Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 25-8-2007] Trịnh Bản Kiều tên là Trịnh Tiếp, tự là Khắc Nhu. Bản Kiều là danh xưng của ông. Ông quê ở Giang Tô, Hưng Hóa, làm tiến sỹ dưới thời vua Càn Long đời nhà Thanh. Ông tạm trú ở Dương Châu, được mệnh danh là “Tam tuyệt”: thơ, họa, và thư pháp nổi tiếng một đời.

Ông từng làm Huyện lệnh huyện Phạm và huyện Duy ở Sơn Đông hơn 10 năm. Để không làm phiền nhiễu dân chúng, lúc làm quan ông không phô trương hình thức, thể hiện quyền uy, thường chỉ khăn gói giản dị lúc đi xa. Thậm chí có khi ông mặc áo vải giày cỏ đi thăm hỏi trăm họ. Gặp người nghèo khổ cần được cứu giúp ông luôn dốc sức tương trợ. Tiến sỹ Hàn Mộng Chu lúc đầu túng quẫn tuyệt vọng, đêm khuya một mình đọc sách trong túp lều tranh thì Trịnh Bản Kiều phát hiện và vô cùng thương xót, bèn dùng chính bổng lộc của mình để tài trợ ông đi thi, kết quả ông ta thi đỗ tiến sỹ. Đối với những đứa trẻ mồ côi, Trịnh Bản Kiều càng dốc sức giúp đỡ. Trẻ con trong huyện gặp hôm trời mưa không về nhà được, Trịnh Bản Kiều sai người mang cơm và giày dép tới cho. Dù là với nô bộc, Trịnh Bản Kiều cũng đối đãi như thế chứ không khác biệt gì. Vì lo rằng họ không dám nhận, ông đem khế ước bán thân giữa gia đình mình và người hầu âm thầm đốt đi, đồng thời thường xuyên giáo dục con cái và người trong nhà không được đay nghiến nô bộc. Có thể thấy được ông trung hậu thiện lương, một lòng thương yêu dân chúng như thế nào.

Có một năm huyện Duy gặp phải thiên tai, đến nông nỗi “10 ngày bán một đứa trẻ, 5 ngày bán một phụ nữ” (trong sách “Đào hoang hành”), “Giết thú nuôi ăn thịt, thú hết người cũng chết” (trong sách “Tư quy hành”). Trịnh Bản Kiều lấy hết bổng lộc bản thân, đồng thời mở cửa kho phát chẩn cứu tế cho nạn dân. Thuộc hạ khuyên ông không nên tự ý quyết định để tránh bị triều đình kết tội. Nhưng Trịnh Bản Kiều cho rằng tính mạng của nhân dân đang trong cơn nước sôi lửa bỏng, nếu vì cứu dân mà bị trách tội thì ông sẵn sàng một mình đón nhận. Ông còn khắc một con dấu để bày tỏ lòng mình “Hận không thể lấp đầy nợ nần và đói khát ngập trời”.

Trịnh Bản Kiều vì nỗ lực cứu giúp nhân dân mà bị bọn tham quan căm ghét, cuối cùng ông bị chúng vu cáo và cách chức. Lúc ông rời nhiệm sở, dân chúng tranh nhau đến tiễn biệt ông. Ông chẳng có xe ngựa và tùy tùng, chỉ thuê 3 con lừa, một con để mình cưỡi, một con chở sách vở và cây đàn, một con cho người nô bộc cưỡi. Đúng là một vị quan “Lưỡng tụ thanh phong”, “Nhất trần bất nhiễm”. (“Thanh cao liêm khiết”, “Không nhiễm bụi trần”)

Sau khi Trịnh Bản Kiều trở lại Dương Châu, ông mưu sinh bằng nghề bán tranh vẽ, chuyên chú vào nghệ thuật sáng tác thơ, họa và thư pháp. Trịnh Bản Kiều làm quan thì chú trọng Đức hạnh và tiết tháo, đưa tinh thần đó dung hội vào trong các tác phẩm của mình. Ông có tài nghệ nổi bật nhất là vẽ trúc, lan, đá, trong đó vẽ trúc là sở trường số một. Bởi trúc tượng trưng cho sự thanh cao và chính trực, lan tượng trưng cho tính cách không cuốn theo chiều gió, đạm bạc nhưng có chí khí. Còn đá biểu tượng cho sự kiên cường vững chắc. Bởi vì trong các tác phẩm thư họa của ông không chỉ thể hiện kỹ thuật và tài năng mà còn ẩn chứa đạo lý tôn kính mỹ đức và đạo lý làm người từ cổ chí kim, cho nên tác phẩm của ông lưu danh hậu thế, và ngày nay mọi người thậm chí còn yêu quý ông hơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/8/25/161497.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/9/7/89309.html
Đăng ngày 11-2-2010, bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share