Bài viết phóng viên báo Minh Huệ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-08-2019] Một người dân huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông đã bị cầm tù chỉ vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã và đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ông Tổ Bồi Vĩnh, 52 tuổi, bị bắt cùng ba học viên Pháp Luân Công khác trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2018 chỉ vì đã giúp đỡ gia đình một học viên khác tìm lại công lý cho cái chết oan của cô sau 13 ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bốn học viên được đưa ra xét xử trong phòng xử án tạm thời ở Trại tạm giam khu Hà Đông vào ngày 24 tháng 1 năm 2019. Luật sư của học viên đều biện hộ họ vô tội, nhưng rồi các học viên vẫn bị kết án vào ngày 27 tháng 3 năm 2019.

Ông Tổ bị kết án 3,5 năm tù với mức phạt 30.000 nhân dân tệ. Ông đã kháng án, nhưng đã bị bác bỏ. Ngày 11 tháng 7 năm 2019, ông bị chuyển đến Nhà tù tỉnh Sơn Đông.

Hai học viên khác, ông Lưu Nãi Huân và vợ là bà Vương Tây Lan, cả hai đều trên 70 tuổi, cũng bị đưa vào tù trong khoảng thời gian đó để thụ án với thời hạn tù tương ứng là ba năm và hai năm.

Học viên thứ tư, bà Lý Trường Phương, 55 tuổi, bị tuyên án 2,5 năm tù với số tiền phạt 10.000 tệ. Ngày 12 tháng 7 năm 2019, bà đã qua đời trong hoàn cảnh đáng ngờ.

Bức hại trước đó: Tẩy não và giam giữ ở trại lao động cưỡng bức

Ông Tổ mắc chứng động kinh ngay sau khi kết hôn vào đầu những năm 90. Ông bị sụt cân nghiêm trọng và vô cùng mệt mỏi. Dù đã thăm khám nhiều bác sỹ và thử nhiều loại thuốc khác nhau nhưng đều vô hiệu. Cả bố mẹ và vợ ông đều rất lo cho ông, bản thân ông cũng cảm thấy như cuộc đời mình sắp kết thúc.

Ông được giới thiệu Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1997. Trong một thời gian ngắn bước vào tu luyện, các triệu chứng bệnh của ông đều biến mất. Nhiều người dân làng ở địa phương đã rất ấn tượng với hiệu quả cải thiện sức khỏe của Pháp Luân Công nên họ cũng bước vào tu luyện.

Tuy nhiên, sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, cuộc sống của ông Tổ đã bị đảo lộn. Ông liên tục bị bắt giữ và bị đưa đến các trung tâm tẩy não. Ngoài ra ông còn bị đưa vào trại lao động cưỡng bức hai lần với tổng thời gian là bốn năm.

Tháng 11 năm 1999, chỉ vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, hai vợ chồng ông đã bị giam giữ một tháng tại Nhà tù Nghi Nam. Cảnh sát đã tống tiền cha mẹ họ 10.000 tệ rồi mới cho thả người.

Ngày 20 tháng 7 năm 2000, đánh dấu một năm bức hại, cảnh sát lại tiếp tục bắt hai vợ chồng ông Tổ rồi giam giữ họ một tháng vì lo sợ rằng họ sẽ đến Bắc Kinh một lần nữa để kháng cáo cho đức tin của mình. Cảnh sát đã tịch thu tất cả những tài sản có giá trị trong nhà họ, gồm có TV, máy khâu và máy nghe nhạc.

Ngày 28 tháng 1 năm 2001, cảnh sát còn nỗ lực bắt giữ hai vợ chồng họ lần thứ ba. Tuy nhiên, họ đã trốn thoát và buộc phải sống xa nhà để trốn tránh cảnh sát.

Bốn tháng sau, họ bị cảnh sát chặn lại trên đường, cảnh sát đã lục túi họ và tìm thấy nhiều tài liệu Pháp Luân Công. Lần này, trong khi vợ ông Tổ bị giam giữ một tháng thì ông lại bị giam giữ hai năm tại Trại lao động cưỡng bức Vương Thôn và tại đó ông đã bị tra tấn dã man hòng buộc ông phải từ bỏ đức tin của mình.

Ngày 22 tháng 7 năm 2007, ông Tổ lại bị lĩnh án lao động cưỡng bức với thời hạn 2 năm và bị giam giữ tại Trại lao động cưỡng bức số 1 tỉnh Sơn Đông. Tại đây ông bị tẩy não và bị bắt phải lao động khổ sai.

Trong thời gian bị giam cầm, vợ ông thường xuyên bị chính quyền địa phương sách nhiễu và con trai họ buộc phải nghỉ học và làm những công việc lặt vặt để phụ giúp gia đình.

Báo cáo liên quan:

Bốn học viên Pháp Luân Công ở Sơn Đông bị xét xử vì đức tin của họ

Bốn cư dân Sơn Đông bị kết án tù vì tìm kiếm công lý cho một học viên đã bị bức hại đến chết vì kiên định đức tin của mình

Chính quyền tự ý rút ống thở của một phụ nữ bị cầm tù sau sáu ngày phẫu thuật mà không được sự đồng ý từ phía gia đình


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/9/391236.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/19/178955.html

Đăng ngày 04-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share