Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đức

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các đồng tu!

Tôi được đề nghị chia sẻ trải nghiệm tu luyện từ việc dịch lại và chỉnh sửa cuốn Chuyển Pháp Luân phiên bản 2018.

Tháng 9 năm 2017, người điều phối chính của Phật Học Hội Đức hỏi tôi có thể giúp dịch lại cuốn Chuyển Pháp Luân bản 2018 không. Tôi đồng ý, rồi hai vợ chồng tôi bắt đầu quá trình chỉnh sửa.

Việc được đề nghị bất ngờ này lại cho tôi thấy rằng không phải là tôi muốn làm gì, mà là Sư phụ muốn sử dụng khả năng của tôi vào việc gì. Cuối cùng, điều này phụ thuộc vào việc tôi đã đạt đến tầng thứ tu luyện cần thiết để đảm nhận công việc này chưa.

Nhớ lại năm 2015, tôi rất muốn chỉnh sửa phiên bản bấy giờ của cuốn Chuyển Pháp Luân, nhưng không được. Năm 2016, một đồng tu đã đề xuất để tôi giúp chỉnh sửa phiên bản mới của Chuyển Pháp Luân, nhưng vẫn không được. Nhìn lại, tôi hiểu rằng tôi chưa có được kỹ năng cần thiết để làm công việc đòi hỏi trách nhiệm lớn đến vậy.

Đề cao tầng thứ thông qua chịu khổ

Đầu năm 2017, sau khi quyết định điều phối một hạng mục lớn, tôi bắt đầu có triệu chứng nghiệp bệnh, quá trình chịu khổ bắt đầu và kéo dài tới 16 tháng. Cái gọi là nghiệp bệnh biểu hiện qua các triệu chứng khác nhau. Triệu chứng này vừa biến mất, triệu chứng khác đã xuất hiện.

Tôi bắt đầu hướng nội và tự hỏi đâu có thể là nguyên nhân của cái gọi là nghiệp bệnh này. Liệu có sơ hở nào để cựu thế lực có thể lợi dụng chăng? Tại sao nó lại xảy ra đúng vào lúc tôi quyết định tổ chức một sự kiện lớn? Trong sự kiện nào, tôi cũng truy tìm những nhân tố của cựu thế lực từ khi chúng manh nha can nhiễu không để sự kiện xảy ra. Tuy nhiên, nỗ lực của chúng cũng chẳng thành công, vì nó không ngăn tôi triển khai hạng mục chứng thực Pháp của mình được.

Đồng thời tôi quan sát biểu hiện bề mặt của cái gọi là nghiệp bệnh và có những cách liễu giải khác nhau về nó. Chẳng hạn, nó có thể có nghĩa là do sự diễn hóa trên thân thể tôi. Khi tôi ngộ ra từ Pháp rằng chịu đựng nghiệp bệnh có liên quan đến đề cao tầng thứ. Khi đạt đến một tầng thứ nào đó, cũng như các tầng thứ sau đó thì toàn bộ thế giới của chúng ta sẽ được tái thiết lại. Vì vậy, tôi cho rằng hết thảy sự chịu đựng này là việc tốt, và mọi sự cản trở của cựu thế lực sẽ trở thành hảo sự. Nhìn lại, quá trình chịu khổ này là để chuyển hóa khổ nạn, nghiệp lực của tôi thành đức, đồng thời còn để tăng công cho tôi. Như vậy, tôi đã đến lúc phải đề cao khi làm các hạng mục.

Trong khi chịu khổ để đề cao tầng thứ tu luyện, tôi không nghĩ đến việc tham gia chỉnh sửa cuốn Chuyển Pháp Luân. Theo thể ngộ hiện tại của tôi, tôi tin rằng quá trình chịu khổ này là để tôi chuẩn bị cho nhiệm vụ đòi hỏi tầng thứ tâm tính cao hơn – phiên bản mới cuốn Chuyển Pháp Luân.

Vô sở cầu nhi tự đắc

Cuối cùng, tôi đã hiểu được nội hàm của lời giảng của Sư phụ: “Vô sở cầu nhi tự đắc” (Học Pháp, Tinh tấn Yếu chỉ). Không phải là tôi muốn làm gì. Mà là tôi đã đạt đến tầng thứ tu luyện cần thiết để tham gia vào một hạng mục Đại Pháp nào đó hay chưa. Sư phụ cho tôi ngộ ra rằng, kỹ năng tu luyện là một sản phẩm phụ của tu luyện tinh tấn. Người tu luyện không thể truy cầu chúng. Do đó, tôi đánh giá mọi lời đề nghị tôi tham gia vào một hạng mục Đại Pháp. Trước hết, tôi phải đạt được tầng thứ tu luyện cần thiết cho hạng mục đó. Tâm tính của tôi phải đạt đến tầng thứ tu luyện cần thiết, xứng đáng để Sư phụ giao cho hạng mục đó. Khi đó, và chỉ khi đó, Sư phụ mới giao cho tôi một hạng mục mà tôi có thể trợ Sư chính Pháp nhiều nhất.

Quan ải đầu tiên

Vừa bắt đầu chỉnh sửa, chúng tôi đã đối mặt với quan ải đầu tiên. Khi người điều phối chính yêu cầu chúng tôi hoàn thành việc chỉnh sửa vào cuối năm nay, chúng tôi nhận ra rằng điều này là không thể.

Vấn đề là làm sao để khiến người điều phối chính hiểu. Mấy năm qua, tôi vẫn muốn tham gia hạng mục này mà không được. Bây giờ, khi được tham gia thì tôi không thể hoàn thành một sản phẩm vừa ý trong thời gian ngắn đến vậy. Phải làm sao đây? Tiếp tục làm hạng mục này hay tìm cớ rời khỏi hạng mục?

Chẳng mấy chốc, tôi đã minh bạch rằng mình phải làm tốt hạng mục Đại Pháp này hoặc đứng sang một bên. Không thể phá hoại hạng mục quan trọng như vậy chỉ vì những nhân tâm ngớ ngẩn của tôi. Chúng tôi đã trao đổi với người điều phối chính. Anh ấy hiểu và đồng ý với kế hoạch mà chúng tôi đã định ra.

Quan ải thứ hai: Tu nhẫn và khả năng thích ứng

Sau khi một học viên biết về hạng mục của chúng tôi, cô ấy khá hài lòng. Tôi giải thích rằng bản dịch lại phải rất sát với bản gốc tiếng Trung, nhưng được viết theo phong cách nói thông dụng. Câu trả lời của cô là điều này không phù hợp với cấu trúc thông thường của một cuốn sách và chúng tôi cần sửa cấu trúc ngữ pháp và phong cách cho phù hợp.

Tôi không ngờ sẽ phải làm thế, và kế hoạch của vòng chỉnh sửa tiếp theo bị chững lại. Giờ thì phải thích ứng thôi. Tôi tự hỏi mình sẽ phải đối mặt với điều gì nữa. Mới vài phút trước, tôi đã chắc chắn rằng chúng tôi sắp hoàn thành việc chỉnh sửa tới nơi rồi. Giờ, tôi không chắc chúng tôi cần thêm bao nhiêu thời gian nữa. Hai vòng có đủ không? Tuy nhiên, kế hoạch của chúng tôi là phải bàn giao bản chỉnh sửa toàn diện và hoàn thiện bất kể mất bao lâu. Như thế, chúng tôi đã quẳng đi mọi tính toán lúc trước và bắt tay vào việc cơ cấu lại cuốn sách.

Nhìn lại, sau khi xem xét toàn bộ quá trình, tôi đoán chắc rằng nhẫn nại, kiên trì và linh hoạt là điều quan trọng nhất trong thời gian Chính Pháp này, đối với tất cả những người liên quan. Sư phụ mất thời gian lâu đằng đẵng để đưa tất cả chúng sinh tiến nhập sang vũ trụ mới, còn cựu thế lực đã phá hủy tất cả.

Thế nhưng, Sư phụ vẫn cứu độ tất cả chúng sinh, bất kể cựu thế lực có can nhiễu thế nào. Cho dù cựu thế lực có đặt bao nhiêu chướng ngại trên con đường của Sư phụ, Ngài chỉ lợi dụng an bài của chúng để đạt được mục tiêu của mình.

Quan ải thứ ba: “Thuỳ thị thuỳ phi”

Sau khi chúng tôi xác định lại chức năng của mình, chúng tôi bắt đầu đọc từng đoạn với nhau và chỉnh sửa, nếu cần.

Chúng tôi cố gắng tìm ra điểm chung khi có những ý kiến khác nhau. Mặc dù là người chịu trách nhiệm cuối cùng nhưng tôi không khư khư ý kiến của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng làm được như thế. Những lúc ấy, tôi cố gắng quyết định một cách lý trí và không để cảm xúc chi phối.

Kiểu hợp tác này cũng đã được thống nhất với người điều phối chính, và nó đã giúp chúng tôi tiến về phía trước như một chỉnh thể, nhất là khi liên quan đến hạng mục của chúng tôi. Tôi thực sự trải nghiệm điều tôi ngộ ra từ Pháp của Sư phụ: Các thành viên trong hạng mục càng ít khăng khăng vào ý kiến của bản thân thì càng đặt tâm và phó xuất nhiều cho hạng mục, môi trường hạng mục sẽ hài hoà và mọi việc sẽ suôn sẻ.

Hình thành chỉnh thể

Người điều phối chính đã công bố sẽ xuất bản phiên bản mới của cuốn Chuyển Pháp Luân vào mùa hè năm 2018. Chúng tôi đưa bản cuối cùng lên mạng và nhờ các đồng tu chỉ ra lỗi hoặc gửi ý kiến đóng góp cho chúng tôi.

Ban đầu, tôi hơi lo lắng, “Các đồng tu sẽ phản ứng thế nào với bản dịch mới đây?” Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã nhận được email đầu tiên. Một học viên nói rằng khi đọc phiên bản mới, cô cảm thấy như thể nó đang nhắm thẳng vào cô vậy. Những người khác cũng thấy vỡ vạc ra với phiên bản mới và có những thể ngộ mới khi học Pháp. Tôi cảm thấy đầy khích lệ.

Chúng tôi nhận được nhiều email chỉ ra lỗi và chúng tôi đã sửa lại. Còn có những đề xuất nữa. Email nào cũng cho thấy các đồng tu đều muốn hết lòng ủng hộ nỗ lực này.

Các đồng tu Đức, Áo và Thụy Sỹ, cũng như Trung Quốc đã hình thành một chỉnh thể giúp hoàn thiện phiên bản mới của cuốn Chuyển Pháp Luân.

Do đó, vô tình, hạng mục Đại Pháp này, ban đầu chỉ có vài học viên, giờ đã trở thành một hạng mục mà các học viên nói tiếng Đức tạo thành một chỉnh thể — vốn là điều mà Sư phụ yêu cầu chúng ta.

Không gì thành được nếu không có Sư phụ

Quá trình làm bản dịch mới nhất của cuốn Chuyển Pháp Luân mang lại rất nhiều trải nghiệm tu luyện, hết lần này đến lần khác khiến tôi thấy mình đang trợ Sư, nhưng chính Sư phụ mới là người khiến cho mọi thứ có thể xảy ra.

Sư phụ luôn ở đó và chỉ dẫn cho chúng tôi thực hiện hạng mục một cách tối ưu. Khi chúng ta bị mắc kẹt trong quan niệm của mình thì sẽ xuất hiện sự gián đoạn và lỗi, vì thế mà mất đi sự thanh tỉnh và trí huệ.

Sự kiên nhẫn vô hạn của Sư phụ

Tất nhiên, đầu tiên chúng tôi bắt đầu với Luận ngữ. Sự kiên nhẫn vô hạn của Sư phụ giúp tôi nhận ra những lỗi mà tôi mắc phải nhưng không sao phát hiện ra nếu không có sự chỉ dẫn của Ngài.

Vì Luận Ngữ chỉ có bốn đoạn. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm xong rất nhanh. Nhưng, không phải vậy. Sư phụ điểm hóa cho tôi hết lần này đến lần khác để tôi nhận ra là cần phải xem lại câu nào đó để sửa. Thường thì điều này xảy ra những lúc không hề ngờ tới. Chẳng hạn, trước lúc tỉnh giấc một chút, có một ý niệm bảo tôi xem lại một câu nào đó. Ý niệm này không ồn, cũng chẳng tĩnh, mà rất khác biệt. Nó cứ lặp đi lặp lại cho đến khi hiểu ra và kiểm tra câu đó.

Ngạc nhiên thay, câu đó quả nhiên không chính xác và chúng tôi đã chỉnh lại với người điều phối chính. Sau đó, ý niệm đó biến mất. Nhưng, một lúc sau, một ý nghĩ khác lại tiến nhập vào tâm trí tôi, bảo tôi xem một câu khác. Thế là mấy chỗ của Luận Ngữ đã từng bước từng bước được chỉnh lại. Điều này sẽ là không thể nếu không có sự dẫn dắt của Sư phụ.

Cẩn trọng với những sơ suất

Sư phụ có rất nhiều cách giúp chúng tôi, thậm chí là dùng các học viên nước ngoài.

Trong câu đầu tiên của Bài giảng thứ Ba – Ngôn ngữ Vũ trụ, có một lỗi chính tả. “Ngôn ngữ vũ trụ” (cosmic tongues) bị viết thành “ngôn ngữ truyện hài” (comic tongues).

Thật đáng xấu hổ! Làm sao tôi lại có thể để sót chỗ này? Làm sao mọi người tham gia chỉnh sửa lại bỏ sót nó? Nhưng, vấn đề quan trọng nhất liên quan đến sự việc này là: “Sư phụ muốn chỉ ra điều gì qua lỗi này?”

Theo tôi hiểu, Pháp sẽ không ban cho chúng ta bất cứ điều gì nếu chúng ta không đặt tâm, không kính trọng Pháp. Trong bao nhiêu năm tu luyện, có những lúc vì không đặt tâm mà tôi không ngộ ra điều gì khi đọc Chuyển Pháp Luân.

Tôi hiểu rằng, Sư phụ đã chỉ cho tôi qua từ “ngôn ngữ truyện hài” rằng Pháp mà Ngài truyền cho chúng ta, chúng ta luôn phải đọc bằng tâm biết ơn và kính trọng, không có ngoại lệ.

Tôi còn thiếu sót điều gì?

Hơn nữa, Sư phụ còn giúp tôi nhận ra những câu bị dịch ngược nghĩa. Có lần, khi đọc Pháp, một câu rõ ràng là nghịch nghĩa đã thu hút sự chú ý của tôi. Đáng ra, tôi phải nhận ra nó khi đọc cả câu. Tôi tự nhủ, tại sao Sư phụ phải đợi tới gần một năm rưỡi mới chỉ thẳng ra chỗ đó. Có lẽ, bởi vì tôi chưa đạt đến tầng thứ tu luyện cần có để có thể tự nhận ra nó.

Vì thế tôi tự nhủ, “Tôi còn thiếu sót điều gì chăng?” Tôi còn tiếp tục mắc bao nhiêu lỗi khi nỗ lực cứu độ chúng sinh, chỉ vì tôi không nhận ra chỗ vô lý ấy? Sư phụ còn phải đợi bao lâu nữa để có thể giúp tôi, chỉ vì tôi không tu luyện tinh tấn và không đạt tới tầng thứ thể ngộ cần thiết.”

Tôi từng thấy buồn vì Chính Pháp chưa kết thúc. Ý niệm này xuất hiện khi tôi không tu luyện tinh tấn. Với sự cố này, Sư phụ đã cho tôi thấy rõ rằng tôi không cần hỏi Ngài khi nào thì mọi việc sẽ kết thúc. Thay vào đó, tôi nên hỏi tại sao tôi không tinh tấn mà vì thế không thể nhận ra điểm hóa mà Sư phụ cấp cho tôi.

Sư phụ đang đợi chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể buông lơi trong tu luyện.

Điều quan trọng cần ghi nhớ

Trên đây là một số trải nghiệm tu luyện của tôi khi chỉnh sửa cuốn Chuyển Pháp Luân phiên bản 2018. Mỗi trải nghiệm của tôi đều bao hàm ba yếu tố: kiên định, đáng tin cậy và hy vọng.

Sư phụ thời thời khắc khắc ở bên chúng ta.
Sư phụ thời thời khắc khắc dẫn dắt, chỉ đường cho chúng ta.
Sư phụ sẽ đưa chúng ta về nhà.
Sư phụ – tạ ơn Ngài vì tất cả những gì Ngài đã và đang làm cho con.
Các đồng tu, chúng ta hãy tạo thành một chỉnh thể – mạnh mẽ và tràn ngập lòng từ bi.

(Bài viết được trình bày tại Pháp hội Châu Âu 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/21/再次翻译2018版《转法轮》的体会-393619.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/23/180017.html

Đăng ngày 08-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share