Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-5-2019] Một người dân ở tỉnh Hắc Long Giang, thành phố Cáp Nhĩ Tân đã rơi vào tình trạng nguy kịch không lâu sau khi bị cầm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Tuy nhiên, khi quản lý nhà tù đồng ý cho ông được bảo lãnh điều trị, thì giám đốc Cục Tư pháp địa phương đã từ chối với lý do ông và gia đình vẫn kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Ông Triệu Hải Quân, 53 tuổi bị bắt vào tháng 5 năm 2016 vì đã nộp đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bốn tháng sau đã bị tòa án Khu Song Thành kết án tám năm tù.

Vài tháng sau khi bị đưa vào Nhà tù Hô Lan vào ngày 4 tháng 1 năm 2017, sức khoẻ của ông đã xấu đi nhanh chóng.

Theo lời bác sỹ, khoảng hai phần ba phổi của ông đã bị xẹp, một quả thận bị hư trong khi quả còn lại bị lao. Ông cũng bị suy tim và khó thở.

Từ năm 2017 đến 2018, ông đã được đưa đến phòng cấp cứu nhiều lần để hồi sức.

Bên cạnh các vấn đề về phổi, thận và tim, ông cũng bị lao mào tinh hoàn và huyết áp cao.

Khi tình trạng sức khỏe của ông trở nên xấu đi, ông bị giữ trong bệnh viện nhà tù và bị các tù nhân giám sát.

Năm 2019, nhà tù đã chấp nhận yêu cầu được bảo lãnh điều trị của ông Triệu và bảo đảm các báo cáo kiểm tra y tế cần thiết, cho thấy tình trạng của ông cần được điều trị đặc biệt.

Theo luật, Cục Tư pháp địa phương của người nộp đơn cũng phải chấp thuận trước khi họ được thả để điều trị. Ngày 1 tháng 4, một nhân viên nhà tù đã đến gặp Vu Kiến Dân, giám đốc Phòng Cải huấn tại Cục Tư pháp Khu Song Thành, địa phương nơi ông Triệu ở để xin chữ ký.

Vu đã từ chối ký vào giấy tờ, nói rằng người bảo lãnh cho ông Triệu cũng tu luyện Pháp Luân Công. Khi gia đình ông Triệu tìm được một người bảo lãnh khác mà không tu luyện Pháp Luân Công, Vu lại lấy cớ rằng người bảo lãnh mới không cung cấp được bằng chứng rằng thu nhập của mình có thể chi trả được cho chi phí điều trị của ông Triệu.

Để tìm kiếm sự tại ngoại cho ông Triệu, gia đình đã đến văn phòng kháng cáo địa phương và chính quyền thành phố nhằm yêu cầu hai cơ quan này đưa ra giải pháp.

Một nhân viên chính quyền địa phương nói với gia đình: “Bảo lãnh điều trị cho một kẻ giết người hay đốt nhà thì dễ, nhưng Pháp Luân Công thì không.”

Nghe tin về khổ nạn của ông Triệu, nhiều người trong làng ông đã ký tên vào một lá đơn kiến nghị và tình nguyện điền tên họ vào danh sách người bảo lãnh. Điều này đã chọc giận công an địa phương, họ cáo buộc rằng ông Triệu và gia đình đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Họ lại ép gia đình ông từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Vì báo cáo kiểm tra sức khoẻ chỉ có hiệu lực trong vòng ba tháng trong các đơn xin tạm tha, gia đình ông đã đến Cục Tư pháp nhiều lần, nhưng Vu vẫn tiếp tục đề nghị họ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Khi họ từ chối hợp tác, Vu đã ra lệnh cho bảo vệ lôi họ ra ngoài và hăm doạ sẽ bắt họ nếu họ cứ tiếp tục đến.

Ông Triệu vẫn đang ở trong bệnh viện nhà tù tại thời điểm viết bài này. Không lâu sau khi ông bị bắt vào ngày 6 tháng 5 năm 2016, một trong hai người con gái của ông đã viết một bức thư kêu gọi thả ông. Cô và gia đình rất lo lắng cho sức khoẻ của ông Triệu.

Bức thư đau lòng của người con gái kể về khổ nạn của cha mình

Con gái nhỏ của ông Triệu chỉ mới ba tuổi khi vợ chồng ông bị bắt lần đầu vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cô đã thuật lại những đau khổ của gia đình trong bức thư như sau:

Tôi sinh năm 1996. Đó cũng là năm mà cha mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Kể từ khi nhận thức được mọi việc, tôi thấy cha mẹ tôi luôn tôn trọng lẫn nhau, cuộc sống rất hòa hợp và không bao giờ đánh nhau. Chị tôi nói rằng trong quá khứ cha mẹ tôi đã không được như vậy, họ đã từng đánh nhau rất nhiều, đôi khi rất dữ dội.

Tuy nhiên, sau khi tu luyện Pháp Luân Công, cả hai đã thay đổi. Cha tôi đã bỏ hút thuốc và uống rượu. Mẹ tôi trở nên lịch sự hơn và tôn trọng người khác.

Nhiều người đến gặp cha tôi và nhờ ông giúp họ sửa TV cùng các vật dụng khác. Ông luôn giúp họ miễn phí. Bất kể là trễ hay mệt đến đâu, ông không bao giờ từ chối hay phàn nàn mỗi khi họ đến tìm ông nhờ giúp đỡ.

Sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, cha mẹ tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho đức tin của mình vào tháng 11 năm 1999. Họ đã bị bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Khi đó tôi chỉ mới ba tuổi. Tôi không hiểu việc gì đã xảy ra. Tôi chỉ biết rằng cha mẹ tôi đã đi.

Tôi ở nhà với người chị 11 tuổi và ông ngoại 70 tuổi vốn khó khăn trong việc đi lại. Vì không có ai chăm sóc, nên chúng tôi phải ở với dì và nhờ dì giúp đỡ.

Cha mẹ tôi đã tuyệt thực để phản đối bức hại vào tháng 6 năm 2000 và cuối cùng chính quyền đã phải thả họ. Nhưng chỉ năm tháng sau đó cha mẹ tôi lại bị bắt. Lần này, họ bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Mẹ tôi bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia và cha tôi bị giam trại Trại Lao động Cưỡng bức Thông Hà ở Bắc Kinh. Chúng tôi lại bị chia cắt lần nữa.

Đầu năm 2001, vài người dì của tôi cũng bị bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công. Khi đó tôi được bốn tuổi. Vì tôi còn quá nhỏ và không được ai chăm sóc ở nhà, nên tôi bị đưa đến trung tâm tẩy não cùng với các dì. Mỗi ngày, tôi thấy những công an và con nghiện đánh đập các học viên Pháp Luân Công khi họ uống rượu say. Tôi rất sợ hãi. Tôi trốn trong vòng tay của một người dì và không dám nhìn. Tôi khóc mỗi ngày và tự hỏi cha mẹ mình ở đâu.

Hai tuần sau, tôi được đưa về nhà. Vì ông ngoại già cả không thể chăm sóc được chị em tôi, nên chúng tôi phải ở với những người họ hàng, mỗi gia đình vài ngày. Ban ngày, tôi đến trường cùng chị gái và ngồi gần chị.

Vài tháng sau, tôi được đưa đến nhà trẻ sớm hơn hai năm so với tuổi quy định. Tôi không dám nói chuyện hay chơi với những đứa trẻ khác. Chị tôi đưa tôi đến nhà trẻ vào buổi sáng và tôi đợi chị đến đón sau khi tan học. Tôi thường ngồi ở một góc và vẫn buồn vì cha mẹ bị bắt giữ.

Khi cha mẹ tôi được thả vào cuối năm 2001, tôi cảm thấy đó không phải là họ. Khi gặp họ, tôi cảm thấy họ như những người xa lạ. Cha tôi trở về trước và ông bắt đầu dọn dẹp những căn phòng mà không nghỉ ngơi. Chị em tôi chỉ đứng đó mà không biết nói gì.

Vài ngày sau mẹ tôi cũng trở về. Trên người bà đầy vết thương, hầu hết đều rất sâu và mưng mủ. Nhìn chúng rất đáng sợ.

Sau một thời gian dài, cuối cùng tôi cũng cảm nhận được cha mẹ mình đã quay trở về và hiểu được thế nào là một gia đình thực sự.

Từ đó, tôi luôn sợ hãi. Tôi sợ cha mẹ sẽ lại bị bắt. Khi nhìn thấy xe công an, tôi sẽ cố trốn tránh. Khi nghe tiếng còi báo động, tôi lo lắng liệu họ có đến nhà tôi không. Khi cha mẹ ra khỏi nhà trong một thời gian lâu, tôi bắt đầu lo rằng liệu họ có lại bị bắt không. Ngay cả khi tôi đến một thành phố khác để học mười năm sau đó, tôi vẫn lo sợ khi họ không trả lời điện thoại của tôi.

Ngày 11 tháng 7 năm 2015, ngày thứ hai trong kỳ nghỉ hè của tôi, tôi cùng với cha mẹ ra ngoài cả ngày. Buổi tối khi trở về nhà, những người hàng xóm nói rằng có bốn hay năm xe công an đã đến nhà chúng tôi. Hơn 20 công an đã xông vào nhà. Vì chúng tôi không có ở nhà, họ đã rời đi sau khi lục soát. Sau đó chúng tôi đến ở nhà của họ hàng và bạn bè để tránh bị bắt giữ lần nữa.

Gần một năm sau, chúng tôi trở về nhà. Ngày 6 tháng 5 năm 2016 khi đang làm việc trên cánh đồng, cha tôi đã bị nhiều cảnh sát ập tới bắt giữ. Họ cũng cố bắt mẹ tôi, nhưng nhiều người làng đã đến bênh vực nên họ để mẹ tôi ở lại.

Chị em tôi đã đến đồn công an để đề nghị họ thả cha tôi. Trưởng đồn công an từ chối thả cha tôi nhưng ông ta nói rằng sẽ cho chúng tôi gặp cha nếu chúng tôi có thể tìm được một luật sư để đại diện cho ông.

Sau khi nhiều luật sư từ chối nhận hồ sơ của cha tôi vì sợ cuộc bức hại, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một luật sư sẵn lòng đến gặp cha tôi trong trại tạm giam.

Trong những năm qua, tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện về các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn trong khi bị giam giữ. Tôi không yêu cầu nhiều thứ. Tôi chỉ hy vọng cha tôi không bị tra tấn trong trại tạm giam và được tự do ngay lập tức. Tôi không muốn ông ở đó thêm một giây nào nữa.

Báo cáo liên quan:

Người đàn ông ở Cáp Nhĩ Tân vẫn bị giam hơn ba tuần sau khi nhà tù ký giấy cho tại ngoại để điều trị y tế

Ông Triệu Hải Quân bị tra tấn trong nhà tù Hô Lan

Hai học viên bị kết án tù giam vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông Triệu Hải Quân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân bị bắt giữ cùng hơn 70 học viên khác


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/20/387569.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/5/177928.html

Đăng ngày 16-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share