Xin chào các đồng tu!

Hôm nay sau khi đọc thông báo của Ban biên tập Minh Huệ, trong đó có đề cập đến tại Việt Nam gần đây một số cơ quan truyền thông vì một số lý do thúc đẩy nào đó, mượn cớ đăng tải một vụ án giết người tàn ác, sau đó ngay lập tức quy kết cho rằng do Pháp Luân Công thế này thế khác, mượn cớ mà nhất loạt dấy lên những lời tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công trên các kênh truyền thông.

Sau khi đọc được thông tin này, là một người dân Việt Nam, tôi cảm thấy rất buồn cho những hành vi bất lương của những phóng viên, hay hãng truyền thông nào đó, có thể là vì tiền, vì bị xúi giục, vì một số lợi ích trước mắt, mà bán rẻ đạo đức, lương tri nghề nghiệp của chính bản thân mình. Thiện ác hữu báo, hy vọng rằng những người này sớm tỉnh ngộ, cải chính lại thông tin sai lệch và đầy nguy hại đó, trả lại sự trong sạch cho Pháp Luân Công và những người dân lương thiện tập luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam!

Là một học viên Pháp Luân Công thu được rất nhiều lợi ích do tìm hiểu thông tin qua mạng Internet, hôm nay tôi muốn chia sẻ một vài nhận thức của mình về vấn đề học viên Pháp Luân Công chân chính có thể tự sát hay sát sinh được không?

Trong loạt bài 54 bằng chứng tiết lộ “Vụ tự thiêu” trên Quảng trường Thiên An Môn chỉ là màn kịch để tuyên truyền – Phần 1, đăng trên Minh Huệ Net, mục 10 “Tự sát và sát sinh là điều cấm kỵ trong Pháp Luân Công” có trích dẫn hai đoạn giảng Pháp sau của Sư phụ Lý Hồng Chí khi giảng về vấn đề sát sinh và tự sát này:

“Vấn đề sát sinh rất mẫn cảm; đối với người luyện công mà nói, yêu cầu của chúng tôi rất nghiêm khắc: người luyện công không được sát sinh. Bất kể là Phật gia, Đạo gia, Kỳ Môn công pháp, cũng bất kể là môn nào phái nào, chỉ cần là tu luyện chính Pháp, thì đều coi [vấn đề] này rất tuyệt đối; đều không được sát sinh; điểm này là khẳng định. Bởi vì vấn đề xuất hiện sau khi sát sinh là quá to lớn, [nên] chúng tôi cần nói kỹ lưỡng cho mọi người. ‘Sát sinh’, trong Phật giáo nguyên thuỷ, là chủ yếu nói về ‘giết người’, đó là nghiêm trọng nhất. Về sau này, [giết] những sinh mệnh lớn, súc vật lớn hoặc những sinh mệnh có phần tương đối lớn, đều được xem là rất quan trọng. Vì sao giới tu luyện luôn luôn coi vấn đề ‘sát sinh’ là nghiêm trọng đến như thế? Quá khứ trong Phật giáo có thuyết rằng, những [sinh mệnh] lẽ ra không phải chết nhưng bị giết chết, sẽ thành cô hồn dã quỷ. Quá khứ giảng ‘siêu độ’, chính là chỉ về bộ phận những người này. Không cấp siêu độ [cho họ], thì những sinh mệnh ấy sẽ không ăn không uống, [sống] trong một hoàn cảnh rất cực khổ; đó là điều trước đây giảng trong Phật giáo.” (Vấn đề sát sinh, Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Ngài còn giảng:

“Đệ tử: Câu hỏi thứ ba là trong sách nói đến vấn đề sát sinh. Sát sinh là một tội nghiệp rất lớn, một người tự sát thì có bị coi là tội không?

Sư phụ: Có tính là tội. Hiện nay xã hội nhân loại này không tốt nữa, những sự tình kỳ quái đều xuất hiện. Nói nào là cái chết an lạc, tiêm cho người kia chết. Mọi người biết tại sao lại tiêm cho anh ta chết? Cảm thấy anh ta đau khổ. Nhưng chúng tôi lại thấy rằng, anh ta đau khổ là đang tiêu nghiệp, đời sau anh ta chuyển sinh, toàn thân nhẹ nhàng, không có nghiệp lực, anh ta sẽ có hạnh phúc lớn chờ anh ta. Khi anh ta đang tiêu nghiệp trong đau khổ, anh ta đương nhiên sẽ khó chịu, chư vị để anh ta không tiêu nghiệp mà giết chết anh ta, đó không phải là giết người sao? Anh ta đem theo nghiệp lực đi, đời sau anh ta vẫn phải hoàn trả nghiệp. Vậy thì chư vị nói cái nào đúng? Tự sát còn có một tội. Bởi vì sinh mệnh của con người là có an bài, chư vị phá vỡ trật tự tổng thể toàn cục của Thần, thông qua nghĩa vụ mà chư vị cần làm cho xã hội, mà giữa người với người có quan hệ liên đới như thế. Chết rồi thì cả trật tự này có phải là làm xáo trộn sự an bài của Thần? Chư vị làm xáo trộn Ông thì Ông không bỏ qua chư vị, vì thế tự sát là có tội.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sysney 1996).

Ngoài ra trong cuốn Chuyển Pháp Luân của Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ Lý Hồng Chí còn giảng:

“Việc tu luyện chân chính đều dựa vào cái tâm của chư vị mà tu; chỉ cần chư vị có thể tu, chỉ cần chư vị có thể tu một cách vững bước tinh tấn và kiên định, thì chúng tôi sẽ dẫn dắt chư vị như là đệ tử; [nếu] chẳng đối xử như thế thì không thể được. Nhưng có một số người vẫn không nhất định có thể thật sự tự coi bản thân họ là người tu luyện mà [tiếp tục] tu; có người không thể [làm được như vậy]. Nhưng rất nhiều người sẽ đi theo tu luyện thật sự. Chỉ cần chư vị còn tu, thì chúng tôi sẽ dẫn dắt chư vị như những đệ tử.

Hàng ngày cứ luyện mấy bộ động tác ấy, vậy có thể tính là đệ tử Pháp Luân Đại Pháp không? Không nhất định [là vậy]. Bởi vì tu luyện chân chính cần chiểu theo tiêu chuẩn tâm tính chúng tôi đề ra mà [tự] yêu cầu, cần phải thật sự đề cao tâm tính bản thân; ấy mới là tu luyện chân chính. Chư vị cứ luyện các động tác ấy, [nhưng] tâm tính không đề cao lên, không có năng lượng lớn mạnh để gia trì mọi thứ, [thì] chưa nói chuyện tu luyện được; chúng tôi cũng không thể coi chư vị là đệ tử Pháp Luân Đại Pháp. Chư vị nếu cứ như thế mãi, đành rằng chư vị luyện công, nhưng không [thực sự] chiểu theo yêu cầu của Pháp Luân Đại Pháp chúng tôi, chư vị không đề cao tâm tính, ở chốn người thường chư vị vẫn hành xử như xưa, rất có thể chư vị vẫn gặp phải những sự cố phiền phức này khác; [khi] xử lý không đúng, chư vị thậm chí có thể nói Pháp Luân Đại Pháp đã làm cho chư vị luyện công thiên [sai] như thế; điều này có thể xảy ra. Vậy nên chư vị phải chiểu theo yêu cầu tiêu chuẩn tâm tính của chúng tôi mà hành xử, ấy mới là người tu luyện chân chính.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Như vậy, vấn đề tự sát và sát sinh vốn là vấn đề tối kỵ trong Pháp Luân Công, đã được Sư phụ Lý Hồng Chí giảng vô cùng thấu tỏ, hơn nữa Ngài cũng đã giảng rõ ra tiêu chuẩn để trở thành một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp chân chính.

Ngoài ra, từ vài năm trở lại đây, ở Việt Nam liên tục có một số bộ phận chức năng, do cố tình hoặc chưa hiểu sự thật về Pháp Luân Công, cộng thêm một số bài viết, những tin đồn có chủ đích của những kẻ có dụng ý được lan truyền trên mạng Internet, nhằm vu khống và phỉ báng Pháp Luân Công. Vậy nay tôi cũng xin đưa ra một số vấn đề vu khống đó, và cũng xin dùng kiến giải của mình để vạch trần những lời dối trá, bịa đặt ấy, mong rằng những người hữu duyên và những người dân lương thiện Việt Nam, đừng vì những lời bôi nhọ đó mà bỏ lỡ cơ hội biết được sự thật và thu về những lợi ích cả tâm lẫn thân cho chính bản thân mình khi hiểu rõ ràng về Pháp Luân Công:

1. Vu khống Pháp Luân Công làm chính trị

Tôi là một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, do vậy toàn bộ sách mà Ngài Lý Hồng Chí giảng cho đệ tử của mình tôi đều đã từng đọc. Trong đó chưa từng thấy một câu nào Ngài khuyên các đệ tử của mình đi tham gia vào tổ chức chính trị nào đó, trái lại, Ngài luôn nhắc nhở các đệ tử của mình rất nhiều lần rằng người tu luyện chân chính tuyệt đối không được tham gia chính trị. Trong Phụ Lục IV, cuốn sách Đại Viên Mãn Pháp, Ngài viết:

“5. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp, [hãy] lấy tu luyện tâm tính làm [cơ] bản, tuyệt đối không được can thiệp đến chính trị quốc gia, càng không được tham dự vào hoạt động đấu tranh có tính chính trị; ai vi phạm thì đã không còn là đệ tử Pháp Luân Đại Pháp, hết thảy những hậu quả đều do đương sự tự chịu trách nhiệm. Hãy lấy: ‘sớm đến ngày viên mãn’, ‘tinh tấn thực tu’ làm bản nguyện.”

Như vậy, trong sách là giấy trắng mực đen, Ngài đều chỉ bảo tất cả đệ tử chân chính của Ngài là như vậy – “tuyệt đối không được can thiệp vào chính trị quốc gia…”, vậy làm sao người tu luyện Pháp Luân Công lại đi tham dự vào chính trị được? Làm sao lại có thể làm trái với lời dạy của Sư phụ mình được?

Ngoài ra, cứ nhìn vào thực tế những người theo học Pháp Luân Công trên khắp thế giới thì biết, có một nhóm lớn những người ban đầu tiến tới học Pháp Luân Công là vì lý do bệnh tật, có người thậm chí còn bị những bệnh nan y mà bệnh viện đã trả về hoặc không có thuốc chữa như: ung thư các loại, thoát vị đĩa đệm, các bệnh mãn tính khác nhau v.v.. Sau khi đến tu luyện Pháp Luân Công không lâu thì không những khỏi bệnh mà còn hiểu ra ý nghĩa chân chính của việc tu luyện là gì. Vậy tôi không biết các tổ chức chính trị nào đó kết nạp người là chọn theo tiêu chuẩn gì vậy? Liệu làm chính trị có thể đi lựa chọn những người đang bên bờ cửa tử, họ hàng ngày đang chịu thống khổ, đau đớn dày vò, đi khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc chữa trị nhưng vô phương cứu chữa. Vậy những người đó có thể tham gia chính trị được không? Ý nghĩa lớn nhất cuộc đời họ khi đứng trước cửa tử là gì? Chẳng phải là khao khát được sống với một thân thể khỏe mạnh vô bệnh tật sao? Vậy những thứ như danh, lợi, tiền tài hoặc chính trị gì đó có thể lôi kéo, cám dỗ họ được không?

Hơn nữa nói vu khống Pháp Luân Công là làm chính trị, nhưng rất nhiều người ban đầu toàn thân đầy bệnh tật, họ đang chán nản, hoang mang trước số phận cuộc đời mình, sau khi tu luyện Pháp Luân Công thì đều là tâm tính đề cao, da dẻ hồng hào, sức khỏe dồi dào, có người còn đạt tới trạng thái vô bệnh. Vậy lợi ích Pháp Luân Công mang lại cho người ta nhiều như vậy, hơn nữa việc truyền công, truyền Pháp lại là thiện nguyện, không thu phí kiếm tiền, không tính danh, kể thưởng, không nhận quà cáp, chỉ cầu công đức, vậy nếu đó là chính trị thì cái chính trị đó chẳng phải là tốt đẹp hay sao? Mang lại lợi ích về tinh thần và sức khỏe cho người dân một cách vô điều kiện như vậy, đó là làm chính trị chăng? Tại sao vẫn còn có nhiều người cố tình không hiểu mà phản đối? Nếu không có những người vu khống và bôi nhọ Pháp Luân Công như thế này, thì chẳng phải nhiều người Việt Nam hơn nữa sẽ thu được vô vàn lợi ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công hay sao?

Ngoài ra nhìn vào nghề nghiệp, lứa tuổi của những người tu luyện Pháp Luân Công trên khắp thế giới và tại Việt Nam thì biết. Tôi đã từng chứng kiến tại rất nhiều công viên ở Việt Nam, có những người theo học Pháp Luân Công là người có học vấn thấp kém cũng có, có học vấn cao và địa vị trong xã hội cũng có. Tuổi tác lớn nhỏ cũng đều khác nhau. Có những người tu luyện năm nay gần 90 và trên 90 tuổi, cũng có những em bé tầm 3, 4 tuổi, hoặc 5, 6 tuổi cũng đã bắt đầu theo người nhà luyện công ở ngài công viên. Vậy làm chính trị có lẽ nào lại đi kết nạp những người nghèo đến ăn còn chẳng đủ, những người mù chữ, đến viết lách còn sai chính tả, những em bé vẫn còn chưa biết đánh vần, hay những cụ già tóc bạc, răng rụng, mồm móm mém, má nhăn nheo? Kỳ thực tôi tin rằng đối với những người lý trí, trong lòng vẫn còn lưu giữ thiện niệm, họ nhìn qua là cũng sẽ biết được thủ đoạn vu khống đầy ác ý như ở trên là gì.

2. Có phải những học viên Pháp Luân Công đi phát tờ rơi giới thiệu về Pháp Luân Công và phơi bày cuộc bức hại và nạn mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc được trả tiền hay được thế lực nào đó hậu thuẫn?

Như đã trình bày ở trên, những người đến học Pháp Luân Công, phần đông ban đầu đều là thân thể có rất nhiều bệnh tật mà đến học Pháp Luân Công sau đó khỏi bệnh và khỏe mạnh. Cổ nhân thường có câu : “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, hẳn là nếu ai chưa trải qua bạo bệnh, hoặc trên thân thể chưa từng trải qua nỗi thống khổ nào đó, hoặc chưa từng có người thân nào qua đời vì bị bệnh nan y, thì có lẽ sẽ khó có thể hiểu được cảm giác biết ơn và trân quý mạng sống con người là như thế nào. Những người bị bệnh nan y đến học Pháp Luân Công rồi khỏi, có lẽ chính họ luôn thấu hiểu rằng: ngoài xã hội kia, có lẽ còn biết bao nhiêu người có hoàn cảnh từng giống như mình, họ đang trông ngóng một phương thuốc hồi sinh, có thể cứu rỗi cuộc đời mình khỏi cái chết. Do đó xuất phát từ thiện nguyện, từ sự đồng cảm với những người có hoàn cảnh giống mình, họ đều bỏ tiền túi của mình ra, để tải những câu chuyện chân thực về việc thực hành Pháp Luân Công mà nhiều người đã có cuộc sống mới ở trên mạng internet về, sau đó đi phân phát cho mọi người, đó là tấm lòng của họ, chứ chẳng có gì là hậu thuẫn hay được trả tiền thù lao gì cả. Bởi vì chính Pháp Luân Công đã cho họ quá nhiều mà không hề lấy của họ một chút gì, thì từ lương tri và tâm tình của họ, cũng mong muốn được mang niềm vui đó, để giới thiệu đến cho những người hữu duyên với mình.

Còn về việc mổ cướp nội tạng và những hành vi gian ác của Trung Cộng từng làm đối với học viên Pháp Luân Công Trung Quốc, việc vạch trần tội ác này, đây là vấn đề lương tri của mỗi con người thiện lương trên toàn thế giới, chứ không chỉ là nhiệm vụ của những người tu luyện Pháp Luân Công. Nếu như tội ác này không được ngăn chặn và vạch trần, biết đâu hôm nay là học viên Pháp Luân Công, ngày mai có khi là con em, hoặc người thân của bạn bị bắt cóc và mổ cướp nội tạng thì sao? Do vậy không chỉ học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới mà những ai thiện lương cũng đều cần có trách nhiệm phơi bày những tội ác này.

3. Vu khống Pháp Luân Công cấm không cho người ta uống thuốc

Tôi đã đọc các sách của Pháp Luân Công, chưa thấy có dòng nào Sư phụ Lý Hồng Chí cấm người ta uống thuốc cả. Trái lại, tôi thấy rằng việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là hoàn toàn tự nguyện. Đối với những người thường, hoặc người đang chịu bệnh tật dày vò, nếu như không phải là đệ tử chân chính của Pháp Luân Đại Pháp thì tốt nhất là nên uống thuốc, đi bệnh viện để tìm gặp bác sỹ chữa trị là tốt nhất. Còn những người tu luyện chân chính chúng tôi, đều biết một cách minh xác rằng Pháp Luân Công là lấy hình thái khí công thượng thừa của Phật gia để truyền ra ngoài xã hội, vậy đương nhiên cũng có tác dụng chữa bệnh khỏe người, nếu là như thế, thì chẳng phải Pháp Luân Công ở bề mặt nông cạn nhất cũng có tác dụng của một phương pháp chữa bệnh bằng khí công mà không cần dùng thuốc hay sao? Ví như: Tây Y chữa trị thì cần uống thuốc, cần tiêm chọc. Nhưng Đông Y thì lại dùng điểm huyệt, châm cứu, bắt mạch, sắc thuốc Bắc v.v.. Trung Y thì chỉ cần dùng châm cứu, điểm huyệt v.v.. Và cả bác sỹ Tây Y, Trung Y và Đông Y đều biết rằng: khi chữa trị bệnh tật thì nên chuyên nhất theo một phương pháp. Ví như nếu đang tiêm, và dùng thuốc Tây thì tối kỵ bổ sung dùng thêm thuốc Đông Y và ngược lại. Như vậy chẳng phải những người tu luyện Pháp Luân Công chân chính họ cũng đang được chữa trị bệnh tật theo phương pháp riêng của pháp môn Pháp Luân Công. Vậy lúc ấy họ đi tiêm, hay uống thuốc các loại để làm gì? Chẳng phải là vấn đề tối kỵ giống như việc vừa đi tiêm Tây Y và vừa dùng thuốc Bắc hay sao?

Ngoài ra, uống thuốc cũng chỉ là bất đắc dĩ cơ thể có bệnh mới phải dùng. Người tu luyện Pháp Luân Công chân chính, rất nhiều người còn đạt được đến trạng thái thân thể vô bệnh tật. Vậy nếu thân thể họ đã đạt đến trạng thái đó rồi thì họ còn cần uống thuốc nữa làm gì? Còn cần đi bệnh viện làm chi? Uống thuốc thay ăn cơm sao? Hay đến bệnh viện để du lịch? Không bệnh thì đến đó làm gì?

4. Vu khống Pháp Luân Công là tà giáo

Pháp Luân Công được truyền rộng rãi ngoài xã hội, cũng chẳng có đặc điểm gì của một tôn giáo, như: không có cơ quan tổ chức, không có phân chia cấp bậc, không có người đứng đầu, không có cơ cấu tổ chức, không có tồn vật tồn tiền, những người theo tập chỉ là sáng sớm hoặc chiều tối ra công viên tập mấy bộ công pháp nhẹ nhàng, thư thái, khoan thai và ngồi thiền với âm nhạc tĩnh tại, vậy vì lý do gì lại vu khống Pháp Luân Công là một “tôn giáo”.

Ngoài ra, người tu luyện Pháp Luân Công đều đang cố gắng hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để dần trở thành người tốt và người tốt hơn nữa trong gia đình và ngoài xã hội. Về biểu hiện của Chân, họ luôn thực hành nói những lời chân thật, làm những điều chân thật, không ăn gian, lừa dối ai. Về biểu hiện của Thiện, họ được dạy rằng khi làm việc gì, trước tiên cũng phải biết nghĩ cho người khác trước, cần làm được “tiên tha hậu ngã” (người trước ta sau). Về biểu hiện của Nhẫn, những người tu luyện Pháp Luân Công họ đều đang cố gắng thực hành lối sống hài hòa trong xã hội, đối với những mâu thuẫn trước mắt họ sẽ không vì thế mà tranh mà đấu, đối với áp lực trong công việc họ đều cố gắng giữ tâm bình hòa để xử lý vấn đề. Họ đều đang cố gắng để trở thành người tốt trong xã hội.

Vậy mong muốn trở thành người tốt theo Chân-Thiện-Nhẫn thì được gọi là tà sao? Nếu muốn trở thành người tốt thì là tà, vậy cái gì sẽ là chính? Chẳng lẽ giả – ác – đấu là chính hay sao?

5. Pháp Luân Công có bị cấm tại Việt Nam?

Một số người làm nhiệm vụ chức năng lấy cớ: Pháp Luân Công chưa được cho phép ở Việt Nam nên không được tập, từ đó tiến hành sách nhiễu những người tu luyện Pháp Luân Công.

Thực hành tu luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với văn hóa, truyền thống và bản sắc của người Việt. Luyện Pháp Luân Công có trăm điều lợi mà không có một điều hại, khiến cho người tập cả tâm lẫn thân cùng được đề cao, sức khỏe dồi dào, như vậy chẳng phải đối với công tác xã hội, đối với cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc đều có phần tốt hay sao?

Theo học Pháp Luân Công, nói những lời chân thật, làm những điều chân chính, không nói dối ai vốn là truyền thống mỹ đức của người Việt, pháp luật Việt Nam không cấm, nhưng nó đã được cho phép chưa? Liệu có nên theo không?

Theo học Pháp Luân Công, làm việc gì đều nghĩ cho người khác trước, “lá lành đùm lá rách” vốn cũng thuộc về bản tính của người Việt, pháp luật Việt Nam cũng không cấm, nhưng nó đã được cho phép chưa? Liệu có nên theo?

Theo học Pháp Luân Công, thường xuyên nhường nhịn, đối xử hài hòa với mọi người, liệu pháp luật Việt Nam đã cho phép chưa?

Khi bị bệnh nan y vô phương cứu chữa, khi đang ở bên bờ vực của cuộc đời, muốn thực hành một môn tu luyện nhằm cứu cuộc sống đang “ngàn cân treo sợi tóc” của chính bản thân mình, liệu pháp luật Việt Nam có cho phép không?

Kỳ thực, tôi mong rằng một số bộ phận chức năng nên tỉnh táo, hãy dựa vào lý trí để suy xét vấn đề, lời dạy và nguyên lý của Pháp Luân Công vốn phù hợp và thấm nhuần vào tận xương máu của người Việt từ ngàn xưa đến nay. Nếu như trên đời này không có tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để chỉ đạo, dẫn dắt lối sống của con người, thì hỏi con người tương lai sẽ trở lên như thế nào? Mong rằng mọi người hãy lựa chọn đứng về chân lý, về lẽ phải. Mong rằng tất cả người dân thiện lương Việt Nam và trên thế giới đều không bị những lời vu khống, bôi nhọ Pháp Luân Công của những kẻ tà ác làm bạn mê mờ. Mong các bạn sớm tỏ tường sự thật về Pháp Luân Công và có thể đọc sách Chuyển Pháp Luân để tự mình chiêm nghiệm và thu được lợi ích.


Đăng ngày 11-6-2019

Share