Bài viết của Long Duyên

[MINH HUỆ 25-4-2019] Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nổi tiếng với việc kiểm soát tư tưởng của người dân. Ví dụ như việc phá hủy bức tượng Bồ tát Quan Âm cao gần 58 mét tại tỉnh Hà Bắc. Đây là một trong những bức tượng Bồ tát Quan Âm cao nhất, và phải mất năm năm để xây dựng nó với chi phí lên tới 17 triệu tệ. Thế nhưng, ngày 30 tháng 1 năm 2019, chính quyền tỉnh Hà Bắc đã phái một lữ đoàn đến địa phương này, và hai ngày sau đó họ đã tiến hành nổ mìn phá hủy bức tượng Quan Âm này.

Bức tượng Quan Âm này bị phá hủy chính bởi sự nổi tiếng của nó—hàng chục nghìn người thường đến đây để hành lễ trước tượng Bồ tát Quan Âm. Đây là điều ĐCSTQ không chịu đựng nổi. Xét cho cùng, bản chất của cái Đảng Cộng sản là vô thần, và nó vẫn luôn cai trị người dân bằng hăm dọa và bạo lực.

Cái gai trong mắt của ĐCSTQ

Nhìn lại lịch sử 20 năm kể từ ngày ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công năm 1999, chúng ta có thể thấy rõ sự tương đồng rõ ràng giữa lý do phá hủy tượng Bồ tát Quan Âm và lý do Trung Cộng quyết định đàn áp quần thể người ôn hòa này vào năm 1999.

Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được giới thiệu ra công chúng vào tháng 5 năm 1992. Những lợi ích kỳ diệu về sức khỏe và tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn đã thu hút một lượng lớn người dân. Vào thời điểm pháp môn này bị đàn áp vào năm 1999, ĐCSTQ đã ước tính số lượng người học luyện Pháp Luân Công vào khoảng từ 70-100 triệu người.

Sự phổ truyền như vậy đã nhanh chóng khiến cộng sản chú ý, và họ đã bắt đầu tiến hành điều tra nhóm người này ngay từ năm 1994. Kết quả điều tra, bao gồm cả các báo cáo từ các đặc vụ bí mật, cho thấy Pháp Luân Công chỉ đơn giản là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân giúp nâng cao sức khỏe thể chất và đạo đức con người. Mặc dù không xác định được điều gì tiêu cực, song Đảng vẫn không từ bỏ.

Những căn nguyên của việc phỉ báng và sự tăng tốc của nó

Quang Minh Nhật báo, một trong những cơ quan phát ngôn quan trọng của Trung Cộng, đã đăng một bài xã luận vào ngày 17 tháng 6 năm 1996, trong đó vô cớ tung lời bịa đặt nhằm phỉ báng Pháp Luân Công. Thủ đoạn mượn truyền thông để tung những lời bôi nhọ và phỉ báng để bắt đầu cho một cuộc vận động chính trị như vậy thường được thấy trong các cuộc đàn áp trước đó. Mặc khác, sự phỉ báng như vậy nhắm vào các học viên Pháp Luân Công vô tội, những dân chúng thiện lương muốn chiểu theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của họ để trở thành người tốt, một lần nữa bộc lộ bản chất tà ác của Trung Cộng.

Ngày 4 tháng 7 năm 1996, một tháng sau khi bài xã luận nói trên được xuất bản, Bộ Tuyên truyền Trung ương của ĐCSTQ đã ban hành một văn kiện nội bộ, yêu cầu các cục báo chí và xuất bản trên khắp Trung Quốc cấm xuất bản sách của Pháp Luân Công.

Đầu năm 1997, La Cán, lúc đó là Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL), đã chỉ thị Bộ Công an tiến hành điều tra toàn diện Pháp Luân Công trên toàn quốc, hòng tìm ra tội chứng để vu cáo Pháp Luân Công là “tà giáo”. Cuộc điều tra và các báo cáo của hệ thống công an trên toàn quốc lại một lần nữa không đưa ra được bằng chứng nào bất lợi cho Pháp Luân Công, và cuộc điều tra đó đã kết thúc trong vô vọng.

Tháng 5 năm 1998, Hà Tộ Hưu, anh vợ của La Cán, đã phỉ báng và bôi nhọ Pháp Luân Công trong một chương trình phát sóng trên Đài Truyền hình Bắc Kinh. Hằng trăm học viên Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc lân cận đã trực tiếp đến đài truyền hình đó hoặc viết thư gửi tới các quan chức hữu quan để phản ánh tình hình thực tế rằng chương trình đó có nội dung không đúng sự thật, lừa dối công chúng. Lúc đó, một lãnh đạo đài truyền hình đó đã thừa nhận rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay mà đài truyền hình phạm phải. Rất nhanh sau đó đài truyền hình đã phát sóng một chương trình về việc các học viên đang luyện công tập thể ôn hòa tại công viên.

Tháng 7 năm 1998, dưới sự chỉ đạo của La Cán, Cục 1 thuộc Bộ Công an (chịu trách nhiệm về trị an) đã ban hành Thông báo 1998-555 với tiêu đề “Thông báo về việc Triển khai Điều tra Pháp Luân Công”. Thông báo này đã định tính trước và điều tra sau, trước hết vu khống gán nhãn “tà giáo” cho Pháp Luân Công và sau đó lệnh cho thuộc cấp xác định bằng chứng để chứng minh cho tội danh đó, rắp tâm vu cáo. Do cách thức điều tra kiểu vu oan, dẫn đến một số nhân viên công an đã không hiểu sự thật mà bị lừa dối và bắt đầu tiến hành sách nhiễu hoạt động luyện công chính thường của các học viên Pháp Luân Công tại các điểm luyện công tập thể.

Kiều Thạch, lúc dó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, và một vài quan chức cấp cao về hưu khác đã đưa ra kết luận rằng “Pháp Luân Công đối với nước với dân chỉ có trăm phần lợi mà không có một phần hại.” Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên các cuộc khảo sát và điều tra diễn ra trong vài tháng. Báo cáo này đã được đệ trình lên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 1998.

Hà Tộ Hưu không cam tâm, tiếp tục tìm cớ vu khống Pháp Luân Công bằng cách cho xuất bản một bài viết phỉ báng pháp môn tu luyện nào vào ngày 11 tháng 4 năm 1999. Xuất hiện trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thanh Thiếu niên, một lần nữa bài viết này lại công kích Pháp Luân Công mà không hề có bằng chứng và yêu cầu rằng thanh thiếu niên không được tập luyện pháp môn này. Thấy rằng bài viết này là dối trá và vì cá nhân được thụ ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công, một bộ phận học viên đã đi tới Học viện Giáo dục Thiên Tân cùng các đơn vị hữu quan để giảng sự thật về pháp môn này từ ngày 18-24 tháng 4.

Thế nhưng, ngày 23 và 24 tháng 4, Cục Công an Thành phố Thiên Tân đột nhiên huy động cảnh sát phòng chống bạo động vô lý tấn công các học viên Pháp Luân Công đang phản ánh tình huống. Một số học viên bị thương và 45 học viên bị bắt giữ. Khi các học viên yêu cầu thả người, họ được người của chính quyền cho biết, lệnh này đến từ Bắc Kinh và Bộ Công an đã can dự. Công an Thiên Tân kiến nghị các học viên cần đi tới Bắc Kinh thì mới giải quyết được vấn đề này.

Kháng nghị ôn hòa

2019-4-24-minghui-falun-gong-425shangfang--ss.jpg

Học viên Pháp Luân Công kháng nghị ôn hòa tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1999. Họ không có biểu ngữ hay khẩu hiệu và cảnh sát rất nhàn nhã.

Khoảng 10.000 học viên đã làm theo lời gợi ý của công an Thiên Tân và đi tới Văn phòng Kháng cáo vào ngày 25 tháng 4, hy vọng sẽ được phản ánh sự thật về Pháp Luân Công.

Họ yêu cầu thả các học viên đang bị giam giữ, cho phép xuất bản các sách Pháp Luân Công, và được tự do thực hành Pháp Luân Công. Sau buổi gặp mặt đại diện của các học viên, Thủ tướng đương nhiệm Chu Dung Cơ đã ban hành lệnh thả các học viên bị giam giữ và nhấn mạnh rằng sẽ không can thiệp vào việc luyện công của quần chúng. Các học viên lặng lẽ và tường hòa rời địa điểm đó vào khoảng 10 giờ tối, không để lại dù chỉ một mẩu thuốc lá hay một mảnh rác.

Tuy nhiên, ngày hôm sau Giang Trạch Dân, lúc đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết một một lá thư cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, để leo thang sự việc này. Sau đó ông ta lập ra một lực lượng với nhiệm vụ chuyên biệt là thực thi các lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 10 tháng 6, do đó nó còn được gọi là Phòng 610. Theo đó, cuộc đàn áp trên toàn quốc đã chính thức bắt đầu vào tháng 7 năm 1999.

Lịch sử ở trên cho thấy rằng ĐCSTQ, đặc biệt là Giang và những kẻ đi theo ông ta, như La Cán, đã cố gắng đàn áp Pháp Luân Công trong một thời gian dài. Nếu cuộc kháng nghị ôn hòa ngày 25 tháng 4 không xảy ra, họ có thể vẫn sẽ kiếm những cái cớ khác để phát động cuộc đàn áp này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/25/385521.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/8/176763.html

Đăng ngày 11-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share