Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-1-2019] Tôi là một giáo sư đại học tại Trung Quốc, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) từ năm 1997.

Hồi tưởng về cuộc bức hại

Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công và các học viên vào năm 1999. Là một học viên mới, tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tu luyện Pháp Luân Công cho tôi cái nhìn mới về cuộc sống, nhưng tôi cũng là một đảng viên của ĐCSTQ. Tôi phải lựa chọn giữa Pháp Luân Công và sự nghiệp.

Sau một tháng chịu áp lực lớn của cấp trên và cán bộ chính quyền, ngoài miệng tôi đã nói đồng ý ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, tôi vẫn bí mật tập ở nhà.

Áp lực bên ngoài giảm xuống, nhưng trong tâm tôi thấy nặng nề. Sau khi được Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, ban cho những lợi ích khiến cuộc đời tôi thay đổi, tôi lại quay lưng lại với môn tu luyện. Tôi thậm chí không nói một lời biện hộ tích cực nào khi Pháp Luân Công bị vu oan. Tôi hổ thẹn đến mức không thể đối diện với chân dung của Sư phụ.

Sư phụ đã giảng:

“Tu luyện ấy, nên nhìn đến những việc lớn một cách đường đường chính chính mà tu luyện.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi muốn lên tiếng cho Pháp Luân Công và Sư phụ, nhưng tôi không có đủ dũng khí để làm việc đó, cho tới khi tôi đọc hai bài kinh văn của Sư phụ: “Tâm tự minh” và “Tiến đến viên mãn”.

Tôi quyết định đây chính là lúc tôi thể hiện thái độ của bản thân. Tôi đã viết một bức thư dài gửi cho phòng 610 tại địa phương. Trong thư, tôi dùng những trải nghiệm của bản thân để giải thích về những lợi ích của Pháp Luân Công, và giải thích vì sao cuộc đàn áp này đi ngược lại hiến pháp và thực ra là phi pháp. Cuối cùng, tôi khẳng định quyết tâm quay trở lại làm một học viên Pháp Luân Công chân chính.

Vài ngày sau, trưởng Phòng 610 xông vào văn phòng của tôi: “Ông nói ông muốn làm học viên Pháp Luân Công hơn là một đảng viên. Có phải ông nói rằng làm học viên Pháp Luân Công còn cao hơn làm đảng viên không?”

Tôi trả lời: “Đương nhiên. Ai cũng biết ĐCSTQ hủ bại, còn các học viên Pháp Luân Công thì ngay thẳng, chính trực!”

“Ông là kẻ phản đảng!” Ông ta hét lên và nện nắm đấm xuống bàn.

Tôi đã lựa chọn là người dám đứng lên để nói lời công đạo cho Pháp Luân Công. Tên của tôi bị công bố ở huyện. Tôi bị khai trừ khỏi ĐCSTQ và bị ép về hưu non. Tôi cảm thấy như mình vừa trút khỏi vai một gánh nặng, và thấy vui vì có thể gọi mình là một học viên Pháp Luân Công đầy tự hào.

Được Sư phụ khích lệ

Ba năm sau, tôi bị bắt giữ và nhà tôi bị lục soát. Tôi giữ sự điềm tĩnh và nhẩm bài thơ của Sư phụ:

Đại giác bất úy khổ
Ý chí kim cương chú
Sinh tử vô chấp trước
Thản đãng Chính Pháp lộ

Diễn nghĩa:

Bậc Đại Giác không e ngại khổ
Ý chí vốn hun đúc bằng kim cương
Không có chấp trước vào sống và chết
Đi trên con đường Chính Pháp một cách ung dung thanh thản

(Chính niệm chính hành – Hồng Ngâm II)

Khi ở sở cảnh sát, một cảnh sát đã nói: “Trước kia là giáo sư đáng kính, nay lại là phạm nhân.”

Tâm người thường của tôi bị kích động. Tôi thấy tức giận, oán ghét, buồn và sợ. Tuy nhiên, tôi cố gắng kiểm soát cảm xúc bản thân, luyện công và phát chính niệm. Đêm đó, khi đang ngồi ở tư thế song bàn, năm chữ màu bạc xuất hiện trước mặt tôi: “Chân – Thiện – Nhẫn đồng tại”.

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy qua thiên mục. Sư phụ đã khích lệ tôi – Tôi có Pháp và Sư phụ ở bên, có gì tôi phải sợ? Dòng lệ biết ơn ngân ngấn trong mắt tôi.

Tôi bắt đầu hướng nội. Tôi đã lơ là học Pháp, và vẫn còn rất nhiều chấp trước, như tâm tranh đấu, oán hận, sợ hãi, tự mãn, hiển thị, và an dật. Tôi cũng có quan niệm rằng thế nào mình cũng bị bắt giữ. Những tư tưởng ấy cần phải bị trừ bỏ thông qua học Pháp và phát chính niệm. Cựu thế lực đã lợi dụng chúng để can nhiễu tôi.

Sư phụ đã động viên tôi dĩ Pháp vi Sư, tu khứ tâm sợ hãi, và kiên định chính niệm. Tôi đã không đầu hàng khi bị tra tấn trong trại tạm giam và trung tâm tẩy não. Tôi cảm thấy thương cho những người xung quanh tôi, kể cả cảnh sát.

Cuối cùng, tôi đã tuyệt thực và được thả sau đó một năm.

Chân chính phản bức hại

Tôi sớm nhận ra rằng tôi đã lên tiếng cho Pháp Luân Công từ khi cuộc bức hại xảy ra, vì mọi người sẽ nghĩ tới tôi khi trường tôi bàn về Pháp Luân Công.

Sư phụ giảng:

“Sự tồn tại của chư vị đang khởi tác dụng cứu độ chúng sinh.: (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra trong những năm qua, có ba sự kiện đáng nhắc tới nhất.

Việc đầu tiên xảy ra khi đang thảo luận trong một cuộc họp công việc liên quan đến việc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin về một vụ án giết người. Mạng lưới truyền thông vu khống học viên Pháp Luân Công là kẻ sát nhân. Một giáo sư lớn tuổi đã nói: “Giết một người nhà ư? Người này chắc có vấn đề tâm thần? Pháp Luân Công tu Thiện, họ không sát sinh. Nhìn đồng nghiệp Vương của chúng ta xem [ông ấy chỉ tôi]. Trông ông ấy có giống kẻ điên khùng không?” Từ đó, không ai nói xấu Pháp Luân Công trong khoa chúng tôi nữa.

Sự kiện thứ hai xảy ra vào năm 2001. Sau khi CCTV phát sóng về vụ tự thiêu giả tại Quảng trường Thiên An Môn, ĐCSTQ yêu cầu các giảng viên và sinh viên trong khoa chúng tôi ký vào bản kiến nghị phản đối Pháp Luân Công.

Tôi đã đến từng khoa và văn phòng trong trường đại học để nói cho họ biết vụ tự thiêu đó là dàn dựng, và thuyết phục các trưởng khoa đừng gây áp lực cho nhân viên và sinh viên ký vào bản kiến nghị. Kết quả là nhiều người đã có lựa chọn đúng đắn và không ký.

Việc thứ ba là sau khi tôi gửi thư tới Phòng 610, bí thư đảng uỷ của trường đã có buổi nói chuyện với tôi. Tôi giải thích với ông ấy Pháp Luân Công là gì và việc bức hại các học viên là sai trái. Sau đó, ông ấy đã giúp tôi thoát khỏi trại tạm giam.

Môi trường tu luyện trở lại

Việc tôi bị bắt trở thành tin chính trong trường đại học. Mọi người trong gia đình tôi cũng rất bất ngờ. Môi trường tu luyện của tôi bị phá hủy, và tôi đã khá chật vật sau khi trở về nhà.

Tôi biết mình không làm gì sai, nhưng tôi không thể đối mặt với thế giới bên ngoài. Là một giáo sư được kính trọng trong trường, tôi thấy hổ thẹn vì những bức hại mà bản thân trải qua.

Sư phụ giảng:

“Trong tương lai có khi đang ở trước mặt người mà chư vị không muốn mất mặt nhất thì chư vị bị người ta tát cho hai cái, không cất đầu lên nổi; chư vị đối đãi vấn đề ấy như thế nào, xem chư vị có thể Nhẫn được hay không.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra tâm sợ mất thể diện của mình đã cản trở tôi, và tôi cần phải trừ bỏ nó. Mỗi học viên chúng ta có nhiệm vụ cho mọi người biết về sự tốt đẹp của Pháp Luân Công, nên tôi tự nói với bản thân rằng mình nên sống một cách đường đường chính chính.

Lần đầu tiên bước chân ra khỏi khu nhà tôi ở, vài người hàng xóm nhìn thấy tôi và vội vã bỏ đi. Tôi mặc kệ họ và bước đi thật nhanh. Đột nhiên có ai đó túm lấy tôi từ phía sau. Tôi quay lại, đó là bí thư chi bộ đảng trường tôi. Ông ấy nồng nhiệt bắt tay tôi và quan tâm tới tôi như một người bạn cũ. Không lâu sau, nhiều người khác cũng tới bên tôi.

Một giáo sư cao tuổi nắm lấy tay tôi và nói: “Cậu cần bước đi ngẩng cao đầu. Tất cả chúng tôi đều biết cậu là người tốt. Tu luyện Pháp Luân Công thì có gì sai? Đó là tự do tín ngưỡng – ĐCSTQ thật vô lý!”

Một đồng nghiệp khác ở khoa ngoại ngữ cũng động viên tôi: “Không cần biết đã xảy ra việc gì, anh luôn là vị giáo sư đáng kính nhất trong lòng tôi!”

Sự chào đón nồng ấm của họ khiến tôi bật khóc. Môi trường tu luyện của tôi mau chóng quay trở lại. Tôi đã được trải nghiệm như Sư phụ giảng:

“Đệ tử chính niệm túc, Sư hữu hồi thiên lực” (Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp)

Vì tôi mà gia đình và họ hàng cũng phải chịu đựng không ít. Tôi nói chuyện với họ, giải thích cho họ sự thật đằng sau cuộc bức hại. Họ nhanh chóng hiểu ra ĐCSTQ chính là nguồn gốc của mọi bất hạnh. Họ ủng hộ việc tôi tu luyện và cũng đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ.

Giảng chân tướng một cách hiệu quả

Trong thời gian ở trại tạm giam, tôi đã nói với nhiều quản giáo ở đó về Pháp Luân Công. Một hôm, một quản giáo dẫn tôi ra một góc rồi lấy cuốn Chuyển Pháp Luân giấu trong áo, nói: “Tại sao tôi không hiểu nổi một từ nào trong cuốn sách này vậy?”

Tôi trả lời: “Pháp Luân Công giúp cho những người tốt đạt đến giác ngộ. Anh làm hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp, đổi lại sẽ tích rất nhiều nghiệp. Vì vậy Pháp sẽ không triển hiện cho anh thấy!”

Anh ấy hỏi tôi với giọng sợ hãi: “Tôi nên làm thế nào?”

Tôi giải thích vì sao anh ấy nên thay đổi bản thân và trở thành người tốt.

Trong những năm qua, nhiều cảnh sát đã tới nhà tôi. Năm năm trước, một nhóm cảnh sát đến nhà kiểm tra tôi. Sau khi giới thiệu bản thân, họ hỏi tôi suy nghĩ thế nào. Tôi kể về việc tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ra sao, và cách thức ĐCSTQ tung ra những thông tin giả để kích động hận thù trong quần chúng đối với các học viên.

Tôi cũng nói với họ về việc tra tấn và giết hại các học viên, và vì sao có nhiều người đệ đơn lên Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân Tối cao để kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ đã phát động cuộc bức hại. Cuối cùng, người trưởng nhóm đã đứng dậy nói: “Tốt! Tôi rất thích bài thuyết giảng của ông!”

Năm 2014, một người bạn từ nước ngoài về thăm tôi. Sau khi nghe nói đến cuộc bức hại, ông ấy đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, và tuyên bố: “Lý do thực sự của chuyến về Trung Quốc của tôi chính là để được nghe ông nói!”

Năm 2015, tôi đã gửi đơn kiện Giang Trạch Dân. Tôi dùng tên thật và không lâu sau bị cảnh sát sách nhiễu. Khoảng thời gian đó, tôi nghe tin có một số học viên địa phương đã bị bắt giữ vì kiện Giang. Do đó, tôi quyết định viết một bức thư ngỏ gửi tới chính quyền địa phương.

Để vạch trần những hành động tàn ác của Phòng 610 và toà án địa phương, tôi đã xem các bài báo cáo về cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công được đăng trên website Minh Huệ trong 16 năm qua.

Tôi phân loại các dữ liệu thống kê về những học viên tử vong vì bị bức hại, những học viên bị bắt giữ, bị tuyên án tù, hoặc bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, v.v. Tôi cũng thu thập tên của những kẻ đã tham gia vào việc thu hoạch nội tạng của các học viên bị cầm tù. Tôi đưa những thông tin này vào bức thư và ký bằng tên thật.

Sau khi bức thư được gửi đi, tôi bị gọi lên phòng hội thảo và bị yêu cầu ngừng gửi những lá thư như vậy. Tôi nhân cơ hội này để nói với những người có mặt về chi tiết nội dung bức thư và họ đã cho qua.

Sư phụ đã giảng:

“Tà ác không dám phản đối việc giảng rõ chân tướng và cứu độ chúng sinh, điểm then chốt là ở chỗ tâm thái khi làm công tác không có sơ hở cho chúng dùi vào.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Boston năm 2002)

Hoa Ưu đàm khai nở

Hoa Ưu Đàm bà la, theo truyền thuyết 3.000 năm mới nở một lần để báo hiệu đức Chuyển Luân Thánh Vương tới cứu độ chúng sinh, đã xuất hiện trong nhà tôi vào ngày 18-10-2007. Có chín bông nở trên một quả táo! Tôi cảm thấy vui mừng không thốt lên lời.

Tôi mang quả táo tới văn phòng của người biên tập báo của trường đại học và giải thích cho cô ấy ý nghĩa quan trọng của hoa Ưu Đàm. Người biên tập báo đã hiểu về Pháp Luân Công và thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Tôi nhờ cô ấy trưng bày quả táo trong văn phòng để nhiều người hơn nữa được nhìn thấy hoa Ưu Đàm. Quả táo và hoa được bày ở đó hơn 2 tháng.

14 bông hoa Ưu Đàm cũng nở trong thang máy khu nhà con trai tôi vào tháng 8-2008. Tôi nghĩ đến việc nhờ truyền thông đưa tin về việc nhìn thấy hoa, nhưng những tư tưởng lo lắng xuất hiện trong đầu tôi. Tôi sẽ phải dùng tên thật khi tiếp cận với bộ phận tin tức, và bài báo về hoa Ưu Đàm cũng bị coi là một “chủ đề nhạy cảm”.

Sau khi suy nghĩ, tôi đã vượt qua nỗi sợ và nhớ tới lời Sư phụ giảng:

“Chúng ta thực hiện công việc chú trọng nhất vào quá trình” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])

Tôi tự nhủ: “Tôi nên làm điều đúng đắn, loại bỏ sự sợ hãi, và không chấp trước vào kết quả.”

Tôi đã đến hai cơ quan báo chí và đài truyền hình toàn tỉnh.

Hai ngày sau, có hai phóng viên truyền hình tới. Trưa cùng ngày, bản tin dài hai phút về hoa Ưu Đàm bà la được phát trong chương trình “Tin nóng thành phố”, vào thời điểm nhiều gia đình đang xem trong lúc ăn trưa. Hình ảnh và ý nghĩa khai nở của hoa cũng được trình chiếu.

Thành quả này khiến tôi rất vui và hiểu ra không gì là ngẫu nhiên. Tất cả đều có căn nguyên của nó!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/1/10/379972.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/26/176279.html

Đăng ngày 15-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share