Bài viết của Du Nhiên, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-05-2019] Bố chồng tôi qua đời ở tuổi 90 vào cuối tháng 6 năm 2018. Mẹ chồng tôi hiện 89 tuổi.

Bố chồng tôi đã lập hai tờ di chúc liên quan đến tài sản của ông tại quê nhà. Nội dung tờ di chúc thứ hai rất khác so với tờ di chúc đầu tiên mà ông đã lập nhiều năm trước đó. Trong tờ di chúc đầu, ông để lại căn hộ của mình cho hai người con gái. Còn tờ di chúc thứ hai, ông đã để căn hộ đó lại người cho con trai nhỏ của mình, chính là chồng tôi.

Bố chồng tôi vẫn tỉnh táo cho đến khi ông qua đời. Vậy điều gì đã khiến ông thay đổi bản di chúc của chính mình? Đó là cả một câu chuyện dài.

Cuộc hôn nhân của tôi

Chồng tôi và tôi quen nhau ở trường đại học. Anh ấy là một trong số những người mà tôi thầm mến. Tôi không hiểu tại sao tôi lại chọn anh ấy vì anh ấy không nổi bật chút nào khi so sánh với những người khác. Một trong số các bạn học của tôi đã nhận xét về mối quan hệ của chúng tôi trong một bức thư rằng “bông hoa nhài cắm vào bãi phân trâu”.

Trước khi tốt nghiệp, chồng tôi không được xét duyệt lên học cao học vì điểm số không đạt. Anh ấy không được nhận và đã rời khỏi trường đại học vài lần.

Gia đình tôi kịch liệt phản đối mối quan hệ của chúng tôi, đặc biệt là cha tôi. Ông ấy nói: “Cậu ta có đầu óc rất thiển cận. Cha không thể đẩy con vào đống lửa được”.

Bố chồng tôi hơn bố tôi 12 tuổi. Vì thương và lo lắng cho con, ông đã tới nhà tôi để van nài cha tôi chấp thuận mối quan hệ của tôi với con trai ông ấy.

Cha tôi đã không đứng dậy để chào hay nhìn ông ấy một cái. Cha tôi chỉ ngồi trên ghế sô pha khoanh tay và bắt chéo chân, trong khi bố chồng tôi ngồi ở mép ghế sô pha, nói đủ mọi thứ tốt đẹp để làm hài lòng ông. Nhìn ông thực sự lúng túng.

Trên thực tế, tôi đã không lý giải được hành động của chồng tôi vào lúc đó và cảm thấy khổ tâm. Tôi thậm chí còn không biết tại sao tôi vẫn muốn ở bên anh ấy. Phải chăng đó là do bản tính lương thiện của tôi đã ngăn không cho tôi rời xa anh ấy?

Chỉ vài năm sau, sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mới hiểu tất cả là do mối nhân duyên tiền định, vốn đã được Thần an bài. Cha tôi đành miễn cưỡng đồng ý với cuộc hôn nhân của chúng tôi khi tôi không chịu thay đổi ý định của mình.

Giải quyết mâu thuẫn

Sau khi tốt nghiệp, chồng tôi và tôi được phân công tới làm việc tại một thành phố khác. Để thuận tiện cho sinh hoạt của chúng tôi, cha tôi bắt đầu lên kế hoạch cho việc tổ chức lễ cưới. Trước đó, chồng tôi và tôi đã đi đăng ký kết hôn.

Bố tôi mời bố chồng tôi tới nhà để cùng trao đổi về việc tổ chức hôn lễ. Bố chồng tôi cầm một cây gậy đánh bóng trong tay. Sau khi nghe kế hoạch của bố tôi, bố chồng tôi nói: “Chúng đã có giấy chứng nhận kết hôn, vì thế chúng được coi là kết hôn rồi (có nghĩa là không cần tổ chức hôn lễ nữa)”.

Cha tôi đã bị sốc. Cha tôi là một cây bút tài năng và nổi tiếng trong việc thuyết phục người khác. Nhưng lần này ông ấy đã không nói được một lời nào.

Sau khoảnh khắc im lặng, cha tôi gợi ý: “Nếu ông không muốn tổ chức hôn lễ, ông có thể chỉ cần thuê một chiếc xe tới đón con gái tôi. Ông cũng không cần chuẩn bị bữa ăn cho họ hàng của tôi vì chúng tôi có thể tự chăm sóc cho họ. Ông chỉ cần treo một ít pháo hoa trước cửa nhà ông. Chúng ta sẽ làm như vậy”.

“Không, như thế quá rắc rối”, bố chồng tôi phản đối. Bố tôi thực sự nổi giận sau đó, nhưng ông không thể hiện cơn giận ra bề ngoài. Ông chỉ nói: “Được thôi, chúng tôi sẽ thuê một chiếc xe và đưa con gái tôi về nhà ông. Ông chỉ cần treo một ít pháo hoa thôi”.

“Không, ông có thể tổ chức mọi thứ tốt đẹp, nhưng chúng tôi thì không thể…” bố chồng tôi vẫn từ chối làm bất cứ việc gì.

Cha tôi cảm thấy mình bị lừa dối và bị sỉ nhục và cảm thấy hối hận vì đã đồng ý cho hôn sự của chúng tôi. Nhưng chồng tôi và tôi đã đăng ký kết hôn nên cha tôi không thể làm gì được nữa.

Bố chồng tôi nói: “Tôi không muốn phí thời gian ở đây nữa. Tôi còn phải đi chơi bóng”, và đã rời đi.

Suốt 10 năm sau đó, cha tôi vẫn còn tức giận bố chồng tôi sau chuyện này. Tôi cũng có những cuộc tranh cãi nảy lửa với chồng bởi chúng tôi đã không tổ chức hôn lễ – mãi cho tới khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999.

Bởi vì chúng tôi đi làm xa nhà, nên bố chồng tôi chưa bao giờ đặt hy vọng vào việc chúng tôi sẽ chăm sóc ông khi về già. Ông thậm chí còn nói với chồng tôi rằng: “Con càng trưởng thành thì con càng vô dụng”.

Mối quan hệ bất hoà trong gia đình

Bố mẹ chồng tôi sống trong một căn nhà một tầng. Sau đó, họ cũng mua một căn hộ chung cư giống như nhiều người khác. Họ bán căn nhà cũ đi và đưa toàn bộ số tiền đó cho người con trai lớn. Họ cũng giúp nuôi nấng con gái của anh chồng tôi, và mẹ chồng tôi thường nói rằng: “Khi mẹ về già không thể đi lại được, cháu gái sẽ chăm sóc mẹ”.

Con trai tôi chưa bao giờ có được đặc ân đó. Luôn luôn chỉ có gia đình tôi là giúp đỡ chúng tôi.

Chồng tôi đã đưa bố mẹ chồng tới nhà chúng tôi để ông bà giúp chăm sóc con trai tôi trước khi cháu lên một tuổi. Vào thời gian đó, chồng tôi thường xuyên đi công tác, còn tôi quá bận rộn để chuẩn bị cho kỳ thi nâng hạng chuyên gia.

Tuy nhiên, bố mẹ chồng tôi chỉ ở lại trong vài ngày, sau đó ông bà đã bắt xe lửa về nhà, đơn giản vì bố chồng tôi đã đánh ai đó mà ông đã gặp khi tập thể dục vào buổi sáng, chỉ vì ông nghĩ rằng mình đã bị coi thường.

Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc để con trai mình ở nhà một gia đình này, rồi đến một gia đình khác vào ngày tiếp theo cho tới khi cháu đủ tuổi đi mẫu giáo. Tôi nghĩ rằng bố chồng tôi quan tâm tới việc giữ thể diện còn quan trọng hơn cả những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt.

Khi bố chồng tôi mua căn hộ này, ông ấy đã yêu cầu chúng tôi đưa cho ông 10.000 Nhân dân tệ, số tiền mà chúng tôi không thể có được vào lúc đó. Trên thực tế, chúng tôi đang mắc nợ vì phải vay 40.000 Nhân dân tệ để trang trải chi phí cho căn hộ cũ của mình. Bố chồng tôi đã vô cùng giận dữ với chồng tôi. Ông gọi cho chồng tôi nhiều lần để mắng mỏ. Tôi vô cùng tức giận với bố chồng và nghĩ rằng ông ấy thật vô lý.

Tờ di chúc đầu tiên của bố chồng tôi

Bố mẹ chồng tôi luôn hy vọng rằng người con trai lớn của họ sẽ chăm sóc họ khi về già. Họ đã xây một căn nhà cho anh ấy, giúp đỡ cuộc hôn nhân của anh ấy, và chăm sóc cho con gái anh. Họ không làm bất cứ điều gì cho chồng tôi, đứa con út của họ.

Tuy nhiên, điều không mong đợi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người con trai lớn bị liệt nửa người và chẳng thể chăm sóc cho bố mẹ chồng tôi được nữa.

Chồng tôi còn có hai người chị gái. Bố mẹ chồng tôi cũng chăm sóc cho con của các chị vì thế họ nghĩ rằng họ có thể trông cậy vào các cô con gái khi họ về già.

Vì hai người con gái đã biếu bố mẹ chồng tôi một ít tiền để mua căn hộ, nên bố chồng tôi đã viết di chúc để lại căn hộ cho hai người con gái. Căn hộ đó đã tăng giá trong vài năm qua.

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào khoảng thời gian bố chồng tôi lập tờ di chúc này. Tôi hiểu rằng tài sản này thuộc về bố mẹ chồng tôi nên họ có quyền trao nó cho bất cứ người nào họ muốn. Tuy nhiên, anh chồng tôi vô cùng giận dữ về điều đó, và chồng tôi cũng nghĩ nó không công bằng.

Vứt bỏ tâm oán hận với bố chồng

Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1999 và đã hiểu được ý nghĩ nhân sinh đích thực của đời người. Tôi bắt đầu ước thúc bản thân theo những tiêu chuẩn của một người tu luyện Đại Pháp. Tôi không còn oán hận bố mẹ chồng nữa và luôn cố gắng xem xét mọi thứ từ quan điểm của họ.

Tôi mua cho họ những vật dụng gia đình, một số có giá vài nhân dân tệ và số khác có giá vài ngàn nhân dân tệ. Tôi luôn hào phóng khi chi tiền cho bố mẹ chồng, nhưng họ dường như chưa bao giờ đánh giá cao việc tôi đã làm. Bất cứ khi nào tôi mua thứ gì cho họ, họ đều sẽ nói: “Cái này có gì hữu dụng?” hoặc “Cái này có hại” hoặc “Thật là lãng phí tiền!”

Tôi cảm thấy họ đang nghi ngờ mục đích của tôi. Họ không thể tìm ra nguyên nhân vì sao tôi không còn oán hận, bởi họ nghĩ rằng tôi có mọi lý do để ghét bỏ họ. Họ không biết rằng Đại Pháp có thể thay đổi hoàn toàn một con người.

Tôi không còn nhắc đến những việc đáng buồn trong quá khứ nữa và mối quan hệ với chồng tôi đã được cải thiện. Giờ đây, tôi có thể giải quyết mọi việc nếu tôi có suy nghĩ khác đi và không còn tranh cãi với người khác nữa. Đại Pháp đã hoá giải tâm oán hận của tôi và chúng tôi đã sống rất hòa thuận.

Anh chồng tôi phải nhập viện ba lần, và mỗi lần chúng tôi đều đưa cho anh một ít tiền và dành thời gian chăm sóc anh ấy. Gia đình anh ấy quản lý một siêu thị nhỏ, và vợ anh ấy cần mở cửa hàng để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì thế, chồng tôi đã nghỉ làm để chăm sóc anh trai, và để lại toàn bộ việc nhà cho tôi. Mặc dù việc này khiến tôi kiệt sức, nhưng tôi chưa bao giờ phàn nàn. Tôi là một người tu luyện Đại Pháp và tôi cảm thấy vui vẻ khi giúp đỡ gia đình anh chồng và hỗ trợ chồng tôi trong lúc khó khăn.

Tôi sống hoà thuận với mọi người trong gia đình chồng. Với bố mẹ chồng, tôi là một người con dâu đoan chính và hiếu thảo. Với những người cùng trang lứa, tôi là người tốt bụng và biết lẽ phải. Với những người trẻ tuổi, tôi là một người dì rộng lượng. Một cháu gái chồng đã nói với tôi: “Dì ơi, dì làm cháu sợ đấy. Liệu cháu có phải làm việc vất vả như dì đã làm cho gia đình chồng khi cháu kết hôn không?” Chồng tôi nói rằng tôi đã mang lại ánh dương ở bất cứ nơi nào tôi đến.

Tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ

Vào năm 2016, bố chồng tôi bước sang tuổi 88 và mẹ chồng tôi 87 tuổi. Ông đã bị ngã và không thể tự chăm sóc cho bản thân. Mẹ chồng tôi bị viêm khớp và phải phụ thuộc vào bố chồng tôi. Họ cần một ai đó chăm sóc ngay tức thì.

Chồng tôi và tôi là sự lựa chọn khả dĩ duy nhất bởi vì anh chồng tôi bị liệt nửa người, chị cả của chồng tôi bị thoát vị đĩa đệm, chị thứ hai bị u nang gan và không thể làm việc nhà, và cô cháu gái mà mẹ chồng tôi đặt hy vọng vào những năm trước thì giờ đã sống xa nhà cả nghìn dặm.

Trên thực tế, khi bố mẹ chồng tôi khoảng 80 tuổi, chồng tôi và tôi đã mời họ tới sống cùng chúng tôi để tiện chăm sóc, nhưng họ từ chối mỗi lần chúng tôi đề nghị, đặc biệt là bố chồng tôi, ông nói đầy biểu cảm: “Đừng nhắc lại việc này nữa. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới việc này”.

Khi việc này không đi tới đâu, chúng tôi phải sắp xếp đưa bố mẹ chồng tới một trại dưỡng lão tốt nhất ở địa phương. Ban đầu họ rất vui vẻ, với những bữa ăn được làm sẵn và việc dọn phòng thường xuyên. Nhưng khi thời gian trôi qua, họ trở nên không còn hài lòng vì không được ăn những thứ họ muốn và các bữa ăn luôn không hợp khẩu vị của họ. Bên cạnh đó, các nhân viên không phải lúc nào cũng chăm sóc cho họ hoặc sẵn sàng giúp đỡ họ.

Vì vậy, khi chồng tôi tiếp tục đề nghị đưa họ về nhà chúng tôi, họ không từ chối nữa. Tuy nhiên, bố chồng tôi vẫn còn lo lắng. Ông ấy nói thầm với chồng tôi rằng: “Nhưng chúng ta đã không chăm sóc cho con trai con khi nó còn nhỏ”.

Nhận thấy sự lo ngại của họ, tôi nói đùa với bố chồng tôi rằng: “Thì ra đây là điều làm bố phiền lòng. Đừng lo lắng, bố ạ. Trách nhiệm chăm sóc con cái là của cha mẹ, chứ không phải nghĩa vụ của ông bà. Khi con có cháu nội, con cũng sẽ không chăm sóc cháu đâu”. Bố chồng tôi mỉm cười và đã rời đi cùng chúng tôi.

Có trách nhiệm với anh trai chồng

Mặc dù chúng tôi đã có một người giúp việc, nhưng vẫn còn có quá nhiều việc phải làm. Chúng tôi không thể đi du lịch quá xa phòng trường hợp họ cần chúng tôi gấp. Chúng tôi đã chuẩn bị thức ăn và thuốc men mỗi ngày cho bố mẹ chồng. Bố chồng tôi bị bệnh tiểu đường, do đó chúng tôi thường xuyên phải kiểm tra chỉ số đường huyết của ông. Mẹ chồng tôi bắt đầu bị chứng mất trí nhớ, và tôi là đối tượng phải nghe những lời cằn nhằn lớn tiếng và lăng mạ mọi lúc của bà. Thậm chí, đôi lúc chồng tôi còn không chịu đựng nổi và cảm thấy có lỗi với tôi. Tuy nhiên, tôi không hề phàn nàn bởi tôi biết họ đang già đi và mẹ chồng tôi không còn là chính bản thân bà nữa. Tôi chỉ cần chăm sóc cho bà như thể bà là một đứa trẻ lớn tuổi mà thôi.

Bố chồng tôi phải nhập viện vài lần, và vợ chồng tôi đều chăm sóc tốt cho ông. Bởi vì chồng tôi không thể thức khuya, nên tôi nhận làm tất cả ca đêm, và tôi thường xuyên không thể chợp mắt suốt cả đêm. Khi bố chồng tôi đi đại tiện hoặc tiểu tiện, tôi sẽ lau dọn sạch sẽ cho ông, điều này khiến tôi cảm thấy kiệt sức.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên bố chồng tôi nhập viện, bởi vì không có kinh nghiệm, tôi đã không mang găng tay cao su theo người. Khi tôi lau người cho bố chồng bằng tay không, tôi không thể tẩy sạch hết mùi cho tới khi tôi dùng thuốc sát trùng của một y tá đưa cho. Các bác sĩ, y tá và bệnh nhân đều tưởng rằng tôi là con gái ruột của bố chồng tôi.

Người giúp việc của chúng tôi có vài ngày nghỉ mỗi tháng cộng với các ngày nghỉ lễ. Vì thế ngày cô ấy nghỉ trở thành ngày làm việc của chúng tôi. Sau khi bố mẹ chồng tôi chuyển đến, tôi chưa bao giờ dành được một ngày cho gia đình mình.

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2017, tôi đã dành năm ngày để chăm sóc cho bố mẹ chồng – từ ngày đầu năm mới cho tới ngày thứ năm của tháng. Vào ngày thứ sáu, người con gái thứ hai của bố mẹ chồng tôi đã tới thăm họ, vì thế chồng tôi và tôi mới có cơ hội về thăm bố mẹ tôi. Chúng tôi đến nơi lúc 11 giờ 30 phút tối, và chúng tôi đã phải quay lại vào lúc 4 giờ chiều ngày hôm sau sau bữa cơm sum họp gia đình. Em trai nói đùa với tôi rằng: “Này, chị quay về đây khi nào vậy?”. “Ngày hôm qua”, tôi mỉm cười trả lời. Đúng vậy, thực sự là ngày hôm qua, mặc dù nó chỉ cách ngày hôm nay nửa tiếng đồng hồ.

Bố chồng tôi đã trải qua một cơn đột quỵ vào tháng 6 năm 2017. Trước đó, ông vẫn có thể di chuyển nhờ sự trợ giúp của người khác. Nhưng giờ ông đã hoàn toàn bất động.

Những ngày người giúp việc được nghỉ, tôi sẽ đảm nhận nhiệm vụ của cô ấy, và việc giữ vệ sinh cho bố mẹ chồng là một phần thói quen hàng ngày của tôi. Không phải suốt cả ngày đều tồi tệ, nhưng buổi tối thực sự rất vất vả vì tôi phải thức dậy vô số lần để giữ cho cơ thể mẹ chồng được khô ráo hoặc phải thay túi chứa nước tiểu cho bố chồng. Thỉnh thoảng, bố chồng tôi đi đại tiện vào ban đêm và tôi phải lau người sạch sẽ cho ông và thay các tấm ga trải giường bị bẩn. Đôi khi, cả chăn cũng bị bẩn và tôi phải thay toàn bộ và lau sạch người cho bố chồng. Nó giống như một công việc thực sự vậy.

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2018, chồng tôi đang đi công tác, còn người giúp việc thì nghỉ lễ Tết. Tôi đã phải trải qua một quá trình dọn vệ sinh đầy nước mắt và tôi bị cảm mạo. Tôi cảm thấy thực sự buồn ngủ, nhưng ngay khi tôi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, thì mẹ chồng gọi tôi hoặc đã đến lúc giúp bố chồng thay túi đựng nước tiểu. Tôi hoàn toàn kiệt sức. Nhưng mỗi lần tôi tới giúp bố mẹ chồng, tôi luôn luôn mỉm cười và nói chuyện nhẹ nhàng với họ.

Khi người giúp việc quay trở lại, bố chồng tôi đã giơ ngón tay cái bên bàn tay trái lên với tôi. Tôi nói với ông: “Bố à, con không phải một người chăm sóc chuyên nghiệp, nhưng con đã cố hết sức”. Bố chồng tôi mỉm cười như một đứa trẻ.

Kết duyên với Đại Pháp

Bố chồng tôi chưa bao giờ thực sự chấp nhận việc tôi tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù ông đã chứng kiến sự thay đổi của tôi ở quê nhà, ông vẫn không hoàn toàn ủng hộ việc tu luyện, ông nghĩ rằng Pháp Luân Công làm chính trị. Tôi đã giảng chân tướng cho ông rất nhiều lần, nhưng thỉnh thoảng, dù thực tế ông không nói được gì, nhưng ông vẫn phán xét Đại Pháp bởi văn hoá Đảng đã ngấm sâu vào trong ông.

Sau khi bố mẹ chồng đến ở cùng chúng tôi, những đồng tu khác đã tới thăm họ, và tất cả họ đã chia sẻ những lợi ích mà họ được thụ hưởng nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Dần dần, bố chồng tôi bắt đầu thay đổi thái độ. Và chỉ một vài tháng sau, ông đã bắt đầu niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân – Thiện – Nhẫn hảo”.

Ông cũng nói với tôi rằng ông vô cùng hối tiếc bởi đã nói những lời bất hảo về Pháp Luân Đại Pháp và đề nghị tôi viết nghiêm chính thanh minh cho ông. Sau đó, ông ký tên lên đó. Ông đồng ý để tôi gửi chúng cho trang web Minh Huệ để Nghiêm chính thanh minh rằng mọi thứ ông đã nói về Đại Pháp đều bị vô hiệu và ông muốn sửa chữa lỗi lầm của bản thân.

Ông tiếp tục niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” ngay cả khi ông hoàn toàn nằm liệt giường.

Ông bị bệnh tiểu đường nghiêm trọng, nhưng không có biểu hiện thâm tím cơ thể và huyết áp, nhịp tim của ông vẫn bình thường. Khi được hỏi ông có đau ở đâu không, ông nói rằng ông không đau, và ông chỉ không thể di chuyển được phía bên phải cơ thể của mình. Thâm tâm tôi biết rằng, vì ông thực sự tin Đại Pháp là tốt, nên phần lớn nghiệp lực của ông đã được tiêu trừ.

Ông luôn gọi tôi bất cứ khi nào ông cần hoặc ngay cả lúc không cần. Ông rất thích nghe giọng nói của tôi và lắng nghe tôi kể cho ông nghe những câu chuyện về tu luyện Đại Pháp. Tôi nói với ông về nguyên lý của việc hoàn trả nghiệp và mọi khổ nạn gặp phải đều là hảo sự, và nhiều Pháp lý khác. Khi tôi nói chuyện với ông, ông nhìn tôi bình thản, cứ như thể ông không đau đớn chút nào.

Tờ di chúc thứ hai của bố chồng tôi

Bố chồng tôi đã ra đi thanh thản trong giấc ngủ, và tôi đã ở bên cạnh ông ấy. Ông không có biểu hiện đau đớn nào và thậm chí hơi thở của ông vẫn bình thường. Đối với tôi, ông đã được dẫn đi một cách lặng lẽ qua một cánh cửa và tiến đến một thế giới khác, hoàn toàn cam tâm tình nguyện.

Tôi là người duy nhất ở bên cạnh khi ông qua đời. Ông dường như không cảm thấy gắn bó với bất cứ ai. Cháu gái ông đã tới thăm ông một lần. Tôi có chút lo lắng rằng ông sẽ bị kích động vì đã không nhìn thấy cháu gái yêu dấu cả một thời gian dài. Nhưng khi cháu đến bên cạnh giường, ông lại rất bình tĩnh. Tôi nghĩ có thể ông không nhận ra cháu và đã hỏi ông có biết cháu là ai không. Ông nói ra tên của cháu mình mà không hề do dự. Cháu gái ông đã vô cùng ngạc nhiên bởi sự bình tĩnh của ông.

Tại đám tang, anh rể thứ hai của chồng tôi và đồng nghiệp của anh ấy nói rằng: “Người con dâu này thật đáng kinh ngạc. Cô ấy làm hết mọi thứ mà một người con gái ruột thậm chí cũng không làm được. Không thể tìm được người con dâu nào tốt hơn cô ấy ở bất cứ đâu”.

Chồng tôi đã nói với tôi sau khi bố chồng tôi mất rằng ông ấy đã lập một tờ di chúc mới sau sáu tháng đến ở cùng chúng tôi, với sự chứng kiến của hai cháu gái. Trong bản di chúc, ông ấy đã giao phó căn hộ của ông cho chồng tôi trông nom.

Những người anh họ của chồng tôi cũng nói với chồng tôi rằng ban đầu cha tôi có chút đề phòng, vì không dám chắc tôi sẽ đối xử tử tế với ông. Nhưng sau khi bị thuyết phục bởi lòng tốt của tôi, ông ấy đã ân hận vì những gì đã làm với tôi trong quá khứ.

Chồng tôi và tôi chưa bao giờ đem tờ di chúc của bố chồng tôi ra cho bất kỳ ai xem, kể cả việc nhắc đến nó với anh trai hay chị gái chồng. Chúng tôi không muốn lấy căn hộ của bố chồng tôi bởi chúng tôi không muốn bất cứ thứ gì từ việc trông nom căn hộ đó. Chăm sóc cha mẹ là nghĩa vụ và bổn phận của chúng tôi.

Tờ di chúc thứ hai đã thể hiện niềm tin mà bố chồng đặt vào chúng tôi và rằng ông đã ủng hộ tôi tu luyện Pháp Luân Công.

Tôi không biết làm cách nào để kết thúc câu chuyện của mình. Tôi chỉ muốn nói duy nhất một điều: “Con xin cảm tạ Sư phụ! Đại Pháp đã hoá giải mọi oán hận ẩn sâu trong tâm con suốt 10 năm qua và ban cho con niềm hạnh phúc thực sự, cùng với sự khoẻ mạnh cả tâm lẫn thân”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/12/385982.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/19/177674.html

Đăng ngày 11-06-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share