Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 01-03-2012] Có câu cổ ngữ rằng: “Văn để truyền tải Đạo” (văn dĩ tải Đạo). “Cổ văn quan chỉ” có thể nói là mẫu mực của “văn để truyền tải Đạo”. Đây là bộ sách cổ văn do hai chú cháu Ngô Sở Tài và Ngô Sở Hầu biên soạn vào những năm Khang Hy đời Thanh. Từ “quan chỉ” có nguồn gốc từ “Tả truyện” rằng: “Công tử nước Ngô là Quý Trát được thưởng thức Chu nhạc ở nước Lỗ, đến khúc múa nhạc Thiều, Quý Trát nói: ‘Đến tột bậc của Đức rồi, thật vỹ đại làm sao’. Quý Trát cho rằng đã đạt được đến tận thiện tận mỹ, không còn gì có thể thêm được nữa, và cảm thán rằng: ‘Xem thưởng thức nhạc vũ dừng lại ở đây thôi. Nếu có nhạc khác, ta cũng không dám mời biểu diễn nữa.’ (Nguyên văn: ‘Quan chỉ hĩ. Nhược hữu tha nhạc, ngô bất cảm thỉnh dĩ’).” Từ “quan chỉ’ trong “Cổ văn quan chỉ” có nguồn gốc từ điển tích này, ý nghĩa là đem hết những tinh hoa của cổ văn biên soạn ở trong bộ sách này.

Bộ sách “Cổ văn quan chỉ” đã tuyển chọn 222 bài tản văn từ các bài tản văn cổ đại Trung Quốc, từ thời Tiên Tần đến cuối thời nhà Minh, gồm các tác phẩm có nhiều phong cách khác nhau, nhiều trường phái khác nhau và nhiều đề tài khác nhau. Đồng thời lấy thời đại làm mạch dọc, lấy các tác phẩm, các tác giả các thời đại làm mạch ngang để biên tập sắp xếp, có nhiều loại đề tài như luận, tán, truyện, ký, thư, biểu, tự, phú, chiếu, sớ, bi chí (văn bia). Ví dụ bộ sách đã tuyển chọn những tinh túy trong “Tả truyện”, “Quốc ngữ”, “Chiến quốc sách”, “Lễ ký”, “Sử ký”, còn có các danh tác danh nhân và các danh ngôn chí lý thời Hán, Lục Triều, Đường, Tống và Minh. Từ nhiều góc độ đã triển hiện ra sự rộng lớn thâm sâu của văn hóa truyền thống, chứa đựng những tri thức lịch sử phong phú, vừa có ý hay đẹp của văn học, lại vừa có giáo hóa triết lý. Những bài văn đọc lên vần điệu sang sảng, dễ ghi nhớ dễ đọc. Mỗi bài văn có ngụ ý thâm sâu, khiến người đọc mở rộng tư duy vô cùng. Nó không chỉ dạy con người làm việc như thế nào mà quan trọng hơn là làm người như thế nào. Có thể nói mỗi bài văn là một bài học khuyên răn về làm người và làm việc, thật xứng với cái tên “quan chỉ”.

Các bài văn lựa chọn trong “Cổ văn quan chỉ” lấy tư tưởng chính thống và đạo đức luân lý văn hóa truyền thống làm tiêu chuẩn, đã thể hiện ra chức năng xã hội của văn học là “văn để truyền tải Đạo” và các tư tưởng truyền thống tôn lễ, trọng đức, kính Thần, trọng dân và tư tưởng Nho gia “tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Có thể nói đó là đặc điểm nổi bật của bộ sách này.

“Tả truyện” là một bộ sách được tuyển chọn nhiều nhất trong “Cổ văn quan chỉ”. 19 bài trong “Tả truyện’ được tuyển chọn đều xuyên suốt tư tưởng sùng lễ tôn đức, lấy những sự kiện lịch sử để nói rõ đạo lý hợp với lễ thì hưng thịnh, thất lễ thì diệt vong. “Lễ tức là lộc. Do đó thờ phụng Thần mà được phúc” (Nguyên văn: “Lễ, lý dã, sở dĩ sự Thần trí phúc dã”), “Trên thì thờ Trời, dưới thì thờ Đất, thờ tổ tiên mà hưng thịnh” (Sử ký). Người xưa đặt ra lễ, mục đích là để làm sáng tỏ đạo đức, là để quy chính con người, dùng lễ – một chế độ Thần Thánh này để “quản lý quốc gia, vỗ yên xã tắc, khiến nhân dân theo trật tự, lợi ích cho các đời sau”.

Như bài “Tang Ai Bá can gián việc thu nhận đỉnh của nước Cáo” trong “Tả truyện” có thuật lại rằng:

Lỗ Hoàn Công muốn đem cái đỉnh lớn được hối lộ đặt trong Thái miếu. Quan đại phu là Tang Ai Bá cho rằng đây là hành vi vi phạm lễ rất nghiêm trọng, ông nói: “Là quốc quân, nên tuyên dương mỹ đức, trừ sạch tà ác, dùng những việc này để làm gương cho bá quan. Cho dù đã làm được như vậy mà còn lo lắng có điều gì sai trái, nên thông qua tuyên dương đức hạnh tốt đẹp để làm mẫu cho con cháu đời sau. Nhưng hiện nay, vứt bỏ đạo đức tốt đẹp để khuếch trương gian tà, lại đem những thứ người ta hối lộ để trong Thái miếu, hiển hiện trước mặt bá quan. Nếu bá quan cũng theo đó mà làm, thế thì ngài dựa vào cái gì để trừng phạt họ được? Quốc gia suy bại là do quan lại gian tà gây ra. Các quan lại đánh mất đức hạnh là bắt đầu bởi cổ vũ hối lộ thịnh hành. Hiện nay cái đỉnh lớn hối lộ này lại đặt trong Thái miếu, thử hỏi còn có hành vi nào cổ vũ hối lộ lớn như thế này không?” Tang Ai Bá dùng đạo đức quy chính can gián quốc quân vi phạm lễ, có thể nói là đã thực hiện hết chức phận của kẻ bề tôi.

Bài “Vương Tôn Mãn đối đáp Sở Tử” trong “Tả truyện” có giảng thuật rằng:

Sở Trang Vương thảo phạt tộc người Nhung ở Lục Hồn. Đến sông Lạc Thủy, Trang Vương bày binh ở địa phận nước Chu để thị uy. Chu Định Vương bèn sai Vương Tôn Mãn đến hỏi thăm Sở Trang Vương. Sở Trang Vương hỏi về kích thước, trọng lượng của chín cái đỉnh (cửu đỉnh), Vương Tôn Mãn đáp: “Đỉnh to hay nhỏ, nặng hay nhẹ là ở đức chứ không phải ở bản thân cái đỉnh. Trước kia khi triều Hạ có đức, các nước phương xa đem các sản vật vẽ thành các hình vẽ đem đến triều cống. Thủ lĩnh của 9 châu tiến cống đồng, đúc 9 cái đỉnh, đồng thời đem các hình vẽ đúc lên thân đỉnh, các đồ vật trên đó đều đầy đủ, khiến cho người dân đều biết đâu là sự vật của Thần, đâu là sự vật của tà ác. Vì vậy khiến cho trên dưới hòa hợp, và nhận được phúc của Thượng Thiên. Nếu đức hạnh tốt đẹp sáng tỏ thì 9 cái đỉnh tuy nhỏ cũng là nặng. Nếu gian tà hỗn loạn, 9 cái đỉnh có to đến mấy cũng rất nhẹ. 9 cái đỉnh nặng hay nhẹ là không thể hỏi được.”

Nho gia ngay từ ban đầu đã đưa giá trị đạo đức lên vị trí tối cao vô thượng. Sách “Đại học” chỉ ra rằng: “Từ Thiên tử đến thứ dân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Loại văn chính luận trong “Cổ văn quan chỉ” chiếm tỷ lệ lớn nhất, cũng là loại có sức ảnh hưởng lớn nhất. Những bài văn này đều thể hiện ra lấy đạo đức làm thước đo giá trị cho hết thảy. Như bài “Cung Chi Kỳ can gián giả Đạo” trong “Tả truyện”, Cung Chi Kỳ nói: “Quỷ Thần không thân thiết như con người, mà chỉ dựa vào đúc. Do đó sách “Chu thư” có viết: “Ông Trời không thân thiết với ai, chỉ phụ giúp người có đức”, và cũng viết: “Lúa thử, lúa tắc không phải là thơm, chỉ có đức sáng tỏ mới thơm”, và cũng viết: “Dân không thay đổi đồ tế, chỉ có đức hạnh mới xứng là đồ tế”. “Thần chỉ ở nơi có đức”.

Trong tấu sớ “10 suy nghĩ can gián Thái Tông”, Ngụy Trưng có viết: “Thần nghe nói người muốn cây cối tốt ắt phải làm cho nó có gốc rễ vững chắc. Người muốn dòng nước chảy xa ắt phải khơi thông nguồn nước. Người suy nghĩ để quốc gia yên định ắt phải tích đức.”

Nền chính trị nhân đức yêu thương dân chính là một nội dung trọng yếu trong tư tưởng Nho gia, yêu cầu bảo vệ dân, yêu thương dân, nuôi dưỡng dân, giáo dục dân. Do đó tinh thần gánh vác coi việc thiên hạ là trách nhiệm của mình đã trở thành ý thức cao thượng của các trí thức các thời đại, là thể hiện tập trung của tinh thần sứ mệnh lịch sử và trách nhiệm xã hội. Các bài văn tuyển chọn trong “Cổ văn quan chỉ” đã thể hiện ra tấm lòng rộng lớn của người xưa.

Như Phạm Trọng Yêm viết trong “Nhạc Dương lâu ký” rằng: “Không vui buồn vì được mất cá nhân”, “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Âu Dương Tu viết trong “Túy ông đình ký” rằng: “Mọi người biết vui theo thú vui của thái thú mà không biết rằng thái thú vui với niềm vui của họ”, đã vẽ nên một bức tranh thái thú nhân chính an dân, có thể khiến người dân vui vẻ mà vui cùng, chung vui cùng người dân. Trong “Tượng từ ký”, Vương Thủ Nhân đã miêu tả vua Thuấn thời cổ đại dùng đức giáo hóa dân, dẫn đến “nơi ông ở 1 năm thì thành làng, 2 năm thành ấp, 3 năm thành đô thị”. Vua Thuấn đã cảm hóa người em trai là Tượng, khiến mọi người biết được rằng, con người không thiện lương, cho dù giống như Tượng cũng vẫn có thể sửa đổi quy chính được. Phẩm đức người quân tử tu dưỡng bản thân, đạt đến hoàn mỹ, thì cho dù là người phẩm hạnh xấu kém như Tượng cũng có thể cảm hóa thay đổi được.

Trong “Cổ văn quan chỉ” cũng tuyển chọn rất nhiều bài văn cảm ngộ đối với vũ trụ nhân sinh. Như Tô Thức viết trong “Tiền Xích Bích phú”:

“… trăng mọc lên trên núi Đông Sơn, đi lững thững trong khoảng hai sao ngưu, đẩu. Khi đó sương toả trên mặt sông, nước trong tiếp đến chân trời. Tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt trên mặt nước mênh mông muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không, mà không biết là đi đến đâu; hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình mọc cánh mà bay lên tiên…

… thương cho sự sống của ta không được bao lâu mà khen cho con sông này dài vô cùng.”

“…Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một ly ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vầng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo Hoá mà là cái vui chung của bác với tôi.” (Bản dịch của Phan Kế Bính)

Từ sự biến hóa của cảnh vật nói đến triết lý nhân sinh, từ nước sông vô cùng nghĩ đến đời người ngắn ngủi, khát vọng có thể ngao du cùng với Thần Tiên nơi cảnh giới vĩnh hằng mỹ diệu. Tản văn của Tô Thức có cảnh giới rộng mở, như nước chảy mây trôi, đúng như ông bình luận về tản văn của mình trong “Văn thuyết” rằng: “Văn của tôi như suối nguồn, tuôn ra chẳng lựa chọn, chảy nơi đất bằng thao thao rào rào, dù một ngày nghìn dặm cũng đâu khó gì. Đến chỗ có núi đá gấp khúc, thơ phú thay hình tùy theo vật không thể nào biết được. Do đó, người biết thì thường đi ở chỗ nên đi, thường dừng ở chỗ không thể không dừng. Chỉ như thế mà thôi.”

Đọc “Cổ văn quan chỉ” có thể lĩnh ngộ được rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế, có lời can gián của bề tôi đối với quân vương, có lời dạy bảo ân cần của bề trên đối với hậu thế, có lời tặng của bạn bè, có luận văn trong thi cử, còn có thư tự giới thiệu xin việc v.v.. Tất cả đều biểu đạt lý tưởng của trí thức và sự truy cầu đạo đức trung hiếu nhân nghĩa. Như “Xuất sư biểu” cảm động lòng người của Gia Cát Lượng, “Đào hoa nguyên ký” của Đào Uyên Minh miêu tả cảnh Tiên ngoài cõi tục, “Lan đình tập tự” lưu truyền thiên cổ của Vương Hy Chi, “Tôn kinh các ký” của Vương Thủ Nhân đề xướng tôn kinh trọng Đạo, kỳ văn “Mại cam giả ngôn” của Lưu Cơ Châm châm biếm những thói hư tật xấu…

Trong “Cổ văn quan chỉ” còn có rất nhiều danh ngôn, các câu răn dạy cảnh tỉnh. Ví dụ như trong bài “Đường Tuy thuyết Tín Lăng Quân” trong “Chiến Quốc sách” có viết: “Người có đức đối với mình thì không thể quên. Mình có đức đối với người thì không thể không quên.” (Nguyên văn: “Nhân chi hữu đức ư ngã dã, bất khả vong dã. Ngô hữu đức ư nhân dã, bất khả bất vong dã”.)

Trong bài “Hán Quang Đế Lâm Tri Lao Cảnh yểm” trong “Đông Hán văn” có viết: “Có chí thì nên”. (Nguyên văn: “Hữu chí giả sự cánh thành”.)

Vương Bột viết: “người quân tử vui cảnh nghèo; bậc đạt nhân biết rõ mệnh.

Tuổi già càng phải mạnh hơn, nên hiểu lòng ông đầu bạc.”

“Lúc cùng hãy nên thêm vững, không rớt chí đường mây xanh.” (Đằng Vương Các – bản dịch của Trần Trọng San)

Hàn Dũ viết: “Người quân tử xưa, tìm lỗi ở chính mình, nghiêm khắc và toàn diện. Họ đối xử với người khác thì nhẹ nhàng và kiệm lời. Nghiêm khắc và toàn diện nên không lười biếng. Nhẹ nhàng và kiệm lời nên người ta vui vẻ nghe theo điều thiện.” (Nguyên hủy)

Tô Tuân viết: “Sự việc mà có thì ắt sẽ đến, lý lẽ mà có thì vững chắc. Duy chỉ người yên tĩnh trong thiên hạ mới có thể thấy được cái nhỏ bé vi tế nên mới biết được.” (Biện gian luận)

Những tác phẩm tuyển chọn trong “Cổ văn quan chỉ” đều chú trọng vào quan niệm truyền thống Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, chú trọng tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức, hơn nữa ngôn từ ưu mỹ, khiến mọi người vui thích hàng trăm hàng nghìn năm nay.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2012/3/1/文史漫談-讀《古文觀止》–悟道德內涵-253625.html

Đăng ngày 18-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share