Bài viết của Ái Học, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 08-03-2019] Kinh doanh đa cấp, còn được gọi là bán hàng theo kiểu hình kim tự tháp hoặc kinh doanh theo mạng lưới, là một chiến lược tiếp thị để bán sản phẩm và/hoặc dịch vụ. Doanh thu của công ty kinh doanh đa cấp có nguồn gốc từ lao động không phải trả lương, những người làm việc trên cơ sở là tiền hoa hồng hoặc lôi kéo những người khác tham gia vào hoạt động kinh doanh này (gọi là các nhà phân phối cấp dưới) và được hưởng tỷ lệ hoa hồng theo số sản phẩm bán được. Người bán hàng đa cấp bán sản phẩm bằng cách tiếp thị truyền miệng.

Thu hút nhiều người mua hơn

Trong mô hình kinh doanh đa cấp, nhà đầu tư không trực tiếp mua sản phẩm từ nhà sản xuất. Thay vào đó, họ mua từ người phía trên họ theo cấu trúc kim tự tháp. Để kiếm được lợi nhuận, những người mới đến phải tuyển dụng thêm người phân phối cấp dưới mua sản phẩm của họ. Những người tham gia kinh doanh đa cấp càng ở cấp cao hơn trong mô hình này sẽ càng nhanh chóng kiếm được nhiều tiền hơn những người tham gia sau, và dĩ nhiên mô hình kinh doanh này không bền vững

Để khiến mọi người tin tưởng đây là một hình thức kinh doanh hợp pháp, người bán hàng đa cấp sẽ khéo léo tạo dựng mô hình bán hàng của mình. Thông thường, một người lần đầu nghe về hình thức kinh doanh này sẽ cho rằng đây là một kiểu bán hàng phổ biến. Khi người đó chưa kiếm được tiền, người bán sẽ động viên anh ta chào mời thêm người khác tham gia mua sản phẩm. Người bán sẽ đánh vào lòng tham của mỗi người để dẫn dụ họ tham gia vào loại hình kinh doanh này.

Một số công ty còn tẩy não người tham gia với tuyên bố rằng “họ là người tốt vì đang giúp đỡ những người khác (mua sản phẩm)”. Những nhà phân phối cấp dưới luôn tin tưởng công ty bán hàng đa cấp mà họ tham gia một cách mù quáng.

Kinh doanh đa cấp hủy hoại chính niệm

Mọi người đến thế gian này vì Đại Pháp. Nhưng ngược lại, có rất nhiều thứ tồn tại trên thế gian là để ngăn cản con người đắc Đại Pháp. Khi một người đặt niềm tin của họ vào những rao giảng của các công ty bán hàng đa cấp về việc “là người tốt vì đang giúp đỡ những người khác (mua sản phẩm)”, thì người đó sẽ không thể lý giải được các Pháp lý. Các công ty kinh doanh đa cấp và tư tưởng của chúng được xem là những ví dụ về tà giáo đã được Sư phụ giảng trong sách Chuyển Pháp Luân.

Một người từng là học viên cho tôi biết anh ấy là một học viên Đại Pháp, nhưng luôn bận rộn với công việc bán hàng đa cấp. Mỗi lần nói chuyện với tôi, anh ấy đều kể ra anh ấy đang làm việc cho một công ty nào đó và đang cố chào bán ý tưởng kinh doanh. Anh ấy không hề có chút chính niệm nào của một học viên Đại Pháp.

Tham gia bán hàng đa cấp không chỉ khiến nhiều người mất tiền, tốn thời gian, công sức mà còn làm thay đổi bản tính của họ. Từ đó nó sẽ ngăn cản chúng sinh đắc Pháp.

Khi các học viên tham gia vào, họ sẽ cấp thêm năng lượng cho nó, khiến họ phải chịu trách nhiệm về những tác hại của việc làm này, cho dù nguyên nhân là do cựu thế lực an bài chăng nữa. Nếu việc chúng ta tham gia bán hàng đa cấp là nguyên nhân khiến một học viên có căn cơ bị tẩy não, mắc nợ và lôi kéo người khác tham gia cùng, thì đó là một tội ác to lớn không thể bù đắp được.

Sự tham gia của của nhà đầu tư và Chính phủ trong các loại hình đầu tư lừa đảo

Một số mô hình quản trị đầu tư giống như đầu cơ chứng khoán và chơi xổ số. Khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh này thực chất là thu lời bất chính. Một số người còn sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư vào loại hình kinh doanh này. Họ có thể tự tử vì bị mất quá nhiều tiền. Sao một người có thể an giấc khi biết rằng anh ta đang kiếm lời trên mồ hôi nước mắt của người khác?

Những loại hình đầu tư kiểu này thường tuyên bố có mức lợi nhuận đạt được rất cao từ 10 – 15% mỗi năm. Giai đoạn đầu những người tham gia đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận trên số tiền bỏ ra. Nhưng khi đã thu hút được một lượng tiền đầu tư nhất định, thì bằng cách nào đó chủ doanh nghiệp sẽ tuyên bố phá sản và biến mất hoặc cơ quan công quyền sẽ tịch biên toàn bộ cơ sở đầu tư. Đến lúc đó, tất cả tiền của nhà đầu tư sẽ mất trắng.

Kinh doanh theo hình thức này khuyến khích các nhà đầu tư quảng bá sản phẩm với mục đích càng thu hút người khác tham gia thì càng kiếm được nhiều tiền. Để loại bỏ nghi ngờ, các công ty này tạo dựng bình phong là các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, thậm chí còn tuyên bố họ là các tổ chức hoạt động vì phúc lợi xã hội. Họ thường tạo ra nhiều hạng mục đầu tư và tuyên bố mỗi hạng mục đều có nền tảng vững vàng hoặc được quản lý vốn độc lập, cộng thêm với việc những hạng mục này được người có thế lực hay các phương tiện truyền thông nhà nước xác nhận.

Sự thực là chính quyền không thể quản lý được hoạt động của các công ty kiểu này. Các khoản đầu tư trên thực tế không tồn tại. Thường các nhà đầu tư không bao giờ biết hoặc kiểm soát được công ty sử dụng tiền đầu tư như thế nào. Cả chủ sở hữu nền tảng và nhà đầu tư đều phấn khích vì lợi nhuận trước mắt và rất dễ bị tà ác thao túng.

Khi có một lượng lớn các nhà đầu tư đột nhiên đổ tiền vào quỹ, nhiều người thực sự có khả năng kiếm lời nhanh chóng. Điều họ có thể không biết là lợi nhuận mà họ có được tới từ các nhà đầu tư tham gia sau hoặc từ chính các khoản đầu tư tiếp theo của mình. Trước khi các nhà đầu tư kịp nhận ra, thì theo một cách nào đó, chuỗi huy động vốn của công ty sẽ đổ vỡ, chủ sở hữu bị phát hiện liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư bất hợp pháp hoặc chính chủ sở hữu sẽ biến mất. Nền tảng đầu tư và các tài khoản bị chính quyền tịch thu. Tất cả những người từng tuyên bố vốn của các nhà đầu tư sẽ được đảm bảo an toàn thì lặn mất tăm, truyền thông cũng giữ im lặng. Cơ quan công quyền sẽ tiếp nhận lại. Tiếp theo, các nhà đầu tư sẽ đấu tranh cho quyền lợi của mình và gặp phải sự đàn áp. Kết quả có nhiều người phải tự vẫn.

Những hiểm họa như vậy xảy ra ở khắp nơi tại Trung Quốc. Các công ty kinh doanh đa cấp và các công ty quản lý đầu tư có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Về bản chất là họ thông đồng với nhau để lấy tiền của dân.

Những trở ngại cho tu luyện

Chính cựu thế lực đã tạo ra những cái bẫy tài chính nhằm thao túng những người hám lợi, chỉ mong có được mà không muốn mất. Những cái bẫy này có mục đích phá hoại khiến cho con người mất đi cơ hội đắc Pháp.

Hãy thử tưởng tượng, một người biết chân tướng, thậm chí còn từng học Pháp, đột nhiên nhận được một số tiền lớn. Liệu anh ta sẽ làm gì trước lòng tham và những ham muốn khác của bản thân? Nếu một người bị mất hết tiền tiết kiệm khi đầu tư, thì chắc hẳn người đó chỉ loanh quanh cả ngày để tự hỏi làm cách nào lấy lại tiền của mình, bằng thủ đoạn lừa gạt hay một cách nào đó. Trong những tình huống như vậy, làm sao người ta có tâm trạng để nghe chân tướng hay thậm chí nghĩ về tu luyện được chứ? Đối với các học viên, họ sẽ còn chẳng để tâm đến việc tu luyện tinh tấn.

Chừng nào các học viên còn tham gia bán hàng đa cấp hay các hình thức đầu tư tương tự, thì họ sẽ không thể tập trung vào việc tu luyện. Mỗi ngày, đều sẽ có nhiều người có thể mất đi cơ duyên mà họ đã chờ đợi hàng vạn kiếp, cho dù chân tướng ở ngay trước mắt họ. Nếu điều này là do có sự tham gia của học viên gây ra, thì học viên đó đã phạm phải tội ác vô cùng to lớn.

Bức hại tài chính của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)

Có một lưu ý là, một số học viên có tiền tiết kiệm hoặc kinh tế khá giả sẵn lòng tham gia cùng đầu tư với các quan chức của ĐCSTQ. Trên bề mặt, có vẻ như các học viên đang gây dựng cơ hội để giảng chân tướng, nhưng đi kèm với đó là rủi ro cao. Quan chức chỉ là người thường và thuộc về ĐCSTQ. Họ dễ bị cựu thế lực thao túng. Một khi cựu thế lực lợi dụng họ, thì các khoản đầu tư của các học viên sẽ không còn được an toàn.

Hình thức giảng chân tướng này thường mang theo chấp trước vào lợi, cùng với đó là ý niệm không thuần tịnh của học viên. Chính niệm của một học viên không nên xuất phát từ truy cầu vào lợi ích của khoản đầu tư. Nếu một người giả vờ đồng ý với người học viên nhưng rốt cuộc lại lừa dối và lấy tiền của người học viên đó, thì liệu anh ta có phạm phải tội ác to lớn không? Nhưng tội ác của anh ta là kết quả của việc học viên không tỉnh táo, và điều đó khiến người học viên cũng có tội.

Khá nhiều người không cho đây là một vấn đề lớn khi tiếp cận với các quan chức ĐCSTQ trên danh nghĩa là học viên Đại Pháp. Những học viên này đi khắp nơi để thuyết phục các học viên khác bỏ tiền tiết kiệm đầu tư vào các dự án quốc gia. Hành vi như vậy là không đúng đắn. Hãy suy nghĩ đến điều này: nếu một quan chức của ĐCSTQ biết một học viên Đại Pháp đang đối đầu với các quan chức cấp cao, nhưng người này lại không hành động gì, vậy chẳng phải là có vấn đề hay sao? Tà ác đang chờ có nhiều học viên dính bẫy, để cùng một lúc cướp sạch tiền của họ.

Trong hai mươi năm qua, ĐCSTQ đã tìm mọi cách hủy hoại Pháp Luân Đại Pháp, không chừa một chỗ nào cho các học viên ở Trung Quốc. Chúng ta cần phải nhận thức được vấn đề và không đặt hy vọng sai lầm vào chế độ này.

Ở Trung Quốc, các học viên không được hưởng quyền con người cũng như không được pháp luật bảo vệ. Bất cứ người nào muốn cưỡng đoạt tài sản của các học viên cũng không bị pháp luật xử lý. Chúng ta phải nhận thức vấn đề này một cách thích đáng và không nên tự đẩy mình vào hoàn cảnh bị ĐCSTQ bức hại tài chính.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/8/383558.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/5/176394.html

Đăng ngày 13-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share