Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông

[MINH HUỆ 29-04-2019] Vào ngày 27 tháng 4 năm 2019, các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông và các khu vực lân cận đã tập trung tại Edinburgh Place, một quảng trường công cộng nằm ở trung tâm Hồng Kông, để kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa đã diễn ra tại Bắc Kinh cách đây 20 năm. Tại buổi mít-tinh, 1.000 học viên đã kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

ca80229de9bd78e826dccd75a50a4fa9.jpg

Các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông tham gia buổi Mít-tinh trên Quảng trường Edinburg Place

e8631befb0e6ad8e20054418ed9603bb.jpg

Đoàn Nhạc Tian Guo trình diễn tại buổi Mít-tinh

Phản đối cuộc bức hại

Ông Giản Hồng Chương, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông, đã kể về cuộc thỉnh nguyện đã diễn ra vào ngày 25 tháng 4 năm 1999 tại Bắc Kinh (hai ngày sau khi các học viên ở Thiên Tân bị bắt giữ chỉ vì đức tin của họ). Ông cho biết cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên từ tháng 7 năm 1999 đã dấy lên hàng loạt chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, những nỗ lực gần đây nhằm sửa đổi Pháp lệnh về Tội phạm Chạy trốn Tị nạn ở Hồng Kông đã gây ra nhiều lo ngại và đây cũng được coi là màn dạo đầu cho việc bức hại nhân quyền tàn bạo hơn. Hơn nữa, gần đây, ĐCSTQ còn cấm các học viên đến từ các khu vực khác tham gia các hoạt động thỉnh nguyện ôn hòa ở Hồng Kông. Điều này đã khiến cho mọi người càng thấy rõ bản chất thật của Đảng.

Ông Giản nói: “Chúng tôi thấy sự ủng hộ giá trị truyền thống và chính tín của cộng đồng thế giới ngày càng mạnh mẽ khi muốn chấm dứt cuộc bức hại. Ngày chấm dứt cuộc bức hại và những bi kịch này đang đến gần!”

Ông kêu gọi các chính quyền và người dân ở mọi quốc gia giúp đánh bại cái ác và nêu cao chính nghĩa. Bằng cách chung tay giải thể ĐCSTQ trong hòa bình, giảm bớt những thiệt hại mà nó đã gây ra, và đưa thủ phạm chính của cuộc bức hại ra công lý, nhân loại sẽ có thể hướng đến một tương lại xán lạn hơn.

Bà Dịch Dung, chủ tịch Trung tâm Phục vụ Thoái Đảng Toàn cầu (Phong trào Thoái Đảng), đã gọi điện tới cuộc mít-tinh để chúc mừng 330 triệu người Trung Quốc đã quyết định thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Bà nói: “Điều này đã nói lên sự can đảm và quyết tâm bảo vệ đạo đức và lương tri của chúng ta. Đây chính là nền tảng tinh thần của nền văn hóa Trung Hoa của chúng ta trong hàng ngàn năm qua!”

Giúp đỡ những người vô tội

b756f06838033c36ef78f0601f947470.jpg

Ông Phùng Chí Hoạt, cựu ủy viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông

Ông Phùng Chí Hoạt, một mục sư và cũng là cựu ủy viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đã ca ngợi lòng tốt và sự kiên trì của các học viên Pháp Luân Công, những người trong 20 năm qua đã phải đối mặt với sự ngược đãi khắc nghiệt dưới bàn tay của ĐCSTQ. Ông nói đây là một tấm gương sáng cho xã hội hiện đại và ông rất vui khi thấy rằng môn tu luyện này đã được đón nhận ở hơn 100 quốc gia. Ông nói rằng chính nghĩa sẽ chiến thắng và có thể thấy rằng ĐCSTQ sẽ không tồn tại được bao lâu nữa vì số người Trung Quốc cắt đứt quan hệ với chế độ cộng sản nước này đã rất lớn.

Ông Lương Quốc Hùng, một cựu ủy viên khác của Hội đồng Lập pháp, đã chỉ trích việc đàn áp Pháp Luân Công tại Hồng Kông. Ông nói rằng việc sửa đổi Pháp lệnh Tội phạm Chạy trốn Tị nạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm tôn giáo của Hồng Kông, và ông kêu gọi mọi người hỗ trợ nhiều hơn để bãi bỏ đề xuất này.

Giá trị truyền thống

Một số chính khách đã phát biểu tại sự kiện này qua video. Ông Lương Quốc Kiệt, chủ tịch Đảng Công dân, cho rằng tự do tín ngưỡng là một trong những quyền cơ bản của con người. Ông nói: “Trong suốt chiều dài lịch sử, không có thể chế chính trị nào có thể tồn tại lâu dài nếu nó đàn áp người dân mình và coi thường các quyền cơ bản của con người. Chỉ cần chúng ta có quyết tâm và hiểu rõ những gì chúng ta đang làm, chúng ta sẽ thành công.”

Ông Hồ Chí Vĩ, chủ tịch Đảng Dân chủ kiêm ủy viên của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, công nhận những lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công, cũng như nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Ông nói: “Thông qua các giải pháp hoà bình, chúng tôi đang ủng hộ các đức tính Chân – Thiện – Nhẫn. Đây chính là những giá trị cốt lõi của toàn bộ nền văn hóa Trung Hoa và nền văn minh Trung Hoa của chúng ta.”

Ông Hồ cho rằng chính quyền nên khuyến khích người dân nói tiếng nói trung thực và có thể chấp nhận các ý kiến khác nhau, thay vì bắt người dân sống trong tình trạng lo sợ và đấu đá lẫn nhau.

Phản đối chế độ chuyên chế

Nếu một đảng chính trị hành động trái với ý nguyện và gây tổn hại cho công dân của mình, nó sẽ bị chính công dân bỏ rơi, ông Hồ nói thêm: “Số người đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ cho chúng ta thấy rằng mọi người đã hiểu rõ hơn về bản chất xấu xa của nó.” Ông cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Ông Lương Triệu Trung, một ủy viên lâu năm của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đã cảm ơn các học viên vì những nỗ lực của họ trong việc vạch trần sự tàn bạo của ĐCSTQ suốt 20 năm qua. Ông nói: “Tôi hy vọng các bạn sẽ kiên trì nỗ lực này và tiếp tục nói cho thế giới biết chế độ này là thế nào.”

Ông nói bởi vì ĐCSTQ đàn áp tự do, công lý và nhân quyền nên nhiều quan chức từng làm việc cho Đảng giờ đã quyết định từ bỏ nó. Điều này được phản ánh ra qua con số 330 triệu người đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Chấm dứt thu hoạch nội tạng

Ông Chu Phúc Cường, cựu giám đốc Phòng Lưu trữ Hồng Kông, cho biết ông ủng hộ các học viên Pháp Luân Công trong việc bảo vệ nguyên tắc của họ và ông phản đối cuộc bức hại. Ông kêu gọi đưa các thủ phạm chính của nạn thu hoạch nội tạng sống ra công lý. Ông nói: “Đây là cuộc khủng bố do nhà nước bảo trợ và chỉ lên án thôi thì không đủ. Chúng ta phải giải quyết vấn đề này bằng luật pháp và bắt họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Ông Uông Chí Viễn, chủ tịch Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công, đồng tình với quan điểm trên. Ông cho hay bằng chứng đã chỉ ra rằng hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống vẫn tiếp diễn. Ông kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức trên khắp thế giới điều ra những tội ác chống lại loài người này.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã phát biểu tại cuộc mít-tinh này qua điện thoại. Ông Bảo Đồng, cựu Thư ký Chính sách trước thời Triệu Tử Dương (Thủ tướng Trung Quốc từ 1980 đến 1987, và là Tổng Bí thư ĐCSTQ từ năm 1987 đến 1989), cho biết cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân đã vi phạm pháp luật khi bức hại Pháp Luân Công. Các học viên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ là phù hợp và hợp pháp.

Thẩm Lương Khanh, cựu công tố viên ở tỉnh An Huy, cho biết việc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý. Ông đã kết luận rằng: “Đảng đã phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người.”

Cuộc diễu hành lớn

c26ee8226c6861e5f7c1eb8702460afb.jpg

Các biểu ngữ trong lễ diễu hành

dc27a49be91fa069f9b8c99915051b13.jpg

Biểu diễn trống lưng

158611a411bfce0a312d1449df221960.jpg

Biểu ngữ trong cuộc diễu hành mang dòng chữ “Hãy đưa Giang ra công lý”

Sau khi cuộc mít-tinh kết thúc, lúc 2:00 chiều, các học viên bắt đầu diễu hành từ Quảng trường Edinburgh Place đến Văn phòng Liên lạc Hồng Kông. Đoàn diễu hành gồm sáu nhóm, dẫn đầu là Đoàn Nhạc Tian Guo. Mặc dù có một cơn mưa lớn lúc gần kết thúc nhưng cuộc diễu hành vẫn hoàn thành.

Một số phụ nữ trẻ ở tỉnh Quảng Đông cho biết đây là lần đầu tiên họ thấy một cuộc diễu hành như vậy. Cô Hà nói :“Tôi thích cuộc diễu hành này.” “Trở thành một người tốt hơn theo những nguyên lý này là một điều tuyệt vời!”

Ông cụ Simon đã cảm động trước những nỗ lực của các học viên. Ông nói rằng ngày càng có nhiều người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, có thể tự do tiếp cận thông tin và biết được những sự thật này. Ông nói: “Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị giải thể, đó là nhất định.”

Một người đàn ông ngoài 50 tuổi cho hay ông biết Pháp Luân Công và các học viên Pháp Luân Công vô tội từ nhiều năm trước. Ông thấy rằng ĐCSTQ nên bị xóa sổ. Ông đã đồng ý thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/29/385695.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/5/1/176688.html

Đăng ngày 06-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share