Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 01-07-2019] Tôi từng là hiệu phó tại một trường dạy nghề và tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Trước khi tu luyện, tôi mắc nhiều căn bệnh như bệnh tim, mất ngủ, viêm amidan, và sáu loại viêm khác nhau trong hệ thống tiêu hóa. Bụng tôi căng phồng quanh năm. Tôi phải chịu đựng rất nhiều và không thuốc gì có thể chữa lành bệnh cho tôi. Khi ở tuổi 40, tôi trông như một ông già ngoài 60 tuổi.

Tất cả các bệnh của tôi đều biến mất sau một tháng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cảm thấy mình như trẻ lại và tăng 20 cân. Má tôi ửng hồng và tôi có thể đạp xe rất nhanh như thể có ai đó đẩy tôi từ phía sau. Tôi rất biết ơn Sư phụ đã giúp tôi có được sức khỏe tốt. Tuy nhiên, trên tất cả, điều trân quý nhất mà tôi học được chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Tôi tự nhủ: Hãy trân quý cơ hội này! Chiểu theo Pháp và tu bỏ các chấp trước của mình! Quay trở về với chân ngã và trở về nhà với Sư phụ!

Khi tôi đọc Chuyển Pháp Luân lần đầu, có một điều trong cuốn sách khiến tôi chấn động. Sư phụ giảng:

“Có một học viên ở nhà máy dệt kim tại một thành phố của tỉnh Sơn Đông, sau khi học Pháp Luân Đại Pháp đã dạy các công nhân khác luyện; kết quả làm cho diện mạo tinh thần của nhà máy hưng khởi hẳn lên. Trước đây các đầu [mẩu] khăn tắm của nhà máy dệt kim thường bị cất đi mang về nhà, các công nhân đều lấy [như thế]. Sau khi học công rồi thì anh ta không những không lấy nữa, mà còn mang những thứ đã lấy về nhà trả lại [nhà máy]”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Những lời dạy trên khiến tôi nhớ lại bản thân mình. Tôi tận dụng vị trí của mình trong công việc và cũng mang nhiều thứ về nhà. Giờ đây khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã không còn lấy những thứ không thuộc về mình và cố gắng trả lại những thứ mà tôi đã lấy trước đây. Sư phụ đã cứu tôi từ địa ngục và giúp tôi thoát khỏi bệnh tật. Vì thế, tôi phải tẩy tịnh bản thân trong tu luyện để không còn nợ nghiệp. Đây là cách tốt nhất để bày tỏ lòng cảm ân của tôi đối với Sư phụ. Khi tôi tu luyện tốt, tôi cảm thấy mọi người sẽ nhìn thấy và cảm nhận được sự tốt lành của Đại Pháp.

Hóa đơn không được thanh toán trong 13 năm

Tại sở làm, tôi chủ yếu phụ trách việc giảng dạy và quản lý học sinh. Thỉnh thoảng khi tôi mua đồ gia dụng, sách hoặc các vật dụng khác, tôi nộp hóa đơn để được thanh toán lại. Hiệu trưởng rất tốt với tôi. Anh ấy chấp nhận tất cả các hóa đơn tôi đưa cho anh mà không cần kiểm tra lại. Tôi cũng thường sử dụng xe ô tô của trường để thuận tiện cho công việc của mình.

Tuy nhiên, kể từ khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi hiểu rằng việc lợi dụng người khác sẽ khiến tôi mất đức và tạo nghiệp. Tôi cần phải thay đổi hành vi này, giống như một đóa sen tinh khôi dẫu mọc lên từ bùn mà vẫn không bị vấy bẩn.

Vì vậy, tôi quyết định quyên góp tất cả số sách được mua bằng tiền của trường học cho một thư viện. Ngoài ra, tôi đã sử dụng phương tiện công cộng thay vì dùng xe công ty khi tôi đi làm các việc cá nhân. Tất nhiên, có những lúc tôi lo lắng về những gì mọi người có thể hỏi nếu họ thấy tôi ngồi trên xe buýt. Những bài giảng Pháp của Sư phụ cho tôi nhận ra các chấp trước vào sự phù phiếm, tâm hiển thị, giữ thể diện và đây là cơ hội để tôi tu bỏ chúng.

Nơi tôi ở khá xa sở làm. Trước đây, khi trời mưa, một người tài xế sẽ đưa tôi về nhà. Tuy nhiên, giờ đây tôi nhận ra rằng mình cần phải chiểu theo các tiêu chuẩn của Đại Pháp bằng cách nghĩ cho người khác trước. Vì thế, tôi nói người tài xế hãy đưa những người còn phải chăm sóc con nhỏ và các nhân viên nữ về nhà trước, còn tôi thì đạp xe trong mưa. Cảm giác này thật tuyệt!

Từ năm 2009, tôi không còn giảng dạy ở tuyến đầu nữa. Trước đó, hầu như mỗi tháng tôi đều nộp hóa đơn thanh toán. Nhưng từ khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1996 đến năm 2008, tôi không còn nộp bất cứ hóa đơn nào. Đôi khi, tôi còn chi trả các vật dụng ở trường bằng tiền của mình; đó là cách tốt nhất mà tôi có thể chuộc lại những lỗi lầm đã phạm phải trong quá khứ.

Tại sở làm, tôi thường phải gọi điện bằng điện thoại di động. Theo quy định của trường, chúng tôi không thể yêu cầu thanh toán chi phí sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, hiệu trưởng đề nghị nên thanh toán, và một vị hiệu phó khác cũng đã được thanh toán 100 đô la mỗi lần dưới hình thức “chi phí ăn uống” hoặc “chi phí vật tư văn phòng”. Tôi nhận ra rằng việc chấp thuận lời đề nghị đồng nghĩa với việc tôi không trung thực. Là một đệ tử Đại Pháp, tôi cần phải hành xử một cách đường đường chính chính. Vì thế tôi đã thảo luận quan điểm của mình với vị hiệu phó này, người vốn đã đọc sách Chuyển Pháp Luân trước đó. Cả hai chúng tôi đều lịch sự từ chối lời đề nghị của hiệu trưởng.

Từ chối giải thưởng trong công việc

Có lần, vị hiệu trưởng nói rằng trường chúng tôi được trao tặng giải thưởng “giáo viên tiên tiến,” và vì tôi đã đóng góp rất nhiều cho trường nên anh ấy quyết định đề cử tôi. Anh ấy nói, “Đây là một vinh dự to lớn vì anh sẽ được hưởng 100% tiền lương khi về hưu”. Tôi nghĩ, là một học viên Đại Pháp, mình không thể nhận nó. Số tiền càng lớn, thì tôi càng muốn đưa nó cho người khác.

Tôi nói với hiệu trưởng rằng: “Trong suốt những năm qua, anh đã quan tâm đến tôi bằng nhiều cách và tôi rất biết ơn anh. Tôi là một người tu luyện. Là một hiệu phó, làm việc chăm chỉ là trách nhiệm của tôi. Để duy trì danh tiếng của trường chúng ta, tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta nên dành vinh dự này cho một giáo viên”. Vị hiệu trưởng đã nở một nụ cười lớn với tôi.

Vào cuối năm, các cơ quan có thẩm quyền cao hơn đến trường chúng tôi để kiểm tra chất lượng hàng năm. Có ba hình thức khác nhau: một là dành cho ban giám hiệu, một hình thức khác là dành cho giáo viên, và hình thức thứ ba là dành cho nhân viên hành chính. Các hình thức kiểm tra đều có ghi tên của mọi người. Tất cả chúng tôi phải chấm điểm bằng cách đánh dấu vào các ô “xuất sắc, tốt, và chưa đạt” cho cả ba hình thức, gồm cả việc tự chấm cho chính mình. Vì thế, kết quả bình chọn sẽ gồm nhân viên quản lý “xuất sắc”, giáo viên “xuất sắc” và nhân viên hành chính “xuất sắc”. Những người đạt thành tích “xuất sắc” trong ba năm liên tiếp sẽ được tăng lương. Tôi tự đánh giá điểm “tốt” cho thành tích của mình vì mặc dù tôi làm việc chăm chỉ, nhưng nếu tôi đo lường bản thân theo tiêu chuẩn của một người tu luyện thì tôi vẫn còn lâu mới trở thành một người “xuất sắc”.

Có một tình tiết xung quanh vấn đề này. Một năm nọ, sau dịp năm mới, một giáo viên tin học nói với tôi: “Sau đợt đánh giá năm ngoái, người đứng đầu phòng điều hành yêu cầu tôi nhập điểm của từng người vào hệ thống lưu trữ, và anh là người có điểm cao nhất. Anh ấy bảo tôi chuyển phiếu bầu của anh cho hiệu trưởng”. Tôi cảm thấy bất ngờ, nhưng vẫn có thể nhanh chóng bình tĩnh trở lại. Sư phụ dạy chúng ta không quan tâm đến lợi ích thiết thân trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng phải đây là một cơ hội tốt để đề cao tâm tính của chúng ta? Đồng thời, tôi nghĩ rằng cần phải cảm thông và nghĩ cho thể diện của người khác, vì thế tôi nói với người giáo viên rằng: “Xin anh đừng nhắc lại những gì vừa nói với tôi cho người khác nhé. Làm thế sẽ không tốt”. Anh ấy bảo: “Tôi đồng ý”.

Trong khi hiệu trưởng đang trò chuyện với cô nhân viên kế toán của trường, chủ đề về Pháp Luân Đại Pháp được đưa ra thảo luận, và anh ấy đề cập đến tôi. Anh ấy bảo rằng kể từ khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã trở thành một người khác. Cả hai chúng tôi đã làm việc với nhau hơn 18 năm, và anh ấy luôn tôn trọng tôi. Trước đây, đó là vì để tôi có thể bù đắp cho những việc mà anh ấy thiếu sót. Nhưng sau này, việc tôn trọng chủ yếu là đến từ sự công nhận và vinh danh các học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Quà tặng là những “món nợ” – Quá trình hoàn trả chúng

Vào cuối những năm 1990, trường tôi khá nổi tiếng vì chúng tôi có thể sắp xếp để các sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Một số phụ huynh đưa con đến trường chúng tôi và không quên mang theo quà biếu. Tôi đã nhận quà và giúp những người cần được giúp, và cảm thấy thoải mái vì điều đó.

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết rằng tôi không nên tiếp tục nhận quà, và chúng nên được trả lại. Nhưng trên thực tế, thật khó để làm điều này vì có quá nhiều người đã tặng quà cho tôi. Những món quà của ai thì nên hoặc không nên trả lại? Mọi người đến từ khắp nơi. Một số người thì ở ngay thành phố chúng tôi và những người khác thì ở các thị trấn và vùng nông thôn khác. Hơn nữa, mối quan hệ giữa họ với nhau lại rất phức tạp. Vì thế, không dễ để tìm được họ.

Khi tôi học Pháp nhiều hơn và nhận thức mọi thứ ở mức độ sâu hơn, cuối cùng tôi có thể dùng chính niệm để suy xét vấn đề – tôi sẽ hoàn trả lại quà hoặc tiền. Mặc dù việc này khó khăn, nhưng tôi cảm thấy chỉ khi tôi thực sự có thể làm được thì đó mới là chân chính tu luyện. Dù sao đi nữa, trong xã hội người thường không có những việc như “trả lại quà”, vì nó sẽ làm mọi người cảm thấy khó xử. Vì thế, tôi đã áp dụng một số phương thức khác.

Ví dụ, có một doanh nhân bán hơn 10 máy tính cho trường. Sau khi giao dịch được thực hiện, anh ấy đưa cho tôi một phong bì đỏ kèm 1.000 đô la bên trong.

Tôi đã để ý người này. Vài năm trước, tôi biết con gái ông kết hôn, vì thế tôi đã tặng ông một phong bì đỏ với 1.000 đô la làm quà tặng. Tôi cũng giảng chân tướng cho ông và giúp ông tam thoái. Ông ấy nhanh chóng chấp thuận. Trước khi ông rời đi, ông đã bắt tay tôi và nói rằng, “Bất cứ điều gì nói trên truyền hình đều chỉ là tuyên truyền. Pháp Luân Đại Pháp là tốt!”

Tôi có một người chú họ xa, đang sống ở một thị trấn cách vài trăm dặm. Công ty của chú ở gần trường tôi. Chú ấy tặng tôi một món quà như cách để nhờ tôi giúp con trai chú được nhận vào trường tôi.

Có nhiều việc rắc rối khi gửi trả lại quà cho chú ấy, vì người em họ (con của chú) đã mất hơn 10 năm trước và vợ cậu ấy đã tái hôn. Tôi đã cố thử nhiều cách để tìm được người.

Sau đó, tôi tình cờ gặp lại vợ của người em họ này trong một bữa tiệc và phát hiện rằng chú họ tôi đã nghỉ hưu. Chú bị đau tim và phải phẫu thuật. Thật không may là vợ của người em họ và chú tôi có mối quan hệ không tốt với nhau. Họ đã không gặp và nói chuyện với nhau trong nhiều năm. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng thì cô ấy cũng có được số điện thoại của chú. Chú rất vui khi nhận được điện thoại của tôi. Vì lúc đó gần đến dịp năm mới, nên việc tôi gửi tặng chú ấy một món quà quê đặc biệt là điều bình thường. Tôi nói với chú rằng: “Cháu vẫn nhớ là chú từ nơi rất xa đến trường cháu để đăng ký nhập học cho con chú. Cháu nghe nói chú đã phẫu thuật và cháu nghĩ nên đến thăm chú. Cháu hy vọng chú sẽ sớm bình phục. Cháu chúc chú năm mới vui vẻ!”

Mùa xuân năm 2015, cô nhân viên kế toán ở trường mà tôi vừa đề cập bị xuất huyết não và phải nhập viện phẫu thuật. Tôi và một số đồng nghiệp đã đến thăm cô ấy. Vài ngày sau, tôi lại đến thăm một mình và tặng cô 1.000 đô la. Tôi nói với cô ấy rằng: “Khi cô tốt nghiệp và định làm việc tại trường chúng ta, chú của cô đã đến gặp tôi. Ông ấy mang theo hai chai rượu vang cao cấp. Tôi và ông ấy đã trở thành bạn tốt trong nhiều năm và tôi rất tôn trọng ông ấy. Bây giờ cô đang nằm viện, và tôi nghĩ mình nên đến thăm cô để bày tỏ tấm lòng của tôi đối với ông ấy. Xin hãy chân thành niệm: ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân – Thiện – Nhẫn hảo’, và cô sẽ cảm thấy tốt hơn”. Cô kế toán đã rất cảm động. Chồng cô bắt tay tôi và nói: “Cả hai chúng tôi đều rất kính trọng thầy. Chúng tôi sẽ làm theo đề nghị của thầy và tam thoái”. Kết quả là cô kế toán đã phục hồi nhanh chóng.

Một năm nọ, một thầy giáo ở trường trung học cơ sở của tôi đã đưa bạn bè và đồng nghiệp đến thăm tôi. Tôi đã giúp họ vài việc và nhận một món quà mà họ mang tặng.

Thật không dễ để trả lại món quà này. Thầy giáo và đồng nghiệp của ông ấy đã nghỉ hưu từ lâu. Tất cả họ đều đã trở về quê nhà. Trong hai năm liên tiếp, mỗi lần tôi trở về quê, tôi đều liên lạc với ông và bày tỏ mong muốn được trả lại quà. Tôi nhờ ông ấy mời bạn bè và đồng nghiệp của ông tụ họp. Tuy nhiên, ông ấy từ chối lời mời của tôi và nói rằng món quà chỉ đơn giản là để bày tỏ tấm lòng của họ. Năm ngoái, tôi gửi cho người thầy của mình một số tiền và nhờ ông thực hiện mong muốn của tôi. Ông cầm lấy tiền và nói rằng: “Tôi thật tự hào về đạo đức tuyệt vời của em”.

Thay lời kết

Trong 23 năm qua, vì vấn đề trả lại tiền và quà tặng, dường như tôi đã chịu một số tổn thất về tiền bạc. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình tôi ngày càng tốt hơn. Mọi người trong gia đình đều khỏe mạnh. Tôi vô cùng biết ơn phước lành từ Đại Pháp và toại nguyện vì có thể chứng thực Pháp theo cách như vậy.

Con xin cảm tạ Sư phụ đã dạy con về sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/1/389116.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/24/178559.html

Đăng ngày 29-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share