Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-5-2019] Ông Thiệu Minh Cương, một người đàn ông 62 tuổi ở thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh đã qua đời vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, sau chín tháng được tại ngoại để điều trị y tế.

Ông Thiệu đã bị kết án sáu năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công sau lần bắt giữ gần đây nhất vào tháng 3 năm 2016.

Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một pháp môn tu luyện tính mệnh song tu bao gồm năm bài công pháp nhẹ nhàng và tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999.

Ông Thiệu đã bị ngược đãi trong tù và sức khỏe của ông bị suy giảm nhanh chóng. Ông Thiệu đã bị nôn ra máu và bị ngất nhiều lần. Chức trách nhà tù chỉ cho phép kiểm tra huyết áp và điện tâm đồ, còn từ chối cung cấp bất kỳ sự điều trị y tế nào cho ông Thiệu và vẫn buộc ông Thiệu phải lao động nặng nhọc khi ông vừa đến. Ngày 2 tháng 5 năm 2018, ông Thiệu đã được tại ngoại để điều trị y tế nhưng ông đã không thể hồi phục trở lại.

2019-4-30-shao-ming-gang_01--ss.jpg

Ông Thiệu, 62 tuổi, đã qua đời vào ngày 27 tháng 2 năm 2019 sau nhiều năm bị tra tấn và sách nhiễu vì tu luyện Pháp Luân Công

Bắt giữ và kết án

Ông Thiệu bị bắt giữ lần gần đây nhất vào ngày 4 tháng 3 năm 2016 bởi người của Phòng 610 Cẩm Châu và cảnh sát Lăng Hà. Huyết áp của ông Thiệu lên tới 240 và Trại tạm giam Cẩm Châu đã từ chối tiếp nhận ông. Nhưng sau đó cảnh sát đã thuyết phục trại tạm giam nhận người và yêu cầu Tòa án Lăng Hà nhanh chóng tiến hành xét xử ông Thiệu.

Mặc dù ông Thiệu rất yếu, nhưng ngày 16 tháng 3 năm 2016, tòa án vẫn xét xử ông ngay tại trại giam. Ngày 28 tháng 3, các quan chức Tòa án Lăng Hà đã kết án ông Thiệu sáu năm tù giam, ông Thiệu bị đưa tới Nhà tù Đông Lăng ở thành phố Thẩm Dương.

Sức khỏe của ông Thiệu suy giảm khi ở trong tù. Huyết áp của ông vẫn tiếp tục cao. Ông Thiệu trở nên mất kiểm soát việc đại tiểu tiện và đi lại gặp khó khăn.

Ông Thiệu đã nôn ra máu từ ngày 2 đến 5 tháng 2 năm 2018, nhưng chính quyền nhà tù không có bất cứ hành động nào. Sau khi các học viên bị giam giữ khác phản đối, tối ngày 5 tháng 1, họ đã đưa ông tới Bệnh viện Nhà tù Đông Lăng. Ông Thiệu đã được kiểm tra huyết áp và điện tâm đồ, nhưng họ không điều trị gì cho ông. Ngày 29 tháng 1, sau khi quay trở lại phòng giam, ông Thiệu đã ngất và ngã nhào xuống đất khi đi vào nhà tắm.

Bốn ngày sau, ông Thiệu lại bị ngất và ngã lăn ra một lần nữa trong khi đang lao động nặng. Một lần khác khi ông Thiệu đang ngồi xe lăn, một tù nhân đã đẩy xe thì đột nhiên cả người và xe cũng lộn nhào xuống đất. Tại xưởng làm việc, ông Thiệu tiếp tục bị ngã và sau đó một lần nữa ngã trong nhà tắm.

Ngày 28 tháng 4 năm 2018, ông Thiệu đã được tại ngoại để điều trị y tế và trở về nhà vào ngày 2 tháng 5 năm 2018. Ở nhà, sức khỏe của ông dần dần cải biến nhờ tu luyện Pháp Luân Công.

Sau đó cảnh sát địa phương yêu cầu ông cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần cho họ và trả cho họ 150 nhân dân tệ cho chi phí theo dõi điện thoại của ông.

Cuối năm 2018 và hai tuần đầu năm 2019, cảnh sát và các quan chức địa phương tới nhà của ông Thiệu rất nhiều lần để sách nhiễu ông. Họ cáo buộc ông Thiệu giả ốm và buộc gia đình đưa ông tới một bệnh viện để kiểm tra y tế – nếu ông Thiệu khỏe mạnh họ sẽ đưa ông trở lại nhà tù. Sách nhiễu và đe dọa liên tục khiến ông Thiệu và gia đình phải chịu áp lực tinh thần vô cùng to lớn.

Những lần cầm tù và tra tấn trước đó

Từ tháng 7 năm 1999, ông Thiệu đã bị cầm tù và tra tấn rất nhiều lần. Sau khi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, năm 1999, ông Thiệu đã bị đuổi việc. Năm 2000, ông Thiệu tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công một lần nữa, ông đã bị bắt và bị đưa tới Trung tâm Tẩy não Cẩm Châu, ở đó ông Thiệu bị cưỡng bức tẩy não.

Để tránh bị bắt giữ thêm nữa, tháng 4 năm 2014, ông Thiệu đã rời khỏi nhà, nhưng chỉ một tháng sau đó ông đã bị bắt ở tỉnh Sơn Đông. Cảnh sát từ quê nhà của ông ở thành phố Cẩm Châu đến để đưa ông về. Họ đánh đập và dùng bật lửa để đốt quai hàm của ông. Khuôn mặt của ông Thiệu bị biến dạng.

Sau khi bị đưa tới trại tạm giam Số 1 Cẩm Châu, ông Thiệu đã tuyệt thực. Ngày 30 tháng 8 năm 2004, ông Thiệu bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức để thụ án ba năm và gia đình của ông không được thông báo. Ban đầu trại lao động đã từ chối tiếp nhận ông Thiệu vì sức khỏe của ông rất yếu, nhưng họ đã phải nhượng bộ sau khi nhận được lệnh từ Cục trưởng Cục Công an Cẩm Châu yêu cầu giam giữ ông Thiệu.

Tháng 9 năm 2004, trại lao động đã phát động một chiến dịch nhằm khiến các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ từ bỏ tu luyện. Lính canh đã không được phép trở về nhà và phải sống trong trại lao động trong suốt giai đoạn đó.

Ông Thiệu bị biệt giam và bị bức thực hàng ngày. Mặc dù tính mạng của ông đang bị đe dọa, nhưng phó trại lao động Lý Phượng Lâm và các lính canh khác vẫn tiếp tục bức thực ông với một lượng nước muối lớn, khiến ông gầy hốc hác với huyết áp 260. Ông Thiệu cũng bị đau ngực.

Tháng 10 năm 2005, lính canh lại phát động một chiến dịch khác để ngược đãi các học viên Pháp Luân Công. Họ đánh đập các học viên, sốc điện, mở những âm thanh gây ồn và cấm ngủ các học viên. Ngay sau đó, tóc của ông Thiệu đã ngả bạc và ông đang ở bên bờ vực của cái chết.

Lính canh nhà tù vẫn không ngừng tra tấn ông Thiệu. Cuối tháng 5 năm 2006, ông Thiệu bị cho ăn đồ ăn có tẩm thuốc không rõ nguồn gốc từ 4 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày.

Sức khỏe của ông tiếp tục suy giảm, nhưng ông không được trả tự do cho đến khi mãn hạn lao động cưỡng bức vào ngày 22 tháng 5 năm 2007.

Trong một vụ bắt giữ học viên Pháp Luân Công số lượng lớn diễn ra trong hai tháng 10 và 11 năm 2014, ông Thiệu đã bị bắt một lần nữa và bị đưa tới trại tạm giam Cẩm Châu. Huyết áp của ông tăng vọt trong khi bị giam giữ và ông được trả tự do vào ngày 20 tháng 12 năm 2014. Trước khi được phép đưa ông về nhà, gia đình ông bị ép phải trả 5.000 nhân dân tệ.

Cá nhân chịu trách nhiệm chính:

Hoàng Bình, Giám đốc Tòa án Lăng Hà, +86-416-2872600, +86-18941603999


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/2/385756.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/4/176717.html

Đăng ngày 13-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share