Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Thụy Điển

[MINH HUỆ 20-9-2019]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi đến từ Stockholm, tôi tham gia hạng mục giảng chân tướng cho chính phủ và hạng mục truyền thông. Trong quá trình phối hợp cùng các đồng tu, tôi đã thay đổi các quan niệm bản thân và nhận ra chấp trước căn bản nhất của mình. Dưới đây là tóm tắt kinh nghiệm tu luyện của tôi trong khoảng thời gian này.

Đào tận gốc tâm tật đố

Mùa xuân năm nay, khi hình thế toàn cầu đã thay đổi, tôi nảy ra ý tưởng giảng chân tướng cho Quốc hội Thụy Điển dưới hình thức hội thảo tập trung vào các vấn đề về Trung Quốc. Ý tưởng của tôi đã được các điều phối viên tán thành. Chúng tôi nhanh chóng tìm được một số chuyên gia là người thường và một học viên là diễn giả chính. Sau đó, tôi có một cuộc hẹn ăn trưa với một nghị sỹ mà tôi biết, tôi nghĩ sẽ đề nghị cô ấy tổ chức một hội thảo như vậy trong quốc hội.

Vào buổi sáng trước khi tôi gặp nghị sỹ đó, học viên A đã gọi điện cho tôi nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ. Lúc ấy, tôi xem đó là can nhiễu. Cô ấy muốn thảo luận về việc tổ chức bữa tiệc trà giảng chân tướng cho các hướng dẫn viên du lịch. Trước đây, tôi từng tổ chức các sự kiện tương tự nên tôi sẵn lòng giúp đỡ cô ấy. Nhưng tôi chỉ muốn bàn bạc nhanh thôi. Thế nhưng, cô ấy lại muốn bàn các phương án thích hợp và hỏi đi hỏi lại để xác nhận các chi tiết với tôi. Tôi cảm thấy mặc dù cần tôi, nhưng cô ấy không tin tưởng tôi. Cô ấy cũng không chịu thuận theo đề nghị của tôi là để việc đó thảo luận sau. Dần dần, tôi thấy thực sự khó chịu. Tôi nghĩ cô ấy cũng cảm nhận được điều ấy. Cuối cùng, cô ấy hỏi tôi cảm thấy thế nào. Thực ra, tôi rất bực mình, cảm thấy như nghẹt thở. Tuy nhiên, tôi đã trả lời rằng tôi rất hài lòng và cảm kích vì được tham gia giảng chân tướng. Rồi cô ấy đặt điện thoại xuống.

Còn tôi lại mất hết kiên nhẫn. Chính niệm của tôi đối với cuộc gặp với nghị sỹ kia đã bay biến đâu mất. Tâm tôi chỉ còn đầy sự tức giận và phẫn nộ. Mãi hồi lâu mà tôi vẫn không sao thoát khỏi năng lượng tiêu cực. Tôi không biết phải làm gì nữa – cô ấy có tài gì mà có thể xả cạn năng lượng chính diện của tôi nhanh đến thế. Rồi ma tính mạnh mẽ ấy đến từ đâu? Hoàn toàn không thể đến từ cô ấy được, mà hẳn phải là vấn đề của bản thân tôi. Đây là lần thứ hai tôi trải qua tình huống chính khí đột nhiên trở nên tiêu cực. Học viên B cũng có lần gây ra cho tôi tình huống này tại một sự kiện lớn do tôi tổ chức. Tôi biết cả hai đều không có ý xấu gì. Vì tôi không thể hiểu được làm sao chuyện đó lại xảy ra, tôi đành cho đó là do tiền duyên – có lẽ trước đây, tôi đã nợ họ. Mặc dù tôi thường cố dung nhẫn, không tranh cãi lại, nhưng thực ra, tôi lại hết sức tránh né họ.

Tôi dành thời gian còn lại của sáng hôm đó để phát chính niệm thanh trừ cơn tức giận trong mình. Cuộc gặp với nghị sỹ đã diễn ra tốt đẹp, và ngoài nghe giảng chân tướng, cô ấy còn kể cho tôi về công việc của cô ấy, xã hội nhỏ trong quốc hội, hình thức và thời gian hội thảo, v.v. Ngẫm lại trải nghiệm không thể quên với học viên A, tôi chân thành cảm ơn vị nghị sỹ khả năng truyền cảm hứng của cô ấy. Tôi nói, tôi không nhận ra là chị phải đối mặt với nhiều người từ mọi địa vị xã hội, như thế, chị hẳn phải là người rất hòa đồng.

Tìm thiếu sót của bản thân mang lại thành công trong việc sắp xếp cuộc họp và sự kiện

Tôi cũng cần học cách bao dung những người khác mình. Học viên A chuẩn bị sang Trung Quốc vào cuối hè đó. Vì cô ấy rất quan tâm đến hội thảo này, cô ấy đã đồng ý bố trí địa điểm, nhưng thời gian duy nhất có thể họp là một ngày trong tháng 6. Tôi chịu trách nhiệm ấn định chủ đề và mời diễn giả. Yêu cầu duy nhất của cô ấy là tôi phải tìm một nghị sỹ khác từ một chính đảng để cùng chủ trì hội thảo với cô ấy. Tôi nghĩ việc đó không khó. Tuy nhiên, hội thảo có liên quan chặt chẽ với tu luyện của tôi, vì tôi muốn học cách bao dung và hòa đồng hơn, học viên A liền cung cấp cho tôi cơ hội lần nữa.

Một học viên từ thành phố khác đề nghị học viên A và tôi cùng tham gia trình chiếu bộ phim ‘Thư từ Mã Tam Gia’. Rạp chiếu nằm ở trung tâm thành phố, chúng tôi có thể lựa chọn màn hình lớn có thể phù hợp cho 140 người hoặc màn hình nhỏ hơn cho 25-40 người. Khi cân nhắc số người tham dự lần trước, học viên A nghĩ màn hình nhỏ dành cho 40 người sẽ hợp lý hơn. Nghe vậy, tôi lại thấy khó chịu. Tôi nghĩ cô ấy có quá nhiều quan niệm người thường và không có chính niệm, nhưng tôi giữ im lặng, không nói gì. Trước khi chúng tôi kết thúc cuộc thảo luận, tôi đã nói: đây là cơ hội mà Sư phụ cấp cho chúng sinh tìm hiểu chân tướng. Tôi không nghĩ chúng ta nên bỏ phương án dùng màn chiếu lớn. Học viên ở thành phố ấy đồng ý và đề nghị tôi cùng học viên A làm việc cụ thể với rạp chiếu phim. Tôi đã cố gắng tìm học viên khác để phối hợp với A, nhưng không ai đồng ý. Tôi tự nhủ: không có lối thoát nào cho mi đâu!

Tôi bắt đầu tìm trên mạng để tìm hiểu làm sao những người có tính cách khác nhau có thể làm việc cùng nhau theo nhóm, đó là để tôi có thể hiểu được những người khác. Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình không thích bị quản lý, bị chất vấn, để chứng tỏ mình luôn đúng và hơn hẳn người khác. Bữa tiệc trà dành cho các hướng dẫn viên sắp diễn ra, tôi đã gửi cho học viên A bài thuyết trình PowerPoint mà tôi đã soạn và đề nghị cô ấy xem xét, chỉnh sửa. Lần này, A rất hài lòng, cô ấy trả lời rất nhanh và chỉ chỉnh sửa vài chỗ nhỏ.

Một số nội dung trong bài trình bày này được lấy từ file thuyết trình Shen Yun. Khi tôi thấy cô ấy thay đổi một số nội dung liên quan đến văn hóa truyền thống Trung Hoa, một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi: cô ấy thậm chí không hiểu bài thuyết trình của Shen Yun mà còn chỉ bảo người khác những điều sơ đẳng như vậy. Tôi lập tức tóm được ý nghĩ đó của mình: Mình đang coi thường cô ấy! Trong giây lát ấy, tôi chợt nhận ra đó là tâm bất bình, tôi có thể cảm nhận được sự cay nghiệt của nó. Đột nhiên, tôi nhận ra tại sao buông bỏ tâm tật đố, đối với tôi, lại khó đến thế. Chính là do tâm tranh đấu vì cái tâm coi thường người khác, khiến tôi thấy bất công. Thực ra, đó là một biểu hiện của tâm tật đố. Tất nhiên, chúng ta đều biết tác hại của tật đố, nó có thể đột nhiên bộc phát.

Sư phụ giảng:

“Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược.” (Tâm tật đố, Bài giảng Thứ Bảy, Chuyển Pháp Luân).

Đột nhiên, tôi ngộ được lý do tại sao năng lượng tích cực của tôi biến mất, và năng lượng tiêu cực bị kích thích trong nháy mắt. Theo thời gian, tôi đã phát sinh quan niệm coi thường học viên A và xem cô ấy như cái gai trong mắt. Ấy vậy mà cô ấy đã giúp tôi đào tận gốc tâm tật đố của mình! Tôi thật biết ơn cô ấy.

Buổi tiệc trà dành cho các hướng dẫn viên du lịch đã thành công, các học viên đã phối hợp tốt với nhau. Các hướng dẫn viên du lịch đến từ hơn 10 ngôn ngữ khác nhau. Sau cuộc họp, họ đều hiểu vì sao chúng tôi lại phát tờ rơi mỗi ngày bên ngoài Tòa thị chính vào mùa hè. Họ thực sự cảm phục các học viên và cho biết sẽ nói cho đồng nghiệp cũng như các khách du lịch của họ biết chân tướng.

Học viên A rất hài lòng và nói rằng chúng tôi có thể tổ chức lần nữa vào mùa thu. Trên đường đến rạp chiếu phim, tôi ngạc nhiên khi thấy cô ấy trở nên dễ tính, vui vẻ như thế nào, tôi cảm thấy giờ cô ấy đã thoải mái với tôi. Cuộc họp với rạp chiếu phim cũng đã diễn ra tốt đẹp, chúng tôi đồng ý chiếu bộ phim trên màn hình lớn, và cô ấy không còn lo lắng gì nữa. Đúng là vấn đề của bản thân tôi! Một khi tôi thay đổi quan niệm, lo lắng của cô ấy cũng không còn cần thiết nữa. Giữa các học viên chúng tôi đã có mối quan hệ hài hòa hơn, phối hợp tốt hơn.

Sư phụ đã giảng:

“Người ta có kết cấu tư tưởng là đồng dạng, mức độ thông minh cũng là như nhau, không hề ngốc so với bất kỳ ai.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Vậy mà, tôi lại coi thường người khác và tranh đấu với họ, tôi phán xét, quy kết, và nâng bản thân mình lên. Tôi thậm chí còn không nhận ra mình có những thói quen phải buông bỏ này. Cảm giác không thoải mái mà học viên A mang đến quả thực là một cơ hội cấp cho tôi để phơi bày quan niệm và tiêu bỏ nghiệp lực, cũng như đề cao tâm tính và tăng công của mình. Khi tôi đề cao tầng của mình, nó sẽ phản ánh ra ở hiệu quả cứu độ chúng sinh. Trong mâu thuẫn giữa các học viên, ai đúng ai sai thực sự không quan trọng, chúng ta chỉ có thể cảm ơn các đồng tu của mình!

Trong tám, chín tuần đợt mùa xuân, nhiệm vụ duy nhất của tôi là chuẩn bị cho buổi hội thảo. Có học viên đề xuất hỗ trợ trực tiếp, có người cho tôi cơ hội thanh lý bản thân thông qua mâu thuẫn. Họ nhắc nhở tôi đừng hướng ngoại mà tìm, đừng có tâm oán giận hay suy nghĩ bất chính. Sau một tháng, tôi đã liên lạc với nhiều nghị sỹ, và tham gia vào những ngày mở cửa quốc hội. Các học viên khác cũng giúp liên lạc với những nghị sỹ mà họ biết; tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tìm được người chủ trì thứ hai cho hội thảo. Ngoài ra, vị nghị sỹ mà tôi đã liên lạc cũng chưa ấn định được địa điểm. Thời gian trôi qua thật nhanh, chúng tôi cần ít nhất một tháng để quảng bá hội thảo, nếu không thể chốt được vào giữa tháng 5 thì việc này sẽ tiêu tan mất. Dần dần, các học viên khác bắt đầu nói không thể làm được trước mùa hè, hãy đợi đến mùa thu. Tôi cảm thấy rất nhiều áp lực, thấy đơn độc và bất lực, không thể tìm ra tại sao không có tiến triển gì, không biết mình đã làm gì sai. Ngày qua ngày, tôi mất dần tự tin và kiên nhẫn. Sau đó, một học viên thường hay giúp đỡ tôi bảo tôi rằng: có lẽ chị chẳng làm gì sai đâu, có lẽ chị chỉ cần liên hệ với một số nghị sỹ nào đó và giảng chân tướng cho họ, có thể là 20 hay 50, nếu cứ tiếp tục như thế, tự nhiên sẽ có kết quả gì đó thôi.

Nhờ sự bình tĩnh của cô ấy, tôi có thể nhìn ra tâm lo lắng của mình. Tôi tự hỏi, mình đã làm hoàn toàn vì chúng sinh chưa? Mình có tâm vị tư nào trong đó không? Đã nỗ lực hết sức chưa? Đã thực sự phó mặc để Sư phụ an bài chưa? Tôi tĩnh tâm lại, tiếp tục gửi email và gọi điện thoại. Khi tôi liên lạc được với tầm 30 nghị sỹ, một nghị sỹ đã gọi lại cho tôi. Trước đây, anh ấy đã ký đơn thỉnh nguyện chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Khi tôi gọi cho anh ấy, anh tỏ ra rất tin tưởng những đồng tu đã giảng chân tướng cho anh, và lập tức đặt niềm tin này ở tôi. Bởi vì anh cũng sắp sang Trung Quốc vào mùa hè, anh ấy rất sẵn lòng chủ trì hội thảo. Anh ấy đã có kinh nghiệm tổ chức những hội thảo như thế, và theo đề xuất của anh ấy, chúng tôi đã thay đổi thời gian hội thảo và đặt phòng hội thảo có ánh sáng mạnh.

Gần như cùng lúc đó lại có một nghị sỹ khác sẵn sàng chủ trì hội thảo, cũng là người đã ký đơn thỉnh nguyện phản đối nạn thu hoạch nội tạng. Như thế, cuối cùng, chúng tôi đã có hai đại diện từ đảng lớn nhất làm chủ tọa. Vậy là chốt xong việc này. Quả đúng là, khi chúng ta giảng chân tướng và chạm đến ngưỡng cửa nào đó thì cánh cửa sẽ mở ra. Tất cả những người chúng tôi liên lạc trong quá trình chuẩn bị cho hội thảo đều là những mối mà các đồng tu từng giảng chân tướng. Nói cách khác, mọi việc đều đã được Sư phụ an bài, tất cả những gì tôi cần làm là không từ bỏ.

Chương trình quảng bá sau đó rất suôn sẻ. Các chủ trì hội thảo đã gửi thư mời do tôi soạn thảo thông qua hệ thống gửi thư nội bộ của quốc hội. Hội thảo vào giờ ăn trưa chật kín khách dù các đồng tu không phải nỗ lực mấy. Chúng tôi có hơn 40 khách, gồm các nghị sỹ từ các bộ quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính và ngoại giao, có cả các quan chức chính phủ, cũng như các hãng truyền thông và khách không phải là thành viên quốc hội.

Tuy nhiên, có một sự cố nhỏ là, các diễn giả khách mời là người thường không tham gia được, nên chỉ có một phóng viên trình bày về quá trình thâm nhập vào phương Tây của ĐCSTQ. Nhiều ví dụ cô ấy đưa ra đã trở thành những chủ đề hay để các đồng tu là diễn giả có thể tận dụng cho phần trình bày của mình. Hầu hết khách tham dự đã nhận thức được mối đe dọa và tội ác của ĐCSTQ, đặc biệt là sự tà ác của nó trong việc bức hại người dân Trung Quốc và các học viên Pháp Luân Công. Nhiều người còn nói: “Tại sao đến hôm nay, tôi mới biết về thông tin quan trọng thế này?” Họ có cảm giác cấp bách, đồng thời hy vọng chúng tôi có thể cung cấp thêm thông tin và tổ chức các hoạt động tiếp theo vào mùa thu. Sau hội thảo, chúng tôi đã gửi video cho những nghị sỹ không tham dự được cuộc họp để nhiều người hơn nữa có thể tận dụng. Tôi cho rằng nội dung của hội thảo này dựa trên những chủ đề mà các chính trị gia quan tâm và đáp ứng nhu cầu công việc của họ. Ngoài ra, hội thảo này được tổ chức thông qua hệ thống quốc hội và theo những phương thức được chấp nhận, nên rất hiệu quả. Sư phụ đã cho tôi thấy giảng chân tướng bằng những phương thức được xã hội chủ lưu chấp nhận sẽ có hiệu quả cao. Giai tầng có tầm ảnh hưởng có những phương thức và phương tiện riêng, chúng ta chỉ cần tìm ra chúng.

Còn một sự việc tuyệt vời nữa. Trên chuyến bay đến New York có tầm 300-400 người, mà người ngồi cạnh tôi hóa ra là học viên B. Bởi học viên A đã giúp tôi hóa giải hoàn toàn những oán hận hình thành trong quá trình phối hợp trước đây, nên tôi đã nhận ra vấn đề của mình, đó là khi các học viên không phối hợp tốt, cựu thế lực sẽ lợi dụng sơ hở của chúng ta. Giờ đây, Sư phụ cho chúng tôi nhiều thời gian để chia sẻ khi ngồi cạnh nhau. Chúng tôi đã xóa tan mọi sự hiểu lầm và vật chất màu xám giữa chúng tôi. Sư phụ đã gỡ đi những quan niệm của tôi. Mọi sự bất mãn phai dần đi, thậm chí đến giờ còn khó mà nhớ ra nữa. Mặt khác, tôi có thể thấy học viên B rất nghiêm túc, có trách nhiệm và phó xuất rất nhiều. Tôi bắt đầu cảm phục học viên B. Tôi đã ngộ ra rằng, đến cuối thời kỳ Chính Pháp, Sư phụ đang giúp chúng ta viên dung và trân quý mối duyên tiền định giữa các học viên!

Tống khứ chấp trước căn bản

Vào đầu tháng 7, các chính trị gia nổi tiếng, các hãng truyền thông và những nhân vật quan trọng từ các lĩnh vực khác nhau đã tập trung tại sự kiện Tuần lễ Chính trị gia hàng năm. Phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc (China Tribunal) tại London về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ không được truyền thông Thụy Điển đưa tin. Tôi đề xuất với Phật học hội công bố một bức thư ngỏ trên truyền thông, đưa tin về phán quyết cuối cùng và các biện pháp trừng phạt những kẻ bức hại theo Đạo luật Truy tố Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky. Như vậy cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động của các đệ tử Đại Pháp trong Tuần lễ Chính trị gia. Tôi soạn bức thư, học viên C từ Phật học hội đã chỉnh sửa lại và gửi cho tôi bản thảo thứ hai để gửi cho truyền thông. Tất cả các thành viên của Phật học hội đều đã ký vào bức thư ngỏ này. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng tôi nên bổ sung một chút thông tin, nếu không, truyền thông có thể sẽ không quan tâm. Tôi trình bày ý kiến của mình với học viên C. Anh ấy trả lời, nếu tôi sửa thì có thể sẽ có những chỗ không đúng (do hạn chế về khả năng ngôn ngữ), nên tốt hơn là tôi đừng thay đổi gì.

Tôi muốn âm thầm viên dung mọi thứ. Sáng hôm sau, tôi nhờ một học viên Thụy Điển khác kiểm tra ngữ pháp cho tôi, rồi tôi gửi bản thảo thứ ba cho hai kênh truyền thông. Tuy nhiên, cả hai đều từ chối xuất bản với lý do tờ báo của họ không còn chỗ nữa. Đến tối, tôi mới nói với học viên C về điều đó, anh ấy phê bình tôi vì đáng lẽ tôi không được phép thay đổi thư ngỏ và muốn tôi gửi phiên bản thứ hai. Tôi đã chấp nhận những gì anh ấy nói, nhưng tôi không biết ai đã viết thư ngỏ và nên phản hồi cho ai. Học viên C là một người tương đối trầm. Tôi không chắc có phải chính anh ấy là người không muốn thay đổi hay không. Tôi trả lời email: “Những gì anh nói là đúng, vậy anh gửi thư cho truyền thông nhé.” Anh đáp lại trong một email khác rằng tôi không hợp tác vô điều kiện, và tôi còn ôm giữ tâm oán hận.

Lúc đó, tôi không sao chấp nhận lời phê bình của anh ấy được, vì tôi có thể nhận thấy những sai sót trong bức thư ngỏ. Nếu tôi phải gửi thư thì có thể ảnh hưởng đến sự thành công của sự kiện này, nên học viên C tự gửi thì tốt hơn. Tôi đã hứa sẽ hỗ trợ phát chính niệm để giúp sự kiện thành công. Mặc dù không oán giận, nhưng đúng là tôi đã lo lắng. Tôi chờ đợi một ngày mà không có cập nhật gì, vì vậy tôi đã thu hết can đảm để gửi email đến những người ký tên trong bức thư để giải thích cụ thể suy nghĩ của tôi. Mặc dù những gì tôi nói có thể không đúng, nhưng tôi có trách nhiệm phải trình bày, còn họ có trách nhiệm cân nhắc có sửa bức thư hay không. Rất nhanh, học viên C trả lời rằng đài truyền hình quốc gia đã đồng ý xuất bản bức thư. Tôi hết sức ngạc nhiên nhưng cũng rất nhẹ nhõm. Đồng thời, tôi bắt đầu nghĩ: bức thư ngỏ này là của Phật học hội, tại sao tôi lại hành động vượt quá thẩm quyền của mình, một là khăng khăng sửa đổi bức thư, hai là còn viết email mà kể lể lo lắng của mình với tất cả các thành viên trong Phật học hội? Tôi nhận thấy mình có tâm lo lắng rất mạnh, đặc biệt là khi mọi chuyện còn chưa rõ ràng thì tôi rất khó chịu. Sau bao nhiêu năm tu luyện, tôi biết rằng khi làm gì bằng tâm từ bi hay tâm lo lắng thì năng lượng mang theo sẽ hoàn toàn khác nhau.

Tôi tiếp tục hướng nội, tôi nhận thấy trước đây, tâm lo lắng là vấn đề lớn đối với tôi. Vì lo lắng mà tôi cứ phải làm hết thứ này đến thứ khác và đôn đáo khắp nơi. Bao nhiêu năm qua, điều này đã trở thành can nhiễu lớn nhất khiến tôi không sao tĩnh tâm học Pháp được. Đương nhiên, nó cũng gây áp lực khi làm việc nhóm.

Tôi luôn lo lắng và tiêu cực, cảm thấy như thể mình đã chọn lầm đường giữa sinh và tử. Cảm giác mất mát không thể vãn hồi, lo lắng một cách không tự biết và thói quen tự trách mình cũng như đổ lỗi cho người khác đã quá rõ ràng trong những năm gần đây.

Tôi bắt đầu tu luyện vào đầu năm 1999. Hồi đó, tôi cảm thấy mình đắc Pháp quá muộn, nên lo không biết mình có viên mãn được không. Phản bức hại là một trải nghiệm tu luyện của tôi vì tôi tu luyện trong quá trình tham gia các hoạt động giảng chân tướng. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn trừ bỏ chấp trước vào thời gian và kết quả. Khi làm việc trong hạng mục truyền thông, là người cầu toàn, tôi mong muốn được phối hợp thật nhịp nhàng với các đồng tu. Tôi hành động như thể tinh thần có vấn đề, không quan tâm đến ăn ngủ gì nữa. Có giai đoạn, tôi ôm một lúc ba công việc, vì vậy mà không theo kịp việc học Pháp và luyện công.

Mặc dù mục đích là để cứu độ chúng sinh ở Bắc Âu, nhưng làm các hoạt động Chính Pháp bằng một cơ thể người thường thì không khởi được tác dụng gì. Tôi đã hoàn toàn kiệt sức và gần như ngã quỵ. Trong ba năm qua, tôi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự lộn xộn. Trong quá trình phối hợp với các đồng tu ba năm qua, tôi đã nhận thấy sự bất thuần từ thẳm sâu trong mình. Lo lắng và sợ hãi đều là nhân tố vị tư, là gốc rễ của tâm chứng thực bản thân. Bị mắc kẹt trong vấn đề được mất của sinh mệnh là chấp trước căn bản mà tôi chưa tống khứ được trong tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Mang theo chấp trước mà học Pháp thì không phải chân tu. Nhưng có thể trong tu luyện dần dần nhận thức ra chấp trước căn bản của mình, vứt bỏ nó, từ đó đạt đến tiêu chuẩn người tu luyện. Vậy chấp trước căn bản ấy là gì? Tại thế gian người ta hình thành rất nhiều quan niệm, đến mức bị quan niệm chi phối, truy cầu những điều [mình] theo đuổi. Nhưng người ta đến thế [gian] là do nhân duyên đã quyết định đường đời con người và những được-mất trong đời con người; lẽ nào quan niệm của con người lại có thể quyết định từng quá trình trong đời người được? Do vậy cái gọi là ‘những theo đuổi và nguyện vọng tốt đẹp’ ấy cũng đã trở thành những truy cầu chấp trước thật đau khổ mà vĩnh viễn không đạt được.” (Tiến đến viên mãn, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Thể ngộ của tôi về đoạn Pháp này tại thời điểm này là: nhân duyên quyết định được mất của người thường. Nhưng là người tu luyện, kết quả của việc giảng chân tướng và các hoạt động khác được quyết định bởi tầng thứ tu luyện của chúng ta. Nói cách khác, nó được quyết định bởi Pháp, chứ không phải do mong muốn hay quan niệm của chúng ta, cũng không phải bằng truy cầu mà đạt được.

Vào đầu Tuần lễ Chính trị gia, thư ngỏ của Phật học hội cuối cùng cũng được công bố. Đài truyền hình quốc gia đã chỉnh sửa nội dung. Đó là điều vượt quá mong đợi của tôi. Vậy có nghĩa là, biên tập viên phải hiểu chân tướng nên mới có thể chỉnh sửa nó. Như vậy thậm chí còn tốt hơn là chúng tôi cung cấp một kịch bản hoàn chỉnh. Giờ thì tôi hoàn toàn thừa nhận lời phê bình của học viên C. Tôi ngộ ra nội hàm của phối hợp vô điều kiện chậm quá. Kết quả của nó có thể siêu xuất quan niệm và logic của con người mà trở thành phép lạ.

Điều quan trọng: Uy đức và trí huệ, chứ không phải là tâm nóng vội

Pháp hội New York năm nay một lần nữa khiến tôi đắm mình trong từ bi vĩ đại của Sư phụ. Lắng nghe lời giảng của Sư phụ trong trường năng lượng ấy, lần đầu tiên, tôi mang theo về một cảm giác an ổn sâu sắc: trong vũ trụ rộng lớn này, dưới sự từ bi vĩ đại vô song của Sư phụ, bất cứ điều gì tôi làm đều là quá nhỏ bé, có được cơ duyên đắc Pháp này, tôi đã hoàn toàn mãn nguyện và bằng lòng rồi. Vào thời mạt Pháp, đối mặt với hiểm nguy lớn nhất, Sáng Thế Chủ đã đến thế gian, cho dù các sự việc thế gian có nguy hiểm đến thế nào thì Sư phụ đều nắm vững hết thảy.

Đầu năm ngoái, chúng tôi chia sẻ rằng vẫn còn quá nhiều người cần biết chân tướng ở châu Âu. Trung bình, mỗi học viên còn cần phải giảng chân tướng cho hàng trăm nghìn người nữa. Tôi nhớ mình từng nghĩ: Sứ mệnh này to lớn biết bao, làm thế nào mà hoàn thành đây? Chúng tôi phải tổ chức bao nhiêu sự kiện lớn mới thực hiện được mục tiêu đó? Cảm giác khẩn cấp đến choáng ngợp. Giờ thì tôi đã ngộ ra rằng hết thảy những điều này đều do Chính Pháp tạo ra – đó là uy đức và trí huệ từ Đại Pháp mà Sư Phụ ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần làm theo những gì Sư phụ muốn, và giảng chân tướng cho những chúng sinh có tầm ảnh hưởng thông qua những phương thức mà xã hội chủ lưu thừa nhận, Sư phụ đã trải đường cho chúng ta, chúng ta chỉ cần thực hiện và tu luyện bản thân thì sẽ có thể phối hợp tốt. Dù có kéo dài bao lâu đi nữa, dù cứu được bao nhiêu chúng sinh cũng đều là nhờ sự từ bi vô hạn của Sư phụ, là uy đức vĩ đại của Đại Pháp.

Trên đây là những gì tôi đã ngộ được về phương diện diệt trừ tâm tranh đấu, tật đố, lo lắng và sợ hãi trên con đường tu luyện của bản thân. Là đệ tử Đại Pháp, trạng thái tu luyện của chúng ta đối ứng với môi trường xung quanh. Để không bị tà ác lợi dụng những vật chất độc hại còn sót lại, hòng ngăn chúng sinh tìm hiểu chân tướng, hãy cùng nhau tinh tấn, quy chính bản thân, cứu độ thêm nhiều chúng sinh hơn nữa trong quá trình chứng thực Đại Pháp, và viên dung uy đức của Chính Pháp.

Con xin cảm tạ Sư Phụ, cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Châu Âu 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/20/向内找-在成就他人中归正-393583.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/22/179998.html

Đăng ngày 08-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share