Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-12-2019] Theo thông tin trang web Minh Huệ thu thập được, trong tháng 11 năm 2019, 50 học viên Pháp Luân Công đã bị hệ thống tòa án của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết án tù.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên đã bị bắt giữ, cầm tù, tra tấn và thậm chí bị giết để lấy nội tạng.

50 học viên này đã bị kết án vì đã nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công, bao gồm trò chuyện với mọi người về pháp môn, gửi thư cho mọi người để giải thích sự phi pháp của cuộc bức hại, khuyến khích mọi người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó và hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trên Quảng trường Thiên An Môn.

Do sự phong tỏa thông tin của ĐCSTQ, số học viên Pháp Luân Công bị kết án không thể được đưa tin kịp thời, hoặc không phải mọi tin đều có sẵn.

Những học viên bị kết án đến từ 17 tỉnh và thành phố ở Trung Quốc, trong đó, tỉnh Hắc Long Giang có nhiều trường hợp kết án nhất (6 học viên). Thời hạn tù dao động từ 1,2 đến 8 năm, trung bình là 3,21 năm.

Số học viên Pháp Luân Công bị kết án theo tỉnh vào tháng 11 năm 2019.

Thời hạn tù của các học viên Pháp Luân Công bị kết án vào tháng 11 năm 2019.

Chín học viên đã bị cảnh sát tống tiền hoặc hoặc bị tòa án phạt tiền với tổng số tiền là 132.000 nhân dân tệ, trung bình là 14.667 nhân dân tệ mỗi người. Trong số đó có 8 học viên có độ tuổi từ 70 trở lên. Thời hạn tù của họ từ 1 đến 8 năm, trong đó bà Lưu Trường Vinh (70 tuổi) bị kết án 8 năm.

Dưới đây là tóm tắt về một số trường hợp học viên bị kết án.

Bị nhắm tới trong một vụ bắt giữ hàng loạt, ba học viên Pháp Luân Công bị kết án tù

Tháng 11 năm 2019, ba cư dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án tù.

Ông Đô Nghiệp Thành bị kết án bảy năm tù. Ông Quan Hưng Đào bị kết án tám năm tù và vợ ông, bà Ngô Diễm Hoa, bị kết án bảy năm rưỡi tù.

Tòa án Trung thẩm Thành phố Đại Khánh đã bác bỏ đơn kháng án của họ.

Cả ba học viên bị nhắm tới trong một lần truy bắt trên diện rộng vào ngày 9 tháng 11 năm 2018 đối với hơn 100 học viên ở tỉnh Hắc Long Giang.

Ông Đô, ngoài 40 tuổi, là chủ một cửa hàng đồ thuỷ tinh. Ông đã bị hơn chục công an bắt ngay tại nhà vào khoảng 7 giờ sáng. Cha và vợ ông đều đã qua đời từ vài năm trước, bởi vậy hiện giờ cả mẹ và con gái ông đang sống rất chật vật sau khi ông bị bắt.

Bà Ngô bị bắt vào tầm 8 giờ sáng khi bà đi trả lệ phí tiền nhà. Tới 1 giờ chiều, không thấy bà trở về, ông Quan đã đi tìm bà, và ông cũng bị bắt.

Có sáu công an đến gõ cửa nhà vợ chồng ông Quan vào khoảng 3 giờ chiều. Họ đã xông vào nhà trước khi mẹ bà Ngô có thể ra mở cửa. Sau đó, họ lục soát căn nhà và tịch thu nhiều sách về Pháp Luân Công và máy tính của hai ông bà.

Mẹ bà Ngô, đã ngoài 80 tuổi, vẫn không hết run rẩy trong nhiều giờ sau khi cảnh sát rời đi. Còn mẹ của ông Quan đã bị lên cơn đau tim và đột quỵ cùng ngày hôm đó, sau khi biết tin ông bị bắt.

Viện Kiểm sát Quận Nhượng Hồ Lộ đã phê chuẩn lệnh bắt ba học viên vào ngày 14 tháng 12 năm 2018. Công tố viên đã ba lần trả lại hồ sơ cho cảnh sát vì thiếu chứng cứ trước khi kết tội họ. Theo bộ luật hình sự Trung Quốc, công tố viên chỉ có thể trả hồ sơ cho cảnh sát để điều tra thêm tối đa là hai lần và có thể bác bỏ vụ việc nếu không cung cấp đủ chứng cứ.

Cả ba học viên đã xuất hiện ở Toà án Quận Nhượng Hồ Lộ vào ngày 12 tháng 8 năm 2019. Gia đình của bà Ngô và ông Quan đã thuê luật sư biện hộ vô tội cho họ, còn ông Đô tự biện hộ cho mình.

Một cụ ông 82 tuổi bị kết án 3 năm và bị phạt tiền

Vào ngày 26 tháng 11 năm 2019, ông Ngô Nguyên Sửu, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị kết án ba năm tù giam và bị phạt 3.000 nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, ông Ngô, 82 tuổi, đã bị tố cáo với cảnh sát khi ông đang trò chuyện với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông. Ông cũng bị giám sát liên tục.

Một phụ nữ Liêu Ninh bị kết án 4 năm tù mà không qua xét xử

Giữa tháng 11 năm 2019, hai cảnh sát của tòa án và Đội An ninh Nội địa đã xuất hiện tại nhà bà Trương Tú Anh, và cho bà xem một bản án nói rằng bà đã bị kết án bốn năm tù.

Khi bà Trương, người ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, hỏi các cảnh sát làm sao bà lại bị kết án được, bởi bà chưa từng bị xét xử lần nào. Họ bảo bà rằng lần họ đến nhà bà vào năm 2018 đã được coi là một phiên xét xử. Bà Trương từ chối tiếp nhận bản án và được cho biết bà có 10 ngày để kháng án.

Ngày 21 tháng 11, bà Trương bị đưa đến Trại tạm giam Bản Khê.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Trương bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Vào năm 2016, bà từng bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Bản Khê. Sau khi bà được chẩn đoán mắc bệnh tim nghiêm trọng trong lần kiểm tra sức khỏe, bà đã được thả ra khi con trai bà nộp cho chính quyền 5.000 nhân dân tệ.

Một phụ nữ 70 tuổi bị kết án tám năm tù dựa trên chứng cứ giả mạo

Bà Lưu Trường Vinh, 70 tuổi đã bị Tòa án huyện Hoàng Xuyên kết án tám năm tù.

Bà Lưu, một cư dân ở huyện Hoàng Xuyên, tỉnh Hà Nam bị bắt vào ngày 17 tháng 10 năm 2018 khi bà đang đưa cháu trai tan học về nhà.

Viện Kiểm sát Huyện Hoàng Xuyên đã hai lần trả lại hồ sơ vụ việc của bà Lưu cho cảnh sát vì không đủ chứng cứ.

Cảnh sát đã ép gia đình bà Lưu phải thừa nhận rằng bà đã dùng nhà mình làm điểm học Pháp chung cho các học viên địa phương. Cảnh sát còn ép hai người hàng xóm của bà Lưu cũng phải cung cấp thông tin tương tự để kết tội bà.

Sau vài tháng ở trại tạm giam Số 1 Thành phố Tín Dương, bà Lưu đã bị mất thính giác và mất thị lực của một bên mắt. Khi ra hầu tòa vào ngày 1 tháng 3 năm 2019, bà đã không thể nghe được công tố viên nói gì và không thể tự biện hộ cho mình.

Ngay sau phiên xét xử, thẩm phán đã kết tội bà.

Một phụ nữ Hà Bắc bị kết án 6 năm sau án tù 7 năm ban đầu bị Tòa Phúc thẩm lật lại bản án

Bà Dương Hoán Bình, cư dân 57 tuổi ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt cùng với 30 học viên Pháp Luân Công khác vào ngày 15 tháng 11 năm 2013.

Bà bị Tòa án Quận Kiều Tây kết án bảy năm tù vào ngày 28 tháng 9 năm 2015, nhưng đã được thả tạm tha vì sức khỏe yếu.

Bà Dương đã đệ đơn kháng án. Tòa án Trung thẩm Thạch Gia Trang đã lật lại bản án vào tháng 12 năm 2016 và ra lệnh tái thẩm.

Tòa án quận Kiều Tây đã tổ chức một phiên xét xử vào ngày 27 tháng 6 năm 2017. Luật sư của bà đã biện hộ vô tội cho bà và lập luận rằng bà không vi phạm bất kỳ luật nào khi kiên định đức tin của mình.

Bà Dương cũng tự biện hộ cho mình và và chia sẻ việc Pháp Luân Công đã chữa khỏi các vấn đề về gan, thận và tim của bà ra sao, cũng như việc pháp môn đã giúp bà trở nên điềm đạm hơn.

Trong khi kết quả của phiên tái thẩm chưa rõ ràng, bà Dương đã bỏ trốn ngay sau đó để tránh bị bắt vào tù, rồi bà bị liệt vào danh sách truy nã của cảnh sát.

Bà Dương đã bị bắt một lần nữa vào ngày 25 tháng 10 năm 2019, sau khi cảnh sát tìm ra nơi bà ở và bắt đầu theo dõi bà. Từ đó, bà đã bị giam tại trại tạm giam Số 2 của Thành phố Thạch Gia Trang. Gần đây, có thông tin cho biết bà đã bị kết án 6 năm, nhưng không rõ phiên xét xử kết án bà có diễn ra không và nếu có thì là khi nào. Bà đang chuẩn bị kháng cáo bản án này.

Từng bị cầm tù ba năm, một phụ nữ Liêu Ninh lại bị kết án thêm bốn năm vì đức tin của bà

Bà Ngô Lệ Hiền, cư dân của thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án 4 năm tù và bị phạt 20.000 nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà [bị giam giữ] tại Khu số 1 của Nhà tù Nữ Liêu Ninh. Tại đây, bà đã bị ép phải ngồi yên trên một chiếc ghế nhỏ trong một thời gian dài mỗi tối sau khi làm việc không công suốt ngày.

Trước lần kết án gần đây nhất, bà Ngô, 62 tuổi, từng bị cầm tù ba năm, đã bị giam giữ thêm hai lần nữa vào năm 2018 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà phải tạm thời rời khỏi nhà để tránh bị bắt giữ thêm. Vào tối ngày 26 tháng 7 năm 2019, bà Ngô trở về nhà và bị bắt giữ vào sáng hôm sau.

Bà Ngô tin rằng Pháp Luân Công đã cải thiện sức khỏe và giúp bà kiềm chế được những tính xấu của mình. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà cảm thấy thôi thúc phải nói với mọi người rằng Pháp Luân Công không giống như những tuyên truyền của ĐCSTQ. Điều này đã khiến bà bị cảnh sát giam giữ vào tháng 4 năm 2010, và tiếp theo đó là bản án ba năm tù giam vào tháng 9 năm 2010. Bà được thả vào ngày 16 tháng 4 năm 2013.

Từ tháng 4 năm 2018 tới tháng 7 năm 2019, bà Ngô đã bị bắt giữ ba lần.

Lần đầu tiên là vào ngày 24 tháng 4 năm 2018. Bành Việt và Ngụy Chấn Hưng ở Phòng Cảnh sát Phủ Thuận cùng nhiều cảnh sát thuộc Đồn Cảnh sát Kiến Thiết đã bắt giữ bà Ngô tại nhà mà không hề giải thích. Chín học viên Pháp Luân Công khác cũng bị bắt giữ trong khoảng thời gian này. Sau 37 ngày bị giam giữ tại trại tạm giam Phủ Thuận, bà Ngô cùng bốn học viên khác đã được trả tự do.

Bà Ngô bị bắt lần tiếp theo vào ngày 29 tháng 9 năm 2018, khi bà đang nói chuyện với một người nào đó về Pháp Luân Công. Cảnh sát thuộc Đồn Cảnh sát Quang Minh đã bắt giữ và đưa bà tới trại tạm giam Phủ Thuận vào cuối ngày hôm đó.

Khi bà Ngô xuất hiện triệu chứng đau tim, một lính canh đã hỏi bác sỹ của trại giam rằng liệu có nguy hiểm đến tính mạng của bà không. Bác sỹ cho biết bà Kim Thuận Nữ, một học viên bị giam giữ khác, đã chết vào sáng sớm ngày 10 tháng 10 năm 2018.

Bà Ngô được bảo lãnh tại ngoại vào ngày hôm đó bởi sức khỏe yếu. Nhưng sau đó, các nhân viên của Viện Kiểm sát và Tòa án Vọng Hoa đã sách nhiễu bà nhiều lần tại nhà. Ngay cả trước khi bà hoàn toàn hồi phục, bà vẫn phải ra hầu tòa. Khi các nhân viên này tiếp tục sách nhiễu bà sau phiên xét xử, khiến bà Ngô phải quyết định rời nhà.

Vài tháng trôi qua, bà Ngô thấy lo lắng cho chồng mình. Bà trở về nhà vào tối ngày 26 tháng 7 năm 2019, và bị cảnh sát bắt giữ vào khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau. Bà bị còng tay và đưa tới trại tạm giam Phủ Thuận vào chiều ngày hôm đó.

Không rõ bà Ngô bị kết án bốn năm tù giam khi nào sau lần bị bắt giữ mới nhất này. Chồng và con trai bà lo ngại rằng bà có thể lại bị tra tấn trong tù và quan ngại sâu sắc về sự an toàn của bà.

Bắc Kinh: Một người phụ nữ 70 tuổi bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” tại Quảng trường Thiên An Môn

Bà Hạ Vấn, 70 tuổi, một cư dân ở Bắc Kinh đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” tại Quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 12 tháng 7 năm 2018, sau khi bà bị bắt, cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu sách cùng tài liệu liên quan tới Pháp Luân Công của bà.

Mặc dù sau đó 6 ngày, bà được bảo lãnh tại ngoại, nhưng cảnh sát vẫn cử một vài người trực bên ngoài tòa nhà chung cư của bà để theo dõi bà bất cứ khi nào bà đi ra ngoài.

Sau đó, công tố viên cáo buộc bà với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ thường được chính quyền sử dụng để khép tội các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 30 tháng 8 năm 2019, bà Hạ bị Tòa án khu Đông Thành triệu tập. Luật sư của bà bào chữa vô tội cho bà và lập luận rằng việc tu luyện Pháp Luân Công của bà không gây hại cho bất kỳ ai cũng như không phá hoại việc thực thi pháp luật. Luật sư yêu cầu trả tự do cho bà.

Bà Hạ cũng bào chữa cho mình và nói rằng bà không vi phạm bất cứ luật nào khi kiên định vào đức tin của mình. Thẩm phán liên tục ngắt lời trong khi bà đang nói.

Ngày 25 tháng 11 năm 2019, thẩm phán đã ra phán quyết chống lại bà Hạ. Tại thời điểm viết bài, bà vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam khu Đông Thành.

Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà đã liên tục bị cảnh sát bắt giữ và sách nhiễu. Bà đã ba lần bị giam trong trại lao động cưỡng bức vào năm 2000, 2002 và 2009 với tổng thời gian là bảy năm.

Lính canh của trại lao động đã đánh đập bà, trói bà trên giường với tư thế đại bàng, bức thực bà, bắt bà ngồi trên ghế nhỏ với tay để lên đầu gối và chân chụm vào nhau hơn 20 giờ mỗi ngày mà không được cử động.

Một phụ nữ Cát Lâm bị kết án vì nói với sinh viên về Pháp Luân Công

Bà Trương Xuân Hương, ở thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì nói chuyện với một học sinh về Pháp Luân Công và khuyên học sinh này thoái Đoàn và Đội (các tổ chức liên đới với ĐCSTQ).

Bà Trương bị bắt vào ngày 16 tháng 1 năm 2019. Mặc dù bà đã gần 70 tuổi, bị huyết áp cao và chân tay tê liệt trong khi bị giam trong Trại tạm giam Thành phố Bạch Sơn, song, yêu cầu bảo lãnh điều trị y tế của bà vẫn bị từ chối.

Bà Trương đã bị Tòa án Huyện Tĩnh Vũ xét xử vào ngày 14 tháng 11 năm 2019. Con gái bà là thành viên duy nhất trong gia đình được phép tham dự phiên tòa. Mãi tới ngày hôm trước phiên xét xử, tòa án mới thông báo cho con gái bà.

Bà Trương đã tự bào chữa vô tội cho mình bởi các nhà cầm quyền đã buộc luật sư của bà phải từ bỏ vụ án.

Một chiếc xe cứu hỏa và một chiếc xe cứu thương đã trực sẵn ở bên ngoài phòng xử án phòng khi bà Trương cần chăm sóc y tế. Bà xuất hiện với bộ dạng hốc hác sau vài tháng bị giam giữ, và con gái bà rất lo lắng cho mẹ mình.

Một phụ nữ Hà Bắc bị kết án hơn ba năm tù vì nói với mọi người về Pháp Luân Công

Bà Trương Hỷ Mai, một cư dân thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án 3 năm hai tháng tù vào ngày 12 tháng 11 năm 2019 vì đã trò chuyện với một người phụ nữ về Pháp Luân Công.

Bà Trương bị bắt vào ngày 17 tháng 1 năm 2019. Khi bà Trương từ chối tiết lộ địa chỉ nhà, cảnh sát đã dùng điện thoại di động của bà gọi điện cho mẹ bà và lừa bà cụ tiết lộ địa chỉ nhà.

Ngày hôm sau, bà Trương bị đưa tới Trại tạm giam thành phố Bảo Định và đã bị giam ở cơ sở này kể từ đó.

Viện Kiểm sát quận Cạnh Tú đã phê chuẩn lệnh bắt giữ bà vào ngày 31 tháng 1 tháng 2019, và sau đó chuyển hồ sơ vụ án của bà tới Viện Kiểm sát huyện Cao Dương.

Ngày 12 tháng 6 năm 2019, Tòa án huyện Cao Dương đã xét xử bà Trương trong trại tạm giam. Chỉ hai người thân của bà được phép tham dự phiên tòa.

Bà tự biện hộ cho mình và khẳng định rằng bà không vi phạm bất kỳ điều luật nào khi tu luyện Pháp Luân Công.

Thẩm phán đã kết án bà ba năm hai tháng tù giam.

Người đàn ông Hồ Bắc bị kết án hai năm tù vì gửi thư có thông tin về Pháp Luân Công

Ông Vương Quyền, một cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bị kết án hai năm tù vì đã gửi thư có nội dung về cuộc bức hại Pháp Luân Công cho người dân.

Ông Vương bị bắt vào ngày 9 tháng 1 năm 2018, và bị giam giữ tại trại tạm giam Thanh Lăng kể từ đó.

Cảnh sát không thông báo cho gia đình ông Vương về vụ bắt giữ ông. Một người biết tình huống của ông đã báo tin cho người thân của ông sau hai tuần tìm kiếm địa chỉ gia đình.

Gia đình ông Vương đã thuê một luật sư để đại diện cho ông. Vào ngày 1 tháng 2 năm 2018, luật sư tới trại tạm giam gặp ông, ngay lập tức vị luật sư này bị đồn cảnh sát địa phương chặn lại để hỏi han về vụ án của ông Vương. Cảnh sát từ chối cung cấp mọi thông tin liên quan, và luật sư đã thay ông Vương nộp yêu cầu bảo lãnh.

Bốn ngày sau, mặc dù cha và anh trai của ông Vương phải lặn lội đường xa, vượt hơn 200km từ nhà (ở thành phố Chung Tường) đến Vũ Hán, song họ đã không được phép gặp ông.

Ngày 5 tháng 3 năm 2018, cảnh sát đã chuyển hồ sơ của ông Vương sang Viện Kiểm sát quận Vũ Xương, sau đó, cơ quan này đã truy tố ông và chuyển tiếp hồ sơ của ông sang Tòa án quận Vũ Xương.

Mặc dù thẩm phán của Tòa án quận Vũ Xương đã trả lại hồ sơ của ông Vương cho viện kiểm sát vì thiếu bằng chứng vào ngày 24 tháng 9 năm 2018, song công tố viên và cảnh sát vẫn từ chối thả ông và còn thu thập thêm bằng chứng hòng buộc tội ông.

Cha của ông Vương, lúc đó đang mắc nhiều căn bệnh, đã rất đau buồn về việc con trai bị bắt giữ. Sức khỏe của ông suy giảm và đã qua đời vào ngày 19 tháng 5 năm 2019.

Ông Vương bị đưa ra tòa vào ngày 6 tháng 11 năm 2019. Luật sư của ông đã biện hộ vô tội cho ông. Chín ngày sau, thẩm phán kết án ông.

Bị bắt 10 lần vì tu luyện Pháp Luân Công, người phụ nữ Hà Bắc bị kết án 1,5 năm

Ngày 12 tháng 7 năm 2019, bà Sài Thục Trân, một cư dân 70 tuổi ở huyện Thiên Tây, tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt lần thứ 10 vì tu luyện Pháp Luân Công, sau khi bị tố cáo vì đã nói chuyện với mọi người về pháp môn này.

Trong các phiên xét xử bà tại Tòa án thành phố Tuân Hóa vào ngày 9 tháng 10 và ngày 22 tháng 10 năm 2019, luật sư của bà đã nghi vấn trước tính xác thực của lời khai mà các nhân chứng cung cấp.

Công tố viên tuyên bố rằng nhân chứng đầu tiên, Lý Hiểu Minh, một nhân viên bán hàng tại một hiệu thuốc, đã thấy bà Sài phân phát thông tin về Pháp Luân Công bên ngoài cửa hàng. Nhưng luật sư của bà Sài biết rằng Lý chỉ nghe từ một khách hàng rằng một phụ nữ lớn tuổi đã bị bắt vì phát đi thông tin Pháp Luân Công và Lý không thể xác nhận liệu đó có phải là bà Sài hay không.

Lý đã không có mặt ở tòa để được đối chất.

Phó Vinh Diễm, một nhân chứng khác, đã được đề cập trong bản cáo trạng nhưng không cung cấp thông tin chứng minh thư. Luật sư của bà Sài hỏi làm thế nào công tố viên có thể sử dụng một nhân chứng mà không biết danh tính của họ.

Thẩm phán đã kết án bà Sài 1,5 năm tù cùng mức phạt 4.000 nhân dân tệ vào ngày 15 tháng 11 năm 2019.

Trong bản phán quyết, luật sư của bà Sài nhận thấy rằng một nhân chứng thứ ba, Trương Minh Phương, người không bao giờ được công tố viên nhắc đến trong các phiên xét xử, đã được liệt kê trong văn bản.

Tài liệu nói rằng Trương làm việc tại cùng một hiệu thuốc với Ly và cô đã thấy bà Sài phát đi thông tin Pháp Luân Công vào hôm bà bị bắt. Luật sư của bà Sài lập luận rằng việc bổ sung bằng chứng truy tố bổ sung sau các phiên điều trần mà bên biện hộ không biết là bất hợp pháp và những bằng chứng không được chứng thực đó không được đưa vào phán quyết cuối cùng.

Bà Sài thề sẽ kháng án.

Một phụ nữ Liêu Ninh bị kết án 2 năm tù

Gần đây, bà Vạn Quế Vinh ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án 2 năm tù vì phân phát thông tin về Pháp Luân Công.

Bà Vạn bị bắt vào ngày 27 tháng 6 năm 2019, khi một người đàn ông tố cáo bà với cảnh sát. Sau khi bắt giữ bà Vạn, cảnh sát đã lục soát nhà, và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng nhiều đồ đạc cá nhân của bà. Họ còn bắt cả con trai bà. Con trai bà đã được thả ra khi cảnh sát biết rằng anh không tu luyện Pháp Luân Công.

Trước lễ trung thu, con trai bà Vạn, đã gọi cho Lưu Chí Dũng, phó giám đốc đồn công an, người phụ trách vụ án, để cập nhật tình hình và được cho biết vụ việc của bà đã được đệ trình lên tòa án và đang chờ tuyên án.

Ngày 4 tháng 11, bà Vạn đã xuất hiện tại Tòa án quận Chấn An. Trước khi phiên tòa kéo dài chưa tới nửa giờ kết thúc, bà Vạn được hỏi bà có nhận tội hay không, bà đã từ chối. Bà Vạn bị kết án 2 năm tù 20 ngày sau đó. Bà đã kháng cáo bản án.

Danh sách đầy đủ các học viên bị kết án (PDF)

Các báo cáo liên quan:

39 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 10 năm 2019 chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin

60 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 8 năm 2019 chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin

52 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 7 năm 2019 vì từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình

Báo cáo Minh Huệ: 329 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù trong nửa đầu năm 2019

60 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 5 năm 2019 vì từ chối từ bỏ đức tin

38 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị kết án tù trong tháng 4 năm 2019 vì không từ bỏ đức tin

Báo cáo Minh Huệ: 43 học viên bị kết án tù vào tháng 3 năm 2019 vì từ chối từ bỏ đức tin của họ vào Pháp Luân Công

109 học viên Pháp Luân Công bị kết án trong tháng 1 và tháng 2 năm 2019 chỉ vì đức tin của họ

52 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù vào tháng 1 năm 2019 vì không chịu từ bỏ đức tin

931 học viên Pháp Luân Công bị kết án tù trong năm 2018


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/8/396797.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/17/181128.html

Đăng ngày 26-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share