[MINH HUỆ 06-08-2019]

Tiếp theo Phần 3

Người xưa thời nhà Hạ, Thương, Chu nhìn nhận rằng “Thượng Đế” và “Trời” không chỉ dưỡng dục vạn vật mà còn nắm giữ quyết định hết thảy mọi thứ trong đại thiên thế giới. Bất kể là gió mưa sấm chớp, hạn hán lũ lụt trong tự nhiên, sự sinh trưởng và thu hoạch mùa màng, cho đến sự hưng thịnh và suy bại của một vương triều, phú quý bần hàn của con người, điềm cát hung phúc họa, không gì nằm ngoài sự an bài vận mệnh huyền diệu của “Thượng Đế” và “Trời”. Con người thời đó bảo trì tấm lòng cảm ân và kính trọng một cách tự nhiên đối với “Trời”.

Nói đến sự cảm ân, kính trọng và cầu nguyện với trời cao, việc tế trời nghiễm nhiên trở thành một nghi thức quan trọng. “Phong thiện” (một nghi thức các bậc đế vương dùng để tỏ lòng tôn kính với đất trời) cũng trở thành một nghi thức quan trọng.

Thời Trung Quốc cổ đại, quốc sự long trọng nhất chính là nghi thức “Phong thiện” ở núi Thái Sơn. “Phong” tức là “tế trời”, “thiện” tức là “tế đất”.

Người xưa cho rằng Thái Sơn là ngọn núi cao nhất trong quần thể núi. Nó được gọi là “thiên hạ đệ nhất sơn”. Chính vì thế, các bậc đế vương trong nhân gian đều phải đến núi Thái Sơn để tế Thiên Đế mới được tính là tiếp nhận thiên mệnh. Trên đỉnh núi Thái Sơn có xây dựng đàn tế trời, hồi báo ơn trời, gọi là “phong”; dưới chân núi Thái Sơn có nơi tế đất ở trên các ngọn núi nhỏ như Lương Phụ hoặc Vân Vân, hồi báo ơn đất, gọi là “thiện”. “Phong thiện” chính là nghi lễ tối cao của các bậc đế vương thời cổ đại. Hơn nữa, nghi lễ tế trời đất chỉ có thể diễn ra vào lúc thay triều đổi đại, giang sơn đổi chủ, hoặc thiên hạ thái bình sau một thời gian dài loạn lạc.

Cuốn “Quản Tử” thời Xuân Thu là quyển sách sớm nhất đề cập đến nghi lễ “Phong thiện”. Trong sách Quản Trọng viết rằng: “Người xưa tế Thái Sơn tế Lương Phụ có bảy mươi hai gia, nhưng Di Ngô ghi nhận lại mười hai gia là: Vô hoài thị (tên triều đại ngày xưa), Phục Hy, Thần Nông, Viêm Đế, Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, Chu Thành Vương. Sau khi tiếp nhận thiên mệnh thì phải tế lễ trời đất.”

Sau khi kế thừa thiên mệnh, các bậc đế vương đều cử hành đại lễ “Phong thiện”. Từ đó trở đi có thể thấy ý nghĩa của “Phong thiện” được hoàn thành vào thời “Tam hoàng ngũ đế”. Các bậc đế vương đời nhà Hạ, Thương, Chu là Hạ Vũ, Thương Thang và Chu Thành Vương đều cử hành tế trời đất trên núi Thái Sơn.

Vì sao Hạ Vũ, Thương Thang và Chu Thành Vương phải “Phong thiện”? Trong “Ngũ Kinh Thông Nghĩa” viết rằng: “Đổi họ làm vua mang lại thái bình cho dân ắt phải tế trời đất. Mệnh trời làm vua, nhận lãnh trách nhiệm với bách tính, báo cáo thái bình với trời cao, báo đáp quần thần.”

Chính là nói, mục đích việc “Phong thiện” của các bậc đế vương thời cổ đại là hướng đến trời đất báo cáo công lao sự nghiệp vĩ đại tái thiết càn khôn của bản thân mình vào lúc thái bình thịnh thế và vào lúc trời cao ban phước lành, đồng thời biểu thị sự tiếp nhận thiên mệnh trị vì nhân gian. Điều này nói rõ một điểm rằng họ xem “Trời” (thượng thiên) là đối tượng mà tất cả con người, bao gồm chính bản thân họ trong đó phải cảm ân, kính trọng và hướng đến để nguyện cầu.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/6/390464.html

Đăng ngày 10-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share