Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

(Tiếp theo Phần I)

[MINH HUỆ 02-10-2019] Tôi từng nghe kể về một vị khách đến tiệm ăn, ông sẵn tiện mời con gái nhỏ của bà chủ quán một miếng. Cháu bé từ chối: “Mẹ không cho cháu ăn đồ trong nhà hàng mình nấu ạ, vì nó không sạch sẽ.”

Câu chuyện chỉ ra một hiện tượng đáng buồn đang diễn ra ở Trung Quốc: Chủ nhà hàng không ăn đồ cửa hàng mình nấu vì biết rõ bên trong có gì; chủ thầu không dám ở nhà họ xây. Người bán sữa không dám uống đồ mình kinh doanh; đơn vị sản xuất vắc-xin không đời nào tiêm phòng loại thuốc mà chính họ sản xuất.

Khi con người chỉ chăm chăm lừa gạt nhau để tồn tại thì tất cả đều trở thành nạn nhân. Nhu cầu sống cơ bản như ăn mặc ngủ đều trở thành căn nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc con người. Giá trị truyền thống “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” hay “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” đều đảo ngược cả.

Văn hóa tham ô, hối lộ đang dần xóa mòn giá trị đạo đức con người: cha mẹ không tặng quà cho giáo viên thì con em bị “đì”; bệnh nhân không đưa tiền cho bác sĩ thì chẳng được quan tâm chu đáo; bạn đi đâu cũng có thể bị lừa.

Khi đạo đức xã hội đang trượt dốc, nhiều người bất đắc dĩ cũng đành xuôi dòng nước chảy. Thế nhưng, vẫn có những cá nhân tự nguyện làm người tốt, không từ gian khổ, bất cầu hồi báo. Đó là các học viên Pháp Luân Công, hành vi của họ là nguồn suối tươi mát giữa thời buổi đen tối hỗn loạn và đạo đức suy đồi.

Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, môn tu luyện cổ xưa, lấy Chân-Thiện-Nhẫn làm chỉ đạo căn bản. Các học viên Đại Pháp đến từ khắp nơi, đủ mọi tầng lớp xã hội. Họ hành xử theo Pháp lý và tự ước thúc bản thân theo tiêu chuẩn đạo đức cao.

Đây là phần thứ hai trong loạt kí sự gồm bốn bài chọn lọc về các học viên Pháp Luân Công và lối sống Chân-Thiện-Nhẫn của họ.

Nội dung:

Phần 1. Những y bác sĩ chỉ muốn điều tốt nhất cho bệnh nhân

Phần 2. Những giáo viên từ chối nhận quà

Phần 3. Những doanh nhân giao dịch ngay thẳng và công bằng

Phần 4. Những con người luôn trả lại của rơi.

Phần 2. Những giáo viên từ chối nhận quà

Mỗi đứa trẻ không những là bảo bối của cha mẹ mà còn mang theo kỳ vọng lớn lao của họ. Đây cũng là suy nghĩ bình thường thuận theo tự nhiên. Nhưng ở Trung Quốc, nhiều phụ huynh thường tặng quà, lì xì cho giáo viên để con mình được chiếu cố hơn. Tình huống như thế dần trở thành “lệ bất thành văn” trong giáo dục.

Những giáo viên đã quen nhận quà biếu sẽ khó chịu và đối xử bất công với các em mà gia đình không tặng hậu lễ. Phụ huynh vì không muốn con chịu thiệt thòi ở lớp đành phải chấp nhận luật lệ này. Cứ như thế, câu chuyện quà cáp cho giáo viên dần trở thành một vòng lẩn quẩn.

Bài viết này chia sẻ câu chuyện về những nhà giáo hết sức mẫu mực, không chỉ từ chối nhận quà mà còn cống hiến hết lòng cho sự nghiệp giảng dạy, không cầu hồi báo.

Dạy phụ đạo tiếng Anh miễn phí

Cáp Tĩnh Ba là giáo viên tiếng Anh ở trường trung học Tứ Bình ở huyện Đông Phong, thành phố Liêu Nguyên, tỉnh Cát Lâm. Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bà luôn nghiêm khắc ước thúc bản thân tuân theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn, trong công tác thì chăm chỉ, cẩn thận. Cô giáo Cáp Tĩnh Ba không bao giờ nhận quà cáp mà còn dạy kèm miễn phí cho học sinh vào thời gian rảnh.

Có một em thuộc hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Cáp còn cho tiền học phí để học thêm. Sau khi em học sinh này đậu đại học, cô Cáp đem 2.000 Nhân dân tệ đến nhà hỗ trợ cho gia đình để làm giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp em yên tâm học hành. Cô đối xử với hết thảy mọi người bằng lòng từ bi nên ai cũng yêu mến và kính phục.

Đáng tiếc thay, cô giáo Cáp lại bị bức hại vì đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp. Cô bị giam ở bệnh viện tâm thần Tứ Bình và Trại lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử ở Trường Xuân mỗi nơi hai lần.

Thầy hiệu trưởng tốt bụng

Thầy Đường Thành Văn là hiệu trưởng nhiệm kỳ 13 ở trường tiểu học thuộc quận Thông Xuyên, thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Sức khỏe thầy Đường cải thiện nhiều và tâm tính đề cao rất nhanh sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Từ khi đắc Pháp, cá nhân ông và nhà trường mấy năm liền đều nhận khen thưởng vì những thành tích của mình.

Thầy Đường tình cờ đọc được sách Pháp Luân Công vào đầu năm 1996. Ông đã tự học các động tác trong sách và bắt đầu luyện công. Vài ngày sau, sức khỏe chuyển biến rõ rệt; ông không còn hụt hơi khi leo cầu thang và thân thể lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Từ đó đến nay, thầy Đường chính thức bước vào tu luyện Đại Pháp. Ông nhanh chóng đề cao tâm tính và đạo đức; bệnh tật cũng khỏi hẳn. Ông điều hành nhà trường bằng lòng chính trực và ngay thẳng; kết quả là ngôi trường liên tục năm nào cũng được nhận bằng khen và danh hiệu. Khi thầy Đường bị tạm giam vì đức tin vào Đại Pháp; nhiều giáo viên đã đến sở cảnh sát yêu cầu trả tự do cho hiệu trưởng của họ.

Thầy Đường là người rộng rãi: ông ủng hộ toàn bộ tiền thưởng của mình cho chính quyền địa phương vào tháng 7 năm 1998 và quyên góp tiếp cho những người sống sót trong nạn lũ lụt sông Trường Giang. Ông chỉ nhận 200-300 Nhân dân tệ tiền lương; nhưng suốt thời gian qua đã quyên góp hơn 30.000 Nhân dân tệ, số tiền đủ để mua 1 căn hộ.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật nhà trường đã mở cuộc điều tra chống lại hiệu trưởng Đường, nhưng không tìm thấy bất cứ bằng chứng sai phạm nào của ông.

Một nhà giáo đáng kính

Trâu Hướng Dương tốt nghiệp tiến sĩ trường Đại học công nghệ Cáp Nhĩ Tân và làm công tác giảng dạy ở Học viện kỹ thuật Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Thầy Dương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 9 năm 1995. Chưa đầy nửa tháng sau, chứng dị tật tim bẩm sinh và căng thẳng thần kinh của ông đều đã khỏi hẳn.

Thầy Dương luôn tuân theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp trong cuộc sống. Ông chăm chỉ thực hiện nghiên cứu khoa học và đạt thành tích xuất sắc mỗi năm. Thầy Dương nỗ lực soạn giáo án cẩn thận và luôn vui vẻ giải đáp các thắc mắc cũng như tận tình quan tâm đến sinh viên. Do đó, thành tích cuối kỳ thi năm 1995 của sinh viên lớp thầy Dương xếp hạng nhất.

Năm 2000 Học viện Kỹ thuật Trường Xuân sát nhập với một số trường khác thành lập Đại học Kỹ thuật Trường Xuân. Thầy Dương vẫn tiếp tục giảng dạy ở đó.

Thầy luôn chú trọng nhắc nhở các em sinh viên không chỉ học kiến thức mà còn phải học làm người ngay chính. Khi ông bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công và sa thải khỏi ngành giáo dục năm 2005, thầy Dương vẫn tiếp tục phụ đạo miễn phí cho các em.

Thầy hướng dẫn sinh viên tham gia cuộc thi Sinh viên thiết kế kiến trúc toàn quốc và cuộc thi Cơ học ở trường Đại học quốc gia Chu Bồi Nguyên; tất cả đều đạt thành tích tốt. Khi một số em tặng quà để tỏ lòng biết ơn thì thầy Dương đều từ chối.

Ở phương diện nghiên cứu, thầy Dương cũng là nhân tài nổi bật. Mặc dù kinh phí eo hẹp, nhưng ông vẫn hoàn thành hai dự án nghiên cứu khoa học cấp trường, một dự án cấp tỉnh; tất cả đều đạt thành tích xuất sắc. Thầy có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí khoa học. Thầy Dương luôn hỗ trợ nhiệt tình giáo viên khác hoàn thành các bài nghiên cứu, giáo án, luận văn cũng như hướng dẫn cho sinh viên của đồng nghiệp tham gia các cuộc thi lớn. Đến bây giờ, thầy Dương vẫn nhận được sự kính trọng từ sinh viên và tín nhiệm sâu sắc từ đội ngũ giảng viên nhà trường.

Thầy giáo lịch sử ưu tú Vương Quang Lâm

Thầy Vương Quang Lâm tốt nghiệp khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Đông Bắc tỉnh Cát Lâm vào năm 1995 và công tác tại trường trung học Bắc Bội Kiêm Thiện ở Trùng Khánh. Thầy Vương đắc Pháp tháng 5 năm 1998. Trong thời gian ngắn, bệnh viêm túi mật, sỏi mật và bệnh gan đều đã khỏi hẳn.

Thầy Vương không những khỏe mạnh trở lại mà tâm tính cũng được đề cao; trong công tác thì ngay thẳng, khiêm tốn, chuyên môn vững vàng, đồng nghiệp tin tưởng và học sinh kính yêu. Thầy Vương có nhiều luận án nghiên cứu cấp tỉnh lẫn quốc gia và giành giải nhất cuộc thi bình chọn luận án ở thành phố Trùng Khánh.

Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, năm 2000, Hội đồng giáo dục quận Bắc Bội đã thu hồi bằng Sư phạm của thầy Vương; tất cả học sinh đều bất ngờ và bức xúc. Cảnh sát bắt giữ thầy Vương ba lần và tạm giam, sau đó đưa đến trại cưỡng bức lao động một năm. Về sau thầy Vương bị tuyên án 15 năm tù.

Một thầy giáo mỹ thuật tâm huyết

Ông Tư Đức Lợi là Phó giáo sư Mỹ thuật ở Trung tâm văn hóa quận Sư Hà thuộc thành phố Tín Dương, huyện Hà Nam. Ông trước đây mắc nhiều căn bệnh như dạ dày, viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 1996, bệnh tật của Phó giáo sư Tư khỏi hẳn và không còn tốn thêm chi phí mua thuốc men.

Ông sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và để lại nhiều câu chuyện khiến nhiều người khác cảm phục.

Khi ông đến thăm bạn ở bệnh viện thì thấy con trai một người nông dân bị gãy chân do tông xe mà tài xế lại chạy mất. Gia đình không đủ tiền điều trị nên thầy Tư đã về nhà lấy 500 tệ cho họ để chữa cho cậu bé. Người bố cảm động rơi nước mắt và bày tỏ lòng biết ơn ông.

Thầy Tư không tiết lộ tên mình cho họ nên về sau, một đài truyền hình địa phương đã đưa tin về câu chuyện với nhan đề: “Quý ông tốt bụng, anh ở đâu?”

Một lần khác, ông thấy một cô gái trong vùng bị ung thư, cần tiền chữa bệnh gấp. Thầy Tư đã tìm hiểu, rồi đến gặp và đưa cô 1000 tệ.

Ba nhà giáo ưu tú ở thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang

Cô Vương Phương là giáo viên công tác tại trường tiểu học Thượng Chí, thành phố Tuy Hóa. Cô Vương không bao giờ nhận tiền biếu hay quà cáp của phụ huynh. Cô bảo rằng, mình là học viên Pháp Luân Đại Pháp nên không thể nhận lễ vật; khiến ai cũng ngạc nhiên và xúc động.

Cô Triệu Đình Đình là giáo viên trường mầm non Tuy Hóa Bác Dương. Cô tuổi chỉ đôi mươi nhưng rất yêu nghề và bọn trẻ cũng rất quý cô giáo. Phụ huynh thường biếu cô Triệu tiền và mỹ phẩm; nhưng cô luôn từ chối. Khi phụ huynh nhất định đưa thì hôm sau cô Triệu sẽ mua quà lại cho con họ để trả lễ.

7bfd101944799ce129f28bb530caead5.jpg

Bà Cao Cẩm Thục

Bà Cao Cẩm Thục là nhà nghiên cứu từng công tác tại Học viện giáo dục dân tộc ở thành phố Tuy Hóa, hiện đã về hưu. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bệnh tình của bà khỏi hẳn. Bà Cao là nhà nghiên cứu tài năng, từng hai lần đạt giải thưởng về những thành tựu nghiên cứu khoa học suất sắc cho các nhà nghiên cứu dân tộc thiểu số trong ngành khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang. Thời báo Triều Tiên Hắc Long Giang từng đưa tin về bà với nhan đề: “ Nữ nghiên cứu viên tuổi trẻ tài cao”.

Vương Phương và Triệu Đình Đình bị bắt vì phân phát tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công năm 2018; còn bà Cao Cẩm Thục cùng gia đình bị thẩm vấn và câu lưu phi pháp. Tòa án thành phố An Đạt đã tuyên cả ba người họ từ 1-2 năm tù giam vào ngày 24 tháng 5 năm 2019.

Hơn trăm dân làng ra sức bảo vệ thầy giáo Cao Văn Chí

Ông Cao Văn Chí, hơn 70 tuổi là giáo viên Trường Đảng thuộc nhà máy Hồ Lô Đảo Tử, tỉnh Liêu Ninh. Ông bị nhiều bệnh như: viêm gan B, viêm mũi, viêm tai giữa, đau lưng… Năm 1995, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công; không lâu sau thì bệnh tình khỏi hẳn. Sau khi cuộc bức hại diễn ra, ông Cao bị giam ở hai trại cải tạo lao động trong thời gian tổng cộng là 4 năm.

Sau khi được trả tự do năm 2005, ông chuyển đến sống ở một khu trồng rau thuộc ngoại ô. Ở đó có 30 hộ dân cùng đi lại trên một con đường hư hỏng khá nặng, ngày mưa thì lầy lội, ngày tuyết thì trơn trợt khó đi, do nhiều năm không được tu sửa. Ông Cao lấy tiền sinh hoạt phí cá nhân để mua nhựa đường, than tro và các nguyên vật liệu để tự mình sửa đường. Người làng thấy thế đều rất cảm kích, mỗi lần thấy ông đều chào “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Trong tám năm gần đây, ông đã sửa được 4 con đường, dài khoảng 3 km và tiêu tốn hơn 30.000 Nhân dân tệ.

Ông Cao đã nộp đơn kiện Giang Trạch Dân lên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Viện kiểm sát tối cao. Ngày 23 tháng 6 năm 2017, Vu Trí Thịnh, giám đốc đồn cảnh sát biên phòng Long Cảnh, quận Long Cảng, thành phố Hồ Lô Đảo đã bắt giữ ông Cao. Nghe tin, hơn 150 dân làng đã kí tên điểm chỉ vào đơn Thỉnh nguyện yêu cầu trả tự do cho ông. Cuối năm 2017, tòa tuyên án ông Cao Văn Chí bốn năm rưỡi tù giam.

0cc2403e6ef3831fa7cc66a1d18315e4.jpg

thỉnh nguyện trả tự do cho ông Cao của dân làng

Cô giáo tài năng Lý Nghiên

Cô Lý Nghiên là một trong số mười giáo viên vật lý xuất sắc nhất thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đông Bắc Trường Xuân và được giữ lại trường giảng dạy nhờ thành tích xuất sắc. Cô Lý bị thấp khớp từ bé; sau khi tốt nghiêp, bệnh tình càng nghiêm trọng hơn; mỗi sáng thức dậy là không nhấc được tay lên. Khi cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, căn bệnh mãn tính hành hạ từ bé đã khỏi hẳn, thân thể không còn đau đớn.

4e1680573e03364a5dff319d3dd84f82.jpg

Cô Lý Nghiên

Cô Lý Nghiên nỗ lực sống theo Pháp lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, tích cực chân tu hướng thiện. Con em của nhiều quan chức lãnh đạo tỉnh đều theo học ngôi trường danh tiếng nơi cô công tác. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, cô thường nhận nhiều quà cáp từ những phụ huynh có sức ảnh hưởng; bạn bè và gia đình cũng được hưởng lợi nhờ mối quan hệ của cô. Phụ huynh tặng lễ cho cô để con em mình được ưu ái hơn. Sau khi tu luyện, cô đều từ chối nhận quà.

Có một em trong lớp đạt thành tích tốt, cha mẹ rất tự hào nên mua một chiếc ví đắt tiền để tặng cô. Họ để chiếc ví lại và vội rời đi để cô không có cơ hội từ chối. Cô Lý đã đem chiếc ví đến cửa hàng để hoàn trả và lấy lại 900 tệ; cô nhét tiền vào phong bì và bảo em sinh viên nọ đem về đưa lại cho bố mẹ.

Cô Lý không nộp đơn xin hỗ trợ nhà ở phúc lợi mà dành cơ hội cho những người khác. Cô cũng từ chối đi du lịch miễn phí giúp nhà trường tiết kiệm nhiều tiền.

Năm 2003, nhà trường đình chỉ giảng dạy của cô Lý Nghiên vì đức tin của cô vào Pháp Luân Công. Một số phụ huynh học sinh đã hỗ trợ cô trong giai đoạn khó khăn này. Khi cô bị giáng xuống làm trợ lý thì thu nhập chỉ còn một nữa. Cô Lý đảm nhiệm vị trí này suốt sáu năm nay.

Mỗi năm đơn vị sẽ tặng quà cho cán bộ nhân viên; nhưng cô Lý không bao giờ nhận và là người duy nhất trong số hơn 200 ban ngành từ chối nhận quà thưởng. Khi các đồng nghiệp nhận ra cô Lý là người tu luyện Pháp Luân Công, tất cả đều thêm kính phục. Năm đó, cô được trao giải “Nhân viên kiểu mẫu”.

Cô giáo âm nhạc tài năng và tấm lòng bao dung

Cô Chung Diễm Hồng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tây An, tỉnh Thiểm Tây, chuyên ngành sư phạm âm nhạc. Cô Chung được vinh danh là giáo viên xuất sắc ở trường trung học Đan Táo, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông.

459b5c3ab08feb41e805925ce9c91cfc.jpg

Cô Chung Diễm Hồng

Cô Chung Diễm Hồng luôn lấy tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” làm chỉ đạo căn bản trong công việc và không ngừng tìm hiểu các phương pháp giảng dạy khác nhau. Cô chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng, điều chỉnh nội dung bài học và phong cách giảng dạy phù hợp với từng lớp. Lớp học của cô Chung rất sinh động, phát huy sức sáng tạo và tư duy của học sinh; giúp các em có những giờ học vui vẻ.

Cô Chung Diễm Hồng tham gia cuộc thi hùng biện giữa các giáo viên trẻ vào tháng 5 năm 2003. Đó là lần đầu tham gia, nhưng cô đã giành cả giải nhất và giải đặc biệt. Chủ đề bài hùng biện là “Thế nào là một người tốt,” và cô chia sẻ việc bản thân tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để thành một giáo viên tốt ra sao.

Minh họa về “Nhẫn”, cô Chung đưa ra một dẫn chứng thực tế. Trong lớp cô từng có một em học sinh rất nghịch ngợm và hay gây rối. Các thầy cô và phụ huynh ở nhà đều đau đầu vì em. Nhưng cô Chung vẫn kiên trì hướng dẫn, động viên khi em tiến bộ, giảng giải đạo lý làm người và cách chịu trách nhiệm với bản thân mình. Em học sinh này dần dần bị cảm hóa trước tấm lòng bao dung của cô giáo, bắt đầu tự động tuân thủ nội quy lớp và tích cực tham gia các hoạt động. Các giáo viên nghe xong đều xúc động. Năm 2005, cô Chung đạt danh hiệu giáo viên xuất sắc và là giáo viên âm nhạc ưu tú ở Phật Sơn.

Cô Chung cũng từ chối hết thảy quà biếu và tiền phụ huynh tặng. Phẩm chất tốt đẹp cùng tài năng của cô Chung khiến đồng nghiệp và học sinh đều khâm phục. Hiệu trưởng nhiều lần thăng chức và tăng lương cho cô.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng quyền lực để hủy hoại nền văn hóa Thần truyền Trung Hoa; tình trạng đạo đức suy đồi diễn ra trên diện rộng, len lỏi khắp mọi ngóc ngách trong xã hội; thì Pháp Luân Đại Pháp và giá trị Chân-Thiện-Nhẫn hồng truyền đã kéo theo tiêu chuẩn đạo đức xã hội thăng hoa trở lại.

Những giáo viên lấy tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn làm nguyên tắc chỉ đạo căn bản trong cuộc sống, luôn được học sinh yêu mến, phụ huynh kính trọng lại bị Đảng Cộng sản bức hại vì đức tin; nhiều người bị bắt, bị giam, bị tra tấn và đưa vào trại cải tạo lao động.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/2/394070.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/3/180588.html

Đăng ngày 27-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share