Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-05-2019] Cách đây vài năm, tôi tham gia lập kế hoạch và thực hiện một hạng mục giảng chân tướng mới. Hạng mục đã hoạt động ổn định trong hơn bốn năm qua. Trong thời gian này, tôi đã trưởng thành hơn trong tu luyện.

Trạng thái tu luyện của các học viên tham gia được phản ánh trong tiến trình và hiệu quả của các hạng mục Đại Pháp và nó đặc biệt đúng trong hạng mục này. Bất cứ khi nào hạng mục bị đình trệ, thì thông thường đó là lúc tôi cần phải đề cao tâm tính và hướng nội. Khi tôi tìm ra được chấp trước của mình thì hạng mục mới tiếp tục tiến triển.

Những quan điểm khác nhau

Khi hạng mục đang trong giai đoạn thảo luận, các thành viên của nhóm thường có những ý kiến khác nhau. Trước khi phương án của hạng mục được chốt lại thì vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng quan điểm cần được thảo luận và trách nhiệm của tôi là phải thống nhất được các ý kiến và tìm ra được phương án thực hiện tốt nhất.

Tôi thường cân nhắc các đề xuất khác nhau và nghĩ: “Cái này tốt, cái kia không tốt.” Nhưng khi ghép nối mọi ý tưởng lại với nhau, tôi phát hiện thấy dường như nó vẫn còn thiếu một thứ gì đó. Tôi biết mình phải đề cao tâm tính trước khi có thể nhìn thấy được bức tranh tổng thể. Sau nhiều buổi học Pháp và thảo luận với các thành viên trong nhóm, tôi nhận ra mục đích của hạng mục chúng tôi là cho mọi người biết chân tướng Pháp Luân Đại Pháp. Chúng tôi nên nhìn nó dưới góc độ của người thường để sao cho họ có thể chấp nhận được chân tướng một cách dễ dàng hơn.

“Tuy nhiên, [khi] giảng chân tướng nhất định giảng một cách có lý trí, lấy quan niệm lý luận phù hợp với con người mà giảng nói. Nếu nói siêu thường kỳ lạ quá, không có theo quan niệm lý luận của con người, không có xét đến năng lực tiếp thụ của người ta, thì chư vị đang gây tác hại, tác dụng gây ra là phản diện. Nhất định cần thực thi một cách có lý trí, thực thi một cách tỉnh táo. Khi giảng chân tướng cho người ta cần xét đến trình độ tiếp thụ của họ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003, Giảng Pháp tại các nơi IV)

Khi giảng chân tướng Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta rất dễ bị mắc kẹt trong cảm xúc của cá nhân mình. Chúng ta có thể nghĩ rằng, mọi người sẽ chú ý đến điều này hay điều kia hoặc họ chỉ hiểu nếu chúng ta giải thích theo cách này. Thông thường, những gì chúng ta miêu tả chỉ có tác dụng cho chính chúng ta, chứ không dành cho người thường.

Hầu hết đầu óc con người ngày nay đều chứa đầy những suy nghĩ thực dụng và hiếm khi quan tâm đến người khác. Nếu muốn thức tỉnh lương tri của họ, bạn phải nghĩ cách để thu hút sự chú ý của họ và giảng chân tướng theo cách phù hợp với họ. Khi ngộ ra điều này và xét lại tất cả các phương án lần nữa, tôi thấy dễ dàng hơn để quyết định cái nào có thể được dùng cứu người và cái nào không phù hợp cần phải lược bỏ. Kết quả là tôi có thể lên được kế hoạch một cách nhanh chóng

Thỉnh thoảng khi các đồng tu khác có các đề xuất khác nhau, nó có thể là điểm hóa từ Sư phụ để chỉ ra những vấn đề nhất định. Còn nhớ một lần sau khi hạng mục có vài bước tiến triển, tôi cảm giác có điều gì đó không đúng, nhưng không thể xác định được rõ đó là vấn đề gì. Một hôm, một thành viên trong nhóm kể cho tôi nghe những gì mà một học viên khác nói về hạng mục của chúng tôi. Mặc dù lời góp ý đó gay gắt và khó nghe, nhưng nó nhằm đúng vào vấn đề chính. Tôi rất biết ơn sự an bài tỉ mỉ của Sư phụ. Sau khi tôi tiến hành những thay đổi tương đối lớn dựa trên lời góp ý đó, tất cả mọi người đều nghĩ rằng kết quả cuối cùng sẽ tốt hơn.

Can nhiễu và trở ngại

Các thành viên trong nhóm chúng tôi thường gặp phải các dạng can nhiễu. Có khi nó đến từ công việc, có khi nó đến từ gia đình, có khi nó thể hiện dưới dạng các vấn đề sức khỏe hoặc đến từ không gian khác. Những lúc đó, chúng tôi tập trung vào việc đề cao tâm tính và loại bỏ chấp trước. Chúng tôi cũng phát chính niệm nhiều hơn để thanh trừ can nhiễu.

Có một đoạn thời gian, chân tôi cảm thấy nặng như chì. Một thành viên trong nhóm nói: “Có thể là vì hạng mục này có sức ảnh hưởng lớn nên áp lực mới cường đại như vậy.” Ban đầu tôi đồng ý với anh ấy, tin rằng đó là sự thể hiện của nguyên lý tương sinh tương khắc.

“xã hội nhân loại từ xưa đến nay luôn tồn tại một Lý, gọi là ‘tương sinh tương khắc’, thế nên có tốt thì có xấu, có chính thì có tà, có Thiện thì có ác, có người thì có quỷ, có Phật thì có ma.” (Tu vì ai, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy có điều gì đó mà tôi cần phải vượt qua. Một hôm, tôi đột nhiên nhận ra điều đó chính là tôi. Tôi đã cho rằng hạng mục này quá quan trọng và kết quả dẫn đến sự can nhiễu.

Nhìn lại các học viên khác, tôi thấy tất cả họ đều đang cứu người bằng những cách khác nhau. Mỗi người đều có thế mạnh riêng của mình mà có thể đã được an bài từ rất lâu trong lịch sử. Tôi có chuyên môn về kỹ thuật, vì thế nên tôi đã thệ ước sẽ tham gia vào vai trò này. Theo tôi, những học viên giảng chân tướng trực diện mỗi ngày đều là những học viên xuất sắc phi thường. Tuy nhiên, tôi lại xem hạng mục của mình như là một hạng mục đặc biệt quan trọng. Những thứ không tốt mà tôi trải nghiệm là kết quả của các chấp trước của tôi và nó không liên quan gì đến ảnh hưởng hay hiệu quả của hạng mục.

Sư phụ giảng:

“Tương sinh tương khắc là Lý tại tầng thấp của vũ trụ, đặc biệt là Tam Giới.” (Giảng Pháp tại hội giao lưu quốc tế tại Bắc Kinh [1996], Giảng Pháp tại các nơi I)

Khi tôi loại bỏ tự ngã và bắt đầu đối đãi hạng mục này bằng tâm thái bình hòa và thuần tịnh, áp lực trong tôi đã biến mất.

Tâm hoan hỉ và tâm hiển thị

Các học viên có chuyên môn về kỹ thuật thường là những chuyên gia trong các lĩnh vực nhất định, nhưng chuyên môn đó đôi khi có thể trở thành chướng ngại nếu người đó không ở trong Pháp. Khi bắt đầu hạng mục, tôi có rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này và thường là tự mày mò, vừa học vừa làm là chính. Với sự gia trì của Sư phụ, mọi việc đều diễn ra thuận lợi. Dần dần theo thời gian, tôi đã được các học viên khác công nhận nhiều hơn.

Một buổi tối, tôi gửi email về một số thông tin cho nhóm và âm thầm đợi người khác khen ngợi. Ngày hôm sau, tôi kiểm tra hộp thư để xem có phản hồi nào không. Không có gì cả. Tôi không thể dừng việc kiểm tra hộp thư điện tử suốt ngày hôm đó. Tôi đã kiểm tra đến vài lần trong ngày. Sự thôi thúc kiểm tra phản hồi thư đã làm tôi ngạc nhiên. Chẳng phải đây là tâm hiển thị và tâm hoan hỉ hay sao? Tôi bắt đầu loại bỏ những chấp trước đó. Ngày hôm sau, một học viên gửi tin nhắn nói rằng những thông tin mà tôi gửi không hữu ích lắm. Kể từ đó, tôi luôn xem xét cẩn thận suy nghĩ của mình khi làm hạng mục và tự hỏi: “Mình đang hiển thị bản thân hay đang cứu độ chúng sinh bằng tâm thuần tịnh đây?”

Sau này khi hạng mục được chấp thuận, tôi đã không quá để tâm. Tôi biết rõ rằng, tôi có thể hoàn thành được công việc là nhờ trí huệ mà Sư phụ ban cho và cả từ sự trợ giúp của các đồng tu. Hạng mục nên được thực hiện tốt – sẽ là vấn đề nếu nó không phải là như thế.

Các vai trò khác nhau bổ sung cho nhau

Vì lý do an toàn, nên chỉ có bốn học viên tham gia hạng mục này. Hai người trong số họ tôi chưa từng gặp trực tiếp: một người chịu trách nhiệm điều phối hạng mục và người còn lại là chuyên gia kỹ thuật và thường đưa ra những đề xuất về kỹ thuật. Nhiệm vụ của tôi và đồng tu Bao là thực hiện hạng mục. Mặc dù có ít người, nhưng nhóm chúng tôi phối hợp với nhau rất tốt. Vài lần khi có những sự khác biệt lớn về ý tưởng, chúng tôi có thể thảo luận vấn đề một cách cởi mở mà không cần phải lớn tiếng tranh luận. Chúng tôi có thể tìm cách giải quyết mâu thuẫn dựa trên Pháp.

Đồng tu Bao và tôi thường gặp nhau để thảo luận về hạng mục. Tôi thường nhìn thấy sự nông cạn và yếu kém trong suy nghĩ của mình từ những lời nhận xét lý trí của anh ấy. Những vấn đề anh ấy chỉ ra thường là những lĩnh vực mà tôi thiếu sót và cần đề cao. Sau mỗi cuộc thảo luận, tôi luôn cảm thấy tâm trí mình được mở rộng đối với hạng mục và tu luyện. Sự tu luyện tinh tấn và cùng nhau đề cao của chúng tôi đã đảm bảo cho chất lượng và sự hoạt động ổn định của dự án.

Phối hợp

Tôi chịu trách nhiệm cho hạng mục với sự trợ giúp của đồng tu Bao trong giai đoạn đầu của hạng mục. Trong giai đoạn thứ hai, chúng tôi đổi vai trò cho nhau và tôi giúp anh ấy. Tôi nghĩ phối hợp tốt với anh ấy nghĩa là tôi chỉ nên làm những gì mà anh ấy cần tôi làm.

Một lần khi chúng tôi thảo luận về hạng mục, Bao đã hỏi ý kiến của tôi. Sau khi tôi nói với anh ấy những suy nghĩ của mình, anh ấy nói: “Bạn nói như thể bạn không phải là một phần của hạng mục này vậy.” Tôi về nhà và suy nghĩ nhiều về những điều anh ấy nói. “Có lẽ mình nên có ý kiến trước và đừng đợi để được hỏi,” tôi nghĩ.

Lần tiếp theo gặp Bao, tôi nói với anh ấy chi tiết về những gì tôi sẽ làm nếu tôi là một nhà thiết kế và là người chịu trách nhiệm cho hạng mục. Tôi nghĩ tôi đã cẩn thận suy xét và đang đưa ra giải pháp và không đặt bản thân đứng bên lề hạng mục. Nhưng hạng mục vẫn bị đình trệ.

Tôi về nhà với cảm giác mình đã không phối hợp tốt, tôi nhớ lại cách mà Bao đã phối hợp với tôi trong giai đoạn đầu của hạng mục. Bất cứ thứ gì mà hạng mục cần, thì anh ấy sẽ cố gắng tìm cách giải quyết. Làm sao để tôi có thể phối hợp tốt với anh ấy? Phối hợp tốt nghĩa là gì? Trong vài ngày, tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại về chuyện đó.

Một hôm, tôi nhìn thấy chữ “phối hợp” dạng 3D in sâu trong tâm trí tôi. Bất ngờ tôi cảm nhận được ý nghĩa của việc “phối hợp.” Đó là một cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng, và cao quý. Nó là trạng thái hoàn toàn loại bỏ những suy nghĩ cá nhân để giúp đỡ người khác. Nó vị tha và đẹp đẽ. Tôi đã biết cách nên phối hợp với Bao như thế nào. Tôi gạt ý kiến của mình sang một bên và nghiên cứu thiết kế của anh ấy và làm một số cải thiện trên thiết kế đó. Tôi không nghĩ đến “ý tưởng của anh ấy” hay “ý tưởng của tôi” gì nữa cả.

Những năm tháng vừa qua là khoảng thời gian rất quý giá trên con đường tu luyện của tôi. Sư phụ đã cho tôi thấy những thiếu sót của tôi để tôi đề cao được nhanh chóng. Tôi thường thức nguyên đêm để làm hạng mục và vẫn làm công việc người thường vào ban ngày, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy rằng mình đang chịu đựng. Những người tôi tiếp xúc đều không biết tôi làm gì. Họ chỉ thấy rằng tôi rất bận rộn.

“chư vị có thể âm thầm hoàn thành cho tốt những chỗ mà chư vị thấy còn thiếu sót, chư vị có thể lẳng lặng làm những gì chư vị cần làm, chư vị khiến chỗ còn chưa hoàn thiện của việc đó âm thầm tự mình làm cho nó được tốt, thì chư Thần sẽ bội phục lắm, nói rằng cá nhân ấy thật là giỏi lắm! Đó mới là điều đệ tử Đại Pháp nên làm.” (Tinh tấn hơn nữa, Giảng Pháp tại các nơi X)

Tôi cảm thấy may mắn khi tôi có thể âm thầm làm những gì tôi nên làm hết khả năng của mình. Tôi biết Sư phụ đã ban cho tôi rất nhiều. Thật là một vinh dự khi trở thành một đệ tử Đại Pháp. Cảm tạ Sư tôn!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/21/387605.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/19/178136.html

Đăng ngày 03-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share