Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Israel

Con xin kính chào Sư phụ! Kính chào các đồng tu!

Vào tháng 6 năm 2018, một đồng tu đã tiếp cận tôi và rủ tôi cùng tham gia “Khóa học Chỉnh Sửa Wikipedia” dành cho người đã về hưu. Lúc đó, tôi hơi đắn đo và nghĩ: “Việc đó thì có liên quan gì tới mình nhỉ?” Tôi là người đã về hưu, cũng biết viết lách, nhưng tôi chưa từng viết cho trang bách khoa toàn thư nào, cũng không biết có thể đóng góp những gì. Tôi mới tu luyện được một năm rưỡi, và luôn tiếp nhận mọi cơ hội tham gia giảng chân trướng cho dù có nằm trong kế hoạch của tôi hay không. Cuối cùng, tôi đã đồng ý tham gia vào khóa học đó vì biết rằng từ khi tôi bắt đầu tu luyện, Sư phụ đã có an bài cho tôi và tôi nên đảm nhận điều đó.

Sư phụ đã giảng:

“Bởi vì chư vị muốn tu luyện thì tôi sẽ an bài lại từ đầu con đường tu luyện của chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston” [1996])

Khóa học chủ yếu là về kỹ thuật. Chúng tôi học cách ứng dụng phần mềm và làm các bài tập liên quan tới kiến thức mà chúng tôi đã học. Đồng tu của tôi kể cho tôi mong muốn của cô ấy về một bài viết trong Wikipedia mà trước đây, các đồng tu đã nỗ lực đăng tải lên nhưng lại bị xóa mất. Cô ấy nói với tôi: “Có thể học xong khóa này thì chúng ta có thể đăng nó lên.” Lúc đó, tôi không để ý lắm nên không hỏi thêm gì về bài viết đó và điều gì đã xảy ra với nó.

Khi khóa học sắp kết thúc, mọi người tham dự được yêu cầu phải nộp một đề án. Với sự giúp đỡ của một đồng tu và một điều phối viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp Israel, chúng tôi đồng ý dịch từ tiếng Anh một bài viết của một nhà theo dõi Trung Quốc, cũng là một tác giả và là một người bảo vệ nhân quyền. Trước đó, tôi chưa từng nghe tới tên tuổi cũng như nghiên cứu của ông. Nhưng tôi vẫn phải dịch vì đó là điều mà tôi được đề nghị làm.

Sư phụ đã giảng:

“Quản thì quản thôi, vì Đại Pháp, thì đệ tử Đại Pháp có thể chịu khuất thân hay không? (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)

Trong khi dịch, tôi mới biết được rất nhiều về nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc cũng như về nhà nghiên cứu này. Giảng viên của khóa học đã giúp tôi khi tôi gặp vấn đề trong quá trình làm. Sau đó, chúng tôi đã trở thành bạn. Chỉ hai phút sau khi tôi đăng bài lên Wikipedia, nó liền bị xóa và biến mất. Tôi vô cùng kinh ngạc mặc dù tôi không hề động tâm. Tôi đã nghe nói sự việc này từng xảy ra trước đây và tôi cũng đã rất tự tin khi có giảng viên giúp tôi. Thế nhưng, tại sao nó vẫn xảy ra? Tôi đã hướng nội và nhẫn trong tâm để không bị nóng giận. Tôi cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra và nhờ giảng viên giúp giải quyết vấn đề.

Sự phụ giảng:

“[Nếu] thông thường toàn tâm của chư vị luôn hoà ái từ bi như thế, [thì] khi đột nhiên xuất hiện vấn đề, chư vị sẽ có thêm một khoảng hoà hoãn, [để] cân nhắc thêm.” (Chuyển hóa Nghiệp lực, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi chỉnh sửa theo hướng dẫn, tôi đăng bài lên một lần nữa. Tôi thấy hài lòng và yên tâm, cứ tưởng thế là xong phần trách nhiệm của tôi. Nhưng người điều phối viên của Trung tâm Thông tin lại yêu cầu tôi dịch một bài về nhà sáng lập của Pháp Luân Đại Pháp từ bản tiếng Anh. Bài viết khá dài với nhiều dữ kiện tiểu sử. Trong khi dịch, tôi đã biết được rất nhiều về Sư tôn của chúng ta. Tôi cảm thấy rất tự hào, mãn nguyện khi có vinh diệu được đăng một bài viết có tầm quan trọng như thế.

Sư phụ đã giảng:

“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Chân chính đưa con người lên cao tầng, Chuyển Pháp Luân)

Tôi hướng nội và phát hiện ra nhiều lúc tôi đã coi trọng danh, sự tự tôn và thỏa mãn về những thành tựu của bản thân. Vì vậy, lần này, tôi quyết định tống khứ tâm chấp trước này.

Làm sao để loại bỏ chấp trước

Với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, trước tiên, tôi phải thừa nhận rằng mình có chấp trước nào đó, tóm được nó khi nó xuất hiện, và cảm nhận nó trong bản thân tôi. Tôi cảm thấy cái chấp trước đó đem lại cho tôi một cảm giác dễ chịu, mà người thường thì thích cảm giác ấy. Là một người tu luyện, tôi quyết định phải tống khứ nó, tôi quyết định phải từ bỏ cái cảm giác thoải mái đó, phải từ bỏ danh; và rồi tôi không hề kể cho đồng tu nào về công việc tôi làm trên Wikipedia. Tôi giữ nó cho bản thân mình và người điều phối, và xem điều gì sẽ xảy ra.

Tới khi sắp hoàn thành việc dịch và chỉnh sửa bài, người điều phối bỗng nhiên cho tôi biết rằng đã có quyết định là không đăng tải bài viết về nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp lên trang Wikipedia tiếng Do Thái nữa. Anh ấy không cho tôi biết lý do, nói rằng quyết định ấy là của điều phối viên của Trung tâm Thông tin Hoa Kỳ. Tôi muốn biết lý do nhưng không được. Tôi thắc mắc tại sao bài viết bằng tiếng Anh thì có mà tiếng Do Thái lại không được đăng.

Sự tra hỏi của tôi thực chất là do tôi cứ nhất quyết tranh luận với người điều phối. Cuối cùng, họ theo ý nguyện ngoan cố của tôi, đăng bài viết mà tôi đã dày công làm. Sau khi phát hiện chấp trước hiếu thắng của mình, tôi không hỏi anh ấy nữa. Tôi chấp thuận ý kiến của anh, nhưng lại cảm thấy bực bội vì đã uổng phí bao công sức. Mấy hôm sau, tôi nhận ra rằng việc dịch bài viết này khiến tôi được gần Sư phụ hơn, giúp tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời và quá trình bắt đầu truyền Pháp của Ngài. Điều quan trọng là tôi phải vượt qua sự bực bội đó, chấp trước vào danh, vào thời gian, vào sự tự tôn và tài năng, vào việc chứng thực bản thân – đều là những chấp trước mà tôi đã xác định được. Tôi tự nhủ rằng mình không phải là người quyết định.

Một lúc sau, tôi nhớ lại Pháp của Sư phụ:

“Chư vị tương lai không biết được rằng về căn bản tôi là ai. Bất kể sinh mệnh nào của vũ trụ đều không biết được căn bản của tôi là ai.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Cuối cùng, tôi đồng ý với ý kiến của người điều phối và từ bỏ bài viết.

Tới lúc đó, tôi minh bạch ra rằng tôi phải tiếp tục công việc và phát triển trang Wikipedia Do Thái. Tôi nhận ra rằng đăng tải bài viết lên Wikipedia là một kênh giảng thanh chân tướng trực tuyến cho những người tôi chưa từng và sẽ không bao giờ gặp. Tôi biết nhiều người dùng Wikipedia vì nó là kênh mở mà rất nhiều người có thể truy cập. Tôi hỏi lại ý kiến của người điều phối và được giao phó trách nhiệm làm những báo cáo quan trọng về nạn thu hoạch nội tạng sống tại Trung Quốc.

Trong khi dịch, tôi phát hiện rằng nó chưa được cập nhật. Vì bài viết gốc là tiếng Anh, tới giờ đã có thêm hai báo cáo nữa: một bản vào năm 2016 và một là 2018. Tôi bèn tóm tắt hai báo cáo đó rồi bổ sung vào bài viết.

Tôi tiếp tục dịch và bổ sung thêm nội dung cập nhật vào bài viết, dẫn link tới bài viết của nhà bảo vệ nhân quyền đó và các bài viết tương tự bằng ngôn ngữ khác. Tôi đăng tải nó lên trang Wikipedia sau khi đã được mấy đồng tu đề xuất một số chỉnh sửa. Trong quá trình đọc, viết và dịch thông tin, tôi lại hiểu biết thêm về nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Kiến thức của tôi ngày càng mở rộng.

Tôi tiếp tục chỉnh sửa bài về Pháp Luân Công và bổ sung thông tin về nạn thu hoạch nội tạng vào các bài viết như: Diệt Chủng, Nhân Quyền tại Trung Quốc, v.v. Suốt thời gian đó, tôi biết tôi còn phải làm một bài viết nữa, nhưng muốn có thêm kinh nghiệm trước khi bắt tay vào làm. Sau khi khóa học kết thúc, vì tôi vẫn làm dở các bài viết nên giảng viên đề xuất sẽ tư vấn cho tôi. Cô ấy nói có thể trả lời câu hỏi của tôi bất cứ lúc nào.

“Vô sở cầu, nhi tự đắc”

Bài viết mà các đồng tu đã cố gắng đăng tải lên trước đây rồi bị xóa mất nói về nạn thu hoạch nội tạng của đệ tử Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Tôi nghĩ chắc phải viết lại từ đầu. Tôi bắt đầu lên kế hoạch, thu thập tài liệu, chuẩn bị, và đọc đi đọc lại bài viết ấy của các đồng tu. Khi tôi chuẩn bị bắt đầu, tôi lại được biết sẽ có một khóa học về “xóa bài viết trên Wikipedia” do giảng viên viên cũ – giờ là bạn tôi – tổ chức. Tôi biết mình phải tham gia để tìm hiểu sâu về vấn đề này và biết phải vận dụng chiến lược nào. Khóa học có đưa ra những ví dụ về những bài viết đã bị xóa và lý do xóa. Tôi chỉ ngồi im lắng nghe khóa học, chứ không tham gia ý kiến.

Giảng đến chỗ nếu một bài viết đã bị xóa thì sẽ rất khó hoặc không thể đăng tải lại với cùng một tiêu đề. Ngay lúc đó, tôi giật mình, chợt hiểu ra ảnh hưởng đến bài viết mà tôi đang làm. Tôi nhận ra rằng bắt đầu lại từ đầu cũng vô ích vì nó sẽ lại bị xóa mất ngay sau khi được đăng. Hai học viên trong khóa học là cựu biên tập viên của Wikipedia. Họ nói rằng một bài viết sau khi bị xóa mất vẫn đăng tải lại được, kể cả khi nó đã được viết lại, với điều kiện phải có sự giúp đỡ của cựu biên tập viên. Tôi liền van vỉ: “Làm ơn hãy giúp tôi đăng lại bài viết đã bị xóa.” Tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các cựu biên tập viên ở đó. Chính tôi cũng ngạc nhiên khi nhờ người chưa hề quen biết, nhưng tôi cảm thấy rất rõ là họ sẽ giúp đỡ, và tôi phải nhờ họ.

Một người đã đồng ý xem qua. Wiki tiếng Do Thái còn có một bài viết khác tên là “thu hoạch nội tạng” nên anh ta không rõ sự khác biệt giữa hai bài viết, vì vậy tôi đã nhân cơ hội để giải thích cho anh. Anh ấy vô cùng kinh ngạc khi tôi kể nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Điều đó càng thúc đẩy anh ấy muốn giúp tôi. Anh đã tra cứu thấy một bài viết đã bị xóa trong kho lưu trữ Wikipedia. Anh ấy rất ấn tượng về bài viết, từ tính nghiêm túc của bài viết đến độ sâu sắc cũng như những trích dẫn từ nhiều nguồn tin; cuối cùng anh ấy đã đưa nó lại lên trang Wikipedia. Anh cảm thấy kinh ngạc vì bài viết này có đến 15 ngôn ngữ. Sau đó, anh đưa ra cho tôi một số gợi ý chỉnh sửa để bài viết không còn lý do nào để bị xóa nữa. Chỉ sau một nhấp chuột, bài viết đã được đăng trở lại trang Wikipedia tiếng Do Thái. Mặc dù chưa xong việc, nhưng tôi vẫn rất vui mừng.

Tôi đã gọi người phụ đạo viên để chia vui, nhưng cũng lúc đó tôi nhận ra mình không nên tự đắm mình trong sự thỏa mãn này. Tôi ngộ ra đây cũng lại là một cơ hội để giảng thanh chân tướng cho nhiều người hơn, như cựu biên tập viên kia vậy. Giảng viên khóa học đã đề nghị tôi đồng ý để anh viết một email kể câu chuyện này cho những người tham gia khóa học và gửi họ đường link tới bài viết. Từ đó đến nay, đã có 600 người xem. Tôi không ngừng cải thiện nó cùng với sự trợ giúp của các đồng tu. Tôi làm việc này tại nhà, trong căn phòng yên tĩnh của tôi, và nó có thể tiếp cận được nhiều người xem hơn nữa trong thời gian vô hạn. Đây là lợi thế của Wikipedia, chính là các bài viết của nó sẽ tồn tại rất lâu dài.

Sư phụ giảng:

“Đó chính là vì sao mà đệ tử Đại Pháp cần giảng chân tướng, mục đích là giải trừ lừa dối của tà ác, [để người ta] nhìn rõ bộ mặt thật của đảng cộng sản, thanh trừ tội ác đã phạm của con người đối với Thần Phật, từ đó cứu độ con người thế gian.” (Mục đích căn bản của giảng chân tướng, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Tôi đã tới khóa học thứ hai đó trong trạng thái vô vi, không cầu gì cả. Tôi cũng không hề biết là có thể đăng lại bài từ kho lưu trữ. Trong khóa học, bỗng xuất hiện cơ hội để được người cựu biên tập đó giúp đỡ, và anh cũng là người chủ động đề xuất đăng tải nó lên lại, tôi không phải làm gì cả. Sự việc cứ diễn ra như vậy, thật kỳ diệu, hoặc có thể đó là nhờ Sư phụ an bài.

Tôi nhận ra rằng truy cầu điều gì cũng là vô ích. Tôi không biết lại có cơ hội như thế. Trong trạng thái thanh tịnh, vô vi, mọi sự sẽ thật dễ dàng. Đây là tình huống thực tế đã xảy ra.

Sư phụ đã giảng:

“Tu luyện lên cao tầng một cách chân chính là vô vi, không có hoạt động ý niệm nào hết;” (Chu Thiên, Chuyển Pháp Luân)

Giảng chân tướng trong khi gây quỹ

Người đứng đầu hiệp hội Wikipedia ở Israel đã liên lạc với tôi nói rằng cô ấy đã nộp đơn xin tài trợ của một quỹ của Mỹ để hỗ trợ người già tại Mỹ và Israel. Số tiền sẽ được dùng để tài trợ cho các khóa học Wikipedia cho những người đã nghỉ hưu, giống như khóa học mà tôi đã tham gia. Nhà tài trợ yêu cầu phỏng vấn một trong những học viên đã tốt nghiệp khóa học, trước khi họ đưa ra quyết định. Hóa ra là người đứng đầu hiệp hội đó không hề biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công nhưng lại đọc được bài viết mà tôi đã đăng, và cô ấy cũng rất ấn tượng. Cô ấy hết sức bàng hoàng khi biết đến cuộc bức hại và nạn thu hoạch nội tạng. Và rồi cô ấy cho rằng đó là một chủ đề xứng đáng và đã chọn tôi cho cuộc phỏng vấn.

Ban đầu, tôi rất do dự, không biết sẽ nói gì với người đại diện của nhà tài trợ. Tôi hỏi ý kiến của người đứng đầu hiệp hội, và cô ấy nói rằng hãy kể về trải nghiệm của tôi và những gì tôi đã làm được trong khóa học. Quá là hiển nhiên, thật ra, cô ấy đang gợi ý rằng tôi nên giảng chân tướng.

Tôi nhận ra rằng mình phải chuẩn bị cho cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh đó.

Tôi nhớ đến những buổi tập dượt chuẩn bị để bán vé Shen Yun. Chúng tôi đã học cách nói chuyện qua những buổi tập dượt đó. Tôi nhờ một đồng tu diễn thử với tôi và cô ấy đã đồng ý. Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại bằng tiếng Anh. Cô ấy đề nghị tôi hãy kể về khóa học, kể về những bài mà tôi đã viết và chỉnh sửa, về cách sử dụng thuật ngữ phù hợp, về cuộc bức hại, nạn thu hoạch nội tạng và Pháp Luân Công. Sau buổi diễn tập ấy, cô ấy đưa ra một vài góp ý để tôi chuẩn bị tốt hơn cho cuộc trao đổi chính thức.

Cuộc gọi đó là một vinh dự để tôi giảng thanh chân tướng cho một người quản lý của một quỹ lớn của Mỹ mà chưa từng biết đến cuộc bức hại. Sau buổi trò chuyện, tôi đã đề xuất gửi cho cô ấy đường dẫn các bài viết bằng tiếng Anh mà tôi dịch. Cô ấy đã vui mừng với cơ hội này để tìm hiểu thêm về vấn đề này và đã viết một email xúc động để cảm ơn tôi. Tôi mong rằng hiệp hội sẽ nhận được tiền tài trợ.

Tôi nhận ra rằng khi chuyên chú vào một việc thì sẽ mở ra nhiều mối quan hệ và cơ hội khác để giảng thanh chân tướng trên mạng cũng như trực tiếp. Tôi dự định sẽ tiếp tục công việc trên Wikipedia.

Cảm ơn Sư phụ tôn kính và các đồng tu Israel.

Nếu có điểm nào chưa phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.

(Trình bày tại Pháp hội New York 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/24/【纽约法会】译文-通过维基百科项目讲真相-387760.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/25/177768.html

Đăng ngày 02-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share