[MINH HUỆ 08-06-2019] Báo New York Post đăng tải một bài báo vào ngày 1 tháng 6 năm 2019, với tựa đề “Những người Trung Quốc bất đồng chính kiến đang bị sát hại để lấy nội tạng, một cựu nhân viên bệnh viện cho hay.”

Bài báo của tác giả Steven W. Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số và là một nhà khoa học xã hội người Mỹ đã có nhiều bài viết về Trung Quốc.

Tác giả Mosher mở đầu bài viết trên Báo New York Post như sau:

“Trịnh Kiều Trì – chúng ta sẽ gọi anh ấy là George – vẫn đang gặp ác mộng. Hồi còn thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương của Trung Quốc thì anh bị kéo sang nhóm thu hoạch nội tạng.“

b645930fbab8438ffaf7382115f9ff75.jpg

Tái hiện cảnh thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ do nhà nước hậu thuẫn từ các học viên Pháp Luân Công còn sống

Mosher đã tả lại tình huống một tù nhân trẻ tuổi được đưa vào phòng trong tình trạng chân tay đều bị trói. Anh ấy vẫn còn rất khỏe mạnh. Bác sỹ quân đội phụ trách nhanh chóng mổ phanh anh ra từ ngực xuống rốn, để lộ ra hai quả thận.

Sau đó, bác sỹ bảo cậu thực tập sinh “cắt đứt tĩnh mạch và động mạch”. Cậu thực tập sinh đã làm theo chỉ dẫn của bác sỹ, “máu phun ra tung tóe khắp nơi”. Hai quả thận bị lấy đi, bỏ vào chiếc hộp chuyên dùng để vận chuyển nội tạng để cấy ghép.

Mosher viết: “Sau đó, bác sỹ đã ra lệnh cho George móc mắt của người đàn ông này. Nghe thấy vậy, tù nhân đang hấp hối đã kinh hoàng nhìn bác sỹ, còn George cứng đờ người ra. “Tôi không làm vậy được”, anh nói với bác sỹ; sau đó bác sỹ nhanh chóng tự tay lấy đi nhãn cầu của người đàn ông.

“George rất lo sợ trước những gì anh ta chứng kiến đến nỗi anh phải bỏ luôn việc ở bệnh viện này và trở về nhà. Sau đó, vì sợ mình có thể là nạn nhân tiếp theo của việc buôn bán cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, anh đã trốn sang Canada và thay tên đổi họ.”

Mosher giải thích trong bài báo rằng những lời tự thuật trực tiếp như của George đây rõ ràng là rất hiếm. ‘Khách du lịch ghép tạng’ sang Trung Quốc đương nhiên không được biết gì về ‘người hiến’ tim, gan hay thận cho họ. Còn những người bị giết để lấy nội tạng không thể kể lại điều gì.

Các học viên Pháp Luân Công được cho là một nguồn nội tạng lớn ở Trung Quốc, ông Mosher giải thích. Ông nói rằng sau khi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và biến mất không để lại dấu vết nào.

Chàng thực tập sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quân đội Thẩm Dương chỉ biết rằng người tù nhân trẻ mà anh ta đã giúp hành quyết chưa đến 18 tuổi và còn khỏe mạnh, Mosher nói.

Mosher cho rằng các nhóm thiểu số Hồi giáo ở vùng viễn Tây Trung Quốc là mục tiêu tiếp theo cho ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan đã bị bắt và đưa đến các trại tập trung trong những năm gần đây. Những người này đã bị lấy máu và kiểm tra nội tạng sau khi vào trại. Ngoài ra, có tin cho hay, các làn đường riêng cho việc vận chuyển nội tạng đã mọc lên ở các sân bay trong khắp khu vực này, và hiện đang xây dựng các lò hỏa thiêu, Mosher viết.

“Mặc dù Trung Quốc đưa ra những tuyên bố ngược lại, nhưng ngành kinh doanh cấy ghép của họ đang bùng nổ. Và, nhờ công nghệ phương Tây có tên oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (extracorporeal membrane oxygenation – ECMO), hoạt động này đã mang lại nguồn thu béo bở hơn nhiều”, ông nói.

Mosher viết, cách đây 20 năm, các bác sỹ chỉ có thể thu hoạch thành công một hoặc nhiều nhất là hai nội tạng từ mỗi người hiến tạng. Các cơ quan nội tạng khác sẽ bị thiếu oxy quá lâu để có thể cấy ghép thành công. Máy ECMO có thể đóng vai trò như một trái tim và phổi nhân tạo để duy trì hoạt động của các cơ quan khác đủ lâu để thu hoạch. Trước khi phát minh ra ECMO, một số cơ quan có thể lấy được từ mỗi nạn nhân có giá tối đa là 250.000 Đô la Mỹ. Giờ đây, nhờ áp dụng công nghệ ECMO, nội tạng nào cũng có thể thu hoạch được – thậm chí cả da – có nghĩa là, lợi nhuận từ cơ thể một nạn nhân có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Mosher nói rằng mặc dù ECMO đã cứu nhiều mạng sống ở phương Tây, nhưng công nghệ này “đã có tác dụng ngược lại tại Trung Quốc: Nó đã thúc đẩy việc giết người vô tội.”

Trung Quốc đã hết sức nỗ lực hòng che đậy những tội ác này, ông Mosher viết. Vào tháng 1 năm 2015, chính quyền tuyên bố rằng họ chỉ sử dụng nội tạng từ những công dân tự nguyện hiến tạng và sẽ cấm sử dụng nội tạng từ tử tù.

Mosher viết: “Để có chứng cứ, họ thậm chí đã công bố số liệu thống kê. Những con số này cho thấy số tạng hiến ‘tự nguyện’ tăng theo đường thẳng, bức tranh hoàn hảo như thế chỉ có thể là giả. Và số người hiến tặng tự nguyện ‘chính thức’ của Trung Quốc chỉ tăng lên 6.000 vào năm 2018, một con số quá nhỏ để đáp ứng cho hàng chục ngàn nội tạng đã cấy ghép trong năm đó.”

Trong khi bệnh nhân ở các quốc gia khác phải đợi trung bình hàng năm trời mới có được một nội tạng, ông Mosher giải thích: “Chỉ có ở Trung Quốc, ‘du khách ghép tạng’ mới được ghép thận, tim hay gan trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi đến nơi. Trên thực tế, trong một số trường hợp, bệnh nhân còn cho biết ca phẫu thuật ghép tạng của họ đã được lên lịch từ trước khi họ sang Trung Quốc – điều này chỉ có thể xảy ra do hoạt động thu hoạch nội tạng.“

Mosher kết luận ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc không chỉ cấu thành nên tội giết người hàng loạt mà còn có thể là một hình thức diệt chủng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/6/3/388219.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/8/177977.html

Đăng ngày 12-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share