[MINH HUỆ 24-04-2010] Sáng ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công bắt đầu xếp hàng ngay ngắn và trật tự bên ngoài Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh. Đây là Khu Phức hợp của Chính quyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần Trung Nam Hải. Họ yêu cầu trả lại môi trường tự do tu luyện Pháp Luân Công mà họ từng có trong nhiều năm, và quan trọng hơn là thả hàng chục học viên vừa bị bắt giữ gần đây ở thành phố phụ cận Thiên Tân. Cảnh sát Thiên Tân đã chỉ dẫn các học viên đưa yêu cầu của họ lên Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh và các học viên đã làm đúng như vậy.

Khi số học viên đông lên, những quan chức mưu mô của ĐCSTQ đã chỉ đạo cảnh sát yêu cầu những người tham gia kháng cáo xếp hàng dọc theo Trung Nam Hải. Những người kháng nghị ôn hòa này, không chút nghi ngờ gì về động cơ thầm kín đằng sau việc này, nên đã đồng ý. Nhưng chính điều này lại tạo cho các quan chức của ĐCSTQ cái cớ mà họ cần để xuyên tạc bản chất của cuộc thỉnh nguyện này. Thay vì miêu tả đúng như những gì đã diễn ra là một cuộc biểu tình hết sức ôn hòa và lặng lẽ của những người đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình, các quan chức của ĐCSTQ lại dán nhãn cho sự kiện này là “cuộc bao vây khu phức hợp chính quyền trung ương (Trung Nam Hải)”. Sau đó, truyền thông nhà nước đã huy động tối đa bộ máy tuyên truyền của nó nhằm vu khống sự kiện này để lừa dối không chỉ người dân Trung Quốc mà cả người dân trên toàn thế giới.

Kể từ đó, các cơ quan chính quyền của ĐCSTQ đã sử dụng cách giải thích lệch lạc, lừa dối của họ về sự kiện này để “biện minh” cho việc đối xử tàn nhẫn với Pháp Luân Công. Trong suy nghĩ của nhiều người trên thế giới, cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 được gọi là “sự cố Trung Nam Hải”, mang hàm nghĩa tiêu cực, đúng như tuyên truyền lừa dối của ĐCSTQ.

Chính vì vậy, việc phơi bày chân tướng của toàn bộ sự việc có ý nghĩa quan trọng, để mọi người không tiếp tục bị lừa nữa. Tuyên truyền giả dối này đã cáo buộc cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 là bằng chứng cho thấy Pháp Luân Công theo đuổi quyền lực chính trị và là mối đe dọa nguy hiểm và có thể là bạo lực đối với quốc gia và người dân; ngoài ra còn có những cáo buộc khác nữa. Những luận điệu này được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông Trung Quốc ở cả trong nước và nước ngoài, từ đó gây ra sự hiểu lầm ở khắp nơi về sự kiện này.

Một cuộc điều tra trung thực về sự kiện này cho thấy một bức tranh khác biệt rõ ràng, hoàn toàn khác với bức tranh đáng sợ được tô vẽ trong tuyên truyền của ĐCSTQ.

1. Diễn biến sự kiện

Các học viên Pháp Luân Công đến Trung Nam Hải để thỉnh nguyện cho 45 học viên Pháp Luân Công vừa bị Cục Công an Thành phố Thiên Tân giam giữ phi pháp. Vì Pháp Luân Công giúp người học cải thiện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần nên số học viên ở Trung Quốc Đại lục đã tăng lên nhanh chóng. Theo một báo cáo của chính phủ vào năm 1998, số học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là từ khoảng 70 triệu đến 100 triệu người. ĐCSTQ coi đây là mối đe dọa chính trị tiềm ẩn mặc dù Pháp Luân Công không mưu cầu chính trị. Một số quan chức chính phủ đã lợi dụng tình huống này bằng cách tạo ra các vấn đề nhằm tranh thủ uy thế chính trị. Do đó, các cơ quan báo chí do chính quyền kiểm soát liên tục đăng tải những câu chuyện và bài báo sai sự thật nhằm công kích Pháp Luân Công.

Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 khởi phát từ những diễn biến ở Thiên Tân trước đó, khi một nhà khoa học của ĐCSTQ Hà Tộ Hưu đăng một bài báo trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thanh niên (một tạp chí do Học viện Giáo dục Thiên Tân xuất bản) với tiêu đề “Tôi không ủng hộ thanh niên luyện tập khí công”. Trong bài báo này, ông ta đã bịa đặt ra những câu chuyện rằng [luyện] Pháp Luân Công có thể dẫn đến bệnh tâm thần và còn ngụ ý rằng Pháp Luân Công có thể trở thành một tổ chức tương tự như các Boxers (võ sỹ quyền anh) từng lãnh đạo một cuộc phiến loạn trong thế kỷ 19 nhằm phá hoại đất nước Trung Quốc. Nhiều học viên Pháp Luân Công bức xúc trước lời vu khống này. Không còn cách nào khác, một số học viên đã đi thỉnh nguyện, vốn là một biện pháp được chính phủ chấp thuận. Ngày 18 tháng 4, họ đã đến Học viện Giáo dục Thiên Tân để trình bày sự thật về Pháp Luân Công. Sau đây, bài viết sẽ giải thích tại sao không còn cách nào khác để phản ánh những cáo buộc như vậy.

Cục Công an Thiên Tân xuất hiện và sách nhiễu là việc hoàn toàn bất ngờ đối với các học viên. Họ cũng không trao đổi với các học viên cho thỏa đáng, mà cho người đến đánh một số học viên. Vào ngày 23 tháng 4, họ bắt đầu giải tán và giam giữ các học viên, tương đương với việc chặn kênh duy nhất mà các học viên Pháp Luân Công có thể trình bày chân tướng với chính quyền. Ngày 25 tháng 4, các học viên tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên một cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Họ yêu cầu thả các học viên vô tội, một môi trường tự do và hợp pháp để luyện các bài công pháp, và giảm bớt áp lực mà chính quyền đã gây ra cho các học viên Pháp Luân Công bấy lâu.

Ban đầu, các học viên tập trung quanh Văn phòng Kháng cáo Trung ương. Sau đó, một số cảnh sát bảo họ rằng tập trung một nơi thì không an toàn, còn chỗ kia thì thoải mái, không hạn chế số người. Vì vậy, theo sự chỉ dẫn của cảnh sát, các học viên chia thành hai nhóm xếp hàng dọc theo Trung Nam Hải. Sau đó, ông Hà Tộ Hưu đến, hòng phá rối các học viên; nhưng không ai phản ứng lại.

Theo một nhân chứng, tối ngày 24 tháng 4, một số học viên đang làm việc ở Cục Công an đã đưa danh thiếp của họ tới Trung Nam Hải, đề nghị một cơ hội thảo luận về tình huống này, song không có phản hồi nào cả. Đến 9 giờ tối, các học viên bắt đầu tập trung tại Phố Phủ Hữu gần Trung Nam Hải, một số người mang theo hành lý, một số mang theo thảm ngồi thiền. Hầu hết các học viên đến từ các thành phố bên ngoài Bắc Kinh.

Vào lúc 6 giờ sáng ngày 25 tháng 4, một nhân chứng đến lối vào phía Bắc của đường Phủ Hữu và phát hiện ra cảnh sát đang chặn đường đến Trung Nam Hải. Không ai trong các học viên tìm cách đi qua, nhưng họ đã chứng kiến ​​một cảnh tượng đáng kinh ngạc. Đầu tiên, cảnh sát dẫn các học viên từ phía Đông sang phía Tây của con đường, rồi dẫn họ đi về phía Nam hướng đến Trung Nam Hải. Trong khi đó, có một nhóm khác đến từ hướng ngược lại, cũng do cảnh sát dẫn dường, và cả hai nhóm đã gặp nhau ngay bên ngoài cổng chính của Trung Nam Hải. Theo truyền thông, đã có hơn 10.000 học viên tập trung bên ngoài Trung Nam Hải.

Chẳng mấy chốc, học viên từ các hướng đều tập trung tại đây. Họ đứng kín các vỉa hè bên ngoài Trung Nam Hải. Nhưng giao thông không hề bị tắc nghẽn; ngay cả đường dành cho người khuyết tật cũng vẫn thông suốt. Có những cụ ông, cụ bà 70, 80 tuổi, những phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh và những bà mẹ bế trẻ sơ sinh trên tay. Nhiều người hầu như không ăn uống gì để hạn chế việc sử dụng nhà vệ sinh.

Các học viên không đi lại trên đường phố, không hô khẩu hiệu hay vẫy biểu ngữ, cũng không có bất kỳ cuộc ẩu đả nào. Ở Trung Quốc, việc kháng nghị lên chính quyền không yêu cầu phải có giấy phép của cục công an. Mỗi học viên đến đó chỉ để trình bày quan điểm của riêng mình. Họ đến để phản ánh về sự ngược đãi đối với họ và bạn bè của họ, điều này không vi phạm bất kỳ quy định hay điều luật nào. Khi thấy đã đạt được mục đích bày tỏ quan ngại và được chính phủ hiểu và ủng hộ, các học viên đã lặng lẽ giải tán vào lúc 11:30 tối (1)

2. Nguyên nhân của việc tập trung

Trên bề mặt, nguyên nhân của cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 có vẻ là là do các vụ bắt giữ ở Thiên Tân và một bài báo công kích Pháp Luân Công của Hà Tộ Hưu. Nhưng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự lo lắng của chính quyền trung ương trước sự phổ biến chưa từng thấy của Pháp Luân Công. Sau bảy năm kể từ khi Đại sư Lý Hồng Chí lần đầu tiên truyền giảng ra công chúng vào năm 1992, đã có khoảng 70 đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại lục. Để có được nhận thức đầy đủ về sự kiện này là rất phức tạp, vì nó có cả nguyên nhân trong dài hạn và ngắn hạn, lại liên quan đến các cuộc đấu đá chính trị trong nội bộ ĐCSTQ.

A. Nguyên nhân dài hạn và ngắn hạn

Nguyên nhân dài hạn của cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 là sự đàn áp liên tục đối với Pháp Luân Công. Trước sự phổ biến nhanh chóng của Pháp Luân Công, chính quyền trung ương đã lo sợ mất quyền kiểm soát đối với người dân. Do đó, chính quyền đã tìm cách làm suy yếu Pháp Luân Công thông qua các phương tiện truyền thông, bằng cách cấm sách, tiến hành điều tra bí mật và quấy nhiễu các địa điểm luyện công từ những năm trước đó, hòng phá hủy môi trường tu luyện Pháp Luân Công của các học viên. Do vậy, các học viên không còn cách nào khác để trình bày sự thật về các vụ trấn áp, ngoài thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương. Cuộc tập trung vào ngày 25 tháng 4 chỉ nhằm mục đích như vậy.

Chính quyền trung ương bắt đầu chỉ trích Pháp Luân Công vào ngày 17 tháng 6 năm 1996. Ngày hôm đó, Quang Minh Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Quốc vụ viện, vốn chỉ phản ánh quan điểm ​​của các quan chức chính phủ trong các bài báo) đã đăng một bài báo chỉ trích Pháp Luân Công là môn tu luyện “phản khoa học“, “mê tín”, và gọi các học viên là những kẻ “ngốc”.

Ngày 24 tháng 7 năm 1996, Văn phòng Xuất bản Tin tức Trung Quốc đã ban hành một thông báo về việc “lập tức tịch thu năm cuốn sách, trong đó có Pháp Luân Công” (2) trên toàn quốc. Sau đó, hàng chục tờ báo và tạp chí bắt đầu tham gia chiến dịch chống phá Pháp Luân Công. Một số học giả là quan chức trong chính quyền như Hà Tộ Hưu cũng tích cực tham gia chiến dịch này. Họ đã khoác danh “nhà khoa học” để vu khống Pháp Luân Công. Văn phòng Xuất bản và Bộ Tuyên truyền Trung ương cũng lệnh cho tất cả các công ty xuất bản không được xuất bản các sách liên quan đến Pháp Luân Công.

Một số cơ quan chính phủ bắt đầu điều tra Pháp Luân Công vào đầu năm 1997. Bộ Công an đã triển khai một cuộc điều tra Pháp Luân Công trên toàn quốc, viện cớ là Pháp Luân Công bị liệt vào cái gọi là hoạt động tôn giáo bất hợp pháp. Vì môn tu luyện Pháp Luân Công không có những hoạt động như vậy nên cuộc điều tra không tìm được cớ gì để có thể truy tố. Bấy giờ, các cơ quan chính phủ hữu quan thành lập một đội theo dõi Pháp Luân Công. Đồng thời, họ lệnh cho phòng Giáo dục Thể chất điều tra các hoạt động của Pháp Luân Công. Mặc dù mọi phản hồi từ các phòng Giáo dục thể chất đều tích cực, các báo cáo của họ đều chỉ ra rằng Pháp Luân Công là một hoạt động có tác dụng cải thiện sức khỏe, chữa lành bệnh tật và không có yếu tố tôn giáo bất hợp pháp nào, nhưng Bộ Công an vẫn khăng khăng cho rằng việc giám sát chặt chẽ các hoạt động của Pháp Luân Công là cần thiết.

Ngày 21 tháng 7 năm 1998, một số cơ quan chính phủ lại ban hành “Thông báo tiến hành điều tra Pháp Luân Công”, trong đó nhấn mạnh rằng ông Lý Hồng Chí đang truyền bá tà giáo và rằng các học viên Pháp Luân Công “chủ chốt” đang tiến hành các hoạt động tội phạm. Thông báo này cũng lệnh cho tất cả các cơ quan Công an và Bảo vệ Chính trị địa phương điều tra hoạt động nội bộ của những người này và tìm kiếm bằng chứng về bất kỳ hành vi phạm tội nào trong Pháp Luân Công. Như vậy, rõ ràng là các cơ quan Công an đã dán nhãn cho Pháp Luân Công là tham gia vào hoạt động tội phạm mà không có bất kỳ bằng chứng nào. Nói cách khác, đây là kết án trước, điều tra sau.

Sau khi văn bản này được ban hành, nhiều cơ quan công an địa phương tuyên bố hoạt động của Pháp Luân Công bị coi là hội họp bất hợp pháp. Họ đã giải tán các nhóm luyện công, tịch thu tài sản cá nhân của các học viên và còn giam giữ, bắt giữ, đánh đập và lăng mạ các học viên Pháp Luân Công. Ở một số khu vực, các học viên bị phạt, các sách liên quan đến Pháp Luân Công đã bị cấm. Các học viên đã nhiều lần cố gắng kháng nghị thông qua các kênh thông thường, nhưng không thành công.

Ở Trung Quốc Đại lục chỉ có một tiếng nói chính thức, mà lại có quá nhiều bài báo chỉ trích, phỉ báng và vu khống Pháp Luân Công đã được xuất bản trong những năm trước khi lệnh cấm chính thức được ban hành. Không một bài báo nào bảo vệ Pháp Luân Công có thể được xuất bản. Trong bối cảnh không còn sự lựa chọn nào khác, các học viên Pháp Luân Công đã tới Bắc Kinh, yêu cầu chính phủ cho họ một môi trường tự do để tu luyện. Nói tóm lại, cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 bắt nguồn từ những vu khống của chính quyền mà Pháp Luân Công đã nhẫn chịu trong nhiều năm. Ngoài ra, các học viên không có nơi nào khác để trình bày sự thật ở Trung Quốc Đại lục – không còn cách nào khác để thực hành quyền tự do ngôn luận.

Một lý do ngắn hạn khác dẫn đến cuộc thỉnh nguyện này, như đã đề cập bên trên, là để yêu cầu thả các học viên đã bị bắt bớ trong vụ việc ở Thiên Tân. Nỗ lực báo cáo vụ việc đó lên chính quyền ở Thiên Tân đã dẫn đến việc Cục Công an Thiên Tân bắt giữ 45 học viên. Ở Trung Quốc Đại lục, kháng nghị không chỉ là quyền được pháp luật bảo vệ mà còn là cách thức duy nhất mà các học viên có thể sử dụng để trình bày sự thật. Việc các học viên tập trung tại Bắc Kinh là một cuộc thỉnh nguyện hợp pháp; điều bất thường duy nhất là số lượng người tham dự quá lớn.

B. Nguyên nhân chính trị

Sự đàn áp của chính quyền dẫn đến sự kiện ngày 25 tháng 4 nhiều khả năng liên quan đến các cuộc đấu đá chính trị giữa các quan chức cấp cao. Các phe phái trong chính quyền trung ương có nhiều quan điểm khác nhau về Pháp Luân Công. Trong đó, một số người tìm cách lợi dụng việc tiêu diệt Pháp Luân Công để thăng tiến trong sự nghiệp chính trị của họ. Theo một bài báo của Thông tấn xã Trung ương (ngày 5 tháng 4 từ Đài Bắc), ý đồ chính trị của chính quyền đằng sau sự kiện ngày 25 tháng 4 có thể nói là thủ đoạn “thả rồi bắt” và ”[chính quyền] chịu đựng một chút rồi mới buộc tội [Pháp Luân Công]“. Mục đích là để làm cho Trung Nam Hải trông như phải chịu áp lực, rồi cấm Pháp Luân Công, khiến chính phủ có đủ điều kiện triển khai vũ lực để đập tan cái gọi là mối đe dọa này.

Ngay từ năm 1996, một số cơ quan trong chính quyền trung ương đã chú ý đến sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công. La Cán, Tổng Thư ký Quốc vụ viện thời bấy giờ, đã ra lệnh cho Bộ Công an tiến hành một cuộc điều tra bí mật. Cán bộ trong hệ thống công an đã trà trộn để tham gia vào các hoạt động Pháp Luân Công, nhưng không tìm thấy bằng chứng nào về hành vi phạm tội.

Ngay cả khi thiếu bằng chứng, ​​trong chính quyền vẫn có hai luồng ý kiến về cách ứng xử với Pháp Luân Công. Một phía cho rằng Pháp Luân Công không phải là vấn đề chính trị, do đó, không nên bị cấm. Phía bên kia lo lắng về sự phổ biến và ảnh hưởng ngày càng lớn của Pháp Luân Công, điều mà họ cho rằng có khả năng trở thành một lực lượng chống lại ĐCSTQ. Họ kiên quyết cấm Pháp Luân Công. Đầu vào năm 1998, La Cán, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, đã tích cực chủ trương cấm Pháp Luân Công. Thủ tướng Chu Dung Cơ đã bác bỏ ý kiến ​​này, còn Chủ tịch Giang Trạch Dân không bày tỏ ý kiến gì.

La Cán là họ hàng của Hà Tộ Hưu, một thành viên của Học viện Khoa học Trung Quốc. Hà Tộ Hưu đã sử dụng truyền thông để công khai vu khống Pháp Luân Công, hòng tạo ra mâu thuẫn giữa Pháp Luân Công với chính quyền trung ương. Mục đích của ông ta là nhằm tạo ra những vụ việc khiến các phe phái trong ĐCSTQ phải đồng ý rằng việc cấm Pháp Luân Công là đúng đắn và cần thiết. Sau sự kiện ngày 25 tháng 4, La Cán báo cáo rằng Pháp Luân Công có hàng chục triệu học viên, mang bản chất tôn giáo, mê tín, và ông Lý Hồng Chí, hiện đang sinh sống ở New York, bị nghi ngờ có một mạng lưới quốc tế phức tạp. Ông ta báo cáo rằng Pháp Luân Công, vì thế, là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự ổn định xã hội. Những quan điểm ​​này thậm chí còn được truyền đi rộng khắp, sang cả Hồng Kông và truyền thông quốc tế, nhằm thổi phồng “mối đe dọa” tiềm ẩn của Pháp Luân Công.

Thực ra, Pháp Luân Công là môn tu luyện hình thức hoạt động rất lỏng lẻo, không ghi danh, không cấp bậc. Vậy làm thế nào những học viên đó, không có một tổ chức, lại có vẻ “được tổ chức và chỉ đạo tốt” như vậy? Phải chăng đây là nguyên nhân khiến cảnh sát cũng có thể giả danh là học viên? Ba ngày trước cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, các cơ quan an ninh đã nhận được thông tin về cuộc thỉnh nguyện và đã bắt đầu theo dõi chặt chẽ tình hình. Họ không báo cáo thông tin này trước khi sự việc xảy ra, mà vờ nhận lỗi sau đó. Đây chẳng phải là “thủ đoạn chịu đựng rồi mới buộc tội” sao?

Bằng chứng khác cho thấy sự việc ngày 25 tháng 4 là một cái bẫy do công an dựng lên và các học viên Pháp Luân Công vô tội đã rơi vào cái bẫy này khi chưa kịp hiểu vấn đề. Nội dung sau đây sẽ phân tích vấn đề này.

3. Một số giải thích làm rõ

A. Các học viên bị chính quyền lừa bao quanh Trung Nam Hải

Các học viên Pháp Luân Công bị cáo buộc là “bao vây” Trung Nam Hải vì họ đã xếp thành một vòng tròn quanh khu vực đó. Trên thực tế, họ đứng như vậy là do Cục Công an dàn xếp. Trong phần đầu của phần bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ lời kể của một nhân chứng về sự việc. Ông đã chỉ ra rằng các học viên Pháp Luân Công bị cảnh sát chỉ đạo đi theo hai tuyến đường rồi cùng đổ về tập trung ở cổng trước của Trung Nam Hải và tạo thành một vòng tròn. Ngay cả khi nhân chứng đó đang kể với chúng tôi sự việc này, ông cũng chưa nhận ra là các học viên bị cảnh sát lừa. Ông chỉ đơn giản kể lại những gì đã chứng kiến. Nhiều người, kể cả các học viên Pháp Luân Công, không nhận thức được tình huống này sau khi đọc những gì ông thuật lại. Mãi đến ngày 24 tháng 6, một số học viên mới chỉ ra mưu đồ này trong một bài viết đăng tải trên Internet.

Ba ngày trước sự kiện ngày 25 tháng 4, Cục Công an đã nhận được thông tin và đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Họ đã quyết định không báo cáo thông tin này, mà thà là bị chỉ trích sau đó. Còn có thông tin rằng Hà Tộ Hưu, khi được đề nghị bình luận về vụ việc, đã nói: “Lúc này, tôi sẽ không bình luận vì tôi không muốn làm xáo trộn hết cả kế hoạch này.” (3)

Phải chăng một số người trong một số cơ quan chính phủ đã lên kế hoạch cho sự kiện ngày 25 tháng 4? Có khả năng những bài viết của Hà Tộ Hưu và việc bắt giữ các học viên Pháp Luân Công ở Cục Công an Thiên Tân đều là những cái bẫy nhỏ nằm trong một kế hoạch tổng thể?

B. Các học viên Pháp Luân Công tới Bắc Kinh chỉ để thỉnh nguyện cho công lý

Các học viên đã đến Bắc Kinh và Thiên Tân bởi vì không còn cách nào khác để trình bày sự thật và cải chính những tuyên truyền vu khống nhắm vào họ. Họ đã chọn phương thức “kháng nghị”, là quyền được luật pháp Trung Quốc bảo vệ. Theo Điều 41 “Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, công dân có quyền phê bình và góp ý với bất kỳ cơ quan hay viên chức nhà nước nào. Công dân có quyền kháng nghị, nộp đơn kiện hoặc lên tiếng với các cơ quan nhà nước về bất kỳ hành vi nào của các cơ quan hoặc viên chức vi phạm pháp luật hoặc không làm tròn nhiệm vụ. Điều này được nêu trong Điều 10 của “Bộ luật Kháng nghị” Trung Quốc rằng có thể trình các vấn đề kháng cáo lên các cơ quan hành pháp có liên quan, hoặc cơ quan cao hơn một cấp, vì những cơ quan này mới có thẩm quyền pháp lý để đưa ra quyết định.

Sau khi Cục Công an Thiên Tân bắt giữ các học viên vào ngày 23 tháng 4, một số học viên đã tập trung tại Văn phòng Kháng cáo Trung ương Thành phố Thiên Tân để kháng nghị và trình bày sự thật. Tuy nhiên, đơn kháng nghị không được tiếp nhận. Thay vào đó, khoảng 40 học viên nữa đã bị bắt. Do đó, các học viên Pháp Luân Công đã phải kháng nghị lên tuyến trên của chính quyền thành phố Thiên Tân, đó là chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Ở Trung Quốc, việc kháng nghị không yêu cầu phải đệ đơn lên Cục Công an. Mỗi học viên tự đại diện cho chính mình để báo cáo việc bị đối xử bất công mà họ hoặc bạn bè, người thân của họ đã phải chịu. Những cuộc thỉnh nguyện ở Thiên Tân và Bắc Kinh này không vi phạm bất cứ quy định nào của chính phủ.

Đại sư Lý luôn dạy các học viên Pháp Luân Công không được vi phạm pháp luật. Bất kỳ học viên chân chính nào cũng tuân theo lời dạy này, vì đây là một trong những nguyên tắc của Pháp Luân Công và họ sẽ không vi phạm luật pháp. Do đó, trong những sự việc này, các học viên luôn hành xử ôn hòa và thiện lương. Họ có trật tự và hợp tác trước sự sắp xếp và chỉ dẫn của cảnh sát. Họ đứng tại địa điểm mà các nhân viên Văn phòng Kháng cáo và cảnh sát giao thông yêu cầu, chờ đợi để được các quan chức tiếp nhận. Toàn bộ quá trình không xuất hiện bất kỳ biển hiệu hay khẩu hiệu nào, cũng không gây tắc nghẽn giao thông. Các học viên thậm chí đã nhặt tất cả rác trên đường ở khu vực đó. Những chi tiết như vậy đã được truyền thông quốc tế đưa tin.

C. Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 không phải do Đại sư Lý Hồng Chí chỉ đạo

Trong một báo cáo 10.000 từ do Cục Công an Trung Quốc chuẩn bị, Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, bị cáo buộc dàn dựng toàn bộ sự kiện ngày 25 tháng 4 ở hậu trường. Trên thực tế, Đại sư Lý có đi qua Bắc Kinh trên đường sang Úc để tham dự một hội nghị Pháp Luân Công, nhưng không ở Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4. Để giảm chi phí vé máy bay, Ngài đã dừng chân ở Bắc Kinh và Hồng Kông. Ngài đã chờ quá cảnh ở Bắc Kinh trong 48 giờ và rời Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 4 sang Hồng Kông. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đây không phải là việc ngẫu nhiên và rằng ông Lý đã lên kế hoạch cho mọi việc trong khi lấy lý do quá cảnh.

Chính phủ Trung Quốc không hiểu làm thế nào khi không có sự tổ chức mà lại có nhiều người đến vậy đến Trung Nam Hải cùng lúc. Thực ra, chủ yếu là do môi trường luyện công và mối quan hệ cá nhân của các học viên. Việc hồng truyền Pháp Luân Công hầu hết là do cá nhân các học viên thực hiện; bản thân họ sau khi được hưởng lợi từ pháp môn này, đã nói lại cho bạn bè và gia đình. Nhiều người luyện công trong công viên theo nhóm. Không cần có tổ chức, không cần ai chính thức lên kế hoạch, bất cứ hoạt động nào vẫn sẽ được nhiều người biết đến trong một khoảng thời gian ngắn thông qua hình thức kết nối cá nhân này.

D. Làm sao 10.000 người có thể tập hợp mà không cần “được tổ chức”

Có những người khó mà tưởng tượng được lại có nhiều người đến thế tự đi thỉnh nguyện. Họ có thể thực sự tự mình quyết định như thế chăng? Chỉ cần nhớ lại năm 1980, khi các cuộc tụ họp tự phát ở châu Âu đã nổ ra trên khắp cả nước và ở nhiều nơi khác trên thế giới để kháng nghị cho vụ ám sát John Lennon. Mọi người có mặt tại đó, tay cầm biểu ngữ, tranh vẽ, nến, nhạc và kỷ vật. Vậy ai đã tổ chức việc này? Ủy ban nào phái họ đến? Ai đã phát ảnh và băng nhạc mà họ mang theo? Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng đây là những người tự phát đi theo trái tim mình. Đó cũng là tình huống của cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4.

Có người nhận xét: “Chà, kỷ luật [của cuộc thỉnh nguyện] tại Trung Nam Hải còn cao hơn cả kỷ luật của cảnh sát tại hiện trường. Hẳn là phải được huấn luyện.” Đúng vậy, cần phải đào tạo toàn diện mới có thể khiến một đám đông lớn có kỷ luật đến thế. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi cá nhân hàng ngày đều tự rèn luyện kỷ luật cho bản thân mình trong nhiều năm – học các nguyên tắc hành xử và cải thiện bản thân cho đến khi không còn những phản ứng cảm xúc bốc đồng nữa, học cách suy xét cho người khác trước, và rèn luyện để trở thành người ngày càng tốt hơn về mọi phương diện? Pháp Luân Công là một môn tu luyện nghiêm túc. Mỗi người trong những người thỉnh nguyện gần Trung Nam Hải ấy chỉ đơn giản là biểu hiện những gì họ đã học được trong Pháp Luân Công, hành xử theo những nguyên lý giúp bản thân cải thiện, thay đổi và thăng hoa tinh thần. Đây là tiêu chuẩn hành vi mà họ cố gắng duy trì mỗi ngày – cả ở nhà, nơi làm việc, trường học, v.v.

Tại sao hành vi của họ tại Trung Nam Hải lại phải khác thường ngày? Nếu mọi người suy xét kỹ lưỡng thì sẽ thấy không quá khó hiểu. Một cá nhân tự giữ kỷ luật thì dễ hơn nhiều so với đám đông. Đây là một đám đông của những cá nhân có kỷ luật như thế. Giao thông không bị gián đoạn, không hô khẩu hiệu, không vẫy biểu ngữ hay biển hiệu, và không ai bị quấy nhiễu hay đe dọa. Các học viên Pháp Luân Công không chỉ thu nhặt rác của bản thân, mà còn nhặt những đầu mẩu thuốc lá của cảnh sát bỏ lại. Đây rõ ràng không phải là cuộc biểu tình chính trị.

4. Tóm lại, ai mới là kẻ “phá vỡ ổn định xã hội”?

Các học viên Pháp Luân Công thường được biết đến là những công dân gương mẫu. Tại nơi làm việc, họ là những người làm việc siêng năng, tận tụy và trung thực, không quan tâm đến lợi ích hay tổn thất cá nhân, nghiêm khắc với bản thân, tốt bụng và quan tâm tới người khác. Nhiều học viên Pháp Luân Công là những nhân viên xuất sắc nhất trong đơn vị công tác. Ở thành phố Trường Xuân, có một câu nói được lan truyền giữa những người chủ lao động: “Chúng tôi sẽ thuê bất cứ ai đang tu luyện Pháp Luân Công, bởi vì chúng tôi muốn được thảnh thơi.” Ở nhà, các học viên là những người chồng tốt, những người vợ hiền, và những đứa con ngoan, luôn nỗ lực để cuộc sống gia đình được êm ấm, hòa thuận. Những phẩm chất này không hề phá vỡ trật tự xã hội, mà ngược lại còn giúp đảm bảo điều đó.

Pháp Luân Công nhấn mạnh vào sự thiện lương, hài hòa và yên bình để đảm bảo một xã hội vận hành suôn sẻ. Điều này phù hợp với điều mà chính quyền Trung Quốc mong muốn là ‘”ổn định là trên hết“. Bất kể họ ở ngoài đường, tại nơi làm việc hay gia đình, các học viên Pháp Luân Công đều cố gắng hết sức giúp đỡ người khác và là một phần tử tích cực của xã hội. Thay vì ca ngợi và đón nhận tác động tích cực của Pháp Luân Công đối với xã hội, chính quyền lại đẩy hàng triệu triệu người tốt sang phía đối lập với chính quyền Trung Quốc và dấy lên xung đột, gây ra bất ổn lớn trong xã hội.

Những người cha, người mẹ bị tống vào tù hoặc trại lao động phải bỏ lại con cái, có trường hợp thậm chí còn không có người chăm sóc. Gia đình và cộng đồng tan nát chỉ vì cuộc bức hại của chính quyền Trung Quốc. Mẹ tố con, con tố cha, hàng xóm tố giác lẫn nhau. Nói thẳng ra là không ai được giữ vị thế trung lập. Vô số học sinh đã bị đuổi khỏi trường vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhiều người trưởng thành bị đuổi việc và phạt nặng chỉ vì không từ bỏ tu luyện. Vậy, xin hỏi chính quyền Trung Quốc, ai mới là kẻ phá vỡ sự ổn định xã hội đây? Giả sử Pháp Luân Công, có trường hợp nào đó, ở phương diện nhỏ nào đó, đã phá vỡ sự ổn định xã hội (mà điều này còn chưa hề xuất hiện) thì khách quan mà nói, chính quyền Trung Quốc rõ ràng là giỏi [phá hoại] hơn pháp môn này gấp cả trăm lần.

Tài liệu tham khảo

(1) 4/26, Nhật báo Trung ương

(2) Cuốn sách giới thiệu về Pháp Luân Công Trung Quốc đã được đổi tên thành Pháp Luân Công sau khi cuộc bức hại xảy ra tại Trung Quốc vào tháng 7 năm 1999.

(3) Minh Báo, 5/5/99, phiên bản điện tử. (Báo Hồng Kông)


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/4/24/116311.html

Đăng ngày 07-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share