Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-11-2019] Con xin kính chào Sư phụ! Xin chào các đồng tu!

Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hơn 20 năm, từ chỗ không biết tu luyện là gì đến chỗ được trải nghiệm vẻ đẹp và sức mạnh của tu luyện. Trong quá trình ấy, tôi đã cảm nhận được lòng từ bi vô hạn của Sư phụ và sự vô biên của Đại Pháp.

Hiểu biết mơ hồ thuở ban đầu

Tôi bước vào tu luyện Đại Pháp năm 1997, khi chưa thực sự hiểu về Đại Pháp và ý nghĩa của tu luyện. Tôi đã xem các video giảng Pháp của Sư phụ cùng các học viên khác, nhưng không hiểu Sư phụ đang giảng gì. Tôi cảm thấy như bị một lớp vật chất dày đặc bao phủ.

Nhưng tôi có cảm giác tôi nên tiếp tục tu luyện Đại Pháp. Sư phụ cũng dẫn dắt tôi trên con đường tu luyện bằng rất nhiều điểm hóa và chỉ dấu.

Khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, tôi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Đại Pháp. Tôi bị bắt, bị giam vào một trung tâm tẩy não và bị bỏ tù. Tôi không bao giờ dao động tín tâm mà tiếp tục tu luyện suốt những năm qua.

Ngẫm lại, tôi không biết có phải phía minh bạch của tôi đã giúp tôi vượt qua không. Nhưng tôi biết rõ rằng Sư phụ đã bảo hộ và gia trì cho tôi trên suốt chặng đường ấy, nên cơ duyên của tôi với Đại Pháp vẫn luôn bền chặt.

Thức tỉnh

Thành phố nơi tôi sống đã xảy ra một vụ bắt giữ hàng loạt học viên vào năm 2012. Ba điều phối viên trong khu vực bị bức hại ở các mức độ khác nhau. Đột nhiên, tất cả các học viên đều cảm thấy một bầu không khí khủng bố mạnh mẽ.

Vì cảm thấy mình phải có trách nhiệm, tôi bắt đầu phối hợp với các học viên để chia sẻ thể ngộ và lập các điểm sản xuất tài liệu, hy vọng có được một môi trường tu luyện tốt hơn cho toàn bộ học viên. Ngay sau đó, tôi bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn với các học viên khác. Tôi cảm thấy một số học viên không hợp tác, vì thế mà tôi đã nuôi dưỡng tâm oán hận.

Sau đó, Sư phụ đã giúp tôi nhận ra phương pháp mà tôi cứ khăng khăng làm là không khả thi, và tôi đã phải từ bỏ nó. Mấy lần trải nghiệm như thế đã cho tôi thấy rõ những chấp trước của bản thân. Tôi bắt đầu chú ý hơn đến việc học Pháp và hướng nội tìm.

Nhìn lại, tôi hiểu rằng học Pháp và tu luyện tâm tính là tương phụ tương thành cho nhau. Chỉ học Pháp thôi thì không thể mang lại sự đề cao thực sự trong tu luyện, còn nếu chỉ muốn đề cao tâm tính mà không học Pháp sẽ thiếu mất sự chỉ dẫn đúng đắn.

Sư phụ giảng:

“Vậy luyện công chẳng tăng công có hai nguyên nhân [nói] trên: không biết Pháp tại cao tầng thì chẳng có cách nào tu; không hướng nội mà tu, không tu tâm tính [thì] chẳng thể tăng công. Đó chính là hai nguyên nhân.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ đã giảng cho chúng ta mấu chốt của việc tu luyện. Mặc dù tôi đã đọc cuốn sách này bao nhiêu năm, mà vẫn chưa thực sự tu luyện dựa trên Pháp.

Một cú hích

Năm 2016, một học viên trong khu vực của tôi bị bắt. Khi giải cứu học viên bị bắt, nhiều người đã viện cớ để tránh tham gia, như thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức pháp luật cần thiết, sợ hãi, v.v. Tôi là một trong số đó. Vì vậy, chúng tôi đã dựa vào một học viên khác đã thành thạo việc này.

Nhưng lần này, khi người nhà của học viên bị bắt giữ tìm đến sự giúp đỡ của các học viên thì vị học viên dày dặn kinh nghiệm này lại bảo người nhà học viên đến tìm tôi mà không bàn trước với tôi. Tôi rơi vào thế bị động, cứ nghĩ qua loa thôi là được nên chẳng hề chuẩn bị tinh thần đảm nhận nhiệm vụ này.

Tôi cố gắng giúp người nhà học viên soạn một văn bản và bảo anh ấy nộp lên tòa án. Anh ấy nài nỉ: “Anh đi với tôi được không?” Tôi ngạc nhiên nhìn anh ấy vài giây rồi đồng ý vì thấy anh ấy thực sự cần sự giúp đỡ của tôi.

Tôi không chuẩn bị tinh thần để ứng phó với tình huống như vậy. Sau này nhìn lại, chính tình huống này lại là một bước ngoặt căn bản trong tu luyện của tôi.

Học viên điều phối đã quyết định thành lập một nhóm ba người, gồm người nhà học viên, tôi và một học viên nữa, trực tiếp giải quyết vấn đề này, trong khi các học viên khác phát chính niệm.

Với một ít kinh nghiệm trong những lần giải cứu trước đây, tôi phải dẫn dắt trong các việc như chia sẻ kinh nghiệm với toàn bộ học viên trong khu vực, viết những văn bản cần thiết, thuê và đi cùng luật sư đến các cơ quan chính quyền khác nhau, v.v.

Vì chúng tôi chưa từng biết trường hợp nào như vậy nên chúng tôi đã làm theo các mẫu văn bản trên trang Minh Huệ, rồi chủ động liên lạc với tòa án và trại tạm giam. Chúng tôi đã giành được quyền tham gia phiên xử tại tòa cho người nhà học viên.

Vị luật sư tham gia vào vụ việc này hai ngày trước ngày xét xử dự kiến. Sau đó, ông đã có cuộc tranh luận nảy lửa với thẩm phán và cán bộ tòa án, khiến thẩm phán phải hoãn lại phiên tòa. Ngay cả luật sư cũng ngạc nhiên. Xin trích dẫn bài thơ của Sư phụ:

“Đệ tử chính niệm túc

Sư hữu hồi thiên lực”

Tạm diễn nghĩa:

“Đệ tử chính niệm mà đầy đủ
Thì Sư phụ sẽ đủ sức đưa trở về trời”

(Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)

Khi luật sư hiểu nhầm chúng tôi, chúng tôi giữ bình tĩnh và tiếp tục ủng hộ ông ấy bằng chính niệm, cuối cùng khiến luật sư thay đổi thái độ hoàn toàn. Ông ấy đã chủ động giúp chúng tôi giải quyết nhiều vấn đề, đúng như chúng tôi kỳ vọng lúc đầu.

Khi bị nhân tâm và chấp trước kiểm soát, và khi cảm thấy quá mệt mỏi để tiếp tục, tôi lại nghĩ đến học viên bị bắt và bài trừ những tư tưởng vị tư của bản thân. Khi tôi đề cao lên, tình hình cũng nhanh chóng nới lỏng và vấn đề đã được giải quyết.

Khi cảm thấy năng lực đã đến giới hạn, tôi lại nhẩm Pháp của Sư phụ và tôi được Sư phụ khích lệ và gia trì. Cảm giác thật sống động và mãnh liệt, như thể tôi được đắm mình trong một trường năng lượng mạnh mẽ vậy.

Cuối cùng, mặc dù học viên bị bắt ấy đã bị kết án, nhưng thời hạn tù là ngắn nhất trong tất cả các trường hợp tương tự. Đồng thời, toàn bộ học viên tham gia vào lần giải cứu này đã đề cao thể ngộ về Pháp, chúng tôi cũng cảm thấy trưởng thành, thuần thục hơn trong tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Do vậy phải là chư vị tự mình vượt qua; bởi vì Pháp đã truyền cho chư vị rồi, mọi người đều đang tu, điều gì cũng có thể ở trong tu luyện mà giải quyết; chính là chư vị có dụng tâm mà tu hay không. Thật sự dụng tâm tu, thì điều gì cũng có thể giải quyết.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)

Lợi ích lớn nhất trong quá trình này là tôi đã ngộ được ý nghĩa thực sự của việc “dụng tâm tu” mà Sư phụ giảng.

Kể từ đó, tôi đã nhận thức được đầy đủ sức mạnh và sự trân quý của Đại Pháp, và nhận ra then chốt trong tu luyện là đối chiếu ý niệm và hành động của bản thân với Pháp. Ngoài ra, từ đó trở đi, tôi đã hình thành thói quen hướng nội tìm và tìm kiếm câu trả lời trong Pháp khi gặp phải những xung đột và khó khăn.

Cơ hội này Sư phụ an bài cho tôi là một bước ngoặt trong tu luyện của tôi, để bước vào một giai đoạn mới. Tôi cũng nhận ra rằng học viên nào cũng có thể làm miễn là họ có ý chí và lòng can đảm, bởi vì sức mạnh chân thực đến từ Đại Pháp.

An bài tốt nhất

Trước đây, vùng của tôi có nhiều học viên. Trong những năm qua, sau khi cuộc bức hại bắt đầu, có người đã bỏ tu luyện, có người đã qua đời, có người chuyển tới khu vực khác vì nhiều lý do. Số học viên giảm đi rất nhiều. Vì có ít học viên hơn, tôi dần dần có suy nghĩ rằng các học viên điều phối khu vực không làm tốt công việc, và việc tính toán kỹ lưỡng của họ sẽ cần một thời gian lâu để đạt được sự cải thiện toàn diện của khu vực. Trên bề mặt, đó là một suy nghĩ rất hợp lý. Tuy nhiên, khi nó hình thành lối tư duy cố định trong đầu tôi, nó đã trái với những gì Sư phụ dạy chúng ta:

“Tôi dạy cho chư vị một phương thức tu luyện rộng rãi hơn và tốt nhất: ‘Đại Đạo vô hình’!” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)

Mỗi học viên đều có thệ ước riêng trước khi họ hạ xuống thế gian, do đó họ có thể có những lựa chọn khác nhau trong tu luyện. Các khu vực khác nhau có thể có sự an bài khác nhau và không thể rập khuôn như nhau. Nếu tôi áp đặt suy nghĩ và thể ngộ của mình cho người khác thì là trái với Pháp.

Tôi đã cố gắng tác động đến một vài học viên bằng cách nghĩ của mình. Cuối cùng, họ lại dần dần rời xa, và điều đó khiến tôi thức tỉnh.

Tôi nhanh chóng nhận ra chấp trước của mình về việc quá chú trọng vào việc điều phối các học viên, và tập trung vào tính cách và phong cách làm việc của các học viên khác. Thay vào đó, tôi đã chuyển sự chú ý sang tu luyện của bản thân.

Khi hạng mục của tôi cần sự trợ giúp khẩn cấp, những người khác dường như không quan tâm vì có thể ngộ khác về tầm quan trọng của nó. Khi các thành viên trong hạng mục đột nhiên rời đi, bỏ mặc tôi trong tình huống khó khăn, hoặc các học viên thay đổi cách thực hiện hạng mục mà không hỏi ý kiến tôi trước, tôi cũng không cảm thấy hụt hẫng hay oán hận. Tôi sẽ hợp tác tốt nhất có thể, và đặt việc đạt được thành công cho hạng mục lên trên hết.

Trong suốt quá trình, tôi thấy những gì tôi cho là vấn đề của các đồng tu hóa ra lại là vấn đề của bản thân tôi. Khi gặp mâu thuẫn hết lần này đến lần khác, tôi đã loại bỏ các chấp trước dựa dẫm vào người khác, áp đặt tiêu chuẩn cao cho người khác, chấp vào danh, quá chú ý đến hình thức, vị tư, tự phụ và nhiều nhân tâm khác ẩn giấu trong tâm. Khi tâm của tôi trở nên khiêm tốn, tĩnh lặng và bình hòa, tôi có thể thấy những điểm mạnh của các đồng tu và mọi việc bỗng trở nên tốt hơn.

Sư phụ giảng: “Tu luyện ấy, chính là ‘thành tựu sinh mệnh’.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Sau khi tôi đề cao tu luyện của bản thân, tôi nhận ra rằng những gì Sư phụ đã an bài cho các học viên là cách tốt nhất để ‘thành tựu sinh mệnh’. Do đó, tôi luôn cảm ân sâu sắc đối với Sư phụ, cũng như cảm ơn các đồng tu.

Chứng thực Pháp thông qua ngòi bút

Trong những năm đầu, khi nhiều học viên đề nghị tôi viết thư khuyên mọi người làm việc tốt, tránh xa việc xấu, tôi đã từ chối. Lý do là hồi còn đi học, tôi hay bị điểm kém môn tiếng Trung. Tôi cũng không thích viết và cảm thấy nói chuyện trực tiếp với mọi người là cách cứu họ tốt hơn. Tôi cứ nói với các học viên rằng tôi vẫn chưa thấy “cây bút thần” mà Sư phụ ban cho tôi để điểm hóa tôi để thực hiện việc đó.

Tình hình thay đổi khi tôi tham gia nỗ lực giải cứu. Vì không ai khác có thể làm việc này nên tôi phải chuẩn bị tài liệu. Việc viết các tài liệu bào chữa để đưa cho tòa án thay mặt cho học viên khác là một quá trình khó khăn. Vì nó sẽ được sử dụng tại tòa án, và nộp cho nhiều cơ quan quản lý khác nhau, ngôn ngữ cần phải chính xác và chuyên nghiệp.

Tôi ngồi trước máy tính của mình trong hai ngày mà không có bất kỳ tiến triển nào, thậm chí tôi không biết bắt đầu từ đâu. Một học viên có kinh nghiệm về mảng pháp luật đã chia sẻ kinh nghiệm cho tôi. Anh ấy không yêu cầu tôi làm việc cụ thể, mà cố gắng nhắc nhở tôi tại sao tôi làm điều này. Sau đó, tôi vẫn không có ý tưởng gì, và tôi thậm chí không thể nghĩ một cách rành mạch.

Đột nhiên, tôi tự hỏi: “Tại sao tôi lại bồn chồn như vậy? Tôi đang làm gì và muốn đạt được gì?” Sau đó tôi hướng nội tìm và suy nghĩ về những gì người học viên kia vừa chia sẻ cho tôi. Tôi phát hiện rằng tôi đang cố gắng hoàn thành nỗ lực giải cứu này càng sớm càng tốt, mà không nghĩ việc này nhằm cứu nhiều người hơn. Sau đó, tôi bình tĩnh lại một chút và dần dần có thể tập trung suy nghĩ.

Dựa vào chiến lược bảo vệ của các luật sư, tôi đã viết về tính hợp pháp của việc tu luyện Đại Pháp, lý do các nhà cầm quyền vi phạm luật pháp và những thay đổi tích cực về mặt tinh thần và thể chất của các học viên sau khi tu luyện.

Tôi cũng thêm vào lời cầu cứu cảm động từ các thành viên gia đình của học viên nhằm khơi dậy lòng tốt và thái độ công tâm của các quan chức chính phủ. Ngôn ngữ của tôi là chính xác, nhưng ôn hòa và không chứa quá nhiều nhân tình. Tôi chỉ mất một buổi chiều để hoàn thành một bài viết với hơn 10.000 từ.

Có một câu nói rằng những bài viết hay đến từ Thiên Thượng. Tôi nhận ra viết bài cũng là tu luyện, và trí huệ trong một bài viết có chất lượng đến từ Đại Pháp, miễn là tâm tính của người viết đạt tiêu chuẩn của Đại Pháp.

Tôi có thể ngộ miễn là chúng ta đặt Đại Pháp ở vị trí đầu tiên và giữ chính niệm về những việc chúng ta đang làm, Đại Pháp sẽ hiển lộ sức mạnh cho chúng ta.

Sau đó, bất cứ khi nào tôi thấy một số vấn đề trong tu luyện của các học viên hoặc biết được một số câu chuyện cảm động được các học viên khác chia sẻ, tôi đều có cảm giác khẩn cấp mạnh mẽ để viết ra. Hầu hết các bài viết đều đuợc đăng trên trang web Minh Huệ.

Giờ đây, tôi không còn chờ đợi người khác hành động nữa, mà thay vào đó, tôi sẽ chủ động viết khi thấy cần thiết, bất kể trong lĩnh vực nào.

Khi tôi có thể duy trì chính niệm và tập trung tốt, tôi thấy hiếm khi gặp nhiều trở ngại, và bài viết có thể hoàn thành như thể tôi đổ suy nghĩ của mình vào ly. Đó thực sự là một thể hiện của huyền năng của Đại Pháp.

Ngoài ra, bất cứ khi nào tôi thấy các vấn đề trong các bài viết trên Minh Huệ cần được chỉnh sửa, tôi sẽ gửi phản hồi và thông báo cho ban biên tập Minh Huệ. Tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm của một học viên.

Trách nhiệm của chúng ta

Một hôm, tôi đến thăm một học viên. Cháu gái ở độ tuổi mẫu giáo của bà đã không thân thiện với khách và can nhiễu việc các học viên phát chính niệm, vì cô bé muốn chơi với bà của cô mọi lúc, và chỉ cho riêng cô.

Lần này cô bé cũng như vậy và liên tục gián đoạn cuộc trò chuyện của chúng tôi. Tôi nhìn cô bé và hỏi: “Cháu nghĩ sao nếu chúng ta ngồi phát chính niệm cùng nhau?” Cô bé phớt lờ tôi.

Tôi nói với cô bé: “Cháu không nên làm phiền bà của cháu. Không phải cháu ở đây vì Pháp sao? Đến đây. Chúng ta hãy cùng nhau phát chính niệm.” Sau đó tôi làm thế tay để hướng dẫn cho cô bé. Cô bé nhìn tôi một lúc rồi rời khỏi ghế sofa. Cô bé ngồi xuống bên cạnh tôi và giơ tay thẳng đứng lên để bắt chước cử chỉ của tôi. Tôi hỏi: “Chúng ta hãy cùng nhau về nhà cùng với Sư phụ. Cháu có muốn vậy không?” Cô bé nói rõ ràng: “Cháu có ạ.” Bà của cô nhìn chúng tôi và sững sờ trước phản ứng của cô bé, vì bà đã không nói chuyện với cô bé về Đại Pháp vì sợ rằng cô bé có thể nói chuyện đó ra bên ngoài gia đình.

Thậm chí bất ngờ hơn, sau ngày hôm đó, cô bé đã trở thành một người hoàn toàn khác, tốt bụng và thân thiện, không làm phiền bà của cô nữa. Khi bà của cô buông lơi, cô bé sẽ ngồi xuống và giơ tay để phát chính niệm theo cách riêng của cô để nhắc nhở bà phải chăm chỉ trở lại.

Sự thay đổi của cô bé đã truyền cảm hứng cho tôi và bà của cô. Tất cả chúng sinh đang chờ được Đại Pháp cứu độ.

Sư phụ giảng:

“Trong tu luyện chư vị không phải là do chính mình đề cao một cách hết sức thực tại một cách chân chính, từ đó khiến bên trong phát sinh biến hoá lớn mạnh về bản chất, mà là dựa vào lực lượng của tôi, mượn nhân tố lớn mạnh bên ngoài, như thế vĩnh viễn không cải biến bản chất con người của chư vị chuyển biến thành Phật tính được. Nếu chư vị ai ai cũng có thể từ nội tâm nhận thức Pháp, ấy mới là thể hiện của Pháp uy lực vô biên —Phật Pháp lớn mạnh tái hiện ở nhân gian!” (Lời cảnh tỉnh, Tinh tấn yếu chỉ)

Các học viên Đại Pháp cần phải vứt bỏ nhân tâm và chấp trước càng nhanh càng tốt, và đạt đến trạng thái của Thần. Điều này đã rất cấp bách trong quá trình đề cao tâm tính của các học viên và cứu độ chúng sinh.

Kết luận

Một hôm, tôi đứng từ một tòa nhà cao, nhìn tán lá của một cây cao đang lay động trong gió. Những chiếc lá trên ngọn có vẻ yếu ớt, không khỏe như những chiếc lá phía dưới. Tôi nghĩ một sinh mệnh ở tầng thứ nào không quan trọng, mà quan trọng là toàn bộ chỗ lá đó tạo thành một cái cây hoàn chỉnh, và là mỗi cái lá là một bộ phận của cái cây đó. Là đệ tử Đại Pháp, cho dù chúng ta tham gia vào hạng mục nào và đóng vai trò gì, điều then chốt là tất cả chúng ta đều là một phần của chỉnh thể, hành động hướng đến cùng một mục tiêu, tịnh hóa bản thể, chứng thực và viên dung Pháp, và qua đó chứng thực sự từ bi vô lượng của Sư phụ và uy lực của Đại Pháp.

Con xin tạ ơn Sư phụ, xin cảm ơn các đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/10/明慧法会-在协调配合中懂得了修炼-395563.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/18/180765.html

Đăng ngày 27-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share