Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-12-2019] Tháng 8 năm nay, Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Lễ, tỉnh Hà Bắc, đã ban hành một văn bản yêu cầu tất cả các doanh nghiệp và tổ chức địa phương bắt những nhân viên tu luyện Pháp Luân Công phải viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.

Các học viên bị đe dọa mất việc hoặc bị ngừng cấp lương nếu họ từ chối tuân thủ.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999. Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) là một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp được giao nhiệm vụ thi hành chính sách bức hại.

Dưới đây là một số học viên đã bị sách nhiễu hoặc bị ảnh hưởng trong đợt bức hại mới:

Cô Tôn Á Khôn

Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chi nhánh Huyện Lễ đã cố gắng ép cô Tôn Á Khôn, một nhân viên của ngân hàng, viết tuyên bố bảo đảm việc từ bỏ đức tin của mình vào tháng 10 năm 2019.

Khi cô Tôn từ chối tuân thủ, vị giám đốc đã quay sang lừa gạt chồng cô để anh tin rằng cô Tôn sẽ mất khoản tiền thưởng hơn 5.000 Nhân dân tệ mỗi tháng nếu cô từ chối viết bản tuyên bố. Chồng cô đã gây áp lực ép cô viết bản tuyên bố trong một tuần, gây ra sự bất hòa trong gia đình.

Bà Triệu Diễm Mai và bà Cốc Hương Thụy

Tháng 10 năm 2019, các quan chức của Phòng Giáo dục địa phương đã yêu cầu gặp bà Triệu Diễm Mai và bà Cốc Hương Thụy, cả hai đều là giáo viên đã nghỉ hưu.

Khi bà Triệu không đến, con gái bà đã bị ép phải ký vào một văn bản mà không được phép đọc.

Theo chỉ dẫn của Phòng Giáo dục, bà Cốc đã đến gặp hiệu trưởng mới của trường. Trong khi đang nói chuyện với vị hiệu trưởng thì một quan chức đã quay video bà Cốc.

Bà Triệu Lệ Mai

Ngày 14 tháng 10 năm 2019, Vương Chinh, Phó Hiệu trưởng một chi nhánh của Đại học Mở Trung Quốc, đã gọi điện thoại và gửi tin nhắn cho bà Triệu Lệ Mai, một giáo viên của trường để thông báo rằng PLAC đã chỉ đạo nhà trường ngừng cấp lương cho bà nếu bà từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Vị phó hiệu trưởng nói rằng ông đang thực hiện theo chỉ thị của cấp trên. Đồng thời ông cũng gọi cho con trai bà Triệu và yêu cầu anh khuyên bảo mẹ mình từ bỏ đức tin.

Bà Triệu bị triệu tập đến trường vào sáng ngày 29 tháng 11 năm 2019. Trong khi bà đang đọc văn bản của PLAC mà Phó Hiệu trưởng Vương đưa cho, một Phó Hiệu trưởng khác, Dương Lệ Mông, đã cố gắng quay video bà. Sau khi bà Triệu ngăn lại, ông lại cố gắng ghi âm lần nữa bằng cách bỏ điện thoại trong áo khoác của mình.

Bà Triệu đã đến Phòng Giáo dục địa phương vào chiều hôm đó để giải thích với các cán bộ ở đó rằng cuộc bức hại không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào và kêu gọi họ ngừng tham gia vào việc bức hại. Họ nói: “Đảng trả tiền cho chúng tôi, vì vậy chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì họ yêu cầu.”

Cô Châu Lệ Hoa

Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tại Thành phố Bảo Định đã yêu cầu cô Châu Lệ Hoa viết một tuyên bố bảo đảm vào tháng 8 năm 2019, đe dọa rằng cô sẽ bị sa thải nếu từ chối thực hiện. Phó bí thư đã từ chối cho cô Châu nghỉ phép cho đến khi cô ký vào bản tuyên bố.

Cô Lưu Vinh Trân

Các quan chức của Phòng Nội vụ đã cử một nhân viên đến nhà cô Lưu Vinh Trân để bắt cô ký một bản tuyên bố bảo đảm. Khi cô từ chối ký, nhân viên này đã bắt chồng cô phải ký vào đó.

Các học viên khác

Những học viên khác bị sách nhiễu cho đến thời điểm này bao gồm: Cô Lỗ Na, cán bộ của Trung tâm Y tế Bách Xích; Ông Trịnh Liên Xã, nhân viên của Phòng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin; và ông Hoàng Lỗi, nhân viên của Phòng Điện lực địa phương.

Các bên liên quan đến các hành động bức hại trên:

Sử Lai Thuận (史 来 顺), Bí thư Đảng ủy huyện Lễ: + 86-13630855666, + 86-17631245756

Thang Cúc Mẫn (汤鞠敏), Thư ký của Ủy ban Chính trị và Pháp luật: + 86-13323221122

(Thông tin liên lạc của những đối tượng tham gia bức hại khác có thể xem tại bản tiếng Hán.)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/2/396532.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/17/181126.html

Đăng ngày 23-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share