Một chút thể ngộ về hướng nội tìm

Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[MINH HUỆ 15-05-2019] Tôi chưa bao giờ thực sự biết làm thế nào để hướng nội tìm. Gần đây tôi ngộ ra rằng, “ranh giới” của hướng nội tìm là phải buông bỏ tự ngã. Điều này có hai ý. Thứ nhất, bản thân có chiểu theo yêu cầu “bất đắc bất” của Pháp để hướng nội tìm không? Trong tâm tôi vô tình thiết lập một bức tường, tìm tới tìm lui đều là ở ngoài bức tường mà tìm, làm thế nào cũng không thấy nguyên nhân căn bản. Tôi thường ngừng hướng nội khi cảm thấy đã tìm ra điều gì đó, bởi vì tôi cho rằng đó là tất cả những gì mà mình cần làm chiểu theo Pháp. Tôi nhận thấy những điều chỉnh hành vi và tâm thái không mang lại những thay đổi thực sự cho bản thân và trong suốt nhiều năm, mọi việc cũng không hề thay đổi, bản thân tôi còn sinh ra tâm ủy khuất và hoang mang. Thứ hai, sự nhượng bộ của tôi cũng là có “giới hạn”, và lỗi của tôi cũng có ranh giới nhất định.

Lấy gia đình tôi làm ví dụ. Tôi và mẹ đắc Pháp trước năm 1999, khi đó tôi đang học cấp ba. Lúc còn trẻ mẹ tôi rất đẹp, là con gái duy nhất trong gia đình và rất hiếu thuận. Mẹ tôi là sinh viên đại học thời đó nhưng vì nghe theo lời cha mẹ, bà trở về quê để kết hôn với cha. Cha tôi từ gia đình, diện mạo, tâm tính, học thức và đối nhân xử thế hoàn toàn khác với mẹ tôi.

Sau khi mẹ tôi tu luyện, bà luôn nhường nhịn trước việc cha tôi ngoại tình, bạo ngược và vô trách nhiệm; khi tôi còn nhỏ đã thấy bất bình cho mẹ. Tôi thừa hưởng tính khí hung dữ của cha và tinh thần trọng nghĩa của mẹ. Tôi thậm chí ghét ông ấy, rất ghét sự dối trá, tính ích kỷ, không nói đạo lý và thô tục của ông ấy. Tôi không chịu nổi không khí gia đình mấy chục năm nay, những mâu thuẫn không thể hòa giải được.

Mẹ tôi là phụ đạo viên, luôn kiên định và là người luôn tu luyện tốt, luôn nhẫn nhịn cha tôi, còn tôi thì quanh năm không có nhà, vậy vì sao không đột phá được hoàn cảnh trong gia đình? Khi chịu rất nhiều nỗi khống khổ tôi mới ngộ ra rằng: Tôi và mẹ đều tu luyện không tốt.

Đầu tiên nói về việc của mẹ tôi. Trước đây tôi cho rằng việc giữa cha và mẹ, vừa nhìn là biết ai đúng ai sai. Mặc dù mẹ thường xuyên học thuộc đoạn Pháp Sư phụ giảng:

“Đối đích thị tha,

Thác đích thị  ngã” (Thùy thị thùy phi, Hồng Ngâm 3)

Tạm dịch:

“Cái đúng là họ
Cái sai là mình.” (Ai đúng ai sai, Hồng Ngâm 3)

Và:

“Nan nhẫn năng nhẫn, Nan hành năng hành” (Chuyển Pháp Luân)

Thế nhưng, mẹ tôi chỉ làm được ở bên ngoài, còn bên trong vẫn ủy khuất, cũng chỉ vì theo yêu cầu của tu luyện mà làm. Cũng giống như là: “Anh không nói đạo lý, nhưng tôi là người tu luyện, tôi chiểu theo yêu cầu của Sư phụ, tôi sẽ không chấp người không có học như anh.” Do đó, thực chất vẫn cảm thấy đối phương sai, là đối phương nói không có đạo lý, là đối phương có khuyết điểm, còn không bằng đứa trẻ con. Tự quay tròn trong cái tường do mình tự tạo ra, bản thân chỉ vì theo yêu cầu của tu luyện mà nén giận. Thời gian dài, mẹ tôi quen nhẫn nhịn không còn ủy khuất nữa. Hơn nữa, khi tu luyện luôn tránh chạm trán với cha tôi. Đối với những đòi hỏi vô lý của cha, mẹ tôi ngoan ngoãn phục tùng mà không biết. Thoạt nhìn thì tu vô cùng tốt nhưng vẫn là không đúng, mâu thuẫn gia đình vẫn hết sức căng thẳng.

Lại nói, tôi lớn lên trong gia đình như vậy nên cũng không có “hạnh phúc” của người thường. Tôi ghen tỵ với những đứa trẻ của gia đình khác, bọn họ có những thứ tôi đều không có. Hầu hết thời gian tôi lớn lên, “cha” chỉ là một danh từ, mẹ thì ốc còn không mang nổi mình ốc, nói gì đến quan tâm tôi. Hơn nữa, vì mẹ muốn tu bỏ tình và chấp trước nên “tình thương của mẹ” dành cho tôi rất ít. Mẹ của gia đình khác thì quan tâm đến cảm xúc của con cái, chế độ ăn uống và kích cỡ quần áo của trẻ v.v. Mẹ tôi thì chưa bao giờ có; bà hy vọng tôi thành công trong người thường, nhưng cũng lại vừa muốn tôi thành Thần, thành Phật, khi tôi trưởng thành sẽ là người chăm sóc họ khi về già. Mẹ cũng không muốn tôi kết hôn, không cho phép tôi có sở thích gì khác ngoài tu luyện Đại Pháp, thường xuyên dùng “đại đạo lý” giáo dục tôi. Điều này khiến tôi cảm thấy rất chán nản khi có mặt trên thế gian này.

Cha không cho tôi và mẹ biết tiền lương của mình được bao nhiêu, mà thường xuyên tìm cách lấy tiền của chúng tôi. Tôi cảm thấy đôi vai gầy của mình đã chịu quá nhiều gánh nặng, thường xuyên cảm thấy uất ức và khổ sở. Tôi cũng nghĩ rằng mình đã làm rất tốt, tôi đã tốt nghiệp một trường đại học trọng điểm và uy tín sau khi bị tà ác bắt giữ phi pháp. Tôi luôn hiếu kính với cha mẹ, mặc dù giá thuê phòng ở Đại Lục rất cao nhưng cho đến tận bây giờ tôi chưa bao giờ dùng tiền của cha mẹ, tất cả mọi khó khăn đều tự mình giải quyết, không để cho hai người chịu gánh nặng. Cha tôi không thực sự quan tâm đến tôi, chỉ đòi hỏi tôi phải hiếu thảo. Hơn nữa tôi đã làm tốt hết sức có thể mà vẫn thường xuyên bị oán trách. Tôi cảm thấy rằng những người trẻ tuổi xung quanh không có ai làm tốt như mình. Tôi đã chịu đến giới hạn rồi, tôi chỉ có thể nhẫn nhịn đến mức này thôi.

Sự thống khổ này kéo dài thời gian rất lâu. Cho đến năm nay, tôi tự hỏi là người tu luyện tại sao hoàn cảnh gia đình thành ra như vậy? Chẳng lẽ không thể có một gia đình hòa thuận sao? Sau khi trải qua nhiều thống khổ, tôi hiểu rõ ràng rằng tôi và mẹ đều không buông bỏ [được nhân tâm].

Bề ngoài tôi giống như một người con hiếu thảo nhưng trong tâm vẫn xem thường cha mình. “Mấu chốt” của tôi là vẫn nghĩ về cha mình theo cách: Cha không quan tâm đến gia đình, ông là người dối trá, ích kỷ còn ngoại tình vậy đáng để tôi tôn kính sao? Tôi không yêu cầu cha mẹ phải giúp đỡ và chăm sóc nhưng trong tâm luôn oán hận cha mẹ đã mặc kệ tôi trong mấy chục năm qua. Sau khi trong tâm tôi hình thành bức tường tự ngã đó, thì liền phán xét cha mẹ theo tiêu chuẩn của bản thân. Cái tiêu chuẩn này thoạt nhìn có vẻ tốt hơn nhiều so với người bình thường. Nhưng là người tu luyện, tiêu chuẩn của Pháp có cho chúng ta bình luận đối phương tốt hay không tốt (cho dù đồng tu hay người thường) hay không? Những suy nghĩ kiểu như “Cha mẹ tôi không tốt cho nên những gì tôi làm cho cha mẹ ở mức độ này mức độ kia là được rồi… Tôi là con gái họ tốt hơn nhiều so với việc họ làm cha mẹ tôi…” thật đúng như những lời Sư phụ giảng:

Giống như Sư phụ giảng:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận mà tự thấy bất công” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tất cả đều là tâm oán hận, tu luyện là tu chính mình, cha và mẹ làm tốt hay không tốt cũng là có liên quan đến tôi. Hướng nội tìm, thì phải tìm vấn đề của mình, không phải là vấn đề của người khác.

Những năm gần đây mẹ tôi nén giận, mặc định là tôi sẽ đứng về phía bà. Tôi cũng có xu hướng bênh vực mẹ, cho rằng đó là cách để bảo vệ bà. Nhưng gần đây tôi ngộ được rằng, tôi có suy nghĩ thâm căn cố đế về việc cha tôi luôn sai, tất cả đều là lỗi của ông ấy. Chiểu theo đạo đức người thường mà nhìn thì cha tôi xác thực là không đạt tiêu chuẩn. Nhưng rõ ràng là chẳng phải chúng tôi cũng không làm được khoan dung độ lượng hay sao? Nếu làm được như vậy, thì hẳn chúng tôi đã không phải trải qua giai đoạn khó khăn đến thế.

Nhận thức được điều này rồi, khi thấy cha cố tình gây khó dễ cho mẹ, lần này tôi cảm thấy tính tình ông như một đứa trẻ, vậy thì sao lại khó chịu với đứa trẻ được chứ? Hơn nữa cảm thấy ông ấy thật đáng thương, thấy có lỗi với cha và cảm thấy muốn khóc. Tôi thấy rằng khi tôi bất bình thay cho mẹ mà nói một vài lời nào đó, thì thường thêm vào đó cả sự tức giận (trong tâm tôi biết điều này không đúng). Tôi chợt thấy rằng, tôi bảo vệ mẹ trong những năm qua là không đúng. Mẹ thường xuyên nói chuyện giống như Hồng vệ binh làm báo cáo, hơn nữa không có nữ tính. Bà cũng thường làm việc qua loa đối phó trong sinh hoạt gia đình. Những khẩu khí đầy ác ý của bà suốt mấy chục năm nay cũng không buông bỏ được. Khi chia sẻ với mẹ thì luôn luôn là bị bà phản bác. Tôi quyết định sau này dành nhiều thời gian hơn để học Pháp cùng với mẹ.

Trên đây là chút thiển ngộ của tôi, viết ra để đốc thúc bản thân nhanh chóng tu chính! Hợp thập!


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/5/15/去掉阻擋向內找的「牆」-387371.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/16/178100.html

Đăng ngày 26-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share