Bài viết của Khương Đào, một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-07-2019] Trong suốt 20 năm qua, nhiều người dân Trung Quốc đã bị bức hại vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Bài viết này nói về những gì mà một giáo viên mỹ thuật đã trải qua trong 12 năm 6 tháng bị cầm tù oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công. Những ngược đãi trong tù khiến ông bị mờ mắt, lãng tai, mất trí nhớ và huyết áp cao. Mọi người thường cho là ông già hơn tuổi thực 46 của mình.

Bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông bắt đầu kể câu chuyện của mình: “Tôi là một giáo viên mỹ thuật của một trường trung học ở huyện Vĩnh Ninh, Ninh Hạ. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995 sau khi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân của ông Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công.”

Sau một thời gian, các bệnh mãn tính của ông, như đau đầu, viêm khớp dạng thấp và đau dạ dày đã biến mất. Ông cảm thấy khoẻ hơn và tràn đầy năng lương. Vợ ông cũng tu luyện sau khi chứng kiến những thay đổi tích cực ở ông.

Ngay khi Pháp Luân Công được truyền rộng khắp Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc bức hại pháp môn này vào tháng 7 năm 1999. Ông đã bị bắt và bị bỏ tù ba lần. Lần đầu tiên vào năm 2001, ông bị kết án 3,5 năm tù. Sau đó, ông bị kết án sáu năm tù vào năm 2006. Ông bị kết án lần thứ ba vào năm 2016. Lúc đầu ông bị kết án hai năm, và sau đó tăng thành ba năm sau khi ông kháng cáo.

Ông nói: “Tôi bị đuổi việc sau khi được ra tù vào năm 2010.”

Ông lái taxi để kiếm sống. Cha mẹ ông cũng phải chịu đựng rất nhiều thống khổ khi ông đang bị bức hại, khiến sức khoẻ của họ suy giảm.

thỉnh nguyện ôn hoà và bị bỏ tù

Tháng 10 năm 2000, hơn một năm sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, vợ chồng ông đã đến Bắc Kinh với con trai một tuổi của họ để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bị bắt và bị kết án 3,5 năm lao động cưỡng bức, vợ ông lãnh hai năm tù giam.

Tại một nhà máy gạch do Nhà tù Ngân Xuyên vận hành, ông bị ép phải làm việc trong các lò gạch nơi có nhiệt độ hơn 48°C. Ông làm việc trong nhiều giờ và hai tay bị phồng rộp đau đớn. Ông thường bị thương do bị gạch rơi trúng. Khi ông yêu cầu được tập Pháp Luân Công, các lính canh đã biệt giam ông 15 ngày. Khẩu phần ăn của ông bị cắt giảm, tay bị còng và chân bị xích. Hai cổ tay và mắt cá chân của ông mưng mủ và ruồi tấn công ông.

Ở tù lần hai

Ba tháng sau khi vợ ông bị bắt vào tháng 7 năm 2005, ông cũng lại bị bắt. Ông bị cấm ngủ trong bảy ngày liền. Công an đã xích chân và còng tay ông ra sau lưng vào một cái ghế. Ông đã tuyệt thực để phản đối tra tấn. Từ đó, huyết áp của ông trở nên bất ổn và ông thường cảm thấy chóng mặt.

Ông nói: “Tôi bị chuyển đến Trại tạm giam Vĩnh Ninh, tại đây, tôi công khai tập Pháp Luân Công và đã tuyệt thực nhiều lần để phản đối việc bị giam giữ. Công an đã dùng loại xiềng xích dùng cho tử tù để xích tôi lại trong bốn tháng. Họ cũng giảm khẩu phần ăn của tôi trong hai tháng.”

Ông tiếp tục: “Tôi bị kết án sáu năm tù vào tháng 5 năm 2006 và ba tháng sau bị đưa đến Nhà tù Thạch Chuỷ Sơn. Để phản bức hại, tôi đã tuyệt thực nhiều lần. Bắt đầu từ tháng 6 năm 2007, sau khi tôi tuyệt thực 24 ngày, lính canh đã ép tôi ngồi bất động trên một ghế đẩu nhỏ từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 45 ngày. Họ cũng chỉ đạo các tù nhân đánh đập tôi tàn bạo dẫn đến gãy một xương sườn.”

Từ tháng 6 năm 2008, ông bị tra tấn trong một đơn vị tăng cường trong sáu tháng, gồm ngồi hơn 10 tiếng một ngày không được cử động. Vì ngồi ở một tư thế trong thời gian dài, mọi khớp trên cơ thể ông đều bị đau, và có những vết phồng rộp bị thối rữa ở mông.

8972d4de755087a2e5f0c8c8f0721028.jpg

Minh họa tra tấn: Bị ép ngồi bất động trên một chiếc ghế nhỏ cả ngày dài

Vì có vấn đề về thị lực, ông đã yêu cầu được giao một công việc lao động khác vào tháng 2 năm 2009. Kết quả là ông bị biệt giam 15 ngày. Trong một chiến dịch nhắm vào các học viên kiên định vào tháng 4 năm 2009, ông đã bị đánh đập và cấm ngủ. Ngoài ra, lính canh cũng ép ông phải thực hiện các bài tập thể dục, và đọc những cuốn sách lăng mạ Pháp Luân Công. Ông cũng phải lao động nặng nhọc.

Thời hạn tù bị kéo dài do kháng án

Tháng 6 năm 2016, một nhóm công an đã xông vào căn hộ của ông và bắt ông. Họ tịch thu các máy tính, máy in và những tài sản cá nhân khác. Chính quyền đã nguỵ tạo bằng chứng để kết án ông hai năm tù. Ông ngay lập tức kháng cáo, đồng thời gia đình ông đã đệ đơn kiện những viên chức ở huyện Vĩnh Ninh vì kết án oan sai. Tuy nhiên, Toà án Trung cấp Ngân Xuyên đã tăng bản án của ông.

Trước khi bị chuyển đến Nhà tù Thạch Chuỷ Tử vào tháng 1 năm 2017, các lính canh đã đánh vào đầu ông, gây nên một cơn đau đầu kéo dài nhiều tuần. Họ yêu cầu ông từ bỏ Pháp Luân Công. Họ đưa ông vào một xà lim biệt giam và lột bỏ quần áo đông và giày của ông. Họ tắt lò sưởi và mở của sổ để khiến căn phòng luôn bị lạnh giá.

Ông nói: “Tôi chỉ được cấp một tấm thảm mỏng để ngủ trên sàn với một cái chăn mỏng. Thức ăn rất ít ỏi, chỉ có một cái bánh bao hấp nhỏ và một cốc nước cho mỗi bữa ăn, hay đôi lúc là cho cả ngày. Một tháng sau, tôi trở nên hốc hác và các khớp bị đau. Có đôi lúc họ mở những băng ghi âm lăng mạ Pháp Luân Công với âm lượng tối đa cả ngày. Việc này kéo dài trong ba tháng.”

Ông kể lại: “Trong khoảng thời gian một tháng bắt đầu từ tháng 2 năm 2018, tôi lại bị nhắm đến trong chiến dịch chống lại các học viên kiên định. Tôi và hai học viên khác bị ép phải ngồi bất động trên một ghế đẩu nhỏ chưa đầy 30cm từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Chúng tôi phải ép sát hai chân và đặt hai tay lên đùi mà không được cử động cả ngày.”

“Đến cuối tháng, tôi yếu đến nỗi đi gần như không thể đi lại và bị chóng mặt. Lính canh và tù nhân vẫn ép tôi làm việc nặng, đồng thời đánh và làm nhục tôi. Tôi bị đau đầu và sưng ở cổ. Lính canh không ngăn tù nhân ngược đãi tôi nhưng lại thưởng cho họ vì đã tra tấn tôi. Tôi được thả vào ngày 14 tháng 6 năm 2019.”

Bài liên quan:

Ba học viên Pháp Luân Công ở Ninh Hạ bị đưa ra xét xử vì nghi ngờ treo biểu ngữ


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/11/389735.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/21/178983.html

Đăng ngày 30-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share