Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-05-2019] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào đầu năm 1999 và có một sức khỏe rất tốt. Tôi từng làm việc trong một nhà máy dệt trong 12 năm. Sau khi nhà máy đóng cửa, tôi mở một nhà hàng nhỏ để duy trì thu nhập gia đình.

Chồng tôi có sức khỏe kém. Anh ấy thường xuyên phải đến bệnh viện khám và uống thuốc quanh năm. Anh ấy chỉ có thể phụ tôi một chút nấu ăn, còn lại tất cả mọi việc đều do tôi làm. Bạn bè thường trêu chúng tôi: “Chị là chủ quán, là người mua, người lên thực đơn, bồi bàn, và bảo vệ. Chị kiêm nhiều việc thật đấy!”

Mặc dù bận rộn cả ngày, nhưng tôi luôn dành thời gian để học Pháp vào buổi trưa. Tôi tràn đầy năng lượng và bình hòa. Chúng tôi đã duy trì công việc kinh doanh này trong tám năm.

Mất và được

Cách đây hai năm, nhà hàng của chúng tôi nhận được thông báo giải tỏa. Các nhân viên chính quyền địa phương rất thiếu trách nhiệm và đã không đưa chúng tôi tiền bồi thường mà chúng tôi được hưởng. Chúng tôi mất đi nhà hàng và nguồn thu nhập. Chồng tôi rất tức giận về chuyện này, nhưng tôi luôn an ủi anh ấy rằng: “Anh đừng lo, không có tiền bồi thường thì chúng ta vẫn sẽ sống tốt. Sư phụ đã an bài những điều tốt nhất cho chúng ta.”

Tôi bắt đầu tìm một công việc khác. Một hôm, tôi ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi từ một nhà trẻ trong quận. Họ gọi điện bảo tôi đến phỏng vấn. Hóa ra là bạn của chồng tôi bảo con gái của cô ấy đăng ký cho tôi khi nhà trẻ nơi cháu làm việc tuyển dụng. Nhưng cháu không nghĩ là tôi có khả năng được nhận vào làm, bởi vì tôi chỉ được đi học có hai năm và cũng không còn trẻ nữa.

Khi đến nơi, tôi thấy rằng thực sự tôi không thể so sánh được với các ứng viên khác. Tuy nhiên, sau vài vòng phỏng vấn tôi được nhận vào làm. Ai nấy cũng đều ngạc nhiên. Tận sâu trong tâm tôi biết đó là do Sư phụ an bài việc tôi được tuyển nhận. Tôi quyết tâm sẽ làm việc tốt, không để Sư phụ thất vọng.

Xử lý những vấn đề nan giải

Tôi được phân bổ vào một lớp cùng hai giáo viên khác và chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho trẻ em. Người giáo viên mà tôi thay thế có quen biết với lãnh đạo của nhà trường. Tuy nhiên, phụ huynh phàn nàn về phương pháp mạnh tay của cô ấy và một giáo viên khác đã áp dụng với bọn trẻ. Thậm chí họ không cho bọn trẻ sử dụng nhà vệ sinh vào giờ ngủ trưa, nên nhiều trẻ đã làm ướt giường và quần áo của chúng. Phụ huynh chỉ trích và đe dọa sẽ chuyển trường cho con cái họ nếu cô ấy không bị chuyển đi. Cuối cùng nhà trường đã sa thải cô ấy và giám sát người giáo viên còn lại.

Khi nhận lớp, tôi để ý thấy lớp học rất bừa bộn và dơ bẩn. Sàn nhà bám đầy bụi đen và những kệ giày, dép, và những thứ linh tinh khác nằm dưới giường. Máy lọc nước thì cặn bám dày vài phân, và nhà vệ sinh thì bẩn thỉu và hôi hám.

Sư phụ giảng:

“Mà ở đây chúng tôi bảo mọi người tu tâm, hướng thiện, làm việc gì đều nghĩ đến người khác, trong bất kể hoàn cảnh công tác nào chư vị đều cần làm tốt công việc của mình, chư vị đều phải khiến cho người ta nói rằng chư vị là người tốt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [1999])

Tôi quyết định sẽ làm tốt công việc của mình. Tôi dọn sạch tất cả những thứ linh tinh dưới gầm giường vào thời gian rảnh và lau sàn nhà sạch sẽ. Tôi dùng giấm trắng để tẩy những chất cặn bẩn bám trong máy lọc nước. Tôi cũng lau dọn nhà vệ sinh bằng chất tẩy rửa mạnh vào cuối tuần để bọn trẻ không bị ảnh hưởng bởi mùi hóa chất.

Sau một tuần làm việc ở đây, hai giáo viên còn lại nhận xét: “Ồ! Lớp học của chúng ta thật sạch sẽ!” Các giáo viên ở các lớp khác nói với tôi: “Chị thực sự chăm coi nhà trẻ như chính ngôi nhà của chị vậy!”

Gieo hạt giống Văn hóa Thần truyền

Tôi nhận thấy một cháu bé tên là Tịch Tịch luôn là người cuối cùng lấy thức ăn và ăn rất chậm. Khi bé mới ăn được một nửa thì những bé khác đã ăn xong rồi. Khi cô giáo Huệ lau sàn nhà, bé Tịch Tịch phải bưng tô cơm đến gần nhà vệ sinh để ăn cho xong.

Tôi họp với hai giáo viên còn lại và đề nghị rằng chúng tôi nên cho bé Tịch Tịch lấy thức ăn trước để bé có nhiều thời gian hơn để ăn hết suất cơm. “Hãy nghĩ xem. Nếu con của các chị ăn chậm và bị bảo phải ăn hết cơm ở bên ngoài nhà tắm, thì các chị sẽ nghĩ sao? Là giáo viên mầm non, chúng ta nên kiên nhẫn và thiện.” Cô giáo Giang thì đồng ý với đề nghị của tôi, còn cô giáo Huệ thì không nói gì.

Ngày hôm sau khi tôi bảo cả lớp rằng chúng ta sẽ để Tịch Tịch lấy thức ăn trước, nhiều bé đã giơ tay và hỏi tại sao. Tôi bảo rằng: “Các con đều biết bạn Tịch Tịch ăn chậm, và chính vì vậy nên bạn ấy không bao giờ ăn đủ. Là bạn bè thì nên giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau. Bạn Tịch Tịch ăn chậm, nên chúng ta sẽ cho bạn ấy ăn trước. Các con có đồng ý không?” “Dạ đồng ý!” Hết thảy bọn trẻ đều đồng thanh la lớn.

Nhìn những gương mặt tươi cười của bọn trẻ, bất ngờ tôi nhớ đến tầm quan trọng của công việc mà Sư phụ đã an bài cho tôi và trách nhiệm to lớn mà tôi đảm nhận trong việc hướng dẫn cho những đứa trẻ hồn nhiên này.

Sau này, tôi tận dụng mười phút trước giờ ngủ trưa để kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện cổ tích. Tôi cũng mua đầu đĩa DVD để cho chúng xem những tập phim hoạt hình được Đài truyền hình Tân Đường Nhân thực hiện về xuất xứ của các nhân vật Trung Quốc, để hạt giống văn hóa thần truyền được gieo trồng trong tâm hồn bọn trẻ.

Xử lý hiểu lầm bằng tâm ngay chính

Có một sự cố lớn xảy ra sau ba tháng kể từ khi tôi bắt đầu làm việc tại nhà trẻ, đã gây ra một sự náo động lớn trong trường.

Một hôm, sau khi hai giáo viên khác đã hoàn tất ca sáng vào khoảng giờ ăn trưa, họ thay đồng phục và ra về. Khi họ quay lại vào 2 giờ chiều thì phát hiện thấy đồng phục của cô giáo Huệ đã biến mất. Cô ấy hỏi tất cả mọi người, nhưng không ai nhìn thấy đồng phục của cô ấy cả. Các nhân viên bắt đầu bàn tán và bởi vì tôi là người chăm sóc bọn trẻ trong giờ nghỉ trưa, nên họ nghi ngờ là tôi đã ném đồng phục của cô ấy đi.

Sau vài ngày, tình cờ tôi nhìn thấy đồng phục của cô giáo Huệ nằm dưới tủ trong nhà tắm. Khi tôi đưa nó cho cô ấy, cô ấy ném nó xuống sàn một cách giận dữ và nói không muốn mặc hay giặt nó. Cô ấy nói với cô giáo Giang sau lưng tôi, cho rằng tôi đã giấu đồng phục của cô ấy.

Tôi biết cô ấy không vui, nên tôi giặt đồng phục của cô ấy và cố gắng giúp cô ấy nguôi giận. Tôi nói: “Nếu bọn trẻ làm chuyện này, thì chúng ta nên tha thứ cho sự nghịch ngợm của chúng. Nếu là người lớn làm chuyện này, thì hành vi như vậy là không thể chấp nhận được. Chúng ta hãy tập trung chăm sóc bọn trẻ và tất cả sẽ sáng tỏ khi kiểm tra camera.”

Tuy nhiên, toàn bộ nhà trẻ đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một đợt kiểm tra của các viên chức tỉnh trong vòng vài ngày, và không còn thời gian để kiểm tra camera quan sát. Một số đồng nghiệp không ngừng nói với tôi rằng cô giáo Huệ đang lưu truyền tin đồn rằng tôi đã ném đồng phục của cô ấy đi. Mọi người bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ.

Cho dù những người khác đối xử với tôi có ra sao thì tôi vẫn điềm tĩnh. Tôi không cố gắng giải thích và chỉ tiếp tục hoàn thành công việc của mình tốt nhất có thể.

Vài ngày sau, lãnh đạo nhà trẻ kiểm tra camera giám sát và phát hiện ra đó là một cậu bé đã nghịch ngợm ném đồng phục của cô giáo Huệ bên dưới tủ trong nhà tắm, và họ cũng tìm ra một số vớ và đế lót giầy mà cô giáo Huệ đã bị mất trước đây. Khi sự thật phơi bày, một số giáo viên đã khuyên tôi yêu cầu cô giáo Huệ phải xin lỗi nhưng tôi không nói gì và chỉ mỉm cười.

Tặng quà cho phụ huynh

Vào học kỳ hai, tôi được chuyển đến dạy lớp 3, lớp tốt nhất trong nhà trẻ với những trang thiết bị tốt nhất. Con cái của các vị lãnh đạo nhà trẻ đều học trong lớp này. Bởi vì các bé chỉ mới ba tuổi rưỡi, nên phụ huynh thường tặng các giáo viên quà để đảm bảo con cái của họ được chăm sóc tốt. Tôi từ chối nhận quà hay tiền và nói với họ rằng tôi cảm kích lòng tốt của họ, nhưng tôi không thể nhận những đồng tiền mà họ khó nhọc kiếm được. Tôi cũng đảm bảo với họ rằng dù gì thì chúng tôi cũng sẽ chăm sóc tốt cho con cái của họ.

Một hôm sau khi đón con, mẹ của bé Đinh Đinh kéo tôi sang một bên và nhất mực đề nghị tôi nhận thẻ quà tặng trị giá 200 tệ. Tôi nói: “Cảm ơn lòng tốt của chị, nhưng tôi không thể nhận nó. Hiện giờ giá cả hàng hóa đang tăng cao và chị còn phải lo toan cho cả gia đình. Xin chị hãy dành tiền để lo cho con ạ.”

Cô ấy thực sự ngạc nhiên khi những gì nghe tôi nói. Ngày hôm sau khi cha của Đinh Đinh đưa bé đến nhà trẻ, anh ấy đã chào tôi bằng một nụ cười thân thiện.

Thỉnh thoảng hai giáo viên còn lại nhận quà thay tôi, và điều này đã gây khó khăn cho tôi. Vậy nên tôi cố gắng trả lại cho phụ huynh bằng cách mua quà cho họ hoặc đưa những thứ tôi đã nhận cho các phụ huynh khác. Hết thảy họ đều ngạc nhiên bởi họ chưa bao giờ nhìn thấy giáo viên nào lại đi tặng quà cho phụ huynh như tôi cả.

Đại Pháp đã ban phúc cho gia đình tôi

Chồng tôi thường niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” và kết quả là đã thụ ích từ Đại Pháp.

Cách đây 10 năm, sức khỏe của anh ấy trong tình trạng nguy kịch thập tử nhất sinh, nhưng đã hồi phục và hiện giờ vẫn khỏe mạnh.

Con trai tôi là một chàng trai tốt bụng. Để không gây gánh nặng tài chính cho chúng tôi, cháu đã tìm một công việc bán thời gian trong một nhà hàng để tự hỗ trợ tài chính khi học đại học. Sau khi tốt nghiệp, cháu đến Bắc Kinh và làm công việc bán thời gian trong khi tìm vị trí toàn thời gian. Cháu ở đó hai tháng và quay về nhà với 20.000 tệ. Cháu nói với tôi: “Mẹ à, con kiếm được một ít tiền để trang trải tiền thuốc cho cha.”

Sau này con trai tôi đã tìm được một công việc tốt trong thành phố. Chúng tôi biết hết thảy những phúc báo này đều là do Đại Pháp và Sư phụ ban cho. Cảm tạ Sư phụ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/7/376594.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/1/178284.html

Đăng ngày 17-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share