắc nếu bạn nói diễn giải đó không phải là luật, nhưng họ không thể chấp nhận việc thực thi diễn giải đó là tội ác. Chúng tôi nói như vậy tức là nói họ là tội phạm. Chúng tôi cần cho họ thời gian để thay đổi cách nghĩ.

Dụng tâm cứu người

Những bài học này khiến tôi nhận ra quá trình giải cứu con trai tôi không chỉ là quá trình cứu độ chúng sinh mà còn là quá trình loại bỏ chấp trước và đề cao tầng thứ tu luyện. Khi cứu chúng sinh, chúng ta dụng tâm thuần khiết, phải tu nhẫn và từ bi mà làm.

Tôi rất ấn tượng với quá trình cứu một công tố viên của một đồng tu. Vị đồng tu này biết người công tố viên và muốn nói cho ông ấy về Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, công tố viên đã không trả lời các cuộc điện thoại và lờ đi tin nhắn của cô ấy. Sau đó, học viên này còn định mặc kệ vị công tố viên. Nhưng một ý niệm khác lại bảo cô phải cứu anh ấy: Công tố viên lờ đi các cuộc gọi và tin nhắn của cô cho thấy những lời dối trá của ĐCSTQ về Pháp Luân Đại Pháp đã đầu độc anh ấy. Anh ấy sẽ bị hủy cùng với ĐCSTQ nếu cô không giúp anh ấy hiểu được chân tướng. Do vậy, cô ấy đã viết một lá thư dài bằng một tâm thuần khiết.

Bức thư kể về việc cô đối xử tốt với nhà chồng như thế nào khi gặp bất công. Cô đã chịu những điều mà người khác không thể chịu đựng được. Bố chồng cô vô cớ mắng chửi, nhưng cô chỉ đáp lại bằng nụ cười thay vì phản ứng lại.

Chồng cô qua đời trong một tai nạn xe hơi, để lại hai đứa con trai nhỏ khi cô ở tuổi 30. Bên nhà chồng tin rằng cô sẽ tái hôn và rời khỏi nhà. Cho dù cô ấy cư xử tốt như thế nào, họ đều sợ cô sẽ lấy tiền của họ.

Chẳng hạn, lúc đầu, hai vợ chồng cô xây một ngôi nhà năm phòng ở quê, sau đó lại chuyển đến một thị trấn. Có người đã trả họ 100.000 nhân dân tệ cho ngôi nhà ở quê, nhưng họ không bán. Sau khi chồng cô qua đời, bố chồng cô đã bán nó với giá 80.000 nhân dân tệ mà không nói cho cô biết. Hàng xóm đã rất bất bình thay cho cô. Nhưng cô nói rằng ông ấy là người bề trên nên hãy bỏ qua.

Đây là một tình huống nữa trong bức thư của cô ấy: Căn hộ của họ trong thị trấn là do hai vợ chồng cô mua từ khi còn trẻ. Thế nhưng, sau khi chồng cô qua đời, cha chồng khăng khăng đòi đứng tên trong giấy tờ nhà, chứ không để cô hay con trai cả của cô đứng tên. Học viên này cũng chấp nhận. Cô biết họ sợ cô sẽ rời khỏi ngôi nhà này. Cô nói với họ nhiều lần rằng cô sẽ không đi đâu cả. Cô sẽ chăm sóc họ, và nuôi dạy các con.

Con trai lớn của cô trở thành cảnh sát sau khi tốt nghiệp học viện cảnh sát và đã kết hôn. Con trai thứ hai học đại học. Cuối cùng, nhà chồng cũng bắt đầu tin tưởng cô, và không còn thấy cô là người ngoài nữa. Hãy hình dung điều gì xảy ra nếu cô ấy không phải là người tu luyện luôn giữ mình ở tiêu chuẩn cao?

Người học viên mang thư đến nhà công tố viên khi anh ta đang dùng bữa với gia đình. Người học viên nói: “Anh ạ, tôi đã viết thư cho anh. Xin hãy xem nó”. Công tố viên không nhận thư, còn vợ anh bối rối, nói: “Cô ấy thật tốt bụng khi mang thư đến tận nhà chúng ta, vậy mà anh vẫn không trân trọng. Em à, hãy đưa nó cho chị. Chị sẽ đọc nó.” Vợ của công tố viên đã nhận thư. Người học viên nghĩ cô ấy cần cho họ thời gian để hiểu Pháp Luân Đại Pháp.

Rồi cơ hội cuối cùng cũng đến. Tòa án huyện tổ chức một cuộc họp về vụ việc của một học viên năm 2018. Công tố viên đã nhận ra những sai sót. Đầu tiên, luật sư biện hộ chỉ ra rằng cách xử lý vụ việc của điều tra viên là trái luật. Nghĩa là, học viên bị bắt trước, sau đó rất lâu, công tố viên mới được yêu cầu ký lệnh bắt. Thứ hai, điều tra viên lấy bằng chứng bằng cách xúi bẩy, đó là bất hợp pháp. Công tố viên đã chỉ ra những vấn đề lớn này.

Sau đó, có thông tin rằng công tố viên nói không muốn trở thành con dê thế tội cho ĐCSTQ sau này. Vợ anh đã nói với nhiều người: “Ai biết tương lai sẽ xảy ra điều gì?” Đồng tu thấy cơ hội này, bèn quay lại nhà công tố viên lần nữa. Cô ấy đã giúp họ thoái khỏi ĐCSTQ và các tổ chức thanh niên của nó. Công tố viên cũng chuyển việc. Sự vất vả của cô ấy đã được đền đáp, và công tố viên cuối cùng đã được cứu.

Cánh cửa bưu điện luôn rộng mở

Chính quyền Trung Quốc cũng như các cơ quan hành pháp đều sợ người dân. Họ không mở cửa cho công chúng. Nếu muốn tiếp cận họ, bạn phải gửi thư cho họ.

Trong năm qua, tôi đã gửi hơn 1.000 lá thư cho họ. Lúc đầu, tôi gửi thư đảm bảo để chắc chắn họ nhận được thư. Rồi bưu điện sợ việc này sẽ gây rắc rối cho họ, nên họ muốn mở thư để kiểm tra nội dung bên trong. Họ cũng đòi xem CMND và chữ ký của tôi. Nó đã trở thành một thủ tục phức tạp.

Tôi phải giảng chân tướng cho họ. Tôi nói nội dung trong những bức thư của tôi là thảm kịch của gia đình tôi. Chúng tôi là những học viên Pháp Luân Đại Pháp và chỉ muốn trở thành người tốt khi sống theo nguyên lý của pháp môn tu luyện của chúng tôi. Nhưng, gia đình chúng tôi đã bị ly tán vì cuộc bức hại. Con trai tôi bị kết án 11 năm tù và suýt chết trong tù. Nó về nhà thì viết thư cho một lãnh đạo trong chính quyền trung ương để yêu cầu khôi phục công việc cho nó. Hiện nó lại sắp bị đưa ra tòa. Chúng tôi bị oan, họ thật quá vô lý. Ai cũng bày tỏ sự đồng cảm, nói rằng: “Liệu họ có đọc thư của bà không?” Tôi nói: “Có chứ.”

Một hôm, trời mưa. Tôi mang mười mấy lá thư ra bưu điện gửi. Trước khi vào bưu điện, tôi muốn kiểm tra xem tôi có thư gửi cho bí thư đảng ủy của huyện không. Lúc rời khỏi nhà, tôi vội nên chưa kiểm tra cẩn thận. Tôi lấy những lá thư ra khỏi túi, và làm rơi mấy lá thư rơi xuống đất, làm chúng bị ướt.

Vào đến bưu điện, tôi nói với bưu tá (một thanh niên) rằng tôi muốn mua bốn phong bì lớn. Chàng trai mở ngăn kéo, lấy phong bì ra, đưa chúng cho tôi. Tôi mở phong bì ướt ra và bỏ thư vào trong phong bì mới.

Khi tôi cho lá thư thứ hai vào phong bì mới, tôi phát hiện có gì đó ở bên trong phong bì.

Có bao nhiêu tem có giá 4 nhân dân tệ một cái. Tôi vội nói: “Con trai, phong bì này có nhiều tem thế. Để bác trả lại cho con; nếu không, con lại bị mất tiền!”

Một số bưu tá đã nghe thấy, người phụ trách cũng ở đó. Họ cảm ơn tôi. Tôi nói: “Không cần phải cảm ơn tôi. Bất kỳ học viên Pháp Luân Đại Pháp nào cũng làm như vậy”.

Sau đó, bất cứ khi nào tôi đến bưu điện gửi thư, họ không còn yêu cầu kiểm tra CMND của tôi nữa. Họ cười chào tôi nói: “Bác gửi thư bảo đảm hay hạng nhất? Cháu xử lý luôn cho.” Cánh cửa bưu điện luôn rộng mở với tôi.

Vụ việc của con trai tôi

Khi hồ sơ của con trai tôi đến tòa án, cũng có nhiều bài học được rút ra. Nhưng, tôi biết cách xử lý mọi thứ. Bất kể tôi liên hệ trực tiếp với thẩm phán hay qua thư, tôi đều cố gắng sử dụng các tiêu chuẩn của Đại Pháp để đo lường những gì tôi nói.

Tôi nói chuyện lịch sự và khiêm tốn. Từng chữ, từng câu trong thư của tôi đều được cân nhắc kỹ. Tôi đã sửa đi sửa lại một lá thư, trong tâm nghĩ: “Bên kia có tiếp thu được câu này không? Tôi đã thực sự nghĩ cho họ chưa? Bức thư này có giúp họ hiểu chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp không? Tôi cố gắng viết những lá thư khởi tác dụng như nói chuyện trực tiếp với họ.

Khi chúng ta làm tốt việc này, bên kia sẽ khởi thiện niệm. Có thể được thấy qua cả việc nhỏ. Có lần, thẩm phán phụ trách vụ việc của con trai tôi gọi tôi để trao đổi một số vấn đề. Anh ta bảo tôi đợi ở cửa. Sau khi anh ấy ra ngoài, anh ấy kéo tôi lại một góc, nói: “Khu vực này không bị giám sát. Chúng ta có thể nói chuyện ở đây.” Rồi anh ấy nói tiếp: “Tôi đã đọc thư của bà và đã gặp con trai của bà. Bà là người tốt. Đừng lo. Tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình”. Tôi cảm ơn và khuyến khích anh ấy. Tôi chúc anh ấy và gia đình một tương lai tốt đẹp!

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/9/明慧法会-慈悲救度公检法人员(上)-395568.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/21/180807.html

Đăng ngày 09-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share