Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 09-5-2019] Ông Vương Quang Huy bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2014 vì gửi tin nhắn văn bản có nội dung về Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Cư dân thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy này đã bị kết án ba năm tù và bị sa thải khỏi vị trí công tác là một nhân viên nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội An Huy. Ông Vương liên tục bị cảnh sát địa phương sách nhiễu sau khi ra tù. Ông qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 2019.

Thủ phạm phải chịu trách nhiệm trong việc bắt và truy tố ông Vương

Ông Vương bị người của Đồn Công an Vu Hồ Lộ bắt giữ. Viên cảnh sát phụ trách vụ án của ông là Hoàng Tường Quốc, người này đã được đề bạt làm đồn phó Đồn Công an Bao Hà sau chưa đầy hai tháng kể từ vụ bắt giữ ông Vương. Theo nguồn tin bên trong, việc thăng chức lên phó đồn này là phần thưởng cho Hoàng bởi ông ta đã ngụy tạo bằng chứng hãm hại ông Vương.

Cáo Minh là công tố viên của Viện Kiểm sát Khu Bao Hà, ông ta đã trình bản cáo trạng chống lại ông Vương. Các thẩm phán Lý Lệ và Lăng Thánh Vinh của Tòa án Khu Bao Hà là những người chịu trách nhiệm trong việc tuyên án ông Vương ba năm tù vào năm 2015.

Theo nguồn tin bên trong, Tang Tường Khánh đã lệnh cho các thẩm phán kết án ông Vương. Tang là chính trị viên của Đội “Chống tà giáo” của Cục Công an Thành phố Hợp Phì. Đội này đã được chính quyền cộng sản lập ra chuyên nhắm vào Pháp Luân Công kể từ khi cuộc bức hại này bắt đầu, mặc dù không có luật nào ở Trung Quốc định tội Pháp Luân Công hay gán nhãn pháp môn này là tà giáo.

Tang được thăng chức lên Phó Huyện trưởng Huyện Lư Giang kiêm Cục trưởng Cục Công an Lư Giang vào năm 2017 vì vai trò của ông ta trong việc bức hại học viên Pháp Luân Công.

Kháng cáo bị bác bỏ, bị đuổi việc, bị ngược đãi trong tù

Ông Vương đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Hợp Phì, nhưng cơ quan này đã quyết định giữ nguyên án tù mà không tổ chức xét xử. Tòa án này tuyên bố rằng mọi kháng cáo liên quan tới các vụ án của Pháp Luân Công đều được giải quyết như vậy mà không cần tổ chức xét xử.

Sau đó ông Vương đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu xem lại vụ án của ông lên Viện Kiểm sát Thành phố Hợp Phì và sau đó là Tòa án Cao cấp Tỉnh An Huy, cả hai cơ quan này đều viện lý do “Vụ án Pháp Luân Công là vụ án chính trị” và họ không có tiếng nói, tất cả là theo định hướng thống nhất trên toàn quốc, để từ chối tiếp nhận quyền lợi khiếu nại của ông Vương,

Viện Khoa học Xã hội An Huy đã sa thải ông Vương không bao lâu sau khi ông bị đưa tới Nhà tù Túc Châu.

Trong khi bị cầm tù, ông Vương bị biệt giam và liên tục bị ngược đãi vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Mặc dù sau đó ông đã được ra khỏi khu biệt giam nhờ sự can thiệp của gia đình, song trong khi bị giam giữ ông bị cưỡng bức lao động nặng nhọc không công và bị tội phạm hình sự giám sát chặt chẽ.

Liên tục bị sách nhiễu sau khi ra tù

Ông Vương được thả vào ngày 14 tháng 3 năm 2017. Ngày hôm đó, Vương Hà cùng một cán bộ chính quyền địa phương khác đã chờ sẵn ở bên ngoài nhà tù để cố gắng đưa ông Vương đi. Gia đình ông Vương phản kháng mạnh mẽ và cuối cùng họ đã đón được ông về nhà.

Cảnh sát và quan chức địa phương giám sát chặt chẽ ông Vương sau khi ông trở về nhà. Vào 5 giờ sáng ngày 3 tháng 3 năm 2019, ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 13, bốn người, trong đó có Đinh Tuyến Khang, một bí thư đảng tên Tạ Huy, và một nhân viên tên Nhiêu Văn Đông, đã kéo đến nhà ông Vương.

Họ muốn ông Vương “không gây rắc rối cho nhà cầm quyền” bằng việc phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Tại thời điểm ra tù, sức khỏe của ông Vương đã suy giảm nghiêm trọng. Việc chính quyền thường xuyên sách nhiễu đã gia tăng áp lực lên ông. Ông qua đời vào ngày 19 tháng 1 năm 2019.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/9/386405.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/13/177285.html

Đăng ngày 18-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share