Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-05-2019] Khi tôi biết một vài học viên gặp khổ nạn, thậm chí phải chịu đựng nghiệp bệnh, mà nguyên nhân là vì họ chưa buông bỏ được tâm oán hận, tôi đã quyết định chia sẻ kinh nghiệm của mình về cách tôi buông bỏ tâm oán hận và đố kỵ như thế nào.

Tìm gốc rễ của tâm oán hận

Cơn tức giận thường không xuất hiện nếu không có lý do cụ thể. Nó thường bộc phát khi người nào đó bị đối xử bất công. Kiểu như: “Tôi đối với anh ấy rất tốt, nhưng cách anh ấy cư xử với tôi lại như thế này đây”; “Tôi đã làm rất nhiều thứ cho anh ta, nhưng anh ta đối xử với tôi lại chẳng ra gì”; “Tôi chẳng bao giờ làm tổn thương anh ấy, nhưng anh ấy lại cư xử với tôi rất tệ hại”; hay “Anh ta khiến tôi thấy bị tổn thương” v.v.

Khi oán giận nổi lên, một học viên sẽ biết đó là một chấp trước cần phải buông bỏ. Vậy nên, người đó sẽ cố bài trừ nó. Thông qua việc học Pháp và phát chính niệm, phần lớn tâm oán giận sẽ được gỡ bỏ, nhưng theo thời gian nó lại xuất hiện trở lại. Điều này xảy ra khi người nào đó nghĩ rằng mình bị đối xử bất công hay cảm thấy người ta đối xử không tốt với mình. Vì thế oán giận lại xuất hiện trở lại. Tình huống này thường hay lặp lại.

Theo tôi, trên thực tế điều này có nguyên nhân là do người đó chưa tu luyện tinh tấn và chưa thực sự tìm ra được gốc rễ của tâm oán giận, đó chính là tâm tật đố.

Thường tâm tật đố gắn liền với suy nghĩ hẹp hòi và nhỏ nhen. Khi ai đó đố kỵ người khác thì chính họ sẽ bị coi thường. Do vậy, khi tâm tật đố nổi lên, chúng ta thường che đậy chấp trước này bằng cách gán cho nó là tâm tranh đấu, bất mãn hay oán giận. Nếu không đào được gốc rễ căn bản của nó, một học viên có thể bị mắc kẹt ở tình trạng như vậy trong suốt thời gian dài.

Tôi từng suy nghĩ đơn giản về tâm tật đố. Tôi cho rằng tật đố chỉ xuất hiện khi tôi nghĩ người khác tốt hơn mình. Và trong tình huống ấy sẽ dễ dàng phát hiện ra chấp trước của bản thân.

Thể ngộ Pháp lý giảng về tâm tật đố

Khi đọc đến bài giảng về tâm tật đố trong sách Chuyển Pháp Luân, Sư phụ đã giúp tôi ngộ ra một Pháp lý: biểu hiện thường thấy của tâm tật đố chính là thấy bất bình trong tâm. Sư phụ đã nhắc lại đến bảy lần cụm từ “bất bình” trong bài giảng này.

Tôi biết đố kỵ là không tốt, nhưng tôi đã không nhận ra vấn đề của mình nghiêm trọng đến mức nào. Tôi đã rất ngạc nhiên khi ngộ ra vấn đề này.

Sư phụ giảng:

“ Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không”. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

“Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả. Trước đây có thể chư vị đã nghe thuyết rằng Phật A Di Đà giảng về việc mang theo nghiệp khi vãng sinh; [nhưng] nếu tâm tật đố không bỏ thì không được. Nếu phương diện khác còn kém chút ít, mang theo đôi chút nghiệp vãng sinh, rồi tu tiếp, điều ấy có thể được, nhưng nếu tâm tật đố không bỏ thì tuyệt đối không thể”. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Hiểu rõ về tâm tật đố

Tật đố không giống như bất kỳ chấp trước nào đó. Nó là trở ngại lớn trên con đường hướng tới viên mãn.

Sư phụ giảng:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công”. (Cảnh giới, Tinh tấn Yếu Chỉ)

Tôi luôn ghi nhớ các đoạn Pháp này để nhắc nhở bản thân khi gặp mâu thuẫn, đặc biệt khi có xung đột với người khác. Lúc đó, tôi thường chính lại ý niệm của bản thân, cố hết sức giữ bình tĩnh và duy trì một tâm thái hòa ái.

Khi nhận thức được biểu hiện thường gặp của tâm tật đố là “cảm giác khó chịu (bất công)”, tôi chợt hiểu ra gốc rễ của tất cả cơn tức giận của bản thân đều có liên quan đến cảm giác thấy bất công. Tôi từng tức giận vì rất nhiều lý do, gồm cả không hài lòng và thấy không công bằng, tiếp theo đó sẽ là phàn nàn, phẫn nộ hoặc gây xung đột.

Đến giờ mỗi khi cảm thấy bất công, tôi đều gắn hết thảy các chấp trước của mình với tâm tật đố, dù rằng trước đây tôi chưa từng làm như vậy. Điều đó khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Đưa nhận thức vào tu luyện

Một hôm sau bữa sáng, vì không muốn con gái tôi uống sữa đậu nành lạnh, tôi đã đổ lại sữa vào máy để làm nóng. Sau khi con gái tôi uống cốc sữa đó, tôi đổ đầy nước vào máy và đặt nó lại.

Trong lúc vệ sinh cho chiếc máy, tôi có cảm giác thấy bất công: “Mẹ đã phải làm sữa cho con nhưng thậm chí con còn không quan tâm đến việc vệ sinh chiếc máy”. Tôi cảm thấy không vui dù không nói ra. Bất chợt, tôi có cảm giác bất bình trong tâm. Đó chính là tâm tật đố. Nếu tôi để nó mạnh lên, nó sẽ dẫn đến sự phàn nàn, tiếp theo là tranh cãi và cuối cùng là oán hận.

Đến giờ trưa, tôi đã chuẩn bị xong bữa cơm để cùng ăn với chồng. Khi vừa định ngồi xuống, anh ấy nhờ tôi mang cho anh ấy ít ớt. Khi đem ớt đến, anh ấy lại sai tôi lấy giấm. Lúc đó tôi đã nghĩ: “Tôi đã vào bếp nấu nướng cho anh, vậy mà anh vẫn còn sai tôi làm mọi việc”.

Tôi nặng nề ngồi xuống bàn ăn, kèm với đó là thái độ lạnh nhạt. Dù không nổi cáu, nhưng tôi thấy bất công, không vui và bực bội.

Vậy nên, cứ chịu đựng điều gì đó một cách mù quáng thì không phải là tốt. Có một nguyên tắc là phải bất động tâm. Việc lấy giấm cho chồng không hẳn là việc tôi bắt buộc phải làm, nếu như cảm thấy phiền phức, tôi có thể nhẹ nhàng nói với anh ấy: “Em cảm thấy hơi mệt, anh tự mình lấy nhé”.

Điều này cho thấy tâm tật đố có thể thể hiện trong rất nhiều tình huống của cuộc sống thường ngày. Nếu không vượt qua được chuyện nhỏ như vậy, thì tôi sẽ chẳng thể vượt qua các khảo nghiệm lớn hơn. Thực tế là tôi đã nhiều lần rớt xuống vì những chuyện nhỏ nhặt.

Gần đây, tôi có đứng ra mua một căn hộ nhỏ cho mẹ tôi. Em trai tôi không có ý kiến gì về việc này. Vì vậy, tôi cảm thấy bất mãn, suy tính thiệt hơn và tính toán tiền bạc với cậu ấy .

Sư phụ giảng:

“Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược“. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ ra đoạn Pháp trên thật đúng trong tình huống này của tôi. Tôi từng nghĩ bản thân đã luôn xem nhẹ chuyện lợi ích, nhưng giờ tôi lại suy tính thiệt hơn vì sự đố kỵ của mình. Tôi không hài lòng với em trai mình, Gia đình tôi bắt đầu lục đục, ngay cả mẹ tôi cũng cảm thấy khó chịu với cậu ấy.

Tôi hiểu trạng thái này của mình là không đúng, nhưng vẫn chưa vượt qua được cảm giác bất công. Tôi cảm thấy vô cùng đau khổ. Tôi cố gắng học Pháp. Khi đọc đến bài “Ai luyện công thì đắc công” trong Chuyển Pháp Luân, Sư phụ giảng:

“ Thực ra con người rất khó ngộ; bởi vì người thường chịu nhận chỗ mê của xã hội người thường”. (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ ra mình không phải là người thường, mình không nên cố chấp quá như vậy. Sau đó, tôi đã nhanh chóng bình tâm trở lại.

Vài ngày sau, chấp trước này lại nổi lên. Lúc đó tôi nhẩm thuộc đoạn Pháp của Sư phụ:

“Nó coi bản thân là người luyện công, dàn xếp tốt quan hệ với người ta, giữ vững tâm tính, không ngừng đề cao tâm tính, những dụ dỗ từ các loại lợi ích nơi người thường đều không làm nó động tâm”. (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Lúc ấy, tôi nghĩ mình cần phải cân bằng tốt mối quan hệ em trai. Tôi là một học viên, còn cậu ấy chỉ là một người thường. Tôi nên từ bi với cậu ấy. Tôi không thể coi mình giống như cậu ấy được. Tâm tôi đã bình thản trở lại.

Nhưng đến hai ngày sau, chấp trước này lại nổi lên. Khi đó, tôi lại nhẩm đọc đoạn Pháp trên.

Giải quyết vấn đề từ một góc độ khác

Khi tôi mắc kẹt trong suy tính về vấn đề lợi ích cá nhân, Sư phụ đã điểm hóa để giúp tôi dần dần từng bước vượt qua suy nghĩ của người thường . Tôi hiểu ra, nếu so sánh với những khó khăn mà tôi đã và đang phải đối diện trong cuộc sống, thì vấn đề này không đáng gì cả. Em trai tôi làm vậy vì cuộc sống của cậu ấy còn nhiều vất vả. Khi nhận ra điều này, tôi thấy thương em trai mình.

Kết quả là, tôi cũng đã vượt qua được khảo nghiệm, tháo gỡ được những vướng mắc trong tâm. Tôi dần tự lập cho mình một thói quen trong suy nghĩ đó là: bất kể ai khiến chúng ta cảm thấy bất công, thì họ ở đây là để giúp chúng ta nhận ra những thiếu sót của mình, giúp chúng ta tu luyện, để hoàn thiện và viên mãn chúng ta, cho dù họ có cư xử ích kỷ thế nào chăng nữa.

Tôi cũng ngộ ra, khi tâm chúng ta trở nên từ bi, không oán không hận, chúng ta sẽ thấy thương cho họ. Thực sự chúng ta nên cảm ơn họ đã giúp chúng ta hoàn thiện bản thân.

Gần đây, tôi nhận thấy bản thân tôi dần có những suy nghĩ hẹp hòi, cảm thấy bất mãn và bắt đầu phàn nàn. Điều đó cũng xuất phát từ tâm tật đố.

Nhìn vào xã hội ngày nay, mọi người trong đó đều bị tâm đố kỵ tác động. Có một câu nói trở nên rất phổ biến với người thường, đó là: “Ghen tức, đố kỵ, ganh ghét”. Thậm chí, mỗi ngày, người ta đều có những hành vi gắn liền với suy nghĩ này. Tật đố trở thành một hiện tượng phổ biến. Đôi khi sẽ thấy hai người phàn nàn về nhau ngay trước lúc họ gặp nhau.

Với những học viên dễ động tâm, hãy xem xem liệu trong tâm các bạn có cảm thấy bị đối xử bất công hay không. Những gì bản thân thấy không thích, coi thường người khác, phàn nàn, tranh cãi, cảm thấy người khác đối xử không tốt và oán giận. Chúng ta đều phải hết sức cảnh giác.

Sư phụ giảng:

“Hôm nay tôi giảng [điều này] với những người luyện công, chư vị chớ có chấp mê bất ngộ như thế; nếu chư vị muốn đạt mục đích tu luyện lên cao tầng, thì tâm tật đố nhất định phải vứt bỏ. Do vậy chúng tôi giảng riêng về phần này như vậy”. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Theo thể ngộ của tôi, tâm tật đố còn thể hiện trên một phương diện khác, đặc biệt là giữa các học viên. Các học viên thường có ít chấp trước hơn người thường. Ngộ tính của họ còn phụ thuộc vào tầng thứ tu luyện. Do vậy, khi một học viên thấy học viên khác không phù hợp với quan niệm của bản thân, thì họ có xu hướng không thích hoặc không tôn trọng, thậm chí còn tranh đấu với người khác.

Sự chia rẽ giữa các học viên đôi khi bắt nguồn từ tâm tật đố. Nó khiến họ không tĩnh tâm được trong thời gian dài. Những mâu thuẫn như vậy đang làm suy yếu sức mạnh của chỉnh thể.

Khi tâm tranh đấu nổi lên, chúng ta phải tự nhìn lại bản thân để tìm ra bất kỳ thiếu sót nào. Đằng sau tất cả vấn đề vẫn là tâm tật đố. Chúng ta phải xem lại bản thân còn có chấp trước nào khác mà chúng ta chưa để ý đến không?

Nếu một học viên tu luyện tinh tấn, buông bỏ được tâm tranh đấu thì dĩ nhiên tâm tật đố của người đó cũng không còn mấy.

Chúng ta thực sự cần soi xét mọi ý niệm và làm tốt các việc dù là nhỏ. Chúng ta không nên để những ý niệm và thói quen xấu trôi qua mà không chú ý đến nó.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/3/385827.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/3/178301.html

Đăng ngày 06-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share