[MINH HUỆ 03-07-2019] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi, bắt đầu tu luyện khoảng 3 năm trước. Trong một xã hội suy đồi về đạo đức, nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp đã trở thành kim chỉ nam dẫn lối cho tôi trong cuộc sống của mình. Sau khi tu luyện chỉ trong 3 năm, tôi cảm thấy rằng trạng thái tinh thần và tâm lý của tôi đã khác rất nhiều so với những người khác.

Nghĩ cho người khác trước bản thân mình

Tôi học ngành tài chính và biết rằng hầu hết mọi người theo đuổi khóa học này đều mơ ước thi đỗ để trở thành Kế toán viên công chúng được cấp phép (CPA). Đây là một trong các chứng chỉ khó đạt được nhất tại Trung Quốc. Do giá trị của chứng chỉ này, nhiều người đang cạnh tranh để có được nó, coi nó như tấm vé để vào được các doanh nghiệp nổi tiếng và là nền tảng cơ bản để thành công trong sự nghiệp. Họ mơ ước có được mức lương triệu đô hàng năm và một sự nghiệp thành công.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cũng tham gia “đội quân thi cử các chứng chỉ” khổng lồ. Cũng giống như nhiều “quân nhân” đồng môn, tôi đăng ký tham dự các kỳ thi để có được một sự nghiệp thành đạt, lương cao và cơ hội tạo dựng tên tuổi cho bản thân.

Tuy nhiên, khi tôi chuẩn bị cho các kỳ thi, tôi dần bắt đầu tự hỏi về thái độ của mình đối với vấn đề này. Tôi tự hỏi mình liệu kiểu suy nghĩ này về danh và lợi có là suy nghĩ đúng đắn của một người tu luyện Đại Pháp hay không. Sau khi nghĩ về nó, tôi tự nhủ rằng đây chắc chắn không phải là suy nghĩ đúng đắn của một người tu luyện như Sư phụ Lý (nhà sáng lập) đã dạy chúng ta:

“bởi vì chúng tôi giảng tuỳ kỳ tự nhiên, đối với lợi ích cá nhân cần coi nhẹ.” (Vấn đề liên quan đến thiên mục – Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ giảng:

“những người tu luyện chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được.” (Tâm tật đố – Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng mình đã quá mải mê với các cuộc thi và bỏ qua quá trình học tập. Là một người có chuyên môn trong nghề, quá trình học là điều bắt buộc và các cuộc thi chỉ là một phương diện phản ánh của nó. Là một người tu luyện, tôi không nên quá chấp trước vào kết quả. Miễn là tôi tùy kỳ tự nhiên và làm những gì nên làm, tôi sẽ tự nhiên có được những gì mà mình đáng có.

Sau khi có được thể ngộ này, tôi cảm thấy vẫn chưa đủ. Tôi hướng nội sâu hơn và thấy rằng tôi có suy nghĩ rất ích kỷ. Khi tôi xem xét lại động cơ của mình trong việc tham gia các kỳ thi, tôi dường như quá coi trọng bản thân mình. Tôi đã không buông bỏ được tâm vị kỷ.

Sư phụ giảng:

“Từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác tiên tha hậu ngã“ (Phật tính vô lậu – Tinh tấn yếu chỉ)

Tôi hiểu rằng kiến thức đạt được trong các kỳ thi nên được sử dụng để mang lại lợi ích cho xã hội và nhân loại. Mọi việc nên được thực hiện vì người khác chứ không phải vì lợi ích cá nhân tôi. Là một thành viên trong xã hội, tôi cũng nên làm phần việc của mình. Đối với lương và thưởng, những thứ này tôi sẽ tự nhiên đạt được khi tôi phục vụ cho xã hội. Tôi càng phục vụ tốt, tôi sẽ càng đạt được một cách tự nhiên. Chỉ với thái độ như vậy tôi mới có thể thực sự hoàn thành nghĩa vụ của mình để “…cân nhắc đến những người khác trước…” (Phật tính vô lậu – Tinh tấn yếu chỉ)

Sư phụ cũng giảng rằng:

“Các ngành nghề trong xã hội nhân loại đều nên tồn tại; ấy là do nhân tâm không chính, chứ không phải do làm nghề gì.” (Chuyển hóa nghiệp lực – Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân Luân)

Do đó, bản thân các kỳ thi và quá trình học không sai. Điểm mấu chốt là người đó cần có suy nghĩ đúng đắn.

Sau khi nhận ra những điểm này, khi chuẩn bị cho các kỳ thi, tôi liên tục nhắc nhở bản thân không coi việc thi đỗ là mục đích, mà thay vào đó chú trọng vào học kiến thức. Nhờ tư duy tốt và trí huệ từ Đại Pháp, tôi đã vượt qua các học phần về “Kế toán” và “Luật thuế” và tôi đã vận dụng tốt kiến thức mà tôi học được vào trong công việc của mình. Mặc dù mới tốt nghiệp, tôi đã tham gia vào lập kế hoạch thu thuế của công ty và xây dựng các chính sách kế toán. Tôi thậm chí đã tham gia giải quyết một số các vụ việc kế toán phức tạp của công ty liên quan đến các sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, tôi không trở nên tự mãn vì những điều này và không bao giờ đòi hỏi tăng lương. Tôi hiểu rằng Đại Pháp đã dạy tôi trở thành một người biết nghĩ cho người khác trước và rằng của cải, danh vọng và lợi ích cá nhân tất cả đều chỉ là những thứ trần tục. Do đó, tôi phải dùng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để chỉ dẫn cho tôi trong cuộc sống!

Nhận ra chấp trước của tôi vào lợi ích cá nhân

Trong quá trình luyện thi, đã xảy ra một tình huống để khảo nghiệm chấp trước của tôi vào lợi ích cá nhân.

Tham dự các bài giảng là một phần trong quá trình học tập của chúng tôi để chuẩn bị cho các kỳ thi. Do đó, có nhiều trường học cung cấp các loại bài giảng trực tuyến cho các học sinh tham dự và thu phí. Tuy nhiên, bất cứ khi nào đến mùa thi, sẽ luôn có những người sử dụng tất cả các loại biện pháp để ghi lại các bài giảng này và tải chúng lên mạng dưới hình thức “thảo luận và trao đổi”. Một số thậm chí sẽ bán những bài giảng này với mức giá thấp hơn để kiếm lời. Qua thời gian, xem những video lậu như vậy đã trở thành điều bình thường đối với sinh viên.

Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết rất rõ rằng điều này là phi đạo đức. Các bài giảng trực tuyến là thành quả lao động vất vả của các giáo viên và là nguồn thu nhập của họ. Xem những video lậu như vậy sẽ khiến những giáo viên này phải chịu tổn thất. Do đó, làm thế nào tôi có thể thoải mái với vấn đề này? Học Pháp khiến tôi hiểu rằng bất thất bất đắc và mọi người phải trả giá cho những hành động của họ. Do đó, bất cứ khi nào tôi cần xem các bài giảng trực tuyến, tôi trả tiền cho các bài giảng gốc cho dù tình hình tài chính của tôi như thế nào.

Tuy nhiên, có việc xảy ra sau đó khiến tôi nhận ra rằng tôi không hoàn hảo. Một trường học trực tuyến thực sự đã đăng tải một bộ video chỉ tốn 280 Đô la để xem toàn bộ. Tôi cảm thầy rằng nó thực sự đáng đồng tiền và quyết định mua bộ video đó. Tuy nhiên, trường đã xóa chúng trên kệ bán hàng và kể từ đó, những bài giảng trực tuyến tương tự ít nhất cũng giá 500 Đô la. Tôi có chút thất vọng về thay đổi này nhưng không lâu sau, tôi phát hiện ra một lỗ hổng trong hệ thống của trang web này.

Mặc dù những video đó đã bị xóa khỏi kệ bán trực tuyến của trường, nó vẫn có thể truy cập được từ một địa chỉ trang web khác. Tôi đã rất vui mừng về phát hiện này và nhanh chóng mua các video.

Tuy nhiên, sau khi sự phấn khích qua đi, tôi đột nhiên hỏi bản thân rằng nếu trường học trực tuyến này đã xóa những mục này khỏi kệ, mà tôi vẫn buộc họ bán cho tôi những video này thông qua lỗ hổng trong trang web của họ, điều này có thực sự đúng không? Điều này có phù hợp không? Lúc đó, những gì đang diễn ra trong tâm trí tôi giống như một cảnh trong các bộ phim với cuộc tranh đầu giữa thiên thần và ác quỷ. Thiên thần bảo tôi: “Điều này là sai. Bạn đang lợi dụng người khác và việc này sẽ khiến bạn tạo nghiệp.” Trong khi ác quỷ thì nói với tôi: “Đây là những gì mà họ đã tự đưa lên mạng. Chẳng phải là món hời khi mua chúng sao?”

Sau cuộc tranh luận gay gắt, chính niệm của tôi cuối cùng đã chiến thắng. Trước đây tôi đã nghĩ rằng chấp trước vào lợi ích cá nhân là điều gì đó nhỏ nhoi. Nhưng hôm nay, tôi thực sự đang nghĩ về cách thức và biện pháp để tận dụng sơ hở của người khác nhằm đạt được một lợi ích nhỏ nhoi và tôi thậm chí đã rất phấn khởi vì điều đó. Làm sao mà một người tu luyện lại cư xử như vậy được? Điều này khiến tôi xấu hổ, do đó tôi đã xóa giỏ mua hàng này. Sau khi làm như vậy, tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm.

Sự việc này đã khiến tôi phải hướng nội. Tôi biết rằng chấp trước vào lợi ích của mình vẫn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi may mắn có Pháp Luân Đại Pháp do đó tôi có thể trầm tĩnh lại, suy nghĩ cẩn thận và nhận ra sai lầm của mình một cách kịp thời. Do đó, tôi đã có thể điều chỉnh lại hành vi và quay trở về với chân ngã của mình!

Lội ngược dòng trong thế giới chao đảo

Mọi người xung quanh tôi sẽ thỉnh thoảng cười tôi. Họ cảm thấy tôi quá thật thà và quá nhún nhường. Họ cảm thấy rằng tôi có một cuộc sống vô nghĩa và vô vị. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn mỉm cười khi nghe những lời nhận xét của họ, vì tôi biết rằng tôi đang sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn họ nhiều. Sống trong một xã hội hiện đại khiến một người đối diện với đủ mọi loại ảnh hưởng tiêu cực như gian lận, bạo lực, dục vọng và suy đồi đạo đức. Những thứ này đang mê hoặc mọi người và khiến họ từng bước trượt dốc.

Khi mọi người chấp nhận quá nhiều những thứ tiêu cực như vậy, họ sẽ mất đi hạnh phúc của họ, vì họ không còn có tiêu chuẩn đạo đức và họ không còn có thể nhận ra cái đẹp thực sự. Điều này có nghĩa là họ đã mất khả năng cảm nhận được điều đẹp đẽ chân thực. Họ chỉ có thể tiếp tục kích thích mọi giác quan của họ để tìm kiếm “thú vui” để họ có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm mình. Những người như vậy thực sự đang sống trong đau khổ cho dù họ đạt được bao nhiêu thành công trong cuộc sống.

Nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi cho thể cũng giống như một người bình thường ngoài kia, dần dần sa đọa cùng với dòng đời. Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi tôi và giữ cho tôi tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực đó. Đại Pháp đã nâng cao đạo đức của tôi và cho tôi có khả năng phân biệt được chính và tà, tốt và xấu, tử tế và khó chịu, đẹp và xấu. Bằng cách này, tôi có thể đứng vững trước mọi ảnh hưởng xấu này từ xã hội xuống cấp và hướng tới một cuộc sống bình yên và đơn giản. Những suy nghĩ của tôi tích cực đến mức tôi không còn cần dựa vào những kích thích từ bên ngoài để khiến bản thân hạnh phúc. Hạnh phúc của tôi đến từ nội tâm, một cơ chế tự thành khiến tôi có thể tự mình viên dung.

Chính Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi tìm ra ngọn nguồn cho cuộc sống hạnh phúc. Chính Pháp Luân Đại Pháp đã soi sáng con đường tôi đi để nâng cuộc sống của tôi lên một tầm cao khác, và đưa tôi lội ngược dòng trong thế giới đảo điên!

Tôi thực sự hy vọng rằng tất cả chúng sinh trên trái đất có thể hiểu được sự thật về Pháp Luân Đại Pháp và cảm nhận được vẻ đẹp của Đại Pháp. Xin hãy tin tôi, khi bạn bắt đầu sống cuộc sống của mình theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, bạn sẽ có thể cảm thấy rằng cuộc sống của bạn đã thay đổi ngay cả khi bạn không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/3/389210.html

Bản tiếng Anh: https://www.en.minghui.org/html/articles/2019/8/28/179079.html

Đăng ngày 23-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share