Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Israel

[MINH HUỆ 17-12-2017] Ở nước Nga, nơi mà tôi sinh ra, câu chuyện cổ tích của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen có tiêu đề “Bà chúa Tuyết” được xem như là một tác phẩm kinh điển. Tất nhiên, phiên bản mà chúng tôi đọc ở Liên Xô đã bị lược đi tất cả những lời thoại và nhân tố mang tính tôn giáo, bởi vì chính quyền cộng sản đã kiểm duyệt nội dung của câu chuyện.

Một hôm, tôi mua được phiên bản không bị kiểm duyệt cho con trai tôi và đã phát hiện một số điểm tương đồng trong câu chuyện này với tu luyện và cứu độ chúng sinh của đệ tử Đại Pháp. Đương nhiên, đệ tử Đại Pháp thông qua việc học Pháp mà ngộ được các Pháp lý, chứ không phải thông qua đọc chuyện cổ tích. Tuy nhiên, tôi nhận thấy câu chuyện này đã minh họa những điểm tương đồng nhất định với tình huống hiện tại trên thế giới, điều này khiến tôi nhìn nhận mọi thứ bằng một góc nhìn mới khá thú vị.

Bắt đầu câu chuyện, tác giả kể về một chiếc gương do một con quỷ dữ tạo ra. Chiếc gương này làm biến dạng thực tế, nó không phản ánh những mặt tốt đẹp của người và vật, mà phóng đại những mặt xấu của họ.

Con quỷ đưa tấm gương cho các môn đồ của mình trên khắp thế giới. Ngay lập tức, tất cả bọn chúng đã cố gắng nâng tấm gương lên Thiên Đàng với mục đích đánh lừa các Thiên Thần và Đức Chúa. Bọn chúng càng nâng chiếc gương lên cao, chiếc gương càng nhăn mặt và lắc lư cười to. Cuối cùng, chiếc gương rơi trở lại trái đất và bị vỡ tan thành hàng tỷ mảnh. Những mảnh vụn bị vỡ rơi vào mắt và tim của con người trên trái đất và đóng băng chúng lại khiến cho con người trở nên tàn nhẫn giống như chiếc gương.

Sau đó câu chuyện chuyển sang hai đứa trẻ tên là Kai và Gerda, là hàng xóm của nhau. Gia đình của bọn trẻ trồng hoa hồng và rau ở bậu cửa sổ. Hai đứa trẻ yêu quý nhau như hai anh em ruột và rất thích chơi với nhau. Cho đến khi một mảnh vỡ của chiếc gương ma quỷ lọt vào mắt của Kai, cậu bé đột nhiên trở nên rất tàn nhẫn với Gerda và bà của em. Thứ duy nhất mà cậu thấy đẹp chỉ là những bông tuyết mà cậu nhìn thấy qua một chiếc kính lúp.

Sau đó Bà chúa Tuyết đã bắt cóc cậu bé và đưa cậu đến lâu đài của bà. Trái tim của Gerda dường như tan vỡ và cô bé quyết tâm lên đường đi tìm Kai. Trên đường đi, một nữ phù thủy sống trong một khu vườn mùa hạ xinh đẹp muốn Gerda ở lại với bà, vì vậy bà đã khiến cho tất cả những bông hồng chìm xuống dưới mặt đất, vì bà biết rằng những bông hồng sẽ nhắc Gerda nhớ đến Kai.

Nhưng bà lại quên không gỡ một bông hồng ra khỏi mũ của chính mình, vì vậy Gerda đã nói chuyện với bông hồng ấy và biết rằng Kai vẫn còn sống. Cô bé nhớ ra Kai và tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cậu bé. Trên đường đi, cô gặp nhiều thử thách khác nhau nhưng đều nhận được sự trợ giúp. Cô cũng được chỉ dẫn rằng vũ khí lớn nhất của cô chính là trái tim trẻ thơ thuần khiết của mình.

Cuối cùng, cô cũng đến được cung điện của Bà chúa Tuyết. Tuy nhiên, khi gặp được Kai, cậu bé lại không nhận ra cô và đẩy cô ra bằng một ánh mắt lạnh lùng. Chỉ khi Gerda rơi những giọt nước mắt đau khổ và thương xót dành cho Kai, thì mảnh vỡ của chiếc gương ở trong mắt của cậu mới tan chảy, cuối cùng cậu đã thức tỉnh và nhận ra Gerda. Cả hai cùng mừng rỡ khóc, rồi ôm chầm lấy nhau và trở về nhà. Họ cũng kịp nhận ra rằng mình đều đã trưởng thành, và cuối cùng mùa hè đã đến.

Theo tôi, Bà chúa Tuyết trong câu chuyện này tượng trưng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các mảnh vỡ của chiếc gương đang chiếm giữ linh hồn của tà đảng và bóp méo sự thật, khiến con người theo đuổi cái xấu, cái ác, và cái trước mắt mà quên đi mục đích thực sự của cuộc sống. Họ đã trở nên “Chính tà bất phân” như lời giảng của Sư phụ (Thiện ác dĩ minh, Hồng Ngâm)

Kai tượng trưng cho những chúng sinh mà đệ tử Đại Pháp cần cứu độ. Gerda tượng trưng cho các đệ tử Đại Pháp, những người cần duy trì chính niệm, quyết tâm và trái tim từ bi thuần khiết để phá vỡ lời nguyền của con quỷ.

Theo tôi, phần thú vị của câu chuyện chính là khi Gerda ở trong khu vườn của nữ phù thủy và bị làm cho quên đi ký ức về Kai. Tình tiết này cũng giống một số đệ tử Đại Pháp bị mê lạc trong thùng thuốc nhuộm của xã hội người thường và quên đi sứ mệnh thực sự của họ khi đến thế giới này. Bị mê hoặc bởi sự an lạc trong thế giới con người, họ đã quên đi tình yêu sâu sắc của mình đối với chúng sinh.

Chỉ khi chúng ta học Pháp nhiều và tu tốt bản thân, chúng ta mới bắt đầu xem việc cứu độ chúng sinh như thực sự cứu những sinh mệnh mà chúng ta vô cùng trân quý và không xem đó như một gánh nặng hay nhiệm vụ phải hoàn thành. Có lẽ chúng ta cũng đã quên rằng những sinh mệnh đó chính là những chúng sinh mà chúng ta quan tâm sâu sắc trong thế giới của chúng ta.

Bất kể Kai tàn nhẫn và khắc nghiệt như thế nào với Gerda, cô vẫn muốn cứu Kai thoát khỏi lời nguyền của Bà chúa Tuyết. Cuối cùng những giọt nước mắt từ bi trong sáng và ngây thơ của cô đã làm trái tim Kai tan chảy.

Tôi thấy điểm này tương đồng với cách mà các đệ tử Đại Pháp cứu độ những chúng sinh bị đầu độc bởi chủ nghĩa cộng sản, những chúng sinh này thường đối xử tàn nhẫn với đệ tử Đại Pháp ngay cả khi các đệ tử Đại Pháp phải rất vất vả để cứu họ.

Cuối cùng, khi Kai và Gerda trở về nhà, họ nhận thấy rằng mình đã trưởng thành. Tình tiết này khiến tôi liên tưởng đến sự trưởng thành mà đệ tử Đại Pháp đạt được khi trải qua khổ nạn nơi thế giới con người.

Tôi chắc chắc đồng ý rằng đệ tử Đại Pháp cần học Pháp và học Pháp nhiều hơn nữa, nhưng tôi cũng cảm thấy câu chuyện cổ tích kinh điển này vô cùng thú vị, nó khiến tôi muốn chia sẻ cảm nhận của mình với mọi người.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/17/166775.html

Đăng ngày 12-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share